"Có lẽ cái đó phần nào cũng giúp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có các hành động và phát biểu khá kiên quyết về mặt đối ngoại, kể cả nhiều vấn đề khác hẳn với quan điểm của Bộ Chính trị. Đó không chỉ là việc tỏ rõ thái độ với Trung quốc trước đây là "Không có bạn bè kiểu nhà tôi là của anh", hay việc cho Bộ trưởng Bộ Giao thông VT Đinh La Thăng lớn tiếng cảnh cáo nhà thầu Trung quốc ở Hà nội. Và gần đây là việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ biển đảo, đúng ngày tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội nghị TW10."
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 - khóa XI (Hội nghị TW10) sau nhiều lần với nhiều lý do phải trì hoãn ngày khai mạc cuối cùng cũng đã kết thúc. Việc trì hoãn kéo dài, khiến cho năm 2014, Ban Chấp hành TW Đảng chỉ tiến hành họp Hội nghị TW duy nhất có một lần. Điều đó cộng với các diễn biến phức tạp giữa các phe nhóm trong Đảng diễn ra trước Hội nghị này, chính là lý do khiến cho dư luận hết sức quan tâm.
Được biết nội dung chính Hội nghị TW lần này sẽ tập trung tập trung thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác. Song quan trọng hơn, đó là Hội nghị TW10 lần này sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đổi với 16 Ủy viên Bộ Chính trị, nhằm phục vụ cho việc lựa chọn nhân sự cấp cao chuẩn bị cho Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII dự kiến sẽ khai mạc vào tháng giêng năm 2016. Theo đó, hội nghị sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Hội nghị TW10, đây cũng là cơ hội (tuy chưa phải là cuối cùng) mang tính quyết định liên quan đến kết quả Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng CSVN. Thực ra đối với đa số các Ủy viên Trung ương Đảng, khi đến dự hội nghị này họ không quan tâm đến báo cáo chính trị, hay kể cả đường lối chủ trương của Đảng. Vì kinh nghiệm nhiều năm gần đây, đã cho họ thấy chủ trương đường lối của Đảng chuyên nói một đằng làm một nẻo. Ví dụ rõ nhất như vấn đề Kinh tế, văn kiện của Đảng thì luôn nói Kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng trên thực tế thì Chính phủ cứ tiến hành theo xu hướng Kinh tế thị trường tự do. Do đó đến với Hội nghị TW10 lần này, vấn đề quan trọng nhất mà các Ủy viên Trung ương Đảng quan tâm là vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm và vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 12.
Sau 08 ngày làm việc chính thức, Hội nghị TW10 đã kết thúc với điểm sáng đó là vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế". Cho dù theo lời của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng thì "Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia." Nếu như nhìn lại trước đây từ đã lâu, trong cụm từ cải cách thể chế mà ta thường thấy trong các văn kiện hay các phát biểu của lãnh đạo cao cấp Đảng CSVN chủ yếu là nói về cải cách thể chế kinh tế. Thì bắt đầu từ nay, sau Hội nghị TW10 thì vấn đề cải cách chính trị đã trở thành một vấn đề chính thức được thừa nhận bàng nghị quyết của Đảng, điều này như chúng ta đã từng thấy trong vấn đề thay đổi chế kinh tế trong năm 1986. Điều đã tạo bước ngoặt cho nền kinh tế Việt nam. Điều này làm cho người ta liên tưởng đến thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau Hội nghị TW10 lần này, bước đầu có cơ sở để tạo nên một nền chính trị tốt đẹp hơn trước, điều mà đã có không ít người kỳ vọng nó sẽ trở thành hiện thực. Đây phải được coi chính là thắng lợi to lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm của mình đạt được trong Hội nghị TW10. Cộng với kết quả với số phiếu tin nhiệm của Ban Chấp hành TW Đảng dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên bỏ phiếu tín nhiệm đối với 16 thành viên Bộ Chính trị đứng hàng thứ 2 sau ông Trương Tấn Sang đã cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đã tỏ rõ thế thượng phong của mình trong cuộc chạy đua cho chức vụ Tổng BT Đảng CSVN Khóa XII trong năm sắp tới. Đây là điều mà chính Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và nhiều người, kể cả các lãnh đạo cao cấp không thể ngờ tới. Nhưng nếu nhìn lại vào bối cảnh tình hình trước đây, trong Hội nghị TW 6 - Khóa 11 (tháng 10.2012), khi mà Thủ tướng Dũng phải đối mặt những cáo buộc hết sức nặng nề của Bộ Chính trị và khả năng ông Dũng phải đối mặt với một hình thức kỷ luật cũng là điều rất có thể xảy ra lúc đó. Song ông Thủ tướng đã thoát hiểm một cách ngoạn mục trong sự đau đớn không bờ bến của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, người đã phải gạt nước mắt khi đọc diễn văn bế mạc thì sẽ thấy không có gì là bất ngờ. Nghĩa là ông Nguyễn Tấn Dũng từ lâu đã nắm rất chắc đa số các Ủy viên Trung ương Đảng. Đáng chú ý, trước và trong những ngày diễn ra Hội nghị TW10 bên cạnh sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm của trang blog có tên Chân dung Quyền lực (CDQL) với các bài viết tố cáo hành vi tham nhũng, lạm quyền của một số Ủy viên Bộ Chính trị như: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số người khác, với các bằng chứng đáng tin cậy. Đặc biệt là với nhiều bài viết và hình ảnh về Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh đang điều trị do bị đầu độc bằng phóng xạ. Đây là điều dư luận cho rằng đó còn là phương thức khủng bố tinh thần "vu vơ" cho một vài ai đó, với thông điệp hãy nhìn vào tấm gương Bá Thanh mà liệu hồn.
Bên cạnh đó, người ta thấy nhiều động thái thông qua việc phát biểu hay quyết định một số vấn đề quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xảy ra trước hay trong Hội nghị TW10, điều này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với kết quả bỏ phiếu đối với các thành viên Bộ Chính trị khác. Cụ thể đó là:
Về mặt đối nội, đó là việc trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thành lập lại và bổ nhiệm 02 chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát, tạo cơ sở cho việc tiến hành bắt Đại biểu Quốc hội - Doanh nhân Châu Thị Thu Nga, người đã được các cấp của Thành phố Hà nội bao che trong một thời gian dài (2003-2011). Nên nhớ giai đoạn này lúc đó Tổng BT Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức Bí thư Thành Ủy Hà nội. Hay việc khởi tố và bắt tạm giam 03 nhân vật chủ chốt của Tập đoàn Thiên thanh liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai (những khu đất vàng) của Quân đội và một số tỉnh thành trong cả nước để nhắc nhở Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Hay vấn đề chạy tội của nhân vật Dương Chí Dũng để nhắc nhở Bộ trưởng CA Trần Đại Quang .v.v... Về vấn đề này dư luận cho rằng, chỉ riêng lời khai của một số nhân vật cộm cán bị bắt gần đây cũng đã động chạm đến quá nửa số Ủy viên Bộ Chính trị đang tại vị, do hành vi tiếp tay của họ cho các đối tượng này. Đây chỉ là một vài dẫn chứng trong vô số các tài liệu hiện có trong tay của Thủ tướng, mà người ta cho rằng ông Dũng có "vốn" để có thể chơi thoải mái và không hề ngán bất kỳ đối thủ nào. Có lẽ cái đó phần nào cũng giúp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có các hành động và phát biểu khá kiên quyết về mặt đối ngoại, kể cả nhiều vấn đề khác hẳn với quan điểm của Bộ Chính trị. Đó không chỉ là việc tỏ rõ thái độ với Trung quốc trước đây là "Không có bạn bè kiểu nhà tôi là của anh", hay việc cho Bộ trưởng Bộ Giao thông VT Đinh La Thăng lớn tiếng cảnh cáo nhà thầu Trung quốc ở Hà nội. Và gần đây là việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ biển đảo, đúng ngày tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội nghị TW10.
Trong 8 năm ngồi ghế Thủ tướng, đến lúc này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nắm được thóp - các điểm yếu của các đối thủ chính trị của mình và đến lúc ông Dũng đã sử dụng nó như một thứ vũ khí lợi hại. Điều đó giúp ông Thủ tướng có thể khống chế và thao túng đối thủ của mình, biến họ như kẻ bị thôi miên. Chính điều đó đã giúp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công và bản thân ông Dũng hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại nào trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Hội nghị TW10 này. và nhận được sự ủng hộ rất lớn của gần như tuyệt đại đa số các Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng CSVN. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nhận được số phiếu tín nhiệm không chỉ từ Quốc hội mà cả Ban Chấp hành TW. Điều đó cho thấy cánh cửa dẫn đến chức vụ Tổng Bí thư Đảng khóa 12 đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có nhiều hứa hẹn và dần rộng mở. Đây cũng chỉ là thắng lợi mở đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thách thức đối với ông Dũng từ nay tới Đại hội Đảng lần thứ 12 không phải là nhỏ, đặc biệt là người đồng chí nước lạ phương Bắc có chịu ngồi yên cho Thủ tướng toại nguyện hay không?
Ngày 13 tháng 01 năm 2015
© Kami
(Blog Kami)
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire