Đỗ Tú
Tối ngày 1/6, tàu SAR 412 đã đưa được ngư dân bị bệnh vào bờ cấp cứu và kịp thời. Tuy nhiên, để cứu được ngư dân này, tàu SAR 412 của thuyền trưởng Sơn đã phải 2 lần đối mặt với sự cản trở của tàu Trung Quốc.
Cản trở cứu hộ ngư dân gặp nạn
Chiều ngày 29/5 tàu QNa 90927 với 45 ngư
dân do ông Trần Tấn Sinh làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang ở phía đông nam
Hoàng Sa, cách Đà Nẵng 410 hải lý thì ông Ngọc bị suy tim (bệnh tái phát).
Sau khi nhận được tin báo, tàu SAR 412
(Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng MRCC) đã lập
tức khởi hành tới cứu hộ. Khi đi tàu cứu hộ có 11 thuyền viên, 1 bác sĩ, do ông
Phan Xuân Sơn làm thuyền trưởng.
Tối ngày 1/6, tàu SAR 412 đã đưa được ngư
dân bị bệnh vào bờ cấp cứu và kịp thời. Tuy nhiên, để cứu được ngư dân này, tàu
SAR 412 của thuyền trưởng Sơn đã phải 2 lần đối mặt với sự cản trở của tàu
Trung Quốc.
Ông Phan Xuân Sơn kể lại với phóng viên
báo Đất Việt: "Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi lập tức lên đường.
Chúng tôi lựa chọn hành trình đi qua đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa vì đây
là đường ngắn nhất để tiếp cận với tàu của ngư dân, dù với kinh nghiệm, khả
năng cao sẽ có tàu Trung Quốc quấy rối, cản trở."
Tiếp cận tàu QNA 90927. |
Khi đó, tàu Trung Quốc nói qua sóng VHF
rằng đây là lãnh hải của chúng và yêu cầu tàu của tôi chuyển hướng. Nhưng tôi
nhất quyết giữ hành trình và đáp lại rằng: "Chúng tôi là tàu cứu nạn Việt
Nam đang làm nhiệm vụ, chúng tôi không đổi hướng, các ông không được cản
trở."
Tàu Trung Quốc vẫn bám theo chúng tôi và
liên tiếp lặp lại yêu cầu đó, nhưng tôi cũng trấn an anh em và tiếp tục đi theo
hành trình của mình. Đến khi đi khỏi đảo Tri Tôn thì tàu kia ngừng đuổi
theo."
Thuyền trưởng Sơn tiếp tục kể lại:
"Khi đón được ngư dân mắc bệnh, chúng tôi làm sơ cứu và lập tức quay trở
lại theo hành trình cũ. Lúc này khoảng 10h30 ngày 1/6, một tàu Trung Quốc khác
mang số hiệu 841 từ phía đảo Tri Tôn đột ngột tăng tốc áp sát chúng tôi. Khi
chỉ cách tàu cứu nạn khoảng vài chục mét thì tàu này mới giảm tốc và chạy song
song.
Sau đó, chúng liên tiếp đi kèm, thỉnh
thoảng tăng tốc áp sát như để dọa đâm vào tàu cứu nạn. Nhưng rồi lại giảm tốc
và tiếp tục áp sát như vậy. Khi lên đến bờ, tôi mới biết tàu 841 của Trung Quốc
là tàu hậu cần quân sự, và có trang bị pháo".
Sơ cứu cho ngư dân bị bệnh trên tàu cứu hộ |
Nhận định về hành động này, ông Phan Xuân
Sơn bức xúc: "Hành động này là có ác ý. Bởi theo nguyên tắc hàng hải thì 2
tàu gặp nhau trên biển phải trao đổi qua hệ thống thông tin liên lạc để tránh
nhau, chứ không được lao thẳng vào như thế. Mặt khác, họ thừa biết tàu của
chúng tôi là tàu cứu nạn".
Sẵn sàng đối đầu
Thuyền trưởng Sơn cho biết thêm, đây không
phải là lần đầu tàu của Trung Quốc cản trở tàu cứu hộ của Việt Nam.
"Gần đây nhất, vào tháng 2/2015, khi
tham gia cứu hộ ngư dân, tàu cứu hộ của chúng tôi cũng bị cản trở. Chúng tôi bị
hai tàu Trung Quốc áp sát. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ cấp cứu
ngư dân"- Ông Phan Xuân Sơn cho biết.
Dù khó khăn trong khi thực thi nhiệm
vụ, ông Sơn vẫn khẳng định: "Tôi sẽ sẵn sàng đương đầu với khó khăn để
hoàn thành nhiệm vụ. Bởi chúng tôi là tàu cứu nạn, cản trở chúng tôi là chúng
đã vi phạm nghiêm trọng một loạt quy tắc, điều luật về hàng hải. Dù sao, chúng
tôi là những người làm nhiệm vụ, cứu được ngư dân gặp nạn mới là ưu tiên hàng
đầu và chúng tôi sẵn sàng bất chấp mọi nguy hiểm".
Thuyền trưởng Sơn bày tỏ: "Điều khiến
tôi hạnh phúc nhất là ngư dân vẫn còn bám biển. Trên đường chạy ra Hoàng Sa cứu
ngư dân gặp nạn, cứ một đoạn lại gặp ngư dân ta đang đánh cá. Đến ngư dân còn
quyết tâm bám biển như vậy thì những người làm công tác cứu hộ như chúng tôi
không có lý do gì lại e sợ cả."
Phóng viên báo Đất Việt đã liên hệ với
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát
biển về vấn đề trên. Theo Thiếu tướng, Cảnh sát biển Việt Nam luôn
sẵn sàng các tình huống để đối phó. Về vụ việc cụ thể, phía cảnh sát biển sẽ
cung cấp thông tin sau.
|
Đỗ Tú
Nguồn: Theo Báo Đất Việt
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire