08/07/2015

TBT Trọng đi Mỹ: Chuyến đi mở cục diện mới


Alexander L. Vuving
Phó Giáo sư, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương, Honolulu.

  • 6 tháng 7 2015

 
Nếu như chuyến đi Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 đã mở ra một cục diện mới trong tam giác quan hệ Xô-Trung-Mỹ thì chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những ngày này cũng sẽ mở ra một cục diện mới trong tam giác quan hệ Việt-Trung-Mỹ.

Và nếu như cái bắt tay của Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông năm đó đã đặt nền tảng cho những biến chuyển sâu rộng trong nội địa Trung Quốc cả mấy chục năm về sau thì cái bắt tay giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama mùa hè này cũng sẽ đặt nền tảng cho những biến chuyển sâu rộng sẽ diễn ra ở Việt Nam trong nhiều năm tới.

Ý nghĩa lịch sử

Ta sẽ nhìn thấy ý nghĩa lịch sử của sự kiện này khi đặt nó trong tầm nhìn lịch sử.
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tại Hà Nội 1/6/2015
Người ta thường nói đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được tiếp đón như quốc khách ở Nhà Trắng. Chính phủ Mỹ đã vượt qua các thông lệ lễ tân để đón một vị lãnh đạo đảng (lại còn là Đảng Cộng sản) nhưng không mang chức vụ gì trong chính quyền quốc gia.

Điều này nói lên tính chất quan trọng của chuyến đi và của mối quan hệ Việt-Mỹ. Nhưng nó không phải là ý nghĩa lịch sử chủ yếu của sự kiện này.

Ý nghĩa lịch sử lớn hơn của sự kiện này là vai trò của nó trong dòng lịch sử hiện đại Việt Nam cũng như trong mối quan hệ tay ba giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.

Từ nhiều thập kỷ nay, chính trị Việt Nam không nằm ngoài mối quan hệ tay ba Việt-Trung-Mỹ. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam bị lệ thuộc vào hai nước lớn dù rằng Việt Nam phải chịu ảnh hưởng ít nhiều từ hai nước này.

Là một “đỉnh” trong “tam giác” (cũng như Mỹ và Trung Quốc), Việt Nam sẽ có cơ hội thể hiện được tính chủ động, độc lập của mình trong việc xử lý mối quan hệ với hai nước còn lại.

Cách đây 25 năm, lãnh đạo Việt Nam đứng trước một hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn khi khối đồng minh Đông Âu tan vỡ, “anh cả” Liên Xô xuống dốc và rút dần cam kết, trong khi thực lực Việt Nam chỉ trông chờ chủ yếu vào ý chí và tay không.

Từ nhiều thập kỷ nay, chính trị Việt Nam không nằm ngoài mối quan hệ tay ba Việt-Trung-Mỹ. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam bị lệ thuộc vào hai nước lớn dù rằng Việt Nam phải chịu ảnh hưởng ít nhiều từ hai nước này.

Xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trở nên một vấn đề sống còn hơn bao giờ hết.

Tháng 9 năm 1990, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng Thủ tướng Đỗ Mười bí mật đi Thành Đô gặp lãnh đạo Trung Quốc thì Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng đi Washington gặp ngoại trưởng Mỹ không chính thức.

Ở Thành Đô, Trung Quốc đặt điều kiện bình thường hoá quan hệ, ông Linh ông Mười đồng ý hết. Ở Washington, Mỹ không chịu bỏ cấm vận, cũng chưa tính chuyện sớm bình thường hoá quan hệ, ông Thạch đành về tay không.

Những gì sau đó là lịch sử. Việt Nam đặt mình vào quỹ đạo Trung Quốc với hy vọng có “ông anh đỏ” chống lưng sẽ giữ được chế độ.

Ông Thạch, người đã có cuộc cãi vã với phái viên Trung Quốc Từ Đôn Tín tháng 6 năm 1990 và có “nickname” là “Mr. America”, bị “thí tốt” phải về hưu, coi như món quà cống nạp “thiên triều”. (Bạn đọc có thể tham khảo cuốn “Hồi ức và Suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ vừa mới từ trần để hiểu thêm về giai đoạn này).

Trong suốt hơn chục năm sau, dù Việt Nam vẫn ra sức tăng cường quan hệ với Mỹ, nhưng những sự “ra sức” này bị giới hạn nặng nề. Năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại với Mỹ ở Auckland rồi lại phải hoãn, vì có sự ngăn chặn của một lãnh đạo còn cao hơn.

Cách nhìn mới

Lên cầm quyền năm 2001, chính quyền mới ở Mỹ của Tổng thống George W. Bush có cách nhìn mới về Việt Nam, muốn nói chuyện chiến lược với Việt Nam nhưng phía Việt Nam từ chối.

Mỹ có cách nhìn mới về Việt Nam vì họ có cách nhìn mới về Trung Quốc, coi nước này là “đối thủ chiến lược” chứ không phải là “đối tác chiến lược”. Trong 8 năm tại vị, chính quyền Bush đã có nhiều nỗ lực lôi kéo Việt Nam về phía mình và đưa quan hệ với Việt Nam lên tầm chiến lược. Một ví dụ là năm 2008, Mỹ đã chủ động mời Việt Nam gia nhập khối Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam dưới thời của Cựu Tổng thống Bill Clinton

Thái độ này của chính quyền Bush (con) khác hẳn với thái độ của chính quyền Bush (cha) trước đây và kể cả của chính quyền Clinton. Chủ trương của cả hai chính quyền Bush (cha) và Clinton là nhường Trung Quốc đi trước một bước trong tiếp cận với Việt Nam. Ngược lại, chính quyền Bush 2001-2008 mong muốn biến Việt Nam thành một đối tác chiến lược của Mỹ.

Trong bối cảnh thay đổi ấy, đi thăm Trung Quốc tháng 12 năm 2001 sau khi lên Tổng bí thư, ông Nông Đức Mạnh đồng ý đưa câu “chống chủ nghĩa bá quyền”, câu “mật khẩu” của Trung Quốc để tập hợp lực lượng chống Mỹ, vào Tuyên bố chung. Đây là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng, câu này có trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đó là lần cuối cùng bởi vào tháng 7 năm 2003, sau khi Mỹ tấn công đánh chiếm Iraq chỉ trong vài tuần, Hội nghị Trung ương 8 khoá 9 ra nghị quyết lịch sử về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” với định nghĩa mới về đối tượng và đối tác, không gắn vấn đề bạn thù với ý thức hệ nữa.

Với xu thế dài hạn là Việt Nam sẽ phải đương đầu với mối đe doạ chiến lược của một Trung Quốc nhiều tiền lắm mẹo, Việt Nam sẽ không có con đường nào khác là phải đổi mới để sống còn.

Tuy Nghị quyết 13 Bộ Chính trị năm 1988 (tác phẩm của ông Nguyễn Cơ Thạch) đã đề ra chủ trương mở sang phương Tây, phải với Nghị quyết Trung ương 8 năm 2003, cửa thông sang Mỹ và phương Tây mới thực sự mở rộng.

Chỉ trong vòng 5 tháng sau Hội nghị Trung ương 8, một loạt quan chức cao cấp của Việt Nam đồng loạt đi Mỹ, trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà và Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Nghị quyết 8 cũng bỏ rào cản về ý thức hệ để Việt Nam thực sự muốn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quá trình Việt Nam xin gia nhập WTO đã khởi động từ giữa thập niên 1990 nhưng vẫn ì ạch cầm chừng, sau Nghị quyết 8 mới được đẩy nhanh.

Nếu như những năm 1990-2003 Việt Nam không thể lại gần vị trí có khoảng cách đều nhau giữa Mỹ và Trung Quốc chứ chưa nói đến đứng ở đó, thì sau năm 2003, vị trí đó trở nên có thể về lý thuyết tuy vẫn chưa thể trong thực tiễn.

Thế cân bằng


Chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa Việt Nam tới một vị trí có khoảng cách đồng đều giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở ra khả năng Việt Nam vượt qua “làn phân thuỷ” để bước sang khu vực gần Mỹ hơn.

Ông Trọng và ông Obama sẽ nâng cấp mối quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước lên “đối tác toàn diện sâu rộng” với một “tuyên bố tầm nhìn chung”, thể hiện tính chiến lược trường kỳ của mối quan hệ.

Việc đoàn ông Trọng có thêm 2 Uỷ viên Bộ Chính trị nữa đi cùng cho thấy Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Mỹ như thế nào. Tuy đoàn ông Trọng đi Trung Quốc tháng 4 vừa qua có tới 4 Uỷ viên Bộ Chính trị đi cùng Tổng bí thư, nhưng khi ông đi thăm các nước bạn bè thân thiết nhất của Việt Nam như Lào, Cuba, Nga, mỗi đoàn cũng chỉ có thêm 1 Uỷ viên Bộ Chính trị đi cùng.

Tuy đoàn đi Trung Quốc hùng hậu như thế, quan hệ với Trung Quốc trên danh nghĩa còn là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với “16 chữ vàng” và phương châm “4 tốt”, nhưng thực chất, như chính hai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình nhìn nhận tại cuộc hội đàm tháng 4, độ tin cậy chính trị giữa hai nước vẫn chưa cao, hai nước cần thể hiện tinh thần “nói đi đôi với làm”. ( Xem thêm)

Trong khi đó, như Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh “bật mí” trong cuộc phỏng vấn tuần rồi với VnExpress, hai nước Việt, Mỹ “đã đạt được sự thống nhất không còn muốn là kẻ thù của nhau, không xâm phạm, xâm hại những lợi ích chiến lược của nhau và đặc biệt là cam kết không bao giờ đem chiến tranh đến cho nhau”.( Xem thêm)

Nếu như Hội nghị Thành Đô 1990 để lại di sản trong chính trị Việt Nam là xu hướng “chống phương Tây” giành ngôi trưởng, xu hướng “hiện đại hoá” chỉ ở ngôi thứ, thì chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có tác động ngược lại.

Nếu như Hội nghị Thành Đô 1990 để lại di sản trong chính trị Việt Nam là xu hướng “chống phương Tây” giành ngôi trưởng, xu hướng “hiện đại hoá” chỉ ở ngôi thứ, thì chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có tác động ngược lại.

Nó báo hiệu rằng xu hướng “hiện đại hoá” đang đi lên và xu hướng “chống phương Tây” đang đi xuống. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả Đại hội 12 của Đảng Cộng sản, dự trù nhóm họp vào cuối năm nay hoặc đầu sang năm.

Người ta thường cho rằng ông Trọng là người bảo thủ và thân Trung Quốc. Nhận định này quá giản đơn mà không thấy hết được sự phức tạp và tế nhị của chính trị và quan hệ quốc tế.

Trước kia, ông Trường Chinh cũng thường được coi là bảo thủ và thân Trung Quốc. Nhưng chính ông là người có dũng khí viết lại Báo cáo Chính trị để đề ra chính sách “đổi mới” ở Đại hội 6 năm 1986. Chính ông cũng là người vào những năm đầu thập kỷ 1960 đã có lúc ngả theo quan điểm Liên Xô về chung sống hoà bình, một quan điểm bị Trung Quốc kịch liệt chống đối.

Hồi đó người ta cũng nghĩ ông Lê Duẩn thân Liên Xô nhưng chính ông đã đồng chủ trương (cùng ông Lê Đức Thọ) đàn áp những người ủng hộ quan điểm Liên Xô mà ông và các đồng chí gọi là “nhóm xét lại”.

Đổi mới để sống còn

Một chỉ dấu cho thấy ông Trọng đã quyết định phải thúc đẩy quan hệ với Mỹ để cân bằng Trung Quốc và cũng để hiện đại hoá đất nước là ông cử ông Phạm Quang Nghị, người mà ông từng đề cử “quy hoạch” làm Tổng bí thư khoá tới, đi Mỹ tiền trạm cho ông chỉ mấy ngày sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào tháng 7 năm ngoái.

Ngay trong năm 2014, người ta đã ngầm hiểu rằng quan hệ với Mỹ tuy danh nghĩa là đối tác toàn diện nhưng thực chất đã là đối tác chiến lược.

Điều này khác hẳn với cách đây chỉ khoảng hơn chục năm, quan hệ với Trung Quốc trên danh nghĩa còn chưa gọi là đối tác chiến lược, nhưng phía Việt Nam đã ngầm hiểu là đồng minh chiến lược.

Với những sự ngầm hiểu mới (Trung Quốc là mối đe doạ chiến lược, Mỹ tiến tới là đồng minh chiến lược không chính thức), chính trị trong nước của Việt Nam sẽ có những đổi thay mới. Có thể khẳng định ngay từ bây giờ là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sẽ không bầu một nhân vật bảo thủ, chống phương Tây lên làm Tổng bí thư.

Tuy nhiên, liệu Đại hội có bầu một nhân vật đổi mới, hiện đại hoá lên hay không thì vẫn còn là câu hỏi. Các nhóm chiếm số đông trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay không phải là “bảo thủ”, cũng không phải là “đổi mới”, mà là “trung dung” và “trục lợi”. Tuỳ theo diễn biến trong những tháng sắp tới mà Đại hội 12 có thể sẽ bầu một nhân vật hoặc “trung dung” hoặc “trục lợi” hoặc cũng có thể “đổi mới” lên làm Tổng bí thư.

Mặc dầu vậy, với xu thế dài hạn là Việt Nam sẽ phải đương đầu với mối đe doạ chiến lược của một Trung Quốc nhiều tiền lắm mẹo, Việt Nam sẽ không có con đường nào khác là phải đổi mới để sống còn.
 
Nguồn: Theo BBC

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire