Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Việt
Nam cần phải thể hiện cho Trung Quốc thấy, chủ quyền, độc lập và
toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm.
LTS: Trong những
ngày tháng Hai lịch sử này, dân tộc Việt Nam nghiêng mình tưởng nhớ
đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên
giới phía Bắc 1979-1989 chống lại cuộc xâm lược tàn bạo và phi nghĩa
của quân đội Trung Quốc, cũng là khoảng thời gian căng thẳng leo thang
từng ngày trên Biển Đông bởi các hành động phá vỡ hiện trạng, quân
sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công
Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện
tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về một số bài học cá
nhân ông rút ra khi suy ngẫm về Chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc
1979-1989.
Những bài học
này rất ý nghĩa đối với việc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích
hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn
định, tự do an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông ngày nay. Để
rộng đường dư luận, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài
bình luận của ông. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác
giả.
Mỗi năm đến ngày 17/2, ký ức về cuộc Chiến
tranh Bảo vệ Biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược giai
đoạn 1979-1989 lại ùa về trong lòng mỗi người con đất Việt.
Nhưng năm nay, ký ức ấy có phần mãnh liệt hơn
bởi những nguy cơ xung đột, chiến tranh lặp lại. Chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc
tế, hòa bình ổn định của khu vực, tự do hàng hải hàng không đang bị
Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng với một loạt hành động leo thang, phiêu
lưu quân sự trên Biển Đông.
Chưa bao giờ câu chuyện Biển Đông lại thu hút sự
chú ý của dư luận Việt Nam, khu vực và thế giới như lúc này. Cá
nhân người viết cho rằng, nhìn lại cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại
chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, chống Khmer Đỏ phá hoại
biên giới Tây Nam hay bài học Hoàng Sa bị xâm lược năm 1974, Gạc Ma bị
xâm lược năm 1988 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp bách.
Việt Nam chúng ta có thể rút ra nhiều bài học
quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ những sự kiện
lịch sử này, bằng cách nhìn nhận nó một cách thực sự khách quan
và cầu thị, trong đó lấy chuẩn mực pháp lý quốc tế theo từng thời
kì, giai đoạn làm thước đo để đánh giá.
Chỉ khi nào đánh giá đúng và sòng phẳng về
lịch sử, chúng ta mới tránh được "lặp lại vết xe đổ" trong
tương lai. Cũng chỉ có như vậy, chúng ta mới không mắc bẫy đối phương,
củng cố vững chắc đoàn kết dân tộc và tận dụng được tối đa sự ủng
hộ, giúp đỡ từ bè bạn quốc tế và dư luận nhân loại tiến bộ.
Bài học cảnh
giác thứ nhất: Âm mưu và biến tướng
Thiết nghĩ câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu và
ngàn năm Bắc Thuộc đã quá đủ cho mỗi chúng ta về bài học cảnh
giác, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước âm mưu
bành trướng, thôn tính từ phương Bắc.
Chỉ có điều khi xã hội phát triển, nhân loại
tiến bộ hơn và đặc biệt là sự thể chế hóa và hoàn thiện của hệ
thống pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, giải quyết tranh chấp
lãnh thổ hàng hải ngày nay, tham vọng của Trung Quốc đã có những
biến tướng nhưng giữ nguyên bản chất mà chúng ta cần đề cao cảnh
giác.
Biến tướng thứ nhất chính là cái "trỗi
dậy hòa bình", và gần đây là "giấc mộng Trung Quốc",
"phục hưng Trung Hoa" mà ông Tập Cận Bình thường xuyên nhắc
tới và thúc đẩy, vẫn là tư tưởng Đại Hán, bá quyền nước lớn nhằm
tranh giành ảnh hưởng, tiến tới vượt mặt Hoa Kỳ trở thành lực lượng
thống trị quốc tế.
Đặng Tiểu Bình đã khơi mào cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979. Xung đột kéo dài đến năm 1989. Ảnh: Internet. |
Biển Đông nằm trong bức tranh chung, mục tiêu
chung ấy. Và thật không may cho khu vực cũng như Việt Nam khi Trung Quốc
chọn Biển Đông làm đột phá khẩu.
Mọi phương tiện, công cụ khác từ kinh tế, chính
trị, ngoại giao, quân sự, tuyên truyền được Trung Quốc sử dụng đều
nhằm tiến tới mục tiêu đầy cuồng vọng này. Trong đó có Con đường Tơ
lụa trên biển thế kỷ 21, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á AIIB hay
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP...
Do đó, Biển Đông cần đặt trong bức tranh tổng
thể này để chúng ta nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp.
Điều này cũng giống như cuộc Chiến tranh Bảo
vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 hay Hoàng Sa bị xâm lược năm 1974, Gạc
Ma bị xâm lược năm 1988 phải được đặt trong bối cảnh lịch sử phức
tạp và quan hệ giữa các siêu cường thời kỳ đó.
Trong cả 3 cuộc chiến này, Trung - Mỹ về một
phe, Liên Xô một phe, chưa kể đến các lực lượng chính trị khác trong
khu vực như Khmer Đỏ. Nhưng bối cảnh hiện nay, Nga - Trung gần như đồng
minh, còn Trung - Mỹ lại là đối thủ.
Riêng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
xin nhắc lại rằng nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ dù thể chế
chính trị hay thế hệ lãnh đạo thay đổi khác nhau, nhưng âm mưu bành
trướng không đổi. Họ đã chính thức đưa vào yêu sách và mục tiêu
chiếm đoạt từ đường lưỡi bò năm 1947, bằng hành động quân sự các năm
1946, 1956, 1974, 1988, 1995 và hiện nay.
Tháng 3/1988 Trung Quốc đánh Gạc Ma khi súng vẫn
nổ trên địa đầu biên giới phía Bắc. Nhưng ngay từ ngày 30/7/1977,
Hoàng Hoa - Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó đã tuyên bố: "Khi thời
cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Trường Sa mà không cần
phải thương lượng gì hết".
Chỉ trong năm ngoái ông Tập Cận Bình đã 3 lần
công khai tuyên bố với dư luận, "các đảo ở Biển Đông thuộc chủ
quyền Trung Quốc từ thời cổ đại", kể cả ngay khi vừa bước chân
rời khỏi Việt Nam tháng 11/2015.
Thuộc cấp của ông, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu
Chấn Dân thì không giấu diếm ý đồ chiếm đoạt nốt phần còn lại ở
Trường Sa với cái cớ gọi là "thu hồi". Trung Quốc không nói
chơi mà đang làm rất mạnh.
Bài học cảnh
giác thứ hai: "Đại cục và Tiểu cục"
Biến tướng thứ 2 cần cảnh giác là "Đại
cục - Tiểu cục". Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11
năm ngoái, ông Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh rằng, hai bên cần
"lấy đại cục làm trọng". Cái gọi là đại cục được các nhà
lãnh đạo Trung Quốc xác định là quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai
Nước, còn "Tiểu cục" theo họ chỉ là những "bất
đồng" trên Biển Đông.
Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý quốc tế, đây là
một cái bẫy thực sự nguy hiểm mà chúng ta cần hết sức tỉnh táo,
làm sao để không mắc bẫy đối phương mà còn có thể tương kế tựu kế
giành quyền chủ động, hay nói như người Trung Quốc là "phản
khách vi chủ".
Trung Quốc đang cố gắng lái các nước láng
giềng gần gũi hoặc các nước có quan hệ gần gũi với họ lấy quan hệ
chính trị - đảng phái chính trị thay thế cho quan hệ Nhà nước - Nhà
nước trong các vấn đề bang giao, đặc biệt là xử lý mâu thuẫn hay bất
đồng cần giải quyết. Việt Nam chúng ta là một đối tượng họ đặc
biệt tập trung vào.
Có thể thấy rằng, có những giai đoạn lịch sử
quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, thân mật, gần gũi
và cũng có những lúc thăng trầm, đối địch.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc giúp Việt Nam trong
cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, chưa
bao giờ sự giúp đỡ đó là vô tư, chí tình như những gì họ tuyên
truyền. Đằng sau mỗi miếng pho mát luôn là một cạm bẫy.
Cạm bẫy nguy hiểm nhất chính là làm cho đối
phương nhầm lẫn và đảo ngược vị trí vai trò, chức năng của quan hệ
chính trị, đảng phái - chính trị với quan hệ Nhà nước - Nhà nước
theo Công pháp quốc tế.
Rõ ràng phải thừa nhận rằng, quan hệ chính
trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc là yếu tố tạo môi
trường, điều kiện rất thuận lợi cho đối thoại giải quyết mâu thuẫn
tranh chấp, nhưng không phải là căn cứ, cơ sở để giải quyết mâu thuẫn
tranh chấp.
Giữa Trung Quốc và Việt Nam, tranh chấp chủ
quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ bắt đầu xuất
hiện từ năm 1909 với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ bất hợp pháp ra Phú
Lâm, Hoàng Sa, và năm 1946 quân Tưởng Giới Thạch chiếm đảo Ba Bình,
Trường Sa.
Trước đó, Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà
nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, hợp
pháp và liên tục. Sau này do Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và tạo ra
tranh chấp, thậm chí dùng vũ lực xâm lược và chiếm đóng trái phép
mới dẫn đến những hệ lụy ngày nay.
Đó là một câu chuyện pháp lý, không phải một
vấn đề chính trị. Nhưng người Trung Quốc đang tìm mọi cách chính trị
hóa các vấn đề pháp lý bằng mệnh đề "Đại cục - Tiểu
cục".
Bức tranh "Vòng tròn bất tử" tái hiện cuộc chiến đấu bi hùng giữ Gạc Ma trước họng súng quân Trung Quốc, ảnh: Bùi Lệ Trang. |
Mặt khác, duy trì hòa bình và ổn định, bảo
vệ luật pháp quốc tế, thượng tôn công lý, giải quyết mọi tranh chấp
trên Biển Đông một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế,
bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 mà thông qua Cơ quan tài phán
phân xử là ví dụ điển hình, đó mới là "Đại cục", là cách
tốt nhất để giải quyết tranh chấp, bất đồng song phương và củng cố
quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chỉ có thượng tôn công lý, tôn trọng lẽ phải
và sự thật mới có thể mang lại "Đại cục" hòa bình, ổn
định, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và
Trung Quốc. Trong đó, quan hệ chính trị giữa hai nước đóng vai trò
tạo môi trường và cầu nối rất quan trọng mà hai bên cần giữ gìn,
nhưng đó không phải là cơ sở để đàm phán, thương lượng.
Nếu còn mơ hồ về "Đại cục - Tiểu
cục", rất có thể chúng ta sẽ bị hớ, bị mắc bẫy Trung Quốc. Mà
như dân gian đã nói, "bút sa gà chết".
Bài học cảnh
giác thứ ba: Thủ đoạn không đánh mà thắng
Dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước
bất cứ kẻ thù nào dù hung hãn tới đâu, nhưng Dân tộc Việt Nam cũng
hết sức trân quý hòa bình, yêu chuộng hòa bình.
Và để bảo vệ hòa bình thì không cách nào
khác là phải giáo dục cho các thế hệ nhận thức đúng đắn về lịch
sử, trong đó có 3 cuộc chiến 1974, 1979-1989 và 1988. Chúng ta gác lại
quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là quay lưng với lịch sử,
không được phép lãng quên lịch sử.
Ngược lại chúng ta cần học hỏi tìm kiếm từ
lịch sử những bài học để làm sao tránh được chiến tranh trong hiện
tại và tương lai. Còn một khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, chúng
ta cũng sẽ đánh bại mọi thế lực cướp nước và bán nước.
Bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã khác
thời điểm 1974 - 1979 - 1988. Trung Quốc đang ra sức phát triển sức
mạnh quân sự sau mấy chục năm tăng trưởng kinh tế. Họ cảm thấy đã
đến lúc tranh hùng với Hoa Kỳ và Biển Đông được chọn làm đột phá
khẩu.
Nhưng dư luận nhân loại ngày một văn minh và
tiến bộ, luật pháp quốc tế ngày một hoàn thiện khiến Trung Quốc
khó có thể tiến hành các hoạt động phiêu lưu quân sự, chiến tranh xâm
lược như trong những năm 1974, 1979 và 1988.
Tuy nhiên họ lại sử dụng chiêu "không đánh
mà thắng" cực kỳ lợi hại. Họ không/chưa sử dụng vũ lực, nhưng
đe dọa sử dụng vũ lực. Họ hô hào đàm phán trong khi "dí
súng" vào đầu đối phương. Những gì diễn ra ở Phú Lâm, Hoàng Sa
hay một số đảo nhân tạo xây bất hợp pháp ngoài Trường Sa những ngày
gần đây là minh chứng rõ nét.
HQ-9, loại tên lửa đất đối không Trung Quốc vừa lắp đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều. |
Nếu đối đầu quân sự hay chiến tranh ở Biển Đông, có lẽ Trung Quốc khó lòng thắng nổi Hoa Kỳ thời điểm hiện nay. Nhưng họ cứ nghênh ngang bành trướng từng chút một bằng đủ mọi loại phương tiện, công cụ từ ngư dân trá hình cho đến hải cảnh, hải quân hay thậm chí là giàn khoan, Mỹ khó có cớ gì can thiệp.
Mỹ phản đối cứ phản đối, Mỹ tuần tra cứ tuần
tra, còn Trung Quốc thì vẫn cứ ngày đêm liên tục quân sự hóa các
tiền đồn quân sự phi pháp. Các bên liên quan trong đó có Hoa Kỳ chưa
thực sự tìm ra giải pháp gì ngăn chặn đà bành trướng ấy. Sự kiện
Scarborough là bài học cay đắng không chỉ của Philippines, mà còn là
cảnh báo rõ rệt đối với Việt Nam.
Có lẽ Trung Quốc sẽ không cần phải đánh như
cuộc chiến xâm lược Gạc Ma năm 1988. Người viết lo rằng, không lâu nữa
khi hệ thống tiền đồn quân sự bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa
hoàn thiện, nhẹ thì Trung Quốc tìm cách ép Việt Nam "hợp tác
khai thác chung" trong chính vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
Việt Nam.
Nặng hơn một chút, họ hoàn toàn có thể uy
hiếp hay chiếm các bãi cạn thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi có
nhiều mỏ dầu chúng ta đang khai thác, chỉ bằng thủ đoạn bao vây chặn
đường tiếp viện. Còn bất chấp tất cả, có thể lại tái diễn một vụ
giàn khoan 981 như năm 2014. Cái họa này đã rất gần và chúng ta cần
tìm cách hóa giải.
Bài học
"lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo"
Cá nhân người viết cho rằng, chúng ta cần phải
tìm hiểu rõ về Trung Quốc để có cách ứng xử phù hợp trên cơ sở
lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, trên cơ sở bảo vệ và giữ
gìn luật pháp - công lý quốc tế. Do đó thái độ của chúng ta cần
tỉnh táo.
Cái "hung tàn, cường bạo" ở Biển Đông
hiện nay chúng ta đã quá rõ. Nhưng còn đâu là "nhân nghĩa",
"chí nhân", đâu là lẽ phải? Đó chính là luật pháp và công
lý quốc tế, đó là thế mạnh và cũng là bàn đạp của chúng ta trong
công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp
của mình cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và luật pháp quốc
tế, tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông.
Muốn có công lý, phải biết bảo vệ công lý và lẽ phải. Ảnh: Internet. |
Chỉ có điều cá nhân người viết nhận thấy, mặt
trận này chúng ta chưa thực sự phát huy hết sức mạnh của mình, chưa
thực sự thuyết phục hiệu quả đối với bạn bè quốc tế để họ ủng
hộ lập trường chính nghĩa và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề nằm ở cách chúng ta
làm chứ không phải ý chí.
Ngay dư luận nội bộ, trong xã hội chúng ta cũng
còn nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, hàng
hải cho đến các quan hệ chính trị - ngoại giao phức tạp giữa Việt Nam
với các cường quốc mà chủ yếu là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng một khi biết đặt lợi ích quốc gia, dân
tộc lên trên hết, biết ứng xử thượng tôn pháp luật và công lý, hành
xử theo pháp luật và thông lệ quốc tế thì không những chúng ta củng
cố được đoàn kết nội bộ, thống nhất lòng người mà còn tạo ra được
sự đồng thuận, chia sẻ của bạn bè quốc tế.
Đơn cử như việc Mỹ tuần tra bảo vệ tự do hàng
không hàng hải ở Biển Đông là một việc làm rất hợp pháp, văn minh
theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Chỉ riêng việc là một thành viên Công ước,
chúng ta đã nên ủng hộ mạnh mẽ động thái này, huống hồ trong lúc
chính chủ quyền, quyền và lợi ích của chúng ta ở 2 quần đảo này
cũng như vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đe
dọa, còn hành động của Mỹ có tác động tích cực chống lại các mối
đe dọa ấy.
Ví dụ nữa là với vụ Philippines khởi kiện
Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật
Biển 1982 ở Biển Đông cũng tạo cho chúng ta một lợi thế rất lớn về
pháp lý.
Không những Việt Nam cần ủng hộ mạnh mẽ các
phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA với tư cách thành viên
Công ước, mà còn với tư cách một bên liên quan biết thượng tôn pháp
luật.
Ủng hộ phán quyết của PCA, chúng ta cần chuẩn
bị cụ thể, chi tiết phương án, kịch bản của riêng mình trên mặt trận
pháp lý. Cá nhân người viết rất mừng và dấy lên niềm hy vọng khi
nghe ngài Tổng thống Obama cũng như các nhà lãnh đạo khác của Hoa Kỳ
phát biểu về Biển Đông gần đây.
Tiếp theo những tuyên bố chính thức đòi Trung
Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò, các nhà lãnh đạo Mỹ mới đây
cũng đã công khai khẳng định, Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá
nếu chống lại phán quyết của PCA.
Tuy nhiên người viết có cảm giác dường như Hoa
Kỳ còn đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do
hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Có người nói
rằng, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích của họ. Không sai, nhưng chưa đủ.
Riêng ở Biển Đông, lợi ích của Hoa Kỳ đang
trùng lặp với lợi ích của khu vực, các bên liên quan, trong đó có
Việt Nam.
Việc ủng hộ những tiếng nói, việc làm chính
nghĩa của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ, duy trì luật pháp quốc tế ở
Biển Đông hoàn toàn không có nghĩa là theo nước này, chống nước kia
như ai đó suy diễn. Lấy Công pháp quốc tế làm chuẩn, cái gì đúng
chúng ta ủng hộ, cái gì sai chúng ta phản đối.
Thời thế thay đổi, quan hệ bạn - thù cũng đổi
thay, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là độc lập chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ thay đổi.
Chúng ta muốn tận dụng ngoại lực, đầu tiên cần
thể hiện rõ thiện chí và lòng tin chiến lược ở đối tác. Trong quá
trình đó, cứ bám sát luật pháp quốc tế và biết bảo vệ, thượng tôn
luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ tránh được những nguy cơ, rủi ro.
Ngược lại nếu chính trị hóa các vấn đề pháp
lý, chúng ta sẽ cực kỳ bất lợi, và khi hữu sự khó có thể nhận
được sự chia sẻ, giúp đỡ từ bè bạn.
Ts
Trần Công Trục
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire