25/03/2015

Câu chuyện về hai luống rau

Nguyễn Công Khế


Nguyễn Công Khế

Anh Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, kể lại câu chuyện của Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khi về thăm lại An Giang như sau: có lần Bộ trưởng về thăm nhà bên vợ ở Cao Bằng, những người trong gia đình cho biết rằng, đã trồng 2 vườn rau cùng một lúc. Một vườn rau để ăn và một vườn rau để bán. Rau sạch thì để ăn còn rau để bán thì có chất kích thích độc hại.

 



Khi tôi lên Đà Lạt, xứ sở trồng rau nổi tiếng của Việt Nam với ưu thế của một vùng khí hậu mát mẻ hiếm có của Việt Nam. Những người bà con của tôi cũng có hai vườn rau như vậy, rau để ăn và rau để bán.

Xã hội chúng ta tự "bủa vây" chính chúng ta như vậy đó. Bây giờ thêm hàng của Trung Quốc xâm nhập không ai kiểm soát được. Không có hàng rào nào để bảo vệ cho con người tránh những tai họa dễ thấy như vậy. Một trái táo Trung Quốc, chính tôi khi hỏi mua thì người bán bảo rằng đó là táo Mỹ. Rốt cuộc là trái táo được xuất đi từ Trung Quốc và tôi để quên trong tủ lạnh đúng 1 năm không hề thối bởi có chất bảo quản.

Khi đạo diễn Huỳnh Phúc Điền vào bệnh viện Chợ Rẫy vì bị ung thư gan. Tôi vào bệnh viện để thăm và gửi gắm cho các bác sĩ. Trong lúc trò chuyện, tôi hỏi một bác sĩ trẻ và giỏi ở đây: tại sao bệnh ung thư ở ta phát triển nhiều đến nỗi, mới xoay qua xoay lại tôi đã mất đi một người bạn chết vì ung thư. Nhiều người còn rất trẻ, độ tuổi ba đến bốn mươi tuổi chứ không phải tuổi già. Vị bác sĩ ấy trả lời ngắn gọn: phần lớn do môi trường sống và thực phẩm ăn uống, trừ một số ca nhất định chết do gen di truyền.

Ông dẫn cho tôi một việc cụ thể ví dụ: pin acqui ở các nước xếp vào 1 trong 10 chất thải y tế độc hại, cấm xả rác bừa bãi, bởi vì khi ta vô tình bỏ xuống sông nước, những con cá ăn phải chất nhiễm chì, và người ăn con cá đó, nó cũng sẽ là tác nhân gây ra ung thư. Về chuyên môn không biết nó chính xác đến mức nào, và trong trí nhớ của tôi không biết có chính xác 100% không về việc này, song tôi vẫn nêu ra để làm ví dụ cho vấn đề này. Trong quy định về rác thải y tế độc hại của Việt Nam, có qui định này không thì tôi chưa rõ. Nhưng theo vị bác sĩ đó, lúc ấy là chưa có.

Cách đây rất nhiều năm, tôi không còn nhớ rõ, các kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, vào khóa 5 hoặc 6 gì đó, tức là trước đổi mới, đã có tranh cãi quyết liệt giữa những người có khuynh hướng giáo điều và những người đổi mới chung quanh việc có hai giá trong thị trường hay không. Những người theo đường lối cũ bảo rằng phải giữ bao cấp để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Những người đổi mới lúc đó như ông Võ Văn Kiệt, ông Hồ Nghinh - cựu bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Chính, ông Lê Văn Kiến của Long An, bà Hai Liên của Đồng Nai và nhiều ủy viên Ban chấp hành cho rằng đã là thị trường là chỉ 1 giá, và giá là do thị trường, do cung cầu quyết định chứ không thể do ý chí con người quyết định được.

May thay, lúc đó đa số đã được thuyết phục đưa đất nước đi vào kinh tế thị trường, và đó là lối thoát duy nhất để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Bắt đầu từ Đại hội VI, Tổng bí thư Đảng, ông Trường Chinh đã nhận thức được vấn đề và đã mở lối ra cho thể chế và dân tộc.

Trở lại vấn đề hai luống rau của người nông dân, bây giờ tôi nhớ lại cuộc đấu tranh gay gắt lúc đó chỉ để xác nhận thị trường là chỉ có 1 giá chứ không có giá bao cấp khác của các nhà lý luận bao cấp tự đặt ra.

Kiểu so sánh trong trường hợp này có thể có khập khiễng.
Nhưng tôi cho rằng không thể có hai sự thật trong cuộc đời này

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng nói rằng cách tính GDP của Việt Nam cũng đã sai. Thế thì có 2 số GDP cùng một lúc, có hai con số nhập siêu cùng một lúc. Xã hội ta thật sự nguy hiểm bởi con số "2" này.

Đây là vấn đề đạo đức chứ không còn là vấn đề sai bình thường. Bởi vì người trồng rau sạch cho mình ăn để mình được sống, và luống rau thứ hai là rau trồng cho người khác ăn để chết. Những báo cáo giả tạo để lấy thành tích về mình, để được lên lương, lên chức, bất chấp sự thật, bất chấp và coi thường nhân dân, dư luận. Đó là sự suy đồi đạo đức.

Chúng ta phấn đấu để sống trong một xã hội bình thường, yên ổn và trong lành, nhưng chúng ta đang bị bủa vây bởi những vấn nạn của "2 sự thật" cùng một lúc.

Chúng ta đã từng lên án con người sống "2 mặt". Nhưng những gì đã diễn ra trong xã hội thì đáng sợ thật. Sự gương mẫu của những người lớn trong gia đình, những người "có chức, có quyền" trong xã hội ta, như ông Lý Quang Diệu từng đề cập khi nói về kinh nghiệm cầm quyền ở Singapore là chúng ta đang thiếu. Thiếu nghiêm trọng.

Chúng ta tự hỏi không lẽ sự gương mẫu lại không có đất sống trong xã hội Việt Nam ta.


Nguyễn Công Khế


Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire