Ngày 1 tháng 1 vừa qua báo Đời Sống Pháp Luật đã phỏng vấn kèm theo hình ảnh của anh Đinh Nhật Uy . |
Thời gian gần đây báo chí nhà nước đã không ngần ngại trích dẫn thông tin từ mạng internet được xem như lề trái, hơn nữa còn phỏng vấn người bất đồng chính kiến để đăng tải trên báo đảng. Những việc làm này được xem là bước đột phá ấn tượng nhưng không ai chắc tại sao lại xuất hiện hiện tượng này và nó sẽ tồn tại bao lâu nữa trong sinh hoạt báo chí Việt Nam.
"Chân dung quyền lực" thực sự có quyền lực?
Khi trang mạng Chân dung quyền lực xuất hiện với những bài viết gay gắt cùng hình ảnh của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì người theo dõi trang mạng này vẫn cho rằng thông tin thổi phồng và các phe phái cung cấp thông tin hình ảnh của gia đình ông Phúc chẳng qua là tranh giành quyền lực, ăn chia không đều cũng như hạ nhục đối tượng trong bước tiến của ông ta vào chức Thủ tướng sắp tới khi Hội Nghị Trung Ương cơ cấu nhân sự diễn ra.
Cơ quan báo chí của Đảng không lên tiếng đả phá như thường lệ mặc dù những khuôn mặt xuất hiện trên Chân dung quyền lực không chừa một ai. Người theo dõi trên mạng không quên câu chuyện của Quan Làm Báo trước đây, đã từng một thời gian gây sóng gió trong giới truyền thông trong và ngoài nước vậy mà báo chí lề phải nếu nói tới Quan Làm Báo chỉ viết theo quan điểm đấu tố, đây là nguồn thông tin xuyên tạc, phản động và có mục đích tuyên truyền cho một cá nhân nào đó hưởng lợi và Quan Làm Báo hoàn toàn không được xem là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Các nhân vật cao cấp chỉ đích danh Quan Làm Báo là trang mạng phản động và kêu gọi cán bộ đảng viên không được đọc nó. Sau Quan Làm Báo là Tư Sang Nham Hiểm, Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang…xuất hiện trên không gian mạng. Mỗi trang có một cách nâng tên tuổi của chính mình lên và thông thường những bài báo đánh kẻ khác đều núp dưới hình thức của bạn đọc gửi tới. Tất cả các trang có vẻ lề trái ấy chưa bao giờ được báo chí chính thống trích dẫn như một nguồn tin đáng tin cậy. Nhưng lần này Chân dung quyền lực không những được trích dẫn mà còn theo sau nó cập nhật những thông tin mà nó loan tải.
Các tờ báo lớn trước tiên là Lao Động rồi lần lượt được các báo khác đăng lại tin tức về ông Nguyễn Bá Thanh sẽ được mang về Việt Nam từ bệnh viện ung thư tại Seattle. Những tin tức ấy trước tiên được chính UBND thành phố Đà Nẵng chấp nhận khi ra lệnh cho an ninh phi trường Đà Nẵng chuẩn bị biện pháp an ninh để đón ông Thanh người được xem là đứa con ưu tú của Đà Nẵng nay trở về để tiếp tục chữa bệnh. Báo Lao Động, rồi Thanh Niên, Tuổi Trẻ loan tin này nhưng không dẫn nguồn bất cứ cơ quan nào trong nước kể cả Ban Nội chính trung ương là nơi có thẩm quyền phát ngôn, mà chỉ nói bâng quơ là theo nguồn tin trên mạng. Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực thành ủy Đà Nẵng lúc ban đầu cũng nói thế và ban an ninh sân bay cũng nói không khác.
Ngày máy bay hạ cánh ban đầu dược Chân dung quyền lực thông báo là chiều ngày 2 tháng 1 nhưng sau đó chính trang này cho biết do có trục trặc nên hoãn lại ngày 6 tháng 1 và cuối cùng là thời tiết xấu nên hoãn lại lần nữa chiếc chuyên cơ y tế chở ông Nguyễn Bá Thanh và gia đình sẽ đáp xuống phi trường Đà Nẵng vào 8 giờ 30 tối ngày 9 tháng 1 này.
Chân dung quyền lực nói tới đâu báo chí và dân chúng chạy theo đến đấy. Người dân Đà Nẵng yêu mến ông Thanh ra sân bay ngồi chờ đón ông không chịu ra về và có người còn nói thẳng rằng theo Chân dung quyền lực nói thì ông Thanh sẽ xuống vào ngày hôm nay, rồi người khác nói vậy chứ không thấy báo nhà nước đều đăng tin theo nó hay sao? Hiện tượng khá bất ngờ này được nhà báo Lê Phú Khải, phóng viên đài truyền hình trung ương nay đã về hưu cho biết những quan sát và kinh nghiệm của ông sau nhiều chục năm làm việc trong hệ thống truyền thông nhà nước, ông nói:
-Trong nước thì anh em cũng bàn nhiều về trang mạng Chân dung quyền lực. Bây giờ có thể gọi là nhiểu loạn thông tin hơn nữa các nhóm lợi ích các phe phái anh nào cũng muốn dùng thông tin đặc biệt là thông tin trên mạng vì thông mạng bây giờ người ta đọc nhiều thành ra cũng có sự lạm dụng cái thông tin mạng đó để mà hướng dẫn dư luận.
Trước đây người ta đọc báo lề phải thì chỉ mới nói phân nửa sự thật thôi mà các trang mạng thì thường nói hết sự thật nên người ta theo trang mạng. Bây giờ người ta thấy trang mạng lợi hại quá nên một số phe phái, một số nhóm lợi ích một số tập đoàn đã tựa vào đó làm những trang mạng để chi phối thông tin nên mới dẫn đến tình trạng như thế. Còn như Nguyễn Bá Thanh vừa rồi đi hay về thì cũng có thông tin đưa sai sau lại cải chính lại. Ngay trên mạng lề trái chứ không phải trên mạng lề phải, đưa tin ông về ngày này nhưng lại chậm một hai ngày sau.
Tôi là người từng làm truyền hình, làm báo chí rất lâu năm ở Việt Nam thì tôi thấy rằng bắt đầu từ Đài Tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh đã chiếm lĩnh thông tin. Sau đó là đài truyền hình chiếm lĩnh nhưng chỉ nói những điều không gần với sự thật mà sai hay chỉ phân nửa sự thật thôi cho nên những trang mạng nó có vai trò nhất định trong xã hội bây giờ. Nó trở thành một thế lực vì thế người ta lợi dụng cái đó, kể cả lợi dụng xấu lẫn lợi dụng tốt. Nó cũng như con dao sắc ai cũng muốn cầm.
Lấy cả tin từ người bất đồng chính kiến
Không chỉ trang Chân dung quyền lực được báo chí mạnh dạn lấy làm nguồn mà người bất đồng chính kiến cũng được báo chí phỏng vấn, đưa tin như một công dân bình thường. Dĩ nhiên đây là điều phổ quát trong tất cả nhà nước dân chủ nhưng đối với Việt Nam, một người có dính líu đến phản động sẽ không được coi là công dân nữa mà mọi phát ngôn, hình ảnh của anh hay chị ta cần phải được cảnh giác dè chừng. Và quan trọng nhất hình ảnh tiếng nói của anh hay chị ta không được phép xuất hiện bất cứ đâu trên hệ thống do nhà nước kiểm soát.
Ngày 1 tháng 1 vừa qua báo Đời Sống Pháp Luật đã phỏng vấn kèm theo hình ảnh của anh Đinh Nhật Uy, một người chung vụ với Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên vừa ra khỏi trại giam Long An vì vi phạm điều 258. Anh Đinh Nhật Uy từng ở chung phòng với tử tù Hồ Duy Hải nên báo chí hỏi anh về vấn đề này. Anh Uy nói với chúng tôi:
-Vào ngay ngày 1 tháng 1 mình cũng không biết là họ đăng nữa có những người bạn họ đọc báo họ thấy rồi chụp hình gởi cho tôi, chứ không biết là họ đăng báo. Báo Đời sống pháp luật, báo đảng của Việt Nam. Lúc trước khi tôi đi phỏng vần Hồ Duy Hải thì gặp tụi nó trên nhà Hồ Duy Hải. Chạm mặt đùng đùng trên đó báo lề trái lề phải chạm ầm ầm trên đó. Cũng ngồi nói chuyện như bạn bè thôi. Báo lề trái lề phải gì cũng ngồi bắt tay ngồi chung bàn uống trà như là bạn bè vậy nó mới hỏi han về những tình tiết đó vì mình biết nên mình kể cho nó nghe.
Khi được hỏi liệu tòa án có xem xét bài trả lời phỏng vấn này như một lời khai của nhân chứng hay không và sau khi hình ảnh và bài trả lời phỏng vấn xuất hiện anh có bị công an hỏi thăm hay làm khó dễ, anh Đinh Nhật Uy cho biết: -Không, không có gọi hỏi. Tại vì nói chung mình chỉ nói sự thật và cân nhắc kỹ trước khi nói trong bài viết đó họ dặn mình cân nhắc kỹ trước khi nói.
Không biết được họ sẽ làm như thế nào. Không biết tòa có chịu coi theo báo chí hay không. Về phần thủ tục tố tụng của họ thì mình không biết được mà dễ gì họ chịu xem xét báo chí? Theo như tôi nghĩ thì báo chí chỉ đưa cái thông tin cần thiết. Thông tin nào nó mang tính chất có lợi hoặc là có hại cho bị cáo đến cho mọi người biết. nó chỉ mang tính chất truyền tải chứ không phải mang tính tham khảo.
Những điều mà báo chí vượt ra những ngăn cấm thông thường trước đây ngay trong thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương thật là một câu hỏi khó giải đáp. Người dân chỉ biết rằng báo chí nếu được mở ra thì người hưởng lợi chính là họ sau khi bị bịt mắt quá lâu như nhà báo Lê Phú Khải khẳng định.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-01-07
Nguồn: Theo RFA
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire