25/01/2015

CHỌN CÁI NÀO?

Nguyễn Đại
 

-          Mark nói, đại ý "giai cấp tư sản giàu có là do ăn cắp của giai cấp vô sản".

-          Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.

Bạn nào hài lòng với hai mệnh đề trên thì đọc bài này nha.

1. Giả sử như bây giờ nhà nước làm cú đổi tiền, tất cả tài sản chia rất đồng đều cho mọi người, không còn ai giàu, nghèo; thì sau một thời gian, với nền kinh tế thị trường, sẽ lại có tư sản và vô sản! Đó là quy luật. Đế tránh quy luật này, nền kinh tế kế hoạch được áp dụng. Tuy nhiên...


2. Bà mẹ quê mang ổi lên ngồi ở chợ bán, giá gốc của bà là 6.000 đ/kg. Sáng sớm, chợ đông, nhộn nhịp, trái cây còn tươi, bà bán 15.000 đ/kg. Tầm 9h, nắng lên, khách vãn, bà hạ xuống 10.000 đ/kg. Đến 11h, còn ít ổi héo trong giỏ, bà bán đổ đống luôn 5.000 đ/kg, chấp nhận lỗ 1.000. Bà chẳng học một khóa kinh tế nào, chẳng duy tâm hay duy vật. Bà tuân thủ kinh tế thị trường như một điều tất yếu. Bản thân nền Kinh tế nó đã có tính thị trường rồi. Thế là kinh tế kế hoạch sụp đổ, lại tiếp tục kẻ giàu người nghèo.

3. Tại sao “kẻ giàu, người nghèo” lại là một quy luật? Rất đơn giản, mỗi người sinh ra đều khác nhau: người thông minh, kẻ chậm chạp; người siêng năng, kẻ biếng nhác; người năng nổ, kẻ “há miệng chờ sung”, người tiết kiệm, kẻ hoang phí. Từ thời xa xưa, khi còn chế độ công xã, tài sản được chia đều. Đúng ra thì nó vẫn cứ “đều” như vậy. Chắc chắn không có chuyện ông A ăn cắp tài sản ông B để trở thành tư sản, còn ông B thành vô sản. (Theo tôi), đơn giản là ông A biết suy nghĩ đến lúc ốm đau, bệnh hoạn nên sống tiết kiệm; ông B làm ngày nào ăn cho hết ngày đó, đến lúc kẹt mới mượn ông A lon gạo, dần dần thành ra vô sản. Còn chuyện tại sao có người thông minh như Einstein, có người dốt như tôi thì … chịu. Tạo hóa nó như thế.

4. Thật ra Mark cũng có ít phần trăm đúng khi ông quan sát thế giới đúng vào lúc mâu thuẫn tư sản và vô sản gay gắt nhất. Đúng là tư sản ăn cắp của vô sản thật. Nhưng vì ông chỉ nhìn thấy cái hiện tượng và quy thành bản chất: thằng A có tài sản nhất định là do ăn cắp của thằng B, cho nên ông dẫn tới một kết luận cũng đơn sơ luôn: cách mạng vô sản, xóa bỏ giai cấp, chém và giết hết, kinh tế kế hoạch… Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều cuộc cách mạng bằng bạo lực, từ cách mạng quân chủ lật đổ chế độ nô lệ đến cách mạng tư sản, cách mạng vô sản. Thế nhưng lịch sử cũng cho thấy, cách mạng bằng bạo lực chỉ tạo ra thay đổi thể chế chứ không đưa con người đến hạnh phúc.

5. Thế vì “mỗi người sinh ra đều khác nhau” mà ta mặc kệ cho khoảng cách giàu nghèo? Nhà nước tư sản nhận ra khiếm khuyết, đã kịp thời điều chỉnh các chính sách thuế má, tăng tối đa các phúc lợi cho giai cấp công nhân. Đồng thời, cải tiến các chính sách về giáo dục, y tế, hạ tầng… Vai trò của nhà nước tư sản là “cực đại hóa nền kinh tế thị trường (quy luật)” nhưng “cực tiểu hóa những bất bình đẳng xã hội (nhân bản)”. Điều đó dẫn đến là tuy chênh lệch giàu nghèo lớn, nhưng ở đó người nghèo không thấy bất công, không thấy ấm ức với bọn giàu; bởi vì họ luôn được đảm bảo về học hành, về bảo hiểm, về an sinh xã hội… Đồng thời, người giàu không hãnh tiến vì mình giàu, mà tự hào vì mình làm ra nhiều của cải cho xã hội.

6. Ở thế giới tự do, sẽ có trường hợp anh A có 1 triệu USD còn  anh B chỉ có 10 USD, nhưng anh A phải đóng thuế rất nặng. Từ tiền thuế này, anh B - tuy chỉ có 10USD - nhưng con cái học hành miễn phí, chữa bệnh miễn phí, môi trường trong lành, đường xá rộng rãi. Ở thế giới vô sản, anh A và anh B cùng có 1 USD, học hành mắc mỏ, bệnh viện nằm ngoài hành lang v.vv.. Bạn chọn cái “không công bằng - dư” hay là cái “công bằng - thiếu”? Bạn có muốn nhà nước đổi tiền để cào bằng tất cả, và quay lại kinh tế bao cấp không? Trả lời thật long coi nào!

Nguyễn Đại – tháng 1 / 2015


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire