Người viết: Nguyễn
Nguyên Bình
Tranh Trần Nhương |
Thế là cuộc Thi
đua yêu nước dài dặc gần 70 năm đã đến được mốc mới là Đại Hội lần thứ IX họp
vào đầu tháng 12 tại Hà nội, một Đại hội hoành tráng có tới 1800 đại biểu chính
thức và chắc cũng không kém phần hoành tráng trong chi tiêu tiền bạc của dân…
Ví dụ: về danh hiệu
thi đua cao nhất, thì có hai loại trước nay vẫn áp dụng, đó là Anh hùng Lao động
và Anh hùng lực lượng vũ trang. Thử hỏi cái logic hình thức tối thiểu ở đây là
gì? (Một đằng là định tính hoạt động của
thực thể thi đua, đằng kia lại nói về phạm vi tồn tại của thực thể). Sao
không đặt danh hiệu Anh hùng Chiến đấu song hành với danh hiệu Anh hùng Lao động?
Hoặc chỉ cần một danh hiệu Anh hùng duy nhất cho các thành tích đặc biệt xuất sắc?Trên
thực tế, việc sử dụng các danh hiệu tréo ngoe đó đã kéo theo một bất cập nữa,
đó là sự nhập nhằng khi phân chia thành tích, đâm ra khen sai đối tượng. Trong
giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đã có nhiều đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng cho
một số địa phương như tỉnh huyện xã ở cả hai miền vì thành tích xuất sắc đóng
góp nhiều công sức lao động sản xuất và phục vụ chiến đấu. nhưng khi đưa lên đến
cấp thẩm quyền thì một vị tướng phụ trách về thi đua khen thưởng lại phán rằng: ở tỉnh, huyện, xã thể nào mà chẳng có địch lẫn
trong dân, nếu tuyên dương anh hùng LLVT cho cả tỉnh huyện xã thì hóa ra khen cả
bọn địch à? Lúc đó cũng đã có ý kiến nói lại: trong văn bản đã đề nghị tặng
danh hiệu Anh hùng cho Quân và Dân các địa phương thì tức là đã tách địch ra khỏi
phạm trù ‘Dân’rồi, làm gì sợ khen nhầm cả địch? Nhưng ý kiến đó không thuyết phục
nổi vị tướng chủ quan bảo thủ, thế là tất cả thành tích của Quân và Dân ở địa
phương bị gạt sang cho Lực lượng vũ trang nhân dân ( mà lúc đó lực lượng vũ
trang địa phương đơn thuần chỉ là tỉnh đội, huyện đội, xã đội mà thôi, phạm vi
nhỏ, quân số rất ít) , tự nhiên ‘ăn không’danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
( mà,nếu như vị tướng kia có đồng ý tặng danh hiệu cho cả Quân và Dân các địa
phương đi nữa thì liệu gọi họ là Anh hùng lực lượng vũ trang đã thỏa đáng chưa?
)
. Một ví dụ khác:
Cũng trong thời kỳ chiến đấu, có một hình thức chiến thuật được áp dụng nhiều,
đó là ‘vận động chiến kết hợp chốt’; nhiệm vụ giữ chốt là rất quan trọng
nên đơn vị ‘chốt’phải vượt qua bao khó
khăn ác liệt, đối mặt với phi, pháo và nhiều đợt tấn công của bộ binh địch với
lực lượng đông gấp bội, phải chiến đấu cực kỳ mưu trí dũng cảm mới hoàn thành
nhiệm vụ. Lúc đó nhiều chốt chỉ bố trí ở cấp trung đội. Đã có chốt trung đội
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch,
xứng đáng thành tích Anh hùng. Thế nhưng khi đề nghị khen tặng danh hiệu vinh dự
đó thì lại vấp phải vị tướng nọ. Ông ấy gạt phắt đi, chỉ vì lý do: cấp trung đội
là đơn vị nhỏ quá, ít tác dụng tuyên truyền cổ động(!).Chẳng ai cãi được cái
‘lý người Mèo’ như thế, vì quả thật không thể tìm thấy quy định về khen thưởng
“ Đơn vị Anh hùng”là phải từ cấp nào. Không chỉ các đơn vị quân đội là có hiện
tượng không quy định rõ, mà ở bên dân chính cũng vậy.Theo tập quán thì đã có
Đơn vị anh hùng từ cấp xã, nhưng khi có trường hợp chỉ cấp thôn cũng xứng đáng
thì sao? Đối với các đơn vị sản xuất như nhà máy, xí nghiệp, tổ đội lao động…,
cũng chưa ai quy định danh hiệu Đơn vị Anh hùng là phải xét từ cấp nào trở lên.
Thế đấy!
Về việc đào tạo bồi
dưỡng sắp xếp những điển hình tiên tiến ‘hậu Anh hùng’, cũng có điều phải xem lại.Từng
nghe ý kiến ông Đặng Xuân Kỳ, Giáo sư triết học, Ủy viên TƯ Đảng nhận xét (từ
năm 1974) rằng:“con người mới”(là những
điển hình tiên tiến đã được biểu dương khen thưởng trong các đại hội thi đua)
là con người hành động và đem lại kết quả cụ thể(công nhân, nông dân, bộ đội,
dân quân, thày giáo, bác sĩ...). Còn một khi cũng con người ấy được đưa lên vị
trí lãnh đạo cao hơn, hoặc nêu thành gương sáng cho mọi người học tập và noi
theo thì ‘con người mới’trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, nghiên cứu…trở
thành con người nói dối, ít nhất là 30%, trung bình nói dối 50%, thậm chí 70- 80% là lời nói dối, khi đó không còn là con người mới nữa…Lời nhận xét đưa
ra từ mấy chục năm, phải chăng đã và vẫn còn xác đáng? (sự thực mười mươi là có
hiện tượng một người từng xứng đáng Anh hùng khi anh ta ở cấp chiến đấu, là
trung đội trưởng. Qua một quá trình được nâng cấp, lướt qua các cương vị lãnh đạo
để thành một Bộ trưởng, thì sự thể đã trở
nên nguy hại đến thế nào, chắc chẳng ai còn lạ).
Những điều bất cập
cụ thể của công tác thi đua khen thưởng nói sơ ở trên có thể cũng là nguyên
nhân ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò tác dụng của thi đua, khiến phong trào giảm
bớt công bằng, sòng phẳng; giảm giá trị khích lệ động viên đối với các đối tượng
trong cuộc. Nhưng xét tới cùng, có sự tha hóa của phong trào tới mức như ta thấy
hiện nay, có nguyên nhân sâu xa là ở chỗ: trước nay, phong trào thi đua được Đảng
đề xướng (theo chỉ thị đầu tiên vào tháng 3 năm 1948), và Đảng đã tự cho mình đứng
ngoài làm trọng tài suốt mấy chục năm. (Tất cả các bản báo cáo đề nghị tuyên
dương khen thưởng đều do Đảng ủy các cấp đánh giá, nhận xét rồi đưa lên cho cấp
trên cùng ở trung ương xét duyệt và quyết định). Nguyên tắc bất di bất dịch trước
nay là “Dân thi đua – Đảng trọng tài”,
Đảng nắm quyền tuyệt đối trong việc phán xét thành tích. ( mà nguyên lý là quyền
lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối) Chính điều đó đã khiến phong trào thi
đua trở nên tệ hại đến mức có người đã mạnh miệng nêu ý kiến: mong đại hội ‘ Thi
đua yêu nước’lần thứ IX sẽ là đại hội cuối cùng để rồi thi đua được xếp vào bảo tàng lịch sử. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác:
ngày nay, thi đua vẫn cần lắm chứ, có điều nó được gọi bằng cái tên có vẻ thời
thượng một chút. Đó là “ cạnh tranh lành mạnh”, ngày nay cả thế giới văn minh
đang phát triển rất nhanh vì có những cuộc cạnh tranh lành mạnh. Cuộc thi đua
kiểu mới này được tiến hành theo phương thức khác từ trước tới nay đã làm ở Việt
Nam. Có điều, trước nay, bản thân Đảng cũng luôn đề cao tinh thần “Người người
thi đua, ngành ngành thi đua”có nghĩa là không nên chừa một thực thể nào. Theo
tinh thần đó thì Đảng phải không nên cho mình là ngoại lệ. Và khi Đảng dấn thân
thi đua, đã có Dân làm trọng tài. Mà đã chấp nhận thi đua thì phải có đối trọng
ngang hàng, Đảng này phải thi đua với Đảng khác thì mới biết ai thực sự có năng
lực lãnh đạo, thực sự biết cách cầm quyền để đưa đất nước đi lên. Một khi đảng
nào tỏ ra yếu kém, đưa đất nước vào tình trạng tụt hậu thì Nhân dân phải có quyền
chọn đưa đảng khác lên thay thế. Bao nhiêu năm qua, Đảng đã thừa nhận định lý “
Thi đua là yêu nước”, vậy định lý đảo của nó dĩ nhiên phải là “Không thi đua là không yêu nước”!? Thực
tế cho thấy chưa bao giờ ‘ Đảng ta’chấp nhận thi đua, và hiện nay Đảng ta (tức
Đảng CSVN) càng không chấp nhận thi đua, ý chí kiên quyết không chịu thi đua của
Đảng thể hiện trong việc Đảng đã đưa hẳn điều 4 vào Hiến pháp 2013. Như vậy,
theo logic, có thể suy ra: Đảng vẫn tự thừa nhận: Đảng không yêu nước?
Nguyễn Nguyên Bình
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire