22/01/2015

12 con dê cho hộ nghèo “chui vào, đi nhầm vào" trang trại Lãnh đạo Huyện




Gần đến năm con dê, xin nói chuyện dê:


Chương trình xóa đói giảm nghèo giúp 24 con dê cho 6 hộ nghèo, trong đó chỉ có 3 hộ nghèo thật còn 3 hộ kia nghèo giả đứng tên nhận 12 con dê rồi sau đó chuyển về cho Bí thư Huyện ủy. Đó là chuyện 12 con dê cho hộ nghèo đã "chui hoặc đi lạc" vào trang trại Bí thư Huyện ủy. 12 con dê không đáng là bao mà còn ăn chặn thì không biết ông Bí thư Huyện ủy chừa ra cái gì.

Thế mới thấy người ta vẫn nói từ lâu nay cán bộ đảng ăn không chừa một thứ gì cho dân là có chứng cứ.

Từ ăn cướp phần ăn của học sinh nghèo, cướp dê của hộ nghèo cho đến các ông to ăn to như cựu Ủy viên TƯ đảng ở Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn, cựu Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Tuyền… thế mà thanh tra không bao giờ truy ra được. Đảng là đỉnh cao của … ghê tởm

Con dê đi đâu cũng kêu be be, cộng với đơn thư tố cáo của người dân nhưng phải chờ đến nửa năm mới lộ ra và cho đến nay mặc dù đã "rút kinh nghiệm sâu sắc" nhưng ông Bí thư huyện ủy Đỗ Minh Quý vẫn mặc nhiên be be thay mặt Đảng lãnh đạo Huyện.

Chiêu "đập chuột vở bình" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chính là "chân dung quyền lực" của đảng cộng sản thoái hóa hiện nay.





Thanh Hoá: 12 con dê cho hộ nghèo "chui" vào trang trại lãnh đạo huyện

 

Xuân Hùng  (Báo Lao Động   16/01/2015)

Báo Lao Động - 24 con dê của thị xã Bỉm Sơn hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên (huyện Thạch Thành) là việc làm ý nghĩa, thiết thực triển khai Nghị quyết 09 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Tuy nhiên, chỉ một nửa số dê đến tay đúng đối tượng, 12 con còn lại được đưa thẳng vào trang trại của Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành.


Chẳng đáng là bao (nên... đưa về cho Bí thư Huyện ủy)

Ngày 18.3.2014, ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành và ông Tạ Ngọc Phước - Bí thư Thị uỷ Bỉm Sơn - ký kết chương trình kết nghĩa. Đây là hành động thiết thực thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi. Theo ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Bỉm Sơn - đến nay, thị xã đã trao 2 đợt dê giống cho các hộ nghèo huyện Thạch Thành với tổng số 60 con, trị giá 250 triệu đồng.

Chương trình mang ý nghĩa nhân văn lớn, nhưng đã bị lợi dụng. Theo điều tra của PV Báo Lao Động, đợt trao dê lần thứ nhất, ngày 3.6.2014, thị xã Bỉm Sơn bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê cho 6 hộ ở xã Thành Yên. Đối tượng nhận dê được lãnh đạo 2 đơn vị quy định phải là hộ nghèo theo chuẩn. Tuy nhiên, chỉ có 3 hộ là đúng đối tượng được trao gồm: Ông Đinh Văn Liên (thôn Thành Tân), ông Đinh Văn Phú (thôn Yên Sơn 1) và ông Đinh Văn Phước (thôn Yên Sơn 2). Ba hộ ký nhận không đúng đối tượng gồm: Ông Đỗ Quang Phê, Đỗ Văn Thi và Nguyễn Văn Quý. 3 hộ này thuộc xã Thành Yên, nhưng theo xác nhận của ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên - cả 3 hộ trên đều không phải là hộ nghèo trong xã.

Thực tế, ông Phê còn có cả trang trại lớn nuôi dê, gà, lợn rừng. Sau đó, 12 con dê này được đưa vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý ngay trên địa bàn xã, 3 hộ sai đối tượng trên chỉ ký xác nhận. Ông Gương lý giải việc đưa số dê trên vào trang trại của ông Quý: "Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê".

Xã Thành Yên có 840 hộ, thì có tới 252 hộ nghèo, nhưng số dê lại không giao đúng đối tượng được hỗ trợ. Ông Gương cho biết: "Thì tại anh Ngọc (Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thành - PV) anh ấy phân bổ như thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận. Trả lời qua điện thoại, anh Ngọc ậm ừ, chỉ nói: “Việc đó đã được khắc phục xong rồi".

Như vậy, 12 con dê tình nghĩa của Bỉm Sơn đã bị cán bộ trạm khuyến nông và cán bộ xã ở Thạch Thành hợp thức hoá, đưa thẳng vào trang trại của Bí thư Huyện uỷ.

Sau hơn nửa năm mới biết cấp nhầm dê giống?

Sau khi có thông tin tố cáo của người dân, chiều 13.1, huyện Thạch Thành tổ chức lấy dê từ trang trại của Bí thư Huyện ủy ra phân phát cho hộ nghèo. 3 hộ nghèo gồm: Hộ Đinh Văn Phước, Quách Văn Chung và Đinh Văn Cảnh - cùng thôn Yên Sơn 2 - được nhận 12 con dê này. Ông Đinh Quang Thuận - Trưởng thôn Yên Sơn 2 - xác nhận đây là 3 hộ nghèo của thôn. Ông Gương cho rằng, việc giao dê trước đó sai đối tượng, xã đã khắc phục và rút kinh nghiệm sâu sắc.

Qua điện thoại, ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ, chủ trang trại trên địa bàn xã Thành Yên - cho hay, cùng thời điểm thị xã Bỉm Sơn tặng dê, ông xin được dự án của Bộ KHCN về phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi này thoát nghèo. Theo đó, dự án được Bộ KHCN tài trợ cho huyện 2,6 tỉ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 600 triệu đồng.

“Tôi đã đầu tư thêm như một dự án khoa học. Là lãnh đạo huyện, tôi làm mô hình để bà con theo chứ không có chuyện làm kinh tế trang trại" - ông Quý nói. Theo ông Quý, việc cán bộ xã đưa 12 con dê vào trang trại, ông có biết nhưng nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án như bao hộ khác (mỗi hộ hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn. Chính ông Quý đã chỉ đạo cấp dê ngay lại cho các hộ nghèo sau khi biết thông tin vào ngày 12.1.

Như vậy, việc cấp nhầm nguồn dê cho Bí thư Huyện ủy chỉ được phát hiện sau nửa năm khi có đơn tố cáo của người dân.

Theo ông Quý, sở dĩ có chuyện cấp nhầm nguồn dê giống cho ông là do cán bộ khuyến nông muốn mô hình trang trại của ông nhanh thành công làm mẫu cho bà con để tiếp tục phát triển dự án, sau khi có dê từ dự án mới cấp lại cho hộ nghèo. Tuy nhiên, "nói gì thì nói, làm như vậy là sai rồi, cái gì nó ra cái đó, không thể lẫn lộn như vậy được” - ông Quý xác nhận.

Trước đó, bà Bùi Thị Mười - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Thạch Thành - tỏ ra ngạc nhiên khi không hay biết vụ việc và sẽ xem xét lại việc này…

*******************************************************************************************

12 con dê đi nhầm vào nhà Bí thư huyện ủy



Mi An (Báo Đất Việt)


Báo Đất Việt - Ở xứ Thanh đang có chuyện nực cười, 12 con dê cấp cho hộ nghèo không biết tại sao lại được chở thẳng vào trang trại nhà ông Bí thư huyện…


Đàn dê đi nhầm vào trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy. Ảnh: báo Lao động
Báo Lao động cho biết một câu chuyện rất buồn cười như sau: Huyện Thạch Thành và Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có ký kết với nhau một chương trình kết nghĩa hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi.

Theo đó, ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để phân cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên. Tuy nhiên chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, còn 12 con còn lại, được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý- Bí thư huyện ủy.

Lý giải cho việc chuyển dê vào nhà ông Bí thư huyện ủy, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: "Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê. Tại Trạm trưởng khuyến nông huyện phân bổ thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận".

Gớm chửa, cái lý do lý trấu của các vị cán bộ đưa ra nghe sao mà khéo léo, ngọt ngào và kín kẽ. 12 con dê có đáng là bao, trang trại của ông Bí thư huyện ủy đang có sẵn 70 con dê, đưa về cho nó theo đàn.

12 con dê này, tiếc một cái là chúng chẳng biết nói năng, chứ giá kể chúng mà nói được như người, thì thể nào các ông xã cũng bảo: "Chúng tôi đã xin ý kiến các anh dê rồi, các anh ấy không phản đối" cũng nên.

Thế có khổ cho dân không, 24 con dê giống phân về cho hộ nghèo để giúp họ xóa đói giảm nghèo, thế mà mất 1 nửa số dê đi nhầm địa chỉ, vậy là nước chảy chỗ trũng, dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Sự vụ này cũng là do người dân bức xúc tố cáo ra, và ngày 13/1 vừa qua, huyện đã tổ chức lấy dê từ trang trại ông Bí thư huyện ủy ra để phát lại cho dân nghèo. Tức là hơn nửa năm yên vị trong nhà ông huyện, dê mới tìm được về đúng với chủ.

Ông Bí thư huyện ủy bảo: "Biết là có dê vào trang trại nhưng tôi nhầm với dê của một dự án khác, chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn". Chính ông Quý đã chỉ đạo cấp dê ngay lại cho các hộ nghèo sau khi biết thông tin vào ngày 12.1.

Theo thống kê, xã Thành Yên có 840 hộ, thì có tới 252 hộ nghèo, vậy mà 12 con dê này thật là tệ bạc, chúng không biết tìm đúng hộ nghèo mà về lại chọn vào trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy làm gì để bây giờ ông phải mang tai mang tiếng?

Chuyện 12 con dê đi nhầm vào nhà ông Bí thư huyện ủy này, xét cho giá trị vật chất không đáng là bao, nhưng từ đó suy ra, có rất nhiều điều không ổn trong chủ trương xóa đói giảm nghèo.

Tại sao có những hộ dân mãi nghèo, nghèo tới mức con cái không có miếng cơm mà ăn, không có tiền đi học, là bởi những cơ hội nhỏ nhặt nhất thế này bị nhầm địa chỉ.

Một con dê giống đối với hộ nghèo là cơ hội để họ thoát khỏi ngõ cụt của sự nghèo, vô cùng có ý nghĩa, nó có là gì so với đàn dê đã có sẵn 70 con trong trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy đâu? Vậy mà các cán bộ xã cũng không nương tay, cũng phải chở về nhà ông huyện cho kỳ được mới thôi.

Ông huyện thì bảo mình nhầm, nhưng ông xã không nhầm, ông trưởng trạm khuyến nông huyện cũng không nhầm, chẳng qua là họ thấy chẳng tội gì phải lo cho những hộ dân đói rách, họ phải lo cho quyền lợi của chính họ trước đã.

Không biết còn những nơi nào có chuyện như ở Thạch Thành mà vẫn chưa bị phát hiện ra?

Nông dân, hộ nghèo, những người chân lấm tay bùn quanh năm vất vả kiếm miếng ăn, nhưng quyền lợi của họ thì bao giờ cũng dễ bị thương tổn nhất. Được con dê giống thì nó đi nhầm vào trang trại nhà ông bí thư. Làm ra được nông sản thì bị xử ép đến nỗi phải đổ trắng ra ngoài đường như rác cũng không ai đoái hoài, thương xót.

12 con dê đi nhầm địa chỉ là một vụ "tai nạn" không mong muốn, bởi chúng là những cơ thể sống, lại còn lắm mồm lắm miệng, đi tới đâu cũng be be lên thì vụ "nhầm nhọt" của ông huyện mới bị lộ ra. Còn những vụ "đi nhầm” địa chỉ khác của những bất động sản, hay tiền vàng- những thứ cả đời không hé răng, thì dân nghèo đành chịu chết.

12 con dê đi nhầm nhà, chuyện tưởng không may nhưng mà lại hóa may, bởi nó giúp cho chúng ta nhìn rõ hơn những chuyện thường ngày của một số ông cán bộ.


Mi An

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire