Báo Vietnamnet đã có một bài viết rất cởi mở và công tâm về người tự ra ứng cử. Hy vọng đây là chủ trương thực lòng của đảng chứ không phải chỉ là trò "nói dzậy nhưng không phải dzậy"
Bôi nhọ người tự ứng cử là tiếp tay cho xuyên tạc
11/03/2016 03:00 GMT+7
Người xứng đáng là đại biểu Quốc hội phải do chính các cử tri trả lời bằng lá phiếu của mình thông qua bầu cử tự do và công bằng.
“Phân biệt đối xử với người tự ứng cử là vi hiến”
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII năm 2011, có tổng cộng 83 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội[1]. Sau khi hiệp thương, con số chính thức trở thành ứng cử viên là 15 người.[2]
Kỳ bầu cử lần này, theo thông tin của phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân, con số người tự ứng cử hiện là 50 người.[3]
Có thể nói, người tự ứng cử chính là “vốn quý” của xã hội, vì họ đã đủ can đảm tự đề cử bản thân vào vị trí đại diện cho tiếng nói người dân tại cơ quan quyền lực cao nhất. Thế nhưng, có lẽ xuất phát từ quan điểm có phần thiên lệch xưa nay cho rằng tự ứng cử, tự đề cử bản thân là không khiêm tốn, một số nơi người ta vẫn có cái nhìn không thiện cảm, thậm chí cản trợ việc tự ứng cử. Điển hình có trường hợp của một nghệ sĩ bị bình luận không hay về việc anh tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa này.[4]
Điều 95 của Luật Bầu Cử 2015 quy định rất rõ: "Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự."
Bên cạnh đó, Điều 65 của Đạo luật này cũng quy định việc vận động bầu cử phải được diễn ra “dân chủ, công khai, bình đẳng.” Trong một phát biểu gần đây, chính phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Pha, người sẽ có vai trò quan trọn trong các bước hiệp thương chọn lựa ứng cử viên đã khẳng định “phân biệt đối xử với người tự ứng cử là phạm luật.”
Hiến pháp cũng quy định mọi công dân từ 21 tuổi trở lên đều được ứng cử Quốc hội. Luật Tổ chức Quốc hội quy định một loạt tiêu chí về đạo đức, và sự trung thành với Tổ quốc là tiêu chuẩn của một Đại biểu Quốc hội (Điều 22).
Bầu cử Quốc hội, tự ứng cử, Luật Bầu cử, đại biểu quốc hội, cử tri, bỏ phiếu
Sự xứng đáng của Quốc hội chúng ta phải do chính các cử tri trả lời bằng lá phiếu. Ảnh minh họa
Như vậy, việc ứng cử là một quyền mở rộng cho rất tất cả mọi công dân Việt Nam trên 21 tuổi, không phải là đặc quyền của một nhóm người, một tổ chức nào cả. Pháp luật của đất nước chúng ta bảo vệ quyền thiêng liêng đó và nghiêm cấm những hành vi làm méo mó nền dân chủ mà xã hội chúng ta đang hướng đến.
Việc ngày càng nhiều người xuất phát từ nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội tự ứng cử, hoặc thổ lộ rõ nguyện vọng tự ứng cử Chính là tín hiệu tích cực của một nền dân chủ.
Cử tri tự biết cần ai đại diện cho mình
Khi một cơ quan báo chí nào đó đem quan điểm cá nhân, có phần thiên kiến, để đánh giá, thậm chí chê bai những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, thì đó có thể xem là hành vi cản trở tự ứng cử và vi phạm Điều 95 của Luật Bầu cử. Nó cũng làm mất đi tính bình đẳng giữa các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử và những hình ảnh đó rất dễ cho những kẻ xấu xuyên tạc.
Những nhà lập pháp của Quốc hội khi soạn thảo Luật Bầu Cử 2015 chắc chắn đã rất đắn đo, nhưng kỳ vọng, khi đưa vào Điều 95 như một cách để đảm bảo sự bình đẳng trong bầu cử, nhằm giúp cho cử tri có một cơ hội lựa chọn tốt nhất, có thông tin nhất. Sẽ là rất đáng tiếc nếu như chúng ta vẫn giữ quan điểm cho rằng cử tri không đủ sáng suốt để chọn ra những người đại diện cho ý chí của mình, mà cần phải định hướng.
Bởi lẽ, dân chủ là sản phẩm tuyệt vời nhất của nền dân chủ khi nó huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội để cùng nhau xây dựng một mô hình vận hành cho quốc gia. Nó đòi hỏi không chỉ các nhà lãnh đạo phải tin tưởng vào nhân dân như một điều tất yếu của một quốc gia hiện đại, mà còn đòi hỏi từng thành viên trong xã hội phải tin tưởng lẫn nhau. Bầu cử là một hoạt động tự do và công bằng, không ai có quyền hoặc khả năng định hướng cử tri phải bầu thế này hay thế khác.
Phải triệt để nói không với những cách thức nói xấu, bôi nhọ các ứng cử viên, ứng cử hay được đề cử và đặt lòng tin vào các thành viên khác trong xã hội. Việc một ứng cử viên, cho dù là tự ứng cử hay được đề cử, theo cơ cấu hay không theo cơ cấu, ngoài Đảng hay trong Đảng, có xứng đáng hay không phải do một bài báo, hay một chỉ thị, hay một quan điểm của bất kỳ ai quyết định. Sự xứng đáng của Quốc hội chúng ta phải do chính các cử tri trả lời bằng lá phiếu của mình thông qua bầu cử tự do và công bằng. Đó mới chính là nền dân chủ thực sự chúng ta hướng đến.
Lê Nguyễn Duy Hậu / VNN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire