12/08/2014

NGUYỄN HỮU ĐANG: MỘT BI KỊCH LỚN

Nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913-15/8/2014):

 Lê Thọ Bình
Đang nắm giữ những chức vụ và đảm nhiệm những công việc rất quan trọng của chính quyền: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thanh niên, được giao nhiệm vụ tổ chức ngày Lễ Độc lập (2-9), ông như con đại bàng đang bay cao. Nhưng rồi cái tư tưởng phóng khoáng, tự do của một chú đại bàng “hoang dã” muốn đưa đồng loại của mình tới khoảng trời bay nhày tự do đã khiến ông rơi từ “trời cao” xuống vực thẳm, để lại cho nhân gian những câu chuyện thật đau lòng bằng một vụ án văn chương mà người ta gọi là “Nhân văn giai phẩm”.
Vâng, ông là Nguyễn Hữu Đang, người được coi là “Lãnh tụ tinh thần” của “Nhân văn Giai phẩm”.
Hành trình bài bút ký

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Hữu Đang là mùa hè năm 1993, khi ông vừa lên Hà Nội cư trú sau gần 20 năm bị quản thúc thúc tại Thái Bình, quê ông.
Hôm ấy tôi đang làm việc ở Văn phòng cơ quan thì một cụ già vận chiếc quần bộ đội bạc phếch, áo sơ mi cộc tay trắng đã ố vàng bỏ ngoài quần, đi dép cao su 3 quai,đầu đội chiếc mũ lá tềnh toàng. Tôi đã nghĩ “Lại cụ nông dân đi kiện về đất đai” và chào ông. Ông cởi chiếc mũ lá. Đầu trọc lốc. Ông không chào, cũng chẳng đáp lời tôi, hỏi cộc lốc: “Các ông có biết tôi là ai không?”. Tôi lắc đầu. Ông nhăn mặt: “Tôi là Nguyễn Hữu Đang vừa ở tù 15 năm và quản thúc 20 năm đây!”. Tôi hết sức ngạc nhiên. Không, phải nói là sửng sốt thì đúng hơn. Nguyễn Hữu Đang, Lãnh tụ tinh thần của “Nhân văn giai phẩm” đây sao!
Thú thực, ban đầu tôi không thực sự ấn tượng vì cách nói chuyện theo kiểu không đầu không cuối của ông. Đầu hơi cúi gằm. Thỉnh thoảng lại lấm lét ngước mắt lên nhìn người nghe. Tuy nhiên, ông lại có chất giọng hào sảng, âm thanh rất vang.Cuối buổi trò chuyện ông rút trong chiếc bị cói ra tập bản thảo bút ký 15 trang giấy viết tay kể về “Tổ chức Ngày Lễ Độc lập năm 1945”. Nét chữ của ông nắn nót, tròn, đều tăm tắp. Tôi cảm ơn ông và hứa sẽ tìm cách đăng cho ông.
Tôi đã kỳ công biên tập ngắn gọn lại thành một bài viết 1.500 chữ và gửi cho báo Tuổi trẻ Chủ nhật (Nay là Tuổi trẻ cuối tuần) để đăng nhân dịp Quốc khánh, 2-9. Tuổi trẻ trả lời không đăng được. Tôi đã gửi đi tới cả chục báo, tạp chí như Đại đoàn kết, Lao động, Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Thế giới mới, Kiến thức ngày nay… nhưng tiếc rằng không báo nào “dám đăng”.
Đó là điều mà tôi đã tiên liệu trước: Ai dám đăng bài viết mà tác giả của nó là “Lãnh tụ tinh thần” của Nhóm”Nhân văn giai phẩm”. Tuy nghĩ là vậy, nhưng tôi vẫn hy vọng vào lòng quả cảm của một Tổng biên tập nào đó, vì thực ra ngay từ năm 1989 ông đã được "phục hồi", năm 1990 đã được trả lương hưu và năm 1993 đã được về sống tại Thủ đô.

Tôi như người “mắc nợ” với ông, mặc dù khi đưa tập bản thảo cho tôi ông đã bảo: “May ra có Tuổi trẻ dám đăng”. Sau đấy năm nào cũng vậy,cứ đến dịp Quốc khánh tôi lại gửi đến một vài báo khác nhau. Và vẫn câu trả lời: “Không đăng được”. Tôi luôn nặng trĩu trong lòng và vì “món nợ” ấy mà đã nhiều năm liền không dám tìm gặp ông.
6 năm sau, năm 1999, tôi về làm việc tại Báo Nông thông ngày nay. Vì là người được chị Mai Nhung, Tổng biên tập giao nhiệm vụ Tòa soạn, biên tập, duyệt đăng bài, nên tôi đã bê nguyên xi bản thảo ông Đang viết đăng 4 kỳ ở chân trang. Sau khi báo phát hành nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Thậm chí ông Vũ Duy Thông, lúc ấy là Vụ trưởng báo chí Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) biểu dương. Thì ra lâu nay toàn sợ bóng sợ gió cả.
Phần vì bận nhiều công việc, phần không tìm được ra nhà ông Nguyễn Hữu Đang, nên tôi đã không chuyển nhuận bút bài báo cho ông được.Mãi tới năm 2004 tôi mới tìm ra được căn hộ ông ở tít mãi tận Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lúc ấy còn rất hoang vắng.Như vậy là sau 6 năm, kể từ khi ông đưa cho tôi, bài Bút ký mới được đăng và sau 5 năm nữa món nhuận bút mới được chuyển đến tay ông.

Ở căn hộ khu tập thể Nghĩa Đô

Sau nhiều lần tìm kiếm rồi cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra nơi ông ở. Tôi và nhà báo Lương Thị Bích Ngọc chui qua cầu thang ẩm ướt, tối mò, lên tầng 2 dãy nhà Tập thể Bột mì (Nghĩa Đô) gõ cửa nhà ông. Chừng 5 phút sau ông Đang ra mở cửa.Căn phòng nhỏ, bộn bề, đặc mùi ẩm mốc.Ông đã bước sang tuổi 90, cơm nước phải nhờ đến một người cháu tới giúp, song những hoạt động trí tuệ thì ai có thể thay thế được cho con người vốn có tinh thần độc lập từ xưa- kể từ khi ông bị thực dân Pháp bắt tra tấn và suýt đưa ra tòa lúc còn là vị thành niên?
Ngồi ở chiếc bàn nhỏ vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh trên tường và trên bàn có nhiều tấm ảnh chân dung chắc chắn là rất thân thiết với ông; và đập ngay vào mắt chúng tôi là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được cho vào khung ảnh cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh quy. Chiếc bàn kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ để lăn lóc.
Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc Lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh.Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ.
Nhìn ông, ai có thể tin rằng: Sau mười lăm năm tù đầy, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc- nhái- chuột- rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình… Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh.
Thấy mấy cuốn sách,vài ba tờ báo vứt lỏng chỏng trên bàn, trên giường,tôi hỏi ông: “Lâu nay bác vẫn nhận được sách báo đều chứ ạ?”. Ông không nói gì, chập chạp, run rẩy đứng dây khỏi giường, chậm rãi bước tới cái giá sách nhỏ ở góc nhà lục tìm cái gì đó. Nhìn dáng ông đi liêu xiêu, mảng lưng hở qua chiếc áo bở tã đến thê thảm. Ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng! Ông Đang không hề để ý tới việc khách mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông. Ông rời giá sách trên tay cầm theo cuốn sách dày cộp. Ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa“Le petit Larousse” in năm 2.000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: “Mất từ tr. 865 đến tr. 968″. Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. Tôi hỏi ông: “100 trang sách đã bị xé. Ai đã xé những trang này hỡ bác?”. Ông thở dài: “Còn ai vào đây nữa!”. Ông nói nhỏ dường như chỉ để cho mình ông nghe:“Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho tôi. Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!”.
Câu cuối ông nói ra vừa có gì diễu cợt lại vừa đượm nước mắt. Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác- kể cả với những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có, vậy mà đã nó diễn ra thường xuyên như thứ một tập quán ghê sợ!

Nguyễn Hữu Đang: ông là ai?

Nguyễn Hữu Đang sinh ngày 15/8/1913 tại làng Trà Vy, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Theo bản "Tóm tắt quá trình hoạt động xã hội của Nguyễn Hữu Đang" do chính tay ông viết thì năm mười sáu tuổi, ông tham gia Học sinh hội (tổ chức thuộc Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, rồi Đông dương Cộng sản đảng), làm tổ trưởng Hội này. Ngay từ năm 1929 Nguyễn Hữu Đang đã là đối tượng được kết nạp vào đảng. Cuối năm 1930, ông bị bắt, bị tra tấn và bị giam 2 tháng rưỡi tại nhà lao thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, bị đưa ra toà, nhưng vì tuổi vị thành niên (trên giấy tờ, ông rút tuổi, khai sinh năm 1916), cho nên chỉ bị quản thúc tại quê nhà. Từ 1932 đến 1936, Nguyễn Hữu Đang theo học trường sư phạm Hà Nội.
Năm 1937-1939 ông tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương. Biên tập các báo của Mặt trận như Thời báo (cùng Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kính), Ngày mới (cùng Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Đức Kính) và các báo của Đảng Cộng sản như Tin tức (cùng Trần Huy Liệu, Phan Bôi), Đời nay (cùng Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh, Trần Huy Liệu)
Từ 1938 đến 1945, Nguyễn Hữu Đang hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ, ở các vị trí: Uỷ viên ban trị sự Trung ương, Huấn luyện viên Trung ương, trưởng ban dạy học, Trưởng Ban Cổ động, Phó trưởng Ban Liên lạc các chi nhánh tỉnh.
Năm 1943 Nguyễn Hữu Đang gia nhập Đảng Cộng sản Đông dương, bắt đầu liên lạc mật thiết với Tổng bí thư Trường Chinh và thành ủy Hà Nội, nhưng vẫn chưa được chính thức kết nạp vào Đảng.
Năm 1943-46 ông Tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hoá cứu quốc, tiếp tục hoạt động chống nạn mù chữ. Mùa thu năm 1944 bị Pháp bắt ở Hà Nội và bị giam một tháng tại Nam Định. Được ra, lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tháng 8-1945 ông tham dự đại hội Tân Trào, được bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc. Tham gia Chính phủ lâm thời mở rộng, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ truyên truyền. Đồng thời cũng trong năm đó ông được Hồ Chí Minh cử làm Trưởng Ban Tổ chức Ngày Lễ tuyên bố độc lập 2-9-1945.
Từ tháng 10-1945 đến tháng 12-1946 ông giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủỷ ban vận động Mặt trận văn hoá. Tổ chức Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.
Từ tháng 12-1946 đến tháng 3-1948 ông làm Trưởng Ban Tuyên truyền xung phong trung ương.
Năm 1947, ông chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Từ tháng 4-1948, đến tháng 4-49, ông phụ trách báo Toàn dân kháng chiến, cơ quan trung ương của Mặt Trận Liên Việt.
Từ tháng 7-1949 đến tháng 10-1954 Nguyễn Hữu Đang làm Trưởng ban Thanh tra Nha bình dân học vụ. Từ tháng 11-1954 đến tháng 4- 1958 ông tổ chức và biên tập báo Văn Nghệ. Cuối năm 1956 đầu năm 1957 Nguyễn Hữu Đang tổ chức, lãnh đạo và biên tập báo Nhân Văn, giúp đỡ tập san Giai Phẩm.

Phong trào “Nhân Văn giai phẩm”

Nguyễn Hữu Đang chính thức tham gia hoạt động phong trào Nhân Văn Giai Phẩm từ tháng 9-1956, với sự ra đời của báo Nhân Văn số 1 (20-9-1956). Báo Nhân văn ra được 5 số và đến số thứ 6 chưa kịp phát hành đã bị đình bản (tháng 12-1956).
Trong thời gian tổ chức và tham gia phong trào “Nhân văn giai phẩm”, Nguyễn Hữu Đang tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày (từ ngày 8-8 đến 26-8-1956) và trong ngày cuối cùng, ông đã đọc một bài tham luận "nảy lửa" chỉ trích những sai lầm trong công tác lãnh đạo văn nghệ. Trương Tửu đánh giá bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang là"sự việc thực là cụ thể, lời lẽ thực là tha thiết". Hoàng Cầm cho rằng tinh thần nêu những thắc mắc, có từ kháng chiến, tích tụ lại và bùng nổ lên trong lớp học này.
Nhà văn Lê Đạt sau này kể lại: "Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi (Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ-VN) rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm".
Còn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại không khí lớp học 18 ngày, trong nhật ký của mình như sau: "Nguyễn Hữu Đang nổi lên. Tiếc rằng kéo anh ta về văn nghệ để làm rầy rà mình. Chính người chửi mình nhất là Nguyễn Hữu Đang".Những bực mình và dằn vặt của Nguyễn Huy Tưởng, càng làm rõ tấm lòng và nhân cách của ông: Mặc dù không đồng ý với Nguyễn Hữu Đang, bị Đang chỉ trích nặng nề, nhưng sau này, ông là người duy nhất trong ban lãnh đạo văn nghệ đã đứng ra bênh vực Nhân Văn, như Lê Đạt từng thuật lại và ông cũng ghi trong nhật ký: “đã phản ảnh lên Trường Chinh về vụ Nhân Văn, nhưng vô hiệu”.
Về phía buộc tội, Nguyễn Hữu Đang được coi là lãnh tụ, "đầu sỏ". Mạnh Phú Tư viết: “Người ta không thấy tên tuổi Nguyễn Hữu Đang trên những số đầu báo Nhân Văn, nhưng chính hắn là linh hồn của tờ báo.Thông qua tờ báo Nhân Văn, hắn đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị... ".
Thực vậy, là người làm chính trị, Nguyễn Hữu Đang, với tài tổ chức và hùng biện trong lớp học 18 ngày, ông đã chiếm được lòng tin của giới trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến. Ông nắm lấy cơ hội, đứng ra tổ chức “Nhân Văn Giai Phẩm” với những người bạn cùng chí hướng từ trong kháng chiến như Trương Tửu, Trần Thiều Bảo, Lê Đạt, Hoàng Cầm… chủ trương tạp chí “Giai phẩm mùa xuân”.
Tuy không có nhiều bài ký tên thật, nhưng dấu ấn của Nguyễn Hữu Đang trên báo Nhân Văn là hết sức đậm nét bằng hàng loạt bài phỏng vấn các tên tuổi lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ về vấn đề dân chủ.
Sau này Nguyễn Hữu Đang nói: “Thực chất phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm”, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống, không phải chống đảng cộng sản, mà là chống chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Statline và chủ nghĩa Mao đưa đến nhiều hiện tượng cực quyền toàn trị. Nó gay gắt ghê lắm! Chúng ta đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức, Ðăng ký hộ khẩu v.v… Tất cả những chính sách quá tả đó là đều từ phương Bắc xâm nhập vào Việt Nam”.
Tháng 4-1958 Nguyễn Hữu Đang bị bắt. Ngày 19-1-1960, ông bị đưa ra toà cùng với Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại, và Lê Nguyên Chí.
Sau này Nguyễn Hữu Đang nhớ lại: “Ở trước tòa án thì tôi nhận mấy điểm như thế này: (1).Tôi có phạm kỷ luật của Ðảng và của nhà nước về phương diện tuyên truyền. (2).Trong việc làm của tôi, cũng có những vụ sai sót. Anh em cũng như tôi thôi, thế nhưng tôi gánh trách nhiệm nặng hơn. (2). Ðộng cơ thì nhất định là tốt: Chúng tôi chỉ vì dân, vì nước mà tin rằng việc mình làm có ích nước lợi dân cho nên làm thôi.
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên: Nguyễn Hữu Đang và Thụy An: 15 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân sau khi ra tù; Minh Đức: 10 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại: 6 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí: 5 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân.
Sau này có lần Nguyễn Hứu Đang nói: “Ra tòa tôi nhận hết, chứ tôi không bào chữa, không cãi cọ gì nhiều cả. Thậm chí là sau khi bị kết án 15 năm tù tôi cũng không có ký chống án gì cả. Từ bấy giờ đến nay tôi cũng không viết một cái đơn nào để thanh minh, phân trần, xin xỏ, khoan hồng hay là nọ kia. Không! Cái việc đó không!

Có thật là Nguyễn Hữu Đang tìm cách trốn vào Nam?

Thông tin thời bấy giờ và cả sau này nữa đều cho rằng Nguyễn Hữu Đang bị bắt khi ông đang trên đường trốn vào Nam. Tuy nhiên sự thật có phải như vậy không? Chúng ta hãy nghe chính Nguyễn Hữu Đang sau này kể lại: “Tôi muốn ra nước ngoài, chứ không phải vào Nam, nhưng tôi đã đặt điều kiện: Nếu các anh giúp tôi đi ra một nước khác, tôi chấp nhận, nhưng vào Nam thì tôi từ chối, vì như thế hàm chứa cái ý phản bội, chạy sang phe địch, phe thù. Đó là một sự nhục nhã. Vào Nam? – Để làm gì chứ? Vào Nam làm gì với Ngô Đình Diệm? Nhưng tôi thực sự muốn ra nước ngoài- tôi đã nói thẳng với Trường Chinh trong một cuộc gặp giữa ông ấy và tôi. Câu hỏi thứ nhất mà Trường Chinh vừa cười vừa đặt ra cho tôi là: “Hả, sao kia, anh đã tuyên bố với các đồng chí rằng anh muốn ra nước ngoài, vì không khí trong nước nghẹt thở quá. Vậy là anh muốn ra nước ngoài, nhưng đến một nước trong phe xã hội chủ nghĩa hay phe đế quốc, anh nói tôi nghe”. Ông ta cười. Lúc đó tôi vừa cười vừa trả lời: “Tôi rất muốn ra nước ngoài, một nước trong phe xã hội chủ nghĩa nếu điều kiện cho phép. Nhưng nếu vì những khó khăn buộc tôi phải đến một nước theo chế độ tư bản, tôi có thể chấp nhận. Bằng chứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú ở Pháp, và ông đã giữ được lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, và tôi có thể làm như ông ấy. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, tôi cũng là nhà cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản, tôi cũng là cộng sản. Nguyễn Ái Quốc có lòng dũng cảm, tôi cũng có lòng dũng cảm. Tôi không sợ cư trú dài hay ngắn hơn trong một nước tư bản”. Thế là người ta đã sửa soạn… Người bạn đã khuyên tôi nên ra nước ngoài đã nhận lời giúp tôi đến được một nước khác. Anh ấy đã hứa, nhưng chuyến đi đã không được thực hiện. Vậy là tôi lỡ một dịp đi đến một nước khác. Nhưng để tô vẽ bản cáo trạng, người ta đã đưa vào câu tôi muốn vào Nam. Khi đó tôi trả lời toà án: “Không, tôi không muốn vào Nam; tôi muốn đi ra nước ngoài”. Và người ta hỏi tôi: “Nhưng ở nước ngoài anh sẽ làm gì?”- “Đấu tranh cho thống nhất, thống nhất hai miền; ở nước ngoài tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, thống nhất hai miền Bắc Nam”. Nghe lời tuyên bố ấy, cử toạ… phiên toà bao gồm những người ủng hộ chính phủ, quần chúng của Đảng, đảng viên, những cán bộ của nhiều tổ chức và hoạt động khác nhau đều phản nhân văn, họ phá lên cười nhạo cái ý định đấu tranh cho thống nhất đất nước của tôi. Trong chuyến đi rời đất nước ra nước ngoài, tôi muốn thăm Ấn Độ và Nam Tư của Tito, tôi tin ở Nehru và Tito. Tôi rất muốn gặp họ và xin họ lời khuyên để đấu tranh cho nước Việt Nam bị chia cắt, để Việt Nam được thống nhất và độc lập. Tôi muốn gặp Tito và Nehru…”.
Sau này, khi ra tù, Nguyễn Hữu Đang cho biết: “ Khi Hiệp nghị Paris trả lại tự do cho tôi, tôi đã viết thư cho gia đình – người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình để báo tin tôi được trả tự do. Lúc ấy cả gia đình tôi kinh ngạc, cả gia đình tôi hoàn toàn sửng sốt: “Ôi, kìa, anh Đang còn sống, thế mà chúng ta cứ tưởng anh đã chết lâu rồi”.

Mối tình bi thương

Sẽ là không vẹn toàn nếu nói về cuộc đời đầy bi kịch của Nguyễn Hữu Đang mà không nhắc tới mối tình đầy lãng mạn, nhưng cũng không kém phần bi thương của ông.
Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang 32 tuổi. Ở cái tuổi “tam thập nhi lập”, lẽ thường đã phải yên bề gia thất, nhưng ông vẫn độc thân sau những năm tháng mải mê với những công việc xã hội.
Trong đống bản thảo mà Nguyễn Hữu Đang để lại có một bản mà giấy đã ngã màu vàng, gần như đã bắt đầu mục nát, không hiểu ông viết vào thời gian nào, ông đã kể lại mối tình đầu với một thiếu nữ Hà Nội tên là Huyền Nhiên: “Năm ấy mới 19 tuổi là con một gia đình thương nghiệp trung lưu sống theo nền nếp cổ truyền, chưa học hết bậc thành chung, phong cách thùy mị... không thích đua đòi”.
Ông viết: “Đối với tôi lúc ấy, sắc đẹp là tất cả, biết bấy nhiêu về Nhiên đã là thừa. Không cần biết gì về Nhiên mới đúng. Có ai lại ngớ ngẩn chỉ chú ý đến tài năng, đạo đức, học vấn, gia sản, lý lịch Hằng Nga, Tiên nữ bao giờ?... Theo lòng mình, tôi kính trọng Huyền Nhiên tới mức yêu nhau nửa năm trời tôi chưa từng dám chạm vào thân thể Huyền Nhiên, dù chỉ cầm tay cũng đã coi là xúc phạm, còn nói chi đến ôm hôn”... Hồi ức còn viết rất nhiều, bằng những lời lẽ mà chỉ đọc vẫn nhận ra tình cảm rất nồng nàn của người viết sau nửa thế kỷ đầy những truân chuyên.
Cuối cùng, vị Thứ trưởng Bộ Thanh niên cũng quyết định phải thổ lộ với người mình yêu bằng việc tặng cho Huyền Nhiên tiên nữ một chiếc vòng tay bằng bạc như một giao ước kết hôn. Nàng đã đặt chiếc vòng cầu hôn vào hộp, nói những lời cam kết là sẽ yêu chàng suốt đời, sẽ đến lúc thành hôn, sẽ chung sống với nhau trọn đời... Người đẹp chỉ có một yêu cầu: “Em chỉ ước ao được đến gặp cụ Hồ, được đứng gần cụ. Mà anh thì đến chỗ cụ luôn, anh cho em đến chỗ cụ Hồ một lần, chỉ một lần thôi”.
Tuy công việc khiến vị Thứ trưởng Thanh niên có cơ hội gặp Cụ Hồ, nhưng ông cũng e ngại vì không muốn lẫn lộn việc công tư. Nhưng tình yêu đã giúp ông thực hiện được một cách mỹ mãn ý nguyện của người mình yêu.
Có một nhà tư sản yêu nước ở tỉnh Bắc Giang tên là Ngô Tiến Cảnh mà ông từng quen biết trong thời kỳ tham gia chống thất học, lúc bấy giờ đang làm chủ tịch cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Cuộc vận động này từng được cụ Hồ phát động nhằm cung cấp trang phục cho lực lượng vũ trang cách mạng mới thành lập còn nhiều thiếu thốn. Cuộc vận động đã làm được 1 vạn chiếc áo trấn thủ. Ông Cảnh muốn được gặp cụ Hồ để báo cáo tình hình và trao tặng tượng trưng tấm áo cho Người.
Nhà tư sản nhờ ông Nguyễn Hữu Đang đề đạt và cụ Hồ tỏ lòng sẵn sàng tiếp một đoàn đại biểu “Mùa đông binh sĩ”. Ông Đang bàn với ông Cảnh những nghi thức của buổi tiếp, để thêm phần trang trọng khi tặng áo cho Hồ Chủ tịch sẽ có một thiếu nữ bưng một cái khay trên đó đặt tấm áo được trao. Ông Đang hứa sẽ tìm người giúp ông Cảnh làm công việc này và đương nhiên người đó chính là cô thiếu nữ Hà thành đang mong ước được gặp cụ Hồ. Nhất cử lưỡng tiện.
Cuộc gặp được Nguyễn Hữu Đang kể lại trong bản thảo hồi ký của minhfnhw sau: “Tới ngày giờ hẹn, tôi dùng xe hơi đưa Nhiên đến trụ sở “Mùa đông binh sĩ” rồi đến Bắc Bộ phủ. Cụ Hồ ra phòng khách lớn tiếp đoàn đại biểu trong đó có cả Huyền Nhiên đứng cạnh ông Cảnh, tay bưng sẵn chiếc khay trên đó có một chiếc áo trấn thủ. Ông Cảnh nói đến câu “xin kính biếu Chủ tịch tấm áo trấn thủ đầu tiên may được” thì Nhiên bước nhanh đến sát cụ Hồ, khay nâng ngang mặt cung kính. Cụ cầm áo xem xét kỹ, khen “tốt lắm!”, rồi đưa cho Vũ Đình Huỳnh giữ. Cụ nói chuyện với đoàn đại biểu có vẻ tự nhiên, cởi mở. Rồi như thường lệ, cụ không quên cử chỉ quan tâm đến người con gái vừa dâng áo, hãy còn cầm khay đứng đó. Cụ đặt bàn tay lên đầu Nhiên vỗ vỗ nhẹ mái tóc, nói dịu dàng: “Cháu mang đến cho Bác áo chống rét, quà quý của Ủy ban Mùa đông binh sĩ, Bác cảm ơn cháu. Cháu sẽ rủ các bạn của cháu cùng với cháu giúp các chiến sĩ bộ đội nhiều hơn giúp Bác, đem lại cho họ những món quà tỏ tình thương yêu của đồng bào. Cháu làm được không?”. Tất cả mọi người có mặt đều đổ dồn sự chú ý vào Nhiên và chờ cô đáp lại. Phần vì cảm động quá, phần vì chẳng biết trả lời thế nào, Nhiên e lệ cúi mặt nói yếu ớt tiếng run run như sắp khóc “vâng”. Cụ cười độ lượng, khuyên nhủ ngọt ngào: “Phụ nữ thời cách mạng phải mạnh bạo. Có mạnh bạo mới đấu tranh được”...
Ít lâu sau, chiến tranh bùng nổ. Người thiếu nữ đã đính hôn của Nguyễn Hữu Đang phải theo gia đình tản cư khỏi Hà Nội. Năm 1948, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh xung quanh, càn quét liên miên hai bên các trục đường giao thông lớn. Gia đình Nhiên không chịu nổi gian khổ phải trở về Hà Nội. Không thể một mình ở lại vùng tự do, Nhiên đành theo gia đình. Từ đấy tôi không còn dịp nào gặp lại Nhiên”...
Chiến tranh, rồi cuộc kháng chiến 9 năm, khiến cuộc hôn nhân không thành và hai người sống cách xa nhau, nhưng lời hẹn ước thì không ai đơn sai. Ngày kháng chiến thành công trở về với thủ đô giải phóng, cuộc sống bề bộn cùng những bi kịch của đời ông, nên tiếc rằng mối tình duy nhất của ông đã trở thành dang dở.
Sau này Nguyễn Hữu Đang không kể thêm về cuộc đời tiếp theo của người bạn gái nhưng cho đến cuối đời, mối tình ấy vẫn là một ký ức đẹp nhất của cuộc đời ông.
Năm 2007 ông qua đời ở tuổi 93, mang xuống tuyền đài tất cả những vinh quang, cay đắng, hạnh phúc và khổ đau.

Trường Sa
Tháng 4 năm 2014
Facebook Bình Lê Thọ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire