28/07/2015

Bình đẳng và giai cấp

Motbaica

Sự bình đẳng, đối với tất cả mọi người, trước mọi công việc mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc, là nét đặc trưng cơ bản của những xã hội có nền văn minh phát triển. Điều này đã được những người sáng lập ra nước Mỹ, một trong những quốc gia có nền tảng tri thức hàng đầu thế giới hiện nay, khẳng định cách đây 239 năm: Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”[1]


Tuy nhiên, dân tộc Mỹ phải cần đến 89 năm mới thể hiện được chân lý hiển nhiên về sự bình đẳng, khi tất cả nô lệ trên toàn liên bang được trả tự do,[2] đây chính là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, tạo dựng nên một đất nước hùng mạnh bậc nhất thế giới hiện nay.

Một xã hội đã trở nên hùng mạnh khi nó tạo điều kiện bình đẳng cho mỗi cá nhân để trở nên hùng mạnh. Xã hội nào chưa làm được việc này thì cần phải trải qua những chặng đường đầy thử thách, mới trở nên hùng mạnh được. Trên những chặng đường cần phải đi này, nhất định sẽ cần có thật nhiều những bước chân trung thực, dũng cảm, tỉnh táo, thấu hiểu và đầy tình thương.

Khi mà mỗi người có thể nhận ra được rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, thì sẽ không có “thiên tử” với “tục tử”, không có “thánh nhân” với “phàm nhân”, không có cái gọi là “giai cấp”, không có “giai cấp nô lệ” nào, và cũng không có cuộc “đấu tranh giai cấp” nào cả.

Những định nghĩa của từ “giai cấp” ở các từ điển ngôn ngữ phổ biến trên thế giới hiện nay đều có điểm chung, “giai cấp” là tập hợp những người có cùng “địa vị xã hội”.

Thời xa xưa, khi xã hội loài người bắt đầu hình thành sự phân chia thứ bậc về công việc, về quyền lực, hay về của cải, khái niệm “giai cấp” hay “địa vị xã hội” đã phôi thai hình thành.

Cái “địa vị xã hội” nghe như có âm hưởng nặng nề, lê thê, mơ hồ và có tính định kiến. Có lẽ nó chỉ được dùng khi người này so đo, ganh tị, khinh khi hay tự ti lúc hơn thua cao thấp, giàu nghèo với người kia mà thôi. Và “giai cấp” thì gắn liền với “địa vị xã hội” cho nên nó cũng có cùng tính năng và chức năng.

Có thể bởi vì từ “giai cấp” thường mang theo những cảm nghĩ thiếu tích cực mà hiện nay, người ta ít khi dùng từ này, thay vào đó là từ “giới” được sử dụng cho tập thể những người làm những nghề có cùng đặc trưng, ví dụ như “giới công nhân”, “giới văn nghệ sĩ”, “giới trí thức”, v.v.

Công việc của một người thì có thể thay đổi theo sở thích, khả năng và mức độ nỗ lực của người đó. Điều này có thể xảy ra ngay cả trong một xã hội có nền văn minh đang phát triển. Từ một người làm công có trình độ học vấn thấp, người đó có thể phấn đấu học hỏi để trở thành người có trình độ học vấn cao, hay cần cù làm việc đến khi tích góp đủ vốn thì có thể tự mình kinh doanh, và nếu có năng lực, người đó có thể được bầu làm người điều hành cả một quốc gia.[3]

Hơn nữa, một người hoàn toàn có thể làm được nhiều công việc khác nhau, buổi sáng anh ta có thể làm công nhân, còn buổi tối thì có thể là chủ một quán ăn nhỏ; có người lúc cùng quẫn phải trộm cắp để sinh tồn, khi qua cơn túng bấn, muốn khắc phục lỗi lầm, người ta ra sức làm việc nghĩa, việc thiện; v.v.

Cùng là doanh nhân, nhưng người thì có vốn vài trăm nghìn đồng, người thì có hàng nghìn tỉ; cũng là chủ đất, nhưng người thì có vài sào ruộng, người thì có hàng nghìn mẫu; đều là người điều hành một đất nước, nhưng nước thì có vài mươi nghìn dân, nước thì có gần một tỉ rưỡi dân; v.v.

Như vậy, nếu dựa vào công việc hay nghề nghiệp của một người mà đoán định “địa vị xã hội” hay “giai cấp” thì là một việc làm thiếu chính xác, và thiếu tế nhị.

Thông thường, khi quyền lợi hay danh dự của bất cứ ai bị xâm phạm thì mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Nếu mâu thuẫn xảy ra chỉ ở mức cục bộ mà lại bị thổi phồng lên đến mức toàn cục thì mức độ, phạm vi của mâu thuẫn sẽ phát triển cực nhanh, và rất có thể, một cuộc “đấu tranh giai cấp” sẽ nổ ra.

Chẳng hạn như, nếu chỉ có “một số địa chủ gian ác” mà lại vơ đũa cả nắm thành “địa chủ ác ghê” thì hậu quả nó để lại thật ghê gớm, nhất là khi những người phát động, tổ chức và thực thi cuộc “đấu tranh giai cấp” muốn dùng “giai cấp” này loại trừ “giai cấp” kia.[4][5]

Những kết luận vơ đũa cả nắm thường sai lầm, và mang lại những hậu quả thật khủng khiếp. Nếu cho rằng “địa chủ ác ghê”, “tư bản ác ghê”, “cộng sản ác ghê”, v.v. và tìm mọi cách để tiêu diệt tất cả những “giai cấp” này, thì loài người sẽ ra sao!?

Hủy diệt cuộc sống của hàng loạt con người, cùng cả gia đình thân quyến của họ, một cách có chủ ý và có hệ thống, đây chính là tội ác diệt chủng.[6]

Trong một xã hội mà hầu hết mọi người đều quá coi trọng cái gọi là “giai cấp”, “địa vị” thì nhân cách, danh dự thường bị xem nhẹ. Và cái giả, cái ác, cái xấu lại lên ngôi với lớp vỏ bọc ngạo nghễ của quyền lực và danh lợi bất lương.

Nền văn minh của loài người liên tục tiến triển, nhưng vẫn thường có nhiều người không muốn điều này xảy ra khi nó làm tổn hại đến quyền lợi của họ. Duy trì những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân, thân quyến cùng phe nhóm là việc mà họ thường dùng mọi cách để có được, trong phần đời ngắn ngủi của mình.

Cuộc đời một con người vốn đã ngắn ngủi rồi, mà những cái như chức vụ, quyền hành, danh lợi, v.v. thì còn ngắn ngủi, mong manh hơn. Nếu vì những cái phù du này mà phải làm những việc xấu, việc ác, vứt bỏ đi nhân cách cao quý của mình, thì thật là đáng tiếc biết bao!?

Tuy nhiên, với một nền văn minh luôn hướng đến tôn vinh cái thật, cái thiện và cái đẹp, đồng thời bài trừ cái giả, cái ác và cái xấu, thì những cái tệ hại này dần dần sẽ bị con người loại bỏ.

Khi cái thật, cái thiện và cái đẹp được tôn trọng thì mỗi người sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, rằng ai cũng có một nguồn sinh lực tuyệt vời, đó là sự tự do để trở nên hùng mạnh, và nhất định xã hội sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
 

Motbaica

Tài liệu tham khảo:

1.      http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/dec_independence.html

2.      https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_gi%E1%BA%A3i_ph%C3%B3ng_n%C3%B4_l%E1%BB%87

3.      https://vi.wikipedia.org/wiki/Abraham_Lincoln

4.      https://www.danluan.org/tin-tuc/20090909/cb-dia-chu-ac-ghe-1953

5.      https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_N%C4%83m
http://nghiencuuquocte.net/2015/05/08/the-nao-moi-duoc-coi-la-diet-chung/



Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire