Nguyễn Đình Ấm
Đến VN từ 5-6 tháng 11 năm 2015 ông Tập Cận Bình đã phát biểu ở sân bay Nội Bài, quốc hội VN, ông Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...Phát biểu thì nhiều nhưng nội dung chẳng có gì mới mà lặp lại toàn những lời sáo rỗng như hàng trăm lần thăm viếng nhau của lãnh đạo hai nước trước đó.Họ không có gì mới để phản ánh một sự thực ai cũng biết: Trong quan hệ TQ-VN thì VN luôn bị thua thiệt: Mất lãnh thổ,biển, đảo, đất nước bị tàn phá, quân, ngư dân bị TQ giết hại, cướp bóc, kinh tế nhập siêu bằng tất cả xuất siêu của VN cộng lại,phần lớn thị trường dự án trọng điểm ảnh hưởng đến an nguy của VN do TQ nắm giữ.
Một người dù tài giỏi đến đâu nhưng trước sự thật ấy cũng không dễ để sáng tác ra lời gì mới ngoài lời lẽ chung chung, hoa mỹ: “Hết sức coi trọng mối tình hữu nghị truyền thống…kiên trì coi quan hệ Trung Việt từ tầm cao chiến lược, và góc độ lâu dài, nguyện cùng với phía VN nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị…”.(Tại Nội Bài).Bốn “kiên trì”, đó là: Kiên trì xuất phát từ toàn cục…Học tập lẫn nhau, mở rộng giao lưu…Kiên trì “thông cảm lẫn nhau”, hiệp thương hữu nghị…Hai nước Trung-Việt núi liền núi, sông liền sông một dải như môi với răng.Trung Việt là “cộng đồng vận mệnh” mang ý nghĩa chiến lược…Rồi 7 điểm về phát triển quan hệ hai đảng, hai nước Trung Việt:Tăng cường định hướng chính trị…Sâu sắc giao lưu hợp tác hai đảng,… Kết nối chiến lược phát triển…Tăng cường hợp tác…Tăng cường hữu nghị Thúc đẩy hợp tác trên biển,…Tăng cường điều phối quốc tế…
Toàn những lời lẽ chung chung lèo lá chơi chữ vô nghĩa cố phết lớp sơn hào nhoáng bên ngoài của quan hệ Việt Trung giữa một kẻ xâm lược, nô dịch với một kẻ bị trị. Dù cố dấu đi quan hệ này nhưng ông Tập cũng lộ ra tâm trạng trịch thượng khuyên bảo nhà cầm quyền VN khi để ra “Bốn kiên trì”,7 điểm trong đó toàn là những điểm chung chung mơ hồ.Đặc biệt, lần đầu tiên người ta nghe ông Tập khuyên nhà cầm quyền VN “Kiên trì thông cảm lẫn nhau”, tức có việc khó nói nên phải “kiên trì”. Suốt chuyến thăm để “thúc đẩy quan hệ chiến lược môi răng” nhưng mặc xác nhân dân VN trông chờ, các nhà lãnh đạo VN khêu gợi ông Tập tuyệt nhiên không đả động gì đến biển, đảo ở biển đông, vấn đề mà bất cứ người VN chân chính nào cũng không thể bỏ qua.Thế nhưng vừa từ VN đến Singapore chỗ ngồi ở VN chưa nguội, ông Tập đã ngang nhiên tuyên bố: “Các đảo ở biển đông đã thuộc TQ từ thời cổ đại” như thể giỡn mặt mấy anh bạn 16 chữ, bốn tốt ở Hà Nội vừa dành cho ông sự ưu ái, trọng thị tột đỉnh ngoại giao.
Có một điều mà bất cứ cuộc gặp gỡ nào giữa VN và TQ thì phía TQ cũng nói “đặt đại cục lên trên” và “đừng để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ đại cục”, phải “kiểm soát tốt bất đồng trên biển đông”….
Đây mới thực sự là điều ông Tập muốn nói với VN. Nghĩa là, lãnh thổ, biển đảo của VN không quan trọng trong quan hệ với TQ, hãy chịu mất phần lãnh thổ, biển, đảo để được TQ bảo hộ sự độc tôn cai trị VN của đảng CS, được TQ nhập nguyên liệu, tài nguyên, khoáng sản, nông sản của VN và đầu tư cho VN công nghệ lạc hậu, các loại hóa chất độc hại, ô nhiễm, để TQ được sử dụng các đường cao tốc xuất phát từ tây nam TQ qua VN xuống biển đông, sử dụng các hải cảng VN để buôn bán, khi cần trở thành căn cứ quân sự cho TQ...
Không người dân có trách nhiệm của VN hay ở bất cứ quốc gia nào( kể cả TQ) lại đồng ý với ông Tập cũng như nhà cầm quyền TQ coi giang sơn, lãnh thổ, biển đảo quốc gia nào đó lại là thứ yếu.Ngược lại, với bất cứ người yêu nước nào cũng sẽ khẳng định:Giang sơn lãnh thổ quốc gia mới là thiêng liêng nhất, mới là “đại cục”! Quan hệ Palestine-Israel qua mấy thập kỷ căng thẳng không giải quyết được cũng chỉ là vấn đề lãnh thổ.Giải quyết quan hệ hai nước trước hết phải giải quyết vấn đề lãnh thổ. Từ xa xưa ông cha ta cũng đã xác định: “Chớ để họ lấn dần, nếu các ngươi lấy một thước núi, một thước sông tổ tiên để lại mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”(Lời dụ của vua Lê Thánh tông với quần thần năm 1473-Đại việt sử ký toàn thư). Hàng ngàn năm qua ông cha ta đã coi giang sơn là thiêng liêng nhất thì nước Việt mới tồn tại đến nagy nay. Nếu cứ nghe ông Tập và nhà cầm quyền TQ coi giang sơn biển đảo là thứ yếu nên bỏ qua để được hưởng cái “đại cục” là thứ “hữu nghị viển vông” thì thử hỏi thời gian tới nước VN có còn nữa hay không?
Vì vậy, những lời khuyên của ông Tập cũng như các lãnh đạo TQ đã nói với VN chỉ có thể lọt tai những kẻ nào bán nước mà thôi.
NĐA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire