06/02/2016

Lão hóa, nợ nần đe dọa nền kinh tế Việt Nam


SAI GON—Nước nào trên thế giới hiện nay là nước có dân số già đi một cách nhanh chóng nhất? Những người nghĩ rằng Nhật Bản hay Phần Lan là nước như vậy sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên khi biết được câu trả lời là Việt Nam. Cộng tác viên Liên Hoàng của đài VOA gửi về bài tường thuật từ Sài Gòn.

Ngân hàng Thế giới cho biết chỉ cần hơn 15 năm một chút là tỉ lệ người trên 65 tuổi ở Việt Nam sẽ từ 7% tăng lên tới 14%. Con số này ở hai nước láng giềng Trung Quốc và Miến Điện là gần 25 năm.
 


Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây ở Sài Gòn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, nói rằng tình trạng lão hoá nhanh chóng này sẽ gây căng thẳng cho lực lượng lao động Việt Nam.

Bà nói: “Những gì mà chúng ta sẽ thấy là một sự chậm lại, bắt đầu chậm lại và rốt cuộc là sự co cụm của lực lượng lao động. Điều đó sẽ tạo ra những đòi hỏi rất lớn đối với năng suất lao động.”

Bà Kwakwa đã cùng các chuyên gia nước ngoài trình bày những nhận định về kinh tế Việt Nam tại cuộc hội thảo do Phòng Thương mại Canada tổ chức hồi tuần trước.

Bà Kwakwa cho biết lao động giá rẻ là động lực chính của hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, là nước duy nhất trong khu vực mà tỉ lệ tăng trưởng trong năm 2015 cao hơn năm 2014.

Tuy nhiên, sự già đi của lực lượng lao động đe dọa tới tới sự tăng trưởng đó và làm cho dài thêm danh sách của những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong lúc Việt Nam ra sức phát triển kinh tế. Nợ nần quá nhiều, dự trữ ngoại hối của chính phủ quá ít, và sự lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài nằm trong số nhiều mối rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Công nhân kiểm tra dây chuyền lắp ráp tại nhà máy sản xuất Ford ở Hải Dương, Việt Nam.

Những khó khăn khác nằm bên ngoài Việt Nam, như Mỹ tăng lãi suất, giá nông khoáng sản sụt mạnh trên thị trường thế giới, và sự bất định về Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên.

Vốn là một nước có tỉ lệ tiết kiệm cao trong nhiều thập niên, Việt Nam giờ đây chứng kiến một hiện tượng tương đối mới là nợ nần của giới tiêu thụ. Ông Ralf Matthaes, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research, cho biết ông đã vô cùng ngạc nhiên khi một cuộc khảo sát của công ty ông cho thấy 30% người tiêu thụ đã vay nợ trong năm 2015.

Ông nói: “Việt Nam đang trở thành một nền văn hoá nợ, hơi giống Trung Quốc và những nơi khác. Do đó, tôi nghĩ rằng đó là một việc mà tôi sẽ cảm thấy lo ngại trong tương lai.”

Nợ công của Việt Nam cũng đang trên đà gia tăng. Giới hữu trách ở Hà Nội đã ấn định mức trần nợ là 65% GDP, và theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nợ của Việt Nam năm ngoái đã tăng tới mức 62,5% GDP từ mức 59,6% của năm 2014.

Ngân hàng Thế giới cho biết quốc gia Đông Nam Á này phải vay mượn vì nguồn thu thấp hơn chi tiêu 6,9% GDP, so với tỉ lệ thâm hụt tài khoá 6,2% trong năm 2014.

Nhìn ra nước ngoài, nhiều nước đang lo ngại về những tác động tiêu cực của một vụ hạ cánh cứng của Trung Quốc có thể gây ra cho nước họ. Việt Nam có lẽ sẽ không bị tác động nhiều, vì xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng phía bắc chỉ bằng phân nửa số xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Âu châu, theo các số liệu của Tổng cục Thống kê ở Hà Nội.

Lao động giá rẻ là động lực chính của hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, là nước duy nhất trong khu vực mà tỉ lệ tăng trưởng trong năm 2015 cao hơn năm 2014. (Ảnh tư liệu)

Ông Fred Burke, giám đốc công ty luật Baker & McKenzie, đề nghị Việt Nam xem xét những cách thức để hưởng lợi từ Trung Quốc.

Ông nói: “Các công ty Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về phát triển nhà đất vào đây và thực hiện những dự án ở đây. Đó là loại đầu tư và Việt Nam thật sự cần có, vì Trung Quốc có công nghệ thích hợp mà giá cả lại phải chăng. Có rất nhiều việc mà Việt Nam và Trung Quốc thật ra có thể làm chung với nhau.”

Lời khuyên này có lẽ sẽ không được một số người chấp nhận vì các mối quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ đã bị căng thẳng trong những năm gần đây vì vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Mặc dầu vậy, điều đó đã không chấm dứt được tình trạng là hàng hoá Việt Nam mua từ Trung Quốc nhiều hơn mua từ bất kỳ đối tác thương mại nào khác.

*********

Nguồn: Theo VOA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire