"ít nhất phải không lú lẫn" |
Chuyện học thì mênh mông, cách học
cũng muôn hình muôn vẻ. Nhưng quan trọng hơn là học cái gì. Với chuyến đi Nhật
của ông Tổng thì cũng vậy thôi. Đi để tự giới thiệu về dân về nước mình sao cho
khỏi bõ công người ta vì kính trọng dân mình, nước mình mà mời. Cho nên nếu hiểu
“mình có thế nào người ta mới mời”
thì người có sự thông minh tối thiểu cũng phải hiều “mình” đây chính là “dân mình”,
“nước mình”. Đương nhiên muốn vậy thì
dù chưa thông minh, ít nhất phải không lú lẫn.
Vậy thì dân mình cần học cái gì nhất
ở người Nhật, nước Nhật? Đây là chuyện quá lớn. Xin chỉ được nói về suy ngẫm
riêng tư của một người đã có vài lần đến Nhật. Ngoài mấy lần đi hội thảo, có một
lần là khách mời trao đổi về văn hoá cách nay khoảng mười lăm năm. Dạo ấy, trước
chuyến đi, trả lời câu hỏi của ông Đại sứ Nhật : “điều quan trọng nhất muốn tìm hiểu về Nhật Bản là gì”. Không ngần
ngừ, tôi nói ngay: “ muốn hiểu vì lẽ gì mà
người Nhật, nạn nhân của bom nguyên tử Mỹ lại liên mình với Mỹ nhằm xây dựng lại
đất nước để có hôm nay”. Ông Đại sứ trầm ngâm rồi hỏi lại, “vậy ông muốn đến những đâu trong mười ngày
trên trên đất Nhật”? Muốn thăm “một
thành phố cổ và một vài ngôi làng Nhật”, tôi nói.
Ông cười, “thành tựu lớn nhất của Nhật là khoa học và công nghệ, đặc biệt là công
nghệ cao, cái đó tập trung ở các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp ở đô thị,
sao ông lại chỉ đi thăm thành phố cổ và những ngôi làng”? Tôi cũng cười, “đọc sách, xem trên màn hình, cũng có thể
nhìn thấy điều ấy. Nhưng đó là thành tựu. Tôi muốn hiểu vì đâu có thành tựu đó.
Vậy thì phải đi tìm trong truyền thống và trong trào lưu canh tân. Nói theo
ngôn từ quen thuộc của chúng tôi là đến hiện đại từ truyền thống. Vì vậy phải
trực tiếp gặp những con người, vì nói đến văn hoá cũng chính là nói đến con người.
Đến thành phố cổ và làng quê chắc dễ cảm nhận để hiểu về bản lĩnh của những con
người đã hiện đại hoá truyền thống như thế nào”.
Kể về chuyến đi và những cảm nhận sẽ
quá dài, xin chỉ ghi lại một kỷ niệm giàu cảm xúc. Khi đến cố đô Kyoto [ảnh dưới], quê hương của hơn 2.000 ngôi chùa Phật giáo
và đền thờ Thần đạo, trong đó có 17 công trình văn hóa của Nhật được đưa vào
danh sách những Di sản Thế giới, tôi
được nghe một chuyện cảm động về tượng đài Langdon
Warner, nhà khảo cổ và sử học nghệ thuật người Mỹ. Ông là người kêu gọi chính
quyền Mỹ không ném bom các thành phố mang nhiều di sản văn hóa như Kyoto. Người
dân Kyoto đã tạc dạ về tư tưởng và hành động mang đậm tính văn hoá đó nên đã dựng
tượng ghi ơn nhà văn hoá Mỹ đã cứu Kyoto khỏi hoạ bom nguyên tử năm1945.
Đáng tiếc là tôi không kịp đến chiêm
ngưỡng bức tượng đó.
Xin khỏi phải kể thêm về chuyến đi và những cảm
nhận, chỉ nói về những suy ngẫm từ
chuyến đi đó.
Chính từ chuyện bom nguyên tử này, đây là
quốc gia duy nhất trên quả đất nếm trải nỗi đau khủng khiếp ấy, tôi suy ngẫm về bản
lĩnh của người Nhật.
Trong phạm vi hạn hẹp của một bài viết vắn, xin chỉ tập
trung vào một vấn đề : Phải chăng bản lĩnh người Nhật được đẩy lên đỉnh cao bởi
tầm nhìn khai phóng với ánh sáng tỉnh thức, được thể hiện rõ nét
trong câu châm ngôn “
độc lập quốc
gia thông qua độc lập cá nhân"
do Fukuzawa Yukichi, nhà khai sáng Nhật Bản. Vâng, chỉ một câu. Với tôi đây chính
là câu cần học nhất. Đây là thời đoạn nước Nhật vừa thoát ra khỏi chế độ chuyên
chế thời Mạc Phủ với những bước đi canh tân đầu tiên thời Minh Trị.
Theo nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong xã hội
Nhật Bản
cận đại ấy thì
một xã hội
muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng
tạo, chứ không phải dựa vào ai đó ở “bên
trên”. Phải chăng tầm nhìn của nhà Khai sáng ấy đã góp phần xây đắp bản lĩnh
của người Nhật đê rồi có đủ sự tỉnh táo và sáng suốt mà dám quên đi mối hận và
nỗi đau hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki để ký Hiệp ước
Liên minh Mỹ-Nhật [Hiệp ước San Francisco có hiệu lực từ 28.4.1952]. Họ biết và
dám khai thác sức mạnh tài chính và khoa học công nghệ của cựu thù để đủ sức
xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn của chiến tranh. Liệu việc
ký Hiệp ước San Francisco sau này có khởi nguồn từ tầm nhìn của Fukuzawa mà người ta gọi là “Voltaire
của Nhật”? Sẽ hiểu hơn về điều này nếu soi lại tiến trình canh tân của Nhật
và việc tiếp thu những thành tựu văn minh phương Tây mà Fukuzawa là người đi tiên phong. Người mà khi nghe tin sẽ có một
phải đoàn sứ giả Nhật sẽ
đi Hoa Kỳ ông đã đến gặp trưởng
đoàn để xin đi. Chuyến đi năm 1860 ấy cùng chuyến đi
châu Âu rồi chuyến đi Mỹ sau đó nữa
đã có ảnh hưởng rất lớn đến Fukuzawa để rồi
tác động đến cách nhìn, tầm nhìn của giới tinh hoa trong xã hội Nhật thời đó để
làm nên sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.
Trong "Thoát Á luận",
Fukuzawa kêu gọi nước Nhật hãy "tách
ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn
minh phương Tây". Đương nhiên, Fukuzawa không quên chỉ ra: “văn minh
phương Tây đúng là hơn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng
hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy khiếm khuyết. Phong tục phương Tây
không phải thứ gì cũng hay ho". Ông nói rõ, do những khác biệt về văn hoá,
một số những yếu tố đặc thù khi ở phương Tây thì hay nhưng khi du nhập vào Nhật
Bản có thể chưa phù hợp. Vì thế, phải biết bình tĩnh lựa chọn chứ không phải là
"tin tưởng một cách mù quáng văn
minh phương Tây". Để có năng lực lựa chọn “tin cái gì và nghi ngờ cái gì”, Fukuzawa xác định rõ, “kết quả của
học vấn chính là ở chỗ nuôi dưỡng năng lực lựa chọn đó".
Từ một nhận thức như thế, ông không ngần
ngại nói lên một sự thật nhằm cổ vũ cho một thái độ thực sự cầu thị để vượt lên
khỏi sự tăm tối lạc hậu : “Cũng khi tiếp xúc với người nước ngoài, lắng nghe
họ nói, đọc các sách phương Tây và dịch sách mới thấy kiến thức rộng
mênh mông nhường nào, lúc đó người ta
mới nhận thấy rằng ngay cả chính phủ “ma quỷ hay thánh thần” gì nữa cũng
có thể bị sụp đổ bởi nỗ lực của loài người. Có lẽ đó là lúc mà người điếc
và người mù mới vểnh tai và mắt lên để có thể nghe và nhận thấy những âm thanh
và màu sắc”.
Fukuzawa |
Chính vì thế, nhà khai sáng Fukuzawa [ảnh bên]
kêu gọi giới trí thức Nhật “chúng ta
không nên tìm cách ngăn cản lại sự lan truyền của nền văn minh ấy. Là những
người trí thức, chúng ta hãy góp sức giúp cho sự lan truyền của làn sóng văn
minh đó tới toàn dân trong nước để họ thấy được và làm quen với nền văn minh ấy
càng sớm càng tốt. Làm được như vậy chính là sự nghiệp của những người trí thức”.
Cần biết thêm rằng , tác phẩm “Khuyến học” viết trong thời gian 1872 - 1876, được xem là cuốn sách
gối đầu giường của người Nhật. Lần phát hành đâu tiên đã là 3,4 triệu bản, dân
số Nhật lúc ấy khoảng 35 triệu, nghĩa là cứ khoảng 10 người Nhật có một cuốn
sách. Và cuốn “Khuyến học” đã được
tái bản liên tục. Chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami
Bunko tái bản đến 76 lần. Nếu nhớ lại một sự kiện khác: việc dịch và in cuốn “Bàn về tự do” mang ý nghĩa khai sáng của
John Stuart Mill cũng vào thời điểm ấy sẽ hiểu thêm về trào lưu canh tân của
Nhật bản đã tác động như thế nào đến đời sống tinh thần người Nhật. Phải chăng
tinh thần ấy góp phần làm nên “chuyện thần kỳ Nhật Bản” vừa nói? Cuốn sách được viết năm 1859 ở nước Anh thì 1871 Nhật
đã dịch và xuất bản với trên 2 triệu bản trên số 35 triệu dân như vừa nói.*
Trong “
Khuyến học”, Fukuzawa kêu gọi các sĩ phu
Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia và coi nhẹ
chính phủ", tự tin vào
sức mạnh của chính mình mà không phụ thuộc vào sức mạnh của quyền uy
”. Ông chỉ
ra rằng, “nếu quốc dân không có chí khí
độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng sẽ hàm hồ và nông cạn”.
Điểm nổi bật trong “Khuyến học” là "những
bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản" mà Fukuzawa xác định đó
là “điểm xuất phát của mọi vấn đề",
là "cái quan trọng nhất và phải được
coi là phần hồn của văn minh".
Vì sao? Vì "nếu
không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi hình thái của văn minh chỉ
còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng". Fukuzawa quyết liệt cảnh báo “giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc
lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành
một quốc gia tiên tiến và văn minh. Nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền
độc lập giành được sẽ mau chóng mất đi để rồi lại lệ thuộc vào các quốc gia
tiên tiến khác”.
Liệu có phải bản
lĩnh của người Nhật khởi nguồn từ
đó? Và đó cũng chính là cái cần phải học trước tiên để rồi còn phải học lâu dài
khi dân tộc ta đang đối diện với những thách thức trong một thời điểm của những
biến động dữ dội và rất khó lường trên con đường hội nhập để phát triển. Nhưng
cũng chính vì vậy mà một vận hội mới đang mở ra với những ai có đôi mắt biết
nhìn và cái tai biết nghe với một bộ óc minh mẫn.
Kết thúc bài học một câu từ người nhật trong đầu tôi vụt
hiện lên cũng một câu, đúng hơn là một câu đối, trong đoạn kết một truyện ngắn
trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn
Tuân qua lời nói của một tử tù vừa “cho
chữ” viên quản ngục. Quản ngục này vốn có một đam mê tao nhã là có được một
đôi câu đối làm “một vật báu trên đời”
bởi chính tay ông Huấn Cao, tức là người tử tù đây, viết cho.
Xin chép ra đây lời người tử tù sau khi viết một câu cho
viên quản ngục: “ở đây lẫn lộn. Ta khuyên
thày Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo môt bức lụa
trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão
tung hoành của một đời con người…thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy
nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ cái thiên lương cho lành vững, và rồi
cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Quả thật, “giữ được
cái thiên lương cho lành vững” không dễ trong một môi trường ô nhiễm khi
một số người đang nắm quyền lực cố “tự
đánh lừa mình về cái nội dung của chính mình”**. Họ không tìm thấy điểm tựa
của họ trong tương lai mà chỉ sống nhờ vào quá khứ nên không chịu để cho “người đã chết chôn cất những người chết của
mình” mà cứ “buộc những bóng ma của nó
phải lang thang một lần nữa”**.
Chính vì thế, trong tiến trình hội nhập đang có nhiều
triển vọng nhưng sự nghiệp chấn hưng đất nước vẫn bị trì kéo do cái não trạng mụ mị vì dục vọng đen tối của thao
túng quyền lực được che dấu bằng sự nguỵ biện của ngôn từ về biện chứng của sự
ngoan cố đã làm “nhem nhuốc mất cái đời
lương thiện”.
Thực chất là biện chứng về sự ngạo mạn của quyền lực vốn
là kẻ thù lớn nhất của chân lý. Làm sao dấn bước canh tân khi đầu óc vẫn đặc
sệt những cái cổ hủ mà cuộc sống đã vứt bỏ. Chẳng những thế, vẫn cứ cố nhai lại
những bài học cũ rích để bám giữ bằng được cái vang bóng một thời đã và đang lụi tàn nhưng vẫn cố đấm ăn xôi. Ác một nỗi xôi lại hẩm!
________
*Ở ta thì mãi đến năm 2000 NXB Tri Thức
mới rụt rè vừa thăm dò ý tưởng và trí tuệ sáng láng của cấp trên để dịch và
phát hành 1000 cuốn cho gần 100 triệu dân!
**C.Mác và Ph.Anghen toàn tập. Tập 8.
NXBCTQG, t.145, 148
Quảng Cáo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire