Trước hết để nói về hai chữ “tự sướng” gần đây hay được báo chí VN dùng trong nhiều trường hợp, nhất là những người tự chụp ảnh đều được cho là “tự sướng”. Trong năm 2013, từ này xuất hiện liên tục trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, trở thành một từ thông dụng và thời thượng.
Thật ra từ ngữ này trước đây chỉ dùng trong trường hợp người ta tự làm một cách nào đó khiến mình sung sướng (tính từ). Xin lỗi bạn đọc, hành động này khiếm nhã nên tôi không dám viết rõ ở đây. Tôi thấy dùng từ ngữ "tự sướng" cho người tự chụp ảnh có vẻ không đúng chỗ. Thí dụ Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chụp hình theo yêu cầu của nữ cầu thủ Ji So-yun có phải để "tự sướng" không? Tất nhiên là không rồi.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chụp hình theo yêu cầu c ủa nữ cầu thủ Ji So-yun. |
Thí dụ như hồi giữa tháng 8/2013, đại gia Lê Ân đã mua chiếc giường Hoàng gia với giá hơn 6 tỷ đồng, sản xuất trong hơn 3 tháng và sẽ vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam.
Giải thích về việc bỏ ra một khoản tiền lớn để mua giường, ông Ân khẳng định: "Giá của chiếc giường với tôi không phải là cao. Trung Quốc mua được thì người Việt Nam cũng mua được. Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền". Không dừng lại ở đó, đại gia Lê Ân còn cho tạc 3 bức tượng 3 người vợ từng phụ bạc, ôm tài sản của ông ra đi trong khuôn viên Làng du lịch Chí Linh, Vũng Tàu.
Chiếc giường Hoàng Gia được đại gia Lê Ân đặt mua vể để… cho dân ngắm! |
Trước khi kể đến vài hiện tượng mang tính cách quốc gia nổi lên trong thời gian gần nhất, tôi kể vài kiểu chơi ngông của đại gia Việt khiến đại gia thế giới có lẽ cũng phải “chào thua” trước đại gia Việt.
Đặt trước mua quan tài 10 tỉ đồng
Quan tài có nhiều loại và tương đương với nó là "đẳng cấp" cùng với số tiền phải chi trả cũng khác nhau. Quan tài hạng bình thường thì không có gì phải nói và đầy rẫy.
Hạng quan tài dành cho người trung lưu thì có khác hơn một chút. Còn các loại quan tài dành cho tầng lớp thượng lưu, quan chức, đại gia thì có sự khác biệt hoàn toàn. Một người am hiểu vấn đề này cho biết, với những người này, người ta sẽ đặt quan tài từ khi vẫn còn khoẻ mạnh, hoặc khi mới ngã bệnh, chứ ít khi qua đời rồi con cái mới chạy đi mua. Vì có sự chuẩn bị từ trước nên họ rất kỹ trong việc chọn lựa từ kiểu dáng, mẫu mã, vật liệu… Họ thường thuê hẳn một người thiết kế riêng, sau đó mới đưa bản vẽ đến để cửa hàng đóng.
Thể hiện đẳng cấp đại gia bằng... quan tài. |
Đã từng có đại gia ở Hải Phòng lên tận Hà Nội đặt quan tài gỗ sưa, tiền không phải là vấn đề. Sau đó lại yêu cầu chạm khắc rồng phượng đủ thứ, dát vàng 18k, tổng chi phí rơi vào khoảng… 10 tỷ đồng.
Kỳ công chọn nhà ướp xác và "mộ phần" khi còn sống
Ở Sơn Lâm, Lương Sơn, Hoà Bình, hầu như ai cũng biết đến biệt danh 'Đức gấu'. Ông Đức nổi tiếng không chỉ vì nuôi gấu mà còn tự mình xây dựng một trang trại, trong đó có khu lăng mộ chờ ướp xác mình. Hầm mộ ướp xác được ông Đức khởi công từ năm 2000, hoàn thiện năm 2006. Công trình nhằm hướng Tây Bắc, số bậc thang dẫn lên hầm mộ được các pháp sư tính toán cẩn thận. Ba pháp sư cao tay (2 người Việt Nam, 1 người Trung Quốc) cùng chọn hướng hầm mộ là Tây Bắc.
Trên quả đồi rộng trồng nhiều cây bách diệp và cây gỗ lát, phần nổi của 2 hầm mộ là khối bê tông kiên cố, dài 12m, rộng 7,5m, chiều cao tính từ nền đất trang trại là 25m.
Trên bề mặt đặt thêm tấm bê tông lớn mô phỏng hình một bàn cờ tướng, bàn cờ này mới được làm thêm năm 2007. Vị trí đặt xác ông Đức được ông thiết kế sâu 18m và nằm sâu trong ngóc ngách lòng núi.
Để tự ướp xác mình, ông Đức phải nghiên cứu đủ các loại tài liệu Việt Nam, nước ngoài. Những chuyến chu du hàng tháng trời tới Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc tốn hàng chục ngàn đôla để vào các bảo tàng, đến tận những trung tâm nghiên cứu ướp xác người để học hỏi kinh nghiệm.
Ông Đức cũng không ngại hao tốn công sức đi tìm các dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc ướp xác tốt nhất. Ông vào tận núi Bà Đen, Tây Ninh - nơi tìm thấy xác người còn nguyên vẹn để tìm hiểu địa chất, địa hình nơi đây, tìm mua tinh dầu Cổ Am, tinh dầu Gù Hương để tẩm xác.
Ông cũng tới Ninh Thuận rất nhiều lần để đặt mua than trai - một loại than rất hiếm đốt từ thân cây trai, một loài cây chỉ mọc ở Ninh Thuận, trồng cả chục năm nhưng thân cây chỉ bằng cổ chân.
Bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu ướp xác... đến nay tất cả đã được ông Đức chuẩn bị đầy đủ đặt tại lòng hầm mộ.
Chơi toàn thú dữ
Thời đại này chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc không còn là những con vật quý hiếm nữa. Giờ đây những vị mang thương hiệu đại gia thực thụ phải đi liền với nuôi… thú dữ. Vì thế, các đại gia cũng không ngần ngại trông việc tậu cho mình vài ba con trăn khổng lồ, rắn cực độc, gấu, hổ hay cá sấu cho “vui cửa vui nhà".
Quan điểm của họ là mua được những con thú lạ, thú độc, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt, vì thế, thú chơi này cũng được phân tầng bậc. Thường thường thì "chơi" đà điểu, heo rừng, hươu, sóc, khỉ… Còn thời thượng, tay chơi hơn thì trong bộ sưu tập phải có gấu, có hổ, báo, hay sư tử, tê giác, trăn, rắn độc… trong vườn nhà.
Để củng cố thứ bậc và thể hiện đẳng cấp của mình, các đại gia sẵn sàng chi tài chính cho các chuyến săn hàng tận Lào, Campuchia, Ấn Độ hay sang tận cả các nước châu Phi. Số tiền bỏ ra không dưới hàng trăm tỉ.
Đại gia dùng 140 cây vàng dát nhà vệ sinh
Nghiện dát vàng từ thang máy tới căn nhà, ông Đường "bia"’ tên thật là Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hoà Bình (Hà Nội) đã bỏ ra 140 cây vàng để dát vàng cho cả toilet.
Từ giá treo khăn, tới vòi hoa sen, vòi rửa thậm chí là cả hộp đựng giấy vệ sinh của phòng tắm được mạ vàng, khiến cho căn nhà trở nên độc và xa xỉ bậc nhất Việt Nam.
Đến kiểu chơi sang của nhà nước
Giữa tháng 3-2015, nhiều cư dân mạng chia sẻ hai tấm ảnh mang tính tương phản cao: Một chụp tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa hoàn thành ở Quảng Nam với chi phí 411 tỉ đồng, một chụp một bà mẹ anh hùng khốn khó trong đời thực. Hình ảnh này khiến dư luận dậy sóng. Rõ ràng công luận có lý do để phẫn nộ bởi nếu dùng khoản tiền khổng lồ ấy để giúp đỡ những bà mẹ anh hùng đang sống trong cảnh khốn khó sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn nhiều. Và ngay cả những bà mẹ VN không cần phải là anh hùng nhưng gặp hoàn cảnh vô cùng khó khăn cũng cần được giúp đỡ. Họ cũng là người mẹ VN. Chẳng thiếu gì những cành đời đau thương của các bà mẹ VN.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được cho là lớn nhất Đông Nam Á được đầu tư hơn 411 tỷ đồng. |
Mẹ già đau đớn bên đứa con bệnh tâm thần phải xích lại nhiều năm nay. |
Tháp truyền hình VN sẽ cao nhất thế giới
Cùng thời điểm, báo chí cũng đưa tin về việc khởi công xây dựng tượng Phật Thích Ca cao nhất thế giới (cao 81 m) khắc vào vách núi Sam tại TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), ngoài ra là tháp truyền hình Việt Nam phá kỷ lục thế giới (cao 636 m) tại Hà Nội, thậm chí còn cao hơn cả tháp Tokyo Sky Tree của Nhật. Có thể vẫn có những người tự hào về hai kỷ lục sắp thành hiện thực đó nhưng nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy việc xây một biểu tượng Phật giáo bề thế đi ngược lại triết lý nhà Phật về việc hạn chế khoa trương, trong lúc tư duy xây tháp truyền hình bây giờ đã trở nên lạc hậu.
Tháp truyền hình Việt Nam dự tính thuộc hàng cao nhất trong lãnh vực truyền thông. |
Đúng là một hội chứng "phát cuồng với những cái khổng lồ". Theo một thống kê chưa đầy đủ, hội chứng phát cuồng với những cái khổng lồ được gọi chung là gigantomania rất được ưa thích ở Liên Xô thời Stalin, ở Đức thời phát xít và ở Bắc Triều Tiên hiện nay và bây giờ thêm "ông Việt Nam" nữa!
Văn Quang
Nguồn: Theo Khai Dân Trí
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire