Như Tâm
Cái chết của Nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập ra Hồi giáo, khiến cộng
đồng người theo tôn giáo này bắt đầu chia thành hai dòng Sunni và Shiite dựa
theo cách họ chọn người lãnh đạo mới.
Người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite cùng cầu nguyện tại Đại Thánh đường Kuwait, thủ đô Kuwait City, Kuwait ngày 3/7/2015. Ảnh: Reuters. |
Một số người cho rằng lãnh đạo mới phải được chọn dựa trên nguyên tắc đồng thuận, số khác giữ quan điểm chỉ có hậu duệ của nhà tiên tri mới có thể trở thành caliph, tức người lãnh đạo.
Phần lớn các tín đồ cho rằng vị trí caliph nên dành cho Abu Bakr, tín hữu
và là một trong những trợ lý đáng tin cậy của Nhà tiên tri Mohammed. Ông còn là
cha của Aisha, vợ nhà tiên tri. Những tín đồ này sau đó trở thành người Hồi giáo
dòng Sunni.
Nhóm khác cho rằng Ali, người anh em họ và là con rể của nhà tiên tri, từng
được ông xức dầu thánh mới xứng làm caliph. Những người này sau này được gọi là
Shia, hay Shiite, rút gọn từ "shiaat Ali", tức "những người theo
Ali".
Những người ủng hộ Abu Bakr đã giành chiến thắng khi danh hiệu caliph được
trao cho ông. Tuy nhiên, Ali cuối cùng cũng trở thành caliph đời thứ tư sau khi
hai người kế nhiệm Abu Bakr bị ám sát. Ali sau đó cũng bị ám sát bằng một thanh
kiếm tẩm độc tại nhà thờ ở Kufa, nằm tại Iraq ngày nay. Hai con trai của ông là
Hasan và Hussein lần lượt trở thành người lãnh đạo.
Hussein và nhiều họ hàng bị thảm sát ở Karbala, Iraq, năm 680 bởi một đội
quân của một caliph dòng Sunni, khiến sự chia rẽ càng thêm sâu sắc. Sự tử vì đạo
của Hussein trở thành nguyên lý trung tâm đối với những người tin rằng Ali là
người thừa kế nhà tiên tri.
Theo New York Times, người Sunni chiếm hơn 85% trong 1,5 tỷ người
Hồi giáo trên thế giới. Họ sinh sống chủ yếu tại các quốc gia Arab và Thổ Nhĩ
Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Malaysia và Indonesia. Người Shiite chiếm phần
lớn dân số tại các nước như Iran, Iraq, Bahrain.
Toàn bộ người Hồi giáo trên thế giới hôm nay đều công nhận rằng Allah là
Đấng tối cao duy nhất và Mohammed là sứ giả của ngài. Họ tuân theo 5 nghi thức
trụ cột của Hồi giáo, trong đó có tháng ăn chay Ramadan và dùng chung kinh
thánh Koran.
Người Sunni phụ thuộc rất nhiều vào thực hiện theo các bài giảng của nhà
tiên tri trong khi người Shiite tin các thủ lĩnh ayatollah của họ là hiện thân
của Đấng tối cao trên mặt đất. Điều này dẫn đến việc người Sunni cáo buộc người
Shiite tôn thờ dị giáo. Người Shiite tố chính chủ nghĩa giáo điều Sunni đã làm hình
thành các giáo phái cực đoan như dòng Wahhabi, The Economist cho biết.
Arab Saudi và Iran, hai quốc gia do người dòng Sunni và Shiite lãnh đạo tại
Trung Đông, thường ở hai phía ngược nhau trong những cuộc xung đột khu vực. Ở
Yemen, Houthis, phiến quân dòng Shiite đến từ miền bắc lật đổ chính quyền dòng
Sunni khiến liên minh do Arab Saudi dẫn đầu phải can thiệp.
Tại Syria, nơi phần lớn dân số là dòng Sunni, Tổng thống Bashar al-Assad
thuộc nhánh Alawite dòng Shiite đang cố gắng giữ chính quyền trong cuộc nội
chiến kéo dài gần 5 năm. Tại Iraq, sự bất đồng giữa chính quyền dòng Shiite và
cộng đồng người Sunni đã tạo điều kiện cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)
giành nhiều thắng lợi.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dòng Sunni đều thù ghét dòng Shiite.
Theo TestTube News, người Hồi giáo thuộc hai dòng trên cùng sinh sống
hòa bình tại một số khu vực như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hay
thành phố Dearborn, bang Michigan, Mỹ.
Như Tâm
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire