Hà
Sĩ Phu
Tôi cứ nhớ
mãi hồi còn học lớp Dự bị (cours preparatoire, tương tự như lớp 2 lớp 3 bây giờ),
vớ được cuốn thơ song ngữ “Thơ ngụ ngôn La Fontaine” (Les fables de La
Fontaine), đọc lấy đọc để, đọc đi đọc lại, khoái trá. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch
thơ rất dễ nhớ, mà những tranh minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh theo kiểu comique
(hý họa) thì quá gây ấn tượng, xem một lần là nhớ đến già. Một trong những bài
gây ấn tượng nhất có lẽ là bài “Con nhái
muốn to bằng con bò”:
Con nhái nom thấy con bò,
Hình-dung đẹp-đẽ, mình to béo tròn.
Nhái bằng quả trứng tí-hon.
Lại toan cố sức bằng con bò vàng.
Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương;
Kêu: - Chị em đến xem tường cho ta.
Đã bằng chưa, chị trông, nà?
Bạn rằng: - Còn kém! Nhái đà phồng thêm;
Hỏi rằng: - Được chửa, chị em?
Bạn rằng: - Chưa được; Phồng thêm ít nhiều.
- Chị ơi! Còn kém bao nhiêu?
Bạn rằng: - Còn phải phồng nhiều. Kém xa!
Tức mình, chị nhái oắt ta,
Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền….
Chả là bây giờ thấy cái gì người ta cũng muốn to, cũng muốn…hoành
tráng khủng khiếp. Ừ thì con đường to để xe cộ đi cho dễ, cái siêu thị to để
khách vào mua cũng sướng, cái tháp truyền hình thật cao để phủ sóng được xa, tốt
thôi. Nhưng cái bánh chưng cũng muốn khổng lồ để vào Guinness, mà nhân làm bằng
tấm xốp polyme thì để cho ma nó ăn à? Cả chiếc bánh dày,
tô hủ tiếu, cái bánh tét cho đến cả chai rượu… cũng muốn khổng lồ nhất thế giới
thì thật là…điên!
Xin lưu ý rằng ngay cả với những công trình lớn lao hữu ích
thì cũng phải phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế, không thể bắt chước những
nước quá giàu, và nếu dùng kinh phí nhà nước (tức là của nhân dân) thì vẫn phải
lắng nghe hoặc trưng cầu ý kiến của dân.
Huống chi, nay lại đến chiến dịch “tượng đài Bác Hồ”, tỉnh nào cũng ganh nhau sao cho có cái quảng trường
thật rộng, có tượng “Bác” thật to, mà to đến mức tiêu tốn “kinh phí 1.400 tỷ đồng”
thì xin thưa, nói khí vô phép chứ, thối không ngửi được ạ.
Nước mình còn thuộc loại nước lạc hậu, dân quá nghèo, sao
không thương những em bé phải trượt ròng rọc qua sông đi học, những mẹ già nhặt
rác kiếm sống qua ngày, những bệnh nhân phải chen nhau nằm cả dưới gầm giường bệnh
viện, những nam nữ thanh niên nghèo phải đi làm như nô lệ khắp nơi…mà lại rửng
mỡ định tự tiện đổ 1.400 tỷ đồng như “tiền chùa” vào một đại công trình không
xuất phát từ nhu cầu thiết thực và từ mọi mặt của thực tiễn xã hội, nhất là nhận
thức và tâm lý của xã hội hôm nay?
Người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân của bệnh
dịch thích “hoành tráng giật gân” hiện nay nói chung và về tượng đài HCM nói
riêng.
- Hoặc là háo danh muốn được ghi vào kỷ lục?
- Hoặc là tư duy nhiệm
kỳ muốn để lại dấu ấn cá nhân thời mình tại chức?
- Hoặc về chính trị, muốn tự cứu bằng cách bao phủ xã hội bằng
một hình tượng gọi là chủ nghĩa yêu nước đặc hiệu Việt Nam thoát khỏi hệ Mác-Lê đã hết thời?
- Hoặc là nương theo chủ trương chính trị ấy để tham nhũng
mưu lợi riêng?
- Hoặc đây là phàn ứng
ngược của mặc cảm tự ty, tự gồng lên
cho vĩ đại , tự tô vẽ, tự dối mình, hòng dối người, tự mê mình mà tự sướng,
hòng che đậy khỏa lấp thực trạng bất lực, thấp kém, như cái bánh chưng khổng lồ
bất chấp ruột bằng polyme độc hại?
Dẫu là nguyên nhân nào thì đây cũng là một hiện tượng dở,
tiêu cực, nên tránh, nên dừng, nên bỏ. Song, điều đáng buồn là hầu như tất cả
các nguyên nhân tiêu cực nói trên đều hiện hữu, đều ở cùng một phía và cộng hưởng
với nhau thành sức mạnh để chống lại mọi tiếng nói tỉnh táo của lương tri, chẳng
biết rằng khoe tượng đài cho lắm chính là tự khoe nền độc tài!.
Trở lại bài thơ ngụ ngôn, tại sao anh hề tội nghiệp muốn to
bằng con bò kia lại là con nhái mà không phải một con gì khác? Vì nó là con vật
biết mình nhỏ bé quá thì đã đành, nhưng sao không phải là con chuột, con rắn,
con chim, …? Chim, chuột , rắn…không thể có ảo tưởng lớn bằng con bò vì chúng tự
thấy mình không thể. Nhưng chàng nhái được trời phú cho những “ưu điểm” dẫn nó
đến tự huyễn hoặc. Tác giả đã mô tả 3 năng lực ấy: Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương! Quả là chỉ anh nhái bén mới có 3 ưu
điểm khác đời này, chút tài năng bẩm sinh rốt cuộc đã làm hại nó.
Cuối cùng La Fontaine (*) cũng trở lại với xã hội con người:
Ở đời lắm kẻ thật điên,
Sức hèn lại muốn tranh tiên với người.
Dại thay những thói đua đòi
Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh.
Để cho cơ-nghiệp tan-tành.
Sức hèn lại muốn tranh tiên với người.
Dại thay những thói đua đòi
Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh.
Để cho cơ-nghiệp tan-tành.
Những bài thơ ngụ ngôn đã ra đời cách đây hơn 300 năm mà sao
như đang nói cho xã hội hôm nay? Ba trăm năm là bước tiến rất xa về kinh tế, về
khoa học – kỹ thuật nhưng là khoảng cách không đáng kể về bản tính, về thói đời
và nhân cách con người, về cuộc giằng co giữa “thú và nhân”, giữa thiện và ác.
Văn minh về khoa học-kỹ thuật phát triển nhanh ư, thì cả Thiện
và Ác đều dùng những thành quả ấy làm công cụ cho mình. Công cụ ngày càng tinh
vi và hữu hiệu chỉ càng khiến cho cuộc đấu tranh ngày càng gay cấn và ngụy
trang phức tạp hơn thôi. Cái Ác ngày càng đội lốt Thiện một cách gần như hoàn hảo
khiến cho giới duy cảm càng dễ bị lừa.
Nhưng xã hội càng bị lừa thì sự duy lý cũng được hun đúc
thêm để ngày càng sắc sảo. Cứ thế, đấu tranh để tiến hóa là con đường bất tận.
Thế kỷ 21, dù Internet với những bàn phím đã gom trí thức cả
loài người vào một tập đại thành khổng lồ, dù con người đã bay tới những hành
tinh xa lắc thì những câu chuyện ngụ ngôn viết bằng lông ngỗng thuở xưa vẫn mãi
là những viên đá lát đường nhận thức, chẳng bao giờ cũ.
Trước mắt ta những
con nhái và những con bò vẫn nhởn nhơ vô tình nhắc mãi bài thơ cuộc đời “Dại thay những thói đua đòi, Vinh gì cuộc rượu
trận cười mà ganh…”.
H.S.P. (Đà Lạt 8-8-2015)
--------------------------------------------
(*) Jean de La Fontaine (Lã Phụng Tiên) là nhà thơ ngụ ngôn
danh tiếng nước Pháp, sinh ngày 8 tháng7 năm 1621, mất ngày 13-4-1695 tại
Paris, thọ 73 tuổi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire