01/07/2015

Nông dân một cổ mấy tròng?


 

Bị ép giá bởi bọn độc quyền, bị hút máu bởi bọn phân bón thuốc trừ sâu.
Rồi bọn ngân hàng, bọn cho vay nặng lãi....phải chăng nông dân quê tôi đang làm thuê trên chính mảnh đất của mình?

Khà khà. "Cháu" í viết báo lề phải, thế mà mình vô tư trả lời theo kiểu lề trái, chắc "cháu" í đọc xong hết hồn luôn.


Chào bác,


Cháu là ……., phóng viên báo …….. Cháu đang thực hiện đề tài đời sống của nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến đi Đồng Tháp. Cháu xin được bác gợi ý cho mấy vấn đề quan tâm sau ạ:

1. Cụ thể đời sống của người dân trồng lúa: thu nhập bao nhiêu trên mỗi ha trồng lúa, lợi nhuận là bao nhiêu. So sánh lợi nhuận với công sức bỏ ra thì như thế nào?

2. Thực tế nói nhiều đến việc người dân trồng lúa vất vả nhưng vẫn nghèo, nguyên nhân là vì sao?

3. Giá lúa qua nhiều năm vẫn bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa cũng mất giá diễn ra thường xuyên là vì sao?
4. Các chính sách cho người dân trồng lúa mà Nhà nước đã đề ra trong những năm qua có phát huy tác dụng đối với nông dân ĐBSCL hay không?

5. Để người dân trồng lúa bớt nghèo, có thu nhập xứng đáng từ hạt lúa thì cần những giải pháp chính nào?

P/s: Trên đây là những vấn đề cháu quan tâm, mong được sự gợi ý và giúp đỡ của bác. Thực hiện đề tài này là cháu và một bạn gái nữa đi cùng. Chúng cháu tự đi nên không có phương tiện chủ động, mong bác gợi ý luôn cho địa điểm nên đến, phù hợp với yêu cầu của đề tài ạ.
Cháu xin chân thành cảm ơn bác. Chúc bác nhiều sức khỏe ạ.
Cháu mong hồi âm của bác!
Cháu …., báo ……..


1) Cụ thể đời sống của người dân trồng lúa: thu nhập bao nhiêu trên mỗi ha trồng lúa, lợi nhuận là bao nhiêu. So sánh lợi nhuận với công sức bỏ ra thì như thế nào?

Vụ đông xuân 2012- 2013 giá lúa OM 4900 bằng với lúa ngang IR 50404 là 4.500 đồng/ kg, thấp hơn vụ đông xuân năm 2011-2012 700 đồng/ kg.

Để cho số liệu về giá thành có tính chính thống, tôi không lấy giá thành của cá nhân tôi, nhưng xin lấy số liệu giá thành của Bộ Tài Chính. Theo tính toán của Bộ Tài Chính thì giá thành vụ đông xuân 2012-2013 là 3.800 đồng/ kg, như vậy, nông dân chúng tôi chỉ thu được lợi nhuận có 700 đồng/ kg.

Theo báo đài thì năng suất bình quân vụ đông xuân 2012-2013 ở ĐBSCL là 68 tạ/héc ta ( cá nhân tôi làm được 70 tạ, con số chênh lệch không đáng kể) vậy, vụ đông xuân, mỗi héc ta lúa nông dân lời chỉ 4.760.000 đồng.

Vụ hè thu năm 2013 tôi làm giống lúa OM 6976 bán được với giá 4.250 đồng/ kg, do năng suất lúa vụ hè thu thấp nên giá thành lên rất cao, theo Bộ Tài chính, giá thành bình quân ở tỉnh Đồng Tháp là 4.619 đồng/ kg, mức giá thành bình quân của cả Đồng Bằng Sông Cữu Long là 4.142 đồng, như vậy, vụ hè thu này tôi làm lúa từ hòa vốn đến lỗ chứ chẳng lời được đồng nào cả.

Vậy cả năm 2013 này nông dân chúng tôi chỉ lời có 4.700.000 đồng/ ha.

Theo qui định của Nhà nước mỗi hộ 4 người nông dân ở ĐBSCL được cấp 3 ha ruộng như vậy, mỗi hộ thu nhập năm 2013 chỉ có 14.100.000 đồng, mỗi người thu nhập năm 2013 là 3.525.000 đồng. Vậy thu nhập bình quân mỗi nông dân một tháng chỉ được: 293750 đồng.
Thủ tướng Chính phủ Đã ký quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống.
Như vậy, trong năm 2013 này, tất cả nông dân có diện tích 4 ha trở xuống điều là hộ nghèo căn cứ vào quyết định chuẩn hộ nghèo của Chính phủ.
Tóm lại, năm 2013 này nông dân phải ăn vào đất, tức là phải vay ngân hàng để mà ăn vì làm lúa không đủ ăn.

2) Thực tế nói nhiều đến việc người dân trồng lúa vất vả nhưng vẫn nghèo, nguyên nhân là vì sao?

Nông dân chúng tôi làm lúa rất vất vã trong thời gian khoảng 3 tháng, thế nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo vì giá lúa quá thấp, trong khi đó giá vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá cao.

Giá lúa thấp đến nổi nông dân lỗ vốn thì làm sao mà không nghèo.

3) Giá lúa qua nhiều năm vẫn bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa cũng mất giá diễn ra thường xuyên là vì sao?

Nhiều năm qua giá lúa bấp bênh gây ra cảnh được mùa mất giá và mất mùa cũng mất giá chính là do cơ chế điều hành xuất khẩu gạo lỗi thời hiện hành gây ra.

Cơ chế xuất khẩu gạo hiện nay giao cho VFA toàn quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu và toàn quyền ấn định giá thu mua lúa cho nông dân, cho nên lợi nhuận của VFA không phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu mà lợi nhuận của VFA có được là do chênh lệch giữ giá bán gạo xuất khẩu và giá mua lúa, vì thế, nếu bán gạo xuất khẩu giá rẻ thì VFA sẽ mua lúa nông dân giá rẻ, VFA vẫn đạt lợi nhuận đầu tấn gạo xuất khẩu, còn nông dân thì lời không bao nhiêu do giá lúa thấp.

Nông dân ĐBSCL làm lúa là để xuất khẩu, vì thế giá bán gạo xuất khẩu quyết định giá mua lúa, thế nhưng chúng ta đang có một cơ chế xuất khẩu gạo mà chẳng một ai chịu trách nhiệm về giá bán gạo xuất khẩu.

Năm 2013 này, lấy cớ cạnh tranh bán gạo xuất khẩu với Ấn Độ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam bán phá giá gạo xuất khẩu ra thị trường thế giới, với giá thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại 170 đô la Mỹ/ tấn, và thấp hơn gạo Ấn Độ cùng loại 70 đô la Mỹ/ tấn.

Bán gạo giá quá thấp thì làm sao mà VFA mua lúa của nông dân cao được.

Bán gạo với giá bằng với gạo Ấn Độ đã là một việc tệ hại do gạo Ấn Độ chất lượng thấp hơn gạo Việt Nam, thế mà lại bán thấp hơn Ấn Độ đến 70 đô la Mỹ/ tấn thì rỏ ràng việc bán gạo xuất khẩu của VFA có vấn đề cần phải điều tra cho rỏ.

Bán gạo xuất khẩu theo kiểu phá giá, mua lúa nông dân theo kiểu ép giá, thế nhưng, năm nào VFA cũng đạt lời to cả ngàn tỷ do lợi nhuận đầu tấn, lương của lảnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam gần 80 triệu một tháng, tức gần 1 tỷ một năm, vậy động lực nào để VFA nâng giá bán gạo xuất khẩu.

4) Các chính sách cho người dân trồng lúa mà Nhà nước đã đề ra trong những năm qua có phát huy tác dụng đối với nông dân ĐBSCL hay không?

Hầu như tất cả những chính sách của Nhà nước trong nhiều năm qua không có một chút hiệu quả nào cho nông dân ĐBSCL.

Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Văn Khải đưa ra QĐ số 80/2002/QĐ-TTg
“ Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Đây là một chính sách rất tiến bộ, thế nhưng từ khi ban hành đến nay đã 11 năm mà không thể thực hiện trong thực tế.

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quá chú trọng đến việc chống lạm phát nên có tư tưởng khống chế giá lúa gạo để chống lạm phát, vì thế không có chính sách nào nhằm nâng cao giá lúa cho nông dân.

Chúng ta thử xem xét các chính sách lớn của Chính phủ đương nhiệm, đó là: Nghị Định số 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị Quyết về an ninh lương thực quốc gia, Chính sách mua lúa tạm trữ.

Về Nghị định số 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo:

Lẽ ra đây là một Nghị Định quan trọng để đảm bảo quyền lợi của nông dân, thế nhưng, theo tôi, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo xin được tóm gọn trong một câu: Cái nông dân cần thì không có, cái VFA cần thì có quá nhiều.

Vấn đề này tôi đã viết bài: “ Xuất khẩu gạo theo Nghị Định 109: cái nông dân cần thì không có” đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. Tôi xin nói lại:

“ Quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo nằm ở giá bán gạo xuất khẩu; nằm ở việc có đủ kho chứa khoảng 6 triệu tấn lúa gạo để điều tiết quá trình xuất khẩu gạo nhằm mục đích giữ giá gạo; nằm ở việc minh bạch giá thu mua lúa tương ứng từ giá bán gạo xuất khẩu. Những điều vừa nêu về quyền lợi của nông dân không hề có trong Nghị định 109.


Trong xuất khẩu gạo, việc ấn định giá bán gạo xuất khẩu là điều quan trọng nhất. Thế nhưng trong Nghị định 109 vấn đề giá sàn xuất khẩu gạo qui định quá chung chung và dễ bị Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) khống chế.

Giá sàn bán gạo xuất khẩu phải phù hợp với diển biến của giá gạo thế giới, giá sàn bán gạo xuất khẩu phải qui chiếu về giá bán gạo của Thái Lan, chứ không thể phù hợp với giá gạo trong nước, cũng không thể phù hợp với giá lúa định hướng hay mặt bằng giá mua lúa gạo hàng hóa trong nước.”.
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/43487/

Về Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ “ Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”:
Nghị quyết số 63 qui định: 

4. Chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo

a) Khuyến khích nông dân giữ đất lúa
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất.”

Lãi 30% so với giá thành là một mức lãi chết đói, một mức lãi sẽ làm cho nông dân bị bần cùng, được qui định trong Nghị Quyết của Chính phủ như là một tình trạng khẩn cấp phải cứu nguy cho nông dân, thế nhưng, nhiều năm nay nông dân không lời được 30% so với giá thành thì Chính phủ cũng không có biện pháp nào để nông dân lời trên 30% so với giá thành.

Điển hình là vụ hè thu năm 2013 này, phần lớn nông dân ở ĐBSCL làm lúa chỉ từ hòa đến lỗ vốn, nhưng không hề thấy Chính phủ thực hiện qui định lời 30% như trong Nghị Quyết số 63. 

Về vấn đề này tôi đã viết bài: “ Nghị Quyết “ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”: Có còn giá trị?”.

Về chính sách mua lúa tạm trữ:
Như trên tôi đã nói, vấn đề quan trọng nhất là bán gạo xuất khẩu giá cao để từ giá bán gạo cao đó qui ra giá mua lúa cao cho nông dân. Như vậy, Chính phủ phải có chính sách hiệu quả để bán gạo xuất khẩu giá cao.

Thế nhưng, hiện nay, Chính phủ chỉ thực hiện một chính sách rất kém hiệu quả khi cho VFA vay không lãi để mua lúa của nông dân tạm trữ. 

Chính phủ cho VFA vay không lãi để mua lúa tạm trữ nhưng không ấn định giá lúa mà VFA phải mua cho nông dân, lại cho phép VFA mua theo giá thị trường ( giá thị trường chính là giá VFA tạo ra do độc quyền) nên nông dân không được lợi gì từ chính sách này, vì VFA hạ giá lúa rớt tận đáy vào ngày Chính phủ quy định mua tạm trữ rồi mới nâng giá lên 100- 200 đồng/ kg để báo cáo.

Cụ thể, năm 2013 này giá lúa đầu vụ đông xuân vào tháng 1 là 5.400 đồng/ kg lúa OM 4900, VFA hạ giá mãi đến ngày mua lúa tạm trữ 20/2 còn có 4.400 đồng/ kg, sau đó giá lúa có lên chút đỉnh khoảng 4.500-4.600 đồng/ kg.

Về vấn đề mua lúa tạm trữ này tôi đã viết bài: “ Chính sách mua tạm trữ lúa, gạo đang làm nghèo nông dân” tôi xin trích lại:



“ Chính sách tạm trữ lúa, gạo đưa lợi nhuận của nông dân xoay quanh mức lời 30% so với giá thành, đây là một mức lời sẽ làm cho nông dân bị bần cùng. Tôi đã phê phán trong bài viết: “Tại sao nông dân chỉ lời 30% so với giá thành”.

Năm nào cũng vậy, vụ nào cũng thế, sau khi để làm cho giá lúa rớt tận đáy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới mua tạm trữ lúa của nông dân theo lệnh của Chính phủ. Chính sách mua lúa tạm trữ được tuyên bố là nhằm giữ giá lúa cho nông dân, nhưng mà, Chính phủ có biết đâu rằng VFA đã hạ giá lúa của nông dân xuống tận đáy đúng vào thời điểm Chính phủ buộc VFA mua tạm trữ, cho nên giá lúa không những không tăng mà lại giảm.

Để hiểu rỏ những điều bài viết này đưa ra, phải xuất phát từ thực tế VFA độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân, giá lúa gạo là do VFA mặc tình thao túng chứ không có thị trường gì cả.

5) VFA độc quyền mua bán lúa gạo? Chú có thể nói rỏ hơn vấn đề này được không?

Tôi sẽ dùng Luật Cạnh Tranh để chứng minh rằng VFA ( hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước) mà nồng cốt là Tổng công ty Lương thực Miền Nam đang độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân.

Tổng công ty Lương thực miền Nam có vị trí thống lĩnh thị trường lúa gạo


Điều 11 khoản 1 của Luật Cạnh tranh qui định: “ Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam Online “Tổng công ty Lương thực miền Nam (TCty LTMN) là đơn vị chủ lực trong XK gạo của nước ta, hàng năm XK hơn 3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, tức chiếm tới hơn 60% lượng gạo XK của cả nước.” 

Như vậy: Tổng công ty Lương thực miền Nam được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường.

VFA là nhóm doanh nghiệp Nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường
Điều 11 khoản 2 mục c qui định: “Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.”

VFA có số lượng gạo xuất khẩu “chiếm trên 90% tổng số lượng gạo xuất khẩu chung của cả nước.”(2)

Dù có nhiều hơn 4 thành viên, nhưng hầu hết thành viên của VFA là các doanh nghiệp có chung chủ sở hữu là Nhà nước, cho nên căn cứ vào điều 11 khoản 2 mục c của luật cạnh tranh: VFA là nhóm doanh nghiệp của Nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường lúa gạo.
Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA độc quyền trong mua bán lúa gạo

Ông Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng là Chủ tịch VFA.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA muốn bán gạo xuất khẩu của nông dân với giá bao nhiêu thì bán, muốn mua lúa của nông dân với giá bao nhiêu thì mua, nông dân chỉ bán lúa cho Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA mà không thể bán cho ai khác. 

Điều 12 của Luật Cạnh tranh quy định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”

Như vậy căn cứ vào điều 12 của Luật Cạnh tranh, Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA là doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp có vị trí độc quyền trong mua bán lúa gạo của nông dân.
Tóm lại: lúa gạo của nông dân đang chịu sự độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước. Hay nói cách khác lúa gạo thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Việc ấn định giá lúa gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA vi phạm Luật Cạnh tranh

Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh qui định: Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp: “Quyết định giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước”.

Hiện nay, Nhà nước không quyết định giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa cho nông dân mà giao cho VFA toàn quyền quyết định. Điều này vi phạm Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh.

VFA chỉ là một hiệp hội ngành hàng, tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoạt động vì lợi nhuận, cho dù là doanh nghiệp Nhà nước, cũng không có quyền quyết định thu nhập của nông dân chúng tôi bằng cách ấn định giá thu mua lúa.

Thật là hết sức phi lý, khi một hiệp hội của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo, lại ấn định thu nhập cho hàng triệu nông dân.


6) Để người dân trồng lúa bớt nghèo, có thu nhập xứng đáng từ hạt lúa thì cần những giải pháp chính nào?

Về thu nhập: Muốn nông dân trồng lúa bớt nghèo, có thu nhập xứng đáng từ hạt lúa thì phải nâng cao giá bán gạo xuất khẩu, để từ giá bán gạo xuất khẩu cao đó qui ra giá mua lúa cao cho nông dân, sau khi trừ đi chi phí xuất khẩu gạo và lợi nhuận cho VFA.

Về chi phí: muốn cho nông dân trồng lúa bớt nghèo, có thu nhập xứng đáng từ hạt lúa thì phải giảm giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Muốn nâng cao giá bán gạo thì phải phải thực hiện cho được 2 điều kiện tiên quyết là phải có đủ kho chứa lúa gạo để có thể điều tiết việc xuất khẩu gạo nhằm giữ giá bán gạo, đồng thời phải có một chiến lược nhằm nâng cao giá bán gạo xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo phải có đủ kho chứa lúa gạo, đây là điều kiện bắt buộc để ấn định giá bán gạo xuất khẩu và điều tiết quá trình xuất khẩu gạo, tránh bị khách hàng ép giá.
Cần phải nhanh chóng xây dựng kho chứa tối thiểu 8 triệu tấn gạo, liên hợp với nhà máy xay lúa. Không đủ kho thì chỉ ăn chênh lệch như VFA, chứ chẳng làm nên tích sự gì trong xuất khẩu gạo cả.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, để xây 400 si lô chứa 4 triệu tấn gạo với hệ thống sấy lúa 20-24 tấn/ giờ, thì tốn khoảng 480 triệu đô la Mỹ. (1) như vậy để xây kho cho 8 triệu tấn lúa gạo cần khoảng 960 triệu đô la Mỹ. 

Đây là con số không lớn nếu biết rằng nông dân chúng tôi thiệt hại vào năm 2009 do giá bán gạo thấp hơn năm 2008 khoảng 1,1 tỷ đô la Mỹ.

Về chiến lược xuất khẩu gạo chúng ta phải ấn định cho được giá bán gạo xuất khẩu.

Vấn đề này tôi đã viết trong bài “Bắt tay với Thái Lan” đăng trên Người Lao Động Online. Xin được trích lại:

“Hãy thử so sánh: Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có hơn 10 thành viên nhưng khai thác khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới và chi phối cơ bản thị trường này. 

Trong khi đó, VN và Thái Lan chiếm đến 45,4% tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới (số liệu vào năm 2008), vậy chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với người Thái để hình thành liên minh song phương ấn định giá bán gạo xuất khẩu. 

Theo tôi, đề xuất thành lập Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries – OREC) hoạt động theo mô hình của OPEC, do VN và Thái Lan làm nòng cốt, cũng là một giải pháp khả dĩ nhằm củng cố thế mạnh và giá trị của hạt gạo VN trên thị trường quốc tế.”

Điều kỳ lạ là trong nhiều năm nay, Chính phủ Thái Lan luôn đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp tác để ấn định giá bán gạo xuất khẩu. Thái Lan còn nói rõ việc hợp tác này nông dân Việt Nam được lợi nhiều hơn vì bán gạo giá cao hơn. Thế mà cho đến nay Chính phủ Việt Nam không chấp nhận hợp tác với Thái Lan.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: Năm 2013 này, Thái Lan cương quyết bán gạo xuất khẩu 5% tấm với giá gần 600 đô la Mỹ/ tấn, nên không bán gạo ra thị trường thế giới, nếu Việt Nam cũng cương quyết nâng giá gạo 5% tấm lên khoảng 550 đô la Mỹ/ tấn và cũng không bán gạo ra thị trường thế giới để giữ giá, thì điều gì sẽ xảy ra đối với các nước nhập khẩu gạo?

Ở đây sẽ có người hỏi nếu nâng giá bán như vậy rồi người ta không mua lúa gạo của mình tồn kho nhiều thì phải làm sao? Nếu cần thiết, chúng ta có thể chỉ làm một vụ đông xuân thôi để bán được gạo 5% tấm giá 550 đô la Mỹ/ tấn, còn vụ hè thu hoặc trồng cỏ nuôi bò hay bỏ hoang cho đất tốt, hơn là làm lúa hè thu để rồi chẳng lời được đồng nào như vụ hè thu 2013 này.

Không hợp tác với Thái Lan rồi tuyên bố bị khách hàng ép giá VFA bán gạo xuất khẩu với giá thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại 170 đô la Mỹ/ tấn và thấp hơn gạo Ấn độc 70 đô la Mỹ/ tấn là điều quái dị không thể chấp nhận được.

Để giảm chi phí cho nông dân phải đưa 2 mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thành những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và quản lý giá cả chặt chẻ, hiện nay, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng giá vô tội vạ là gánh nặng cho nông dân.



Ghi chú: Những điều cháu hỏi bao trùm tất cả hoạt động của nông dân và các chính sách về nông nghiệp nên rất rộng, nên chú trả lời dài so với bài phỏng vấn, chú sẽ gởi thêm các bài báo của chú về vấn đề này để cháu đọc sau

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire