Đội tàu cá của tỉnh Giang Tô chuẩn bị ra khơi, ngày 28/03/2016.REUTERS/China Daily |
Trong phần phóng sự, Libération có bài viết dài với
tựa : «
Ngư dân đảo Hải Nam – cánh tay sắt của Bắc Kinh tại biển Đông ». Bài viết được minh họa bằng tấm
ảnh ngư dân của đảo đang nhộn nhịp bốc dỡ và phân loại cá ngay sát bên những
con tàu đánh cá trọng tải lớn, kế bên là tấm bản đồ về các vùng lãnh hải mà
Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong khu vực, và trích lời của một
ngư dân địa phương, đã từng đi biển từ lúc mới lên 6 : « Thỉnh thoảng tôi
tiến sát vào bờ, tôi thấy có rất nhiều biển hiệu được viết bằng ngôn ngữ xa lạ,
tôi tự hỏi phải chăng mình đã đặt chân đến nước ngoài »
Khi đến với ngôi làng Tanmen nằm ở bờ phía đông của
đảo Hải Nam, người ta thấy một tấm chân dung khổ lớn của chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình đang tươi cười, đi kèm với dòng chữ : « Từ bao đời nay,
biển Nam Trung Hoa thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Các bạn chính là những chiến
sĩ trên tuyến đầu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải của chúng ta ». Bài báo nhận định rằng nếu
không có sự việc những ngư dân đang sinh sống tại nơi này thì cũng sẽ chẳng có
những kiến nghị liên quan đến tranh chấp tại các bãi đá này.
Tác giả bài báo có nhắc đến một truyền thuyết của
người dân nơi đây, theo đó cách đây nhiều thế kỉ, 108 ngư dân của đảo đã ra
khơi và bỏ mạng trong một cơn bão lớn trên biển Đông. Từ đó, người dân trên đảo
đã lập đền thờ. Nhà văn Trung Quốc, Zheng Qingyang, vốn xuất thân từ ngôi làng
Tanmen, đã kể lại trong cuốn sách của ông : « Từ nhiều thế kỉ
nay, hiệp hội 108 người anh em luôn bảo vệ ngư dân của Tanmen khi phải đối mặt
với hải tặc, với Nhật Bản, hay các tàu hải cảnh của nước ngoài. Cứ trước mỗi
cuộc ra khơi, ngư dân nơi đây lại ghé đền thắp hương tưởng nhớ đến 108 vị đó » và « Gia đình của tôi
đánh bắt cá nơi đây ngay từ khi mà người dân của Tanmen chỉ mới ra khơi đánh
bắt xung quanh đảo Nam Sa »
– tức tên gọi của quần đảo Hoàng Sa theo Trung Quốc.
Theo ông Zhou Weimin, giáo sư lịch sử tại Đại học Hải
Nam, ngư dân đầu tiên của làng Tanmen đã ra khơi đánh bắt tại biển Đông vào năm
1286. Ông này khẳng định : « Lịch sử của nghề đánh bắt hải sản ở vùng biến Nam
Trung Hoa là một câu chuyện với đầy máu và nước mắt »
Ngư nghiệp Trung
Quốc : Một vài con số
Bài báo đưa ra một vài con số đáng lưu ý. Theo Lầu Năm
Góc, ngành ngư nghiệp Trung Quốc hiện đang sở hữu một đoàn tàu đánh cá quy mô
nhất thế giới, với 21 triệu ngư dân, 439.000 tàu thuyền. Bản thân ngôi làng
Tanmen với 30.000 dân thì chính thức có đến 8.000 ngư dân với 300 tàu thường
xuyên đảm bảo giao dịch giữa các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa.
Bài báo cũng nhắc lại rằng hiện nay Bắc Kinh đang có
tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaixia, Brunei và Đài Loan. Dựa phần
lớn vào lịch sử quá trình có mặt của người dân, Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 90%
diện tích biển Đông và không chấp thuận việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Tác giả bài báo cũng nhắc đến việc Trung Quốc cho
thành lập trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thành phố Tam Sa, nơi hiện
đang có một loạt các loại tên lửa, một đường băng quân sự và một cơ sở dự trữ
chất đốt. Trong chuyến đi thăm Tanmen vào 04/2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình đã nhấn mạnh đến sự « oai hùng »
của ngư dân nơi đây qua việc tưởng nhớ đến « sự cố bãi
đã ngầm Scarborough »
xảy ra một năm trước đó, khi mà 8 ngư dân của Tanmen đã bất chấp nguy hiểm, đối
đầu với tàu chiến của Philippines trong vùng biển mà Manila đang đòi chủ quyền.<
Bài báo trích lời của một ngư dân 45 tuổi : « Gia đình tôi từ
bao đời nay vẫn đánh bắt tại biển Trung Hoa. Mối nguy hiểm thì luôn thường
trực, đặc biệt là mấy năm trở lại đây. Chúng tôi phải đối mặt với các tàu hải
cảnh và các ngư dân nước ngoài, được trang bị vũ khí và luôn tìm cách uy hiếp
chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào kể từ khi chính phủ khen ngợi hành động quả cảm
của chúng tôi - những người bảo vệ lãnh thổ ».
Ngư dân đồng thời
là dân quân
Theo chính phủ Trung Quốc, Hải quân nước này tiến hành
huấn luyện quân sự cho cả ngư dân nơi đây. Ngoài ra, chính phủ cũng hỗ trợ kinh
phí cho đóng các loại tàu có trọng tải 500 tấn, có vỏ bằng kim loại để thay thế
các chiếc tàu cũ bằng gỗ. Bản thân làng Tanmen cũng đã nhận được 29 chiếc tàu
loại này, với trọng tải tương đương với các tàu hải cảnh của Philippines, có
khả năng hoạt động liên tục trên 2.000 dặm và được trang bị hệ thống liên lạc
bằng vệ tinh. Các ngư dân có thể tổ chức các đội tàu nhỏ, mỗi đội lên đến gần
một trăm tàu.
Thông thường, các đội tàu này được nhóm họp theo từng
khu phố. Số lượng tàu trong một đội có thể xê dịch từ 10 đến 100 tùy theo số
dân của khu phố đó. Đôi khi người ta có thể gặp cả khu phố đang cùng nhau đánh
bắt trên biển. «
Điều đó cho phép chúng tôi chống lại sự đơn độc hay các sự cố trên biển và nhất
là cho phép chúng tôi tạo thành một khối để chống lại các tàu hải cảnh », một ngư dân địa phương chia sẻ.
Nhà chức trách Trung Quốc hiện đang cho nhân rộng việc
bồi đắp các bãi đá ngầm thuộc vùng lãnh hải có tranh chấp, và cho xây dựng tại
đó các tiền đồn. Ngoài ra, nước này còn cho thiết lập một số cứ điểm phục vụ
cho các hoạt động dân sự, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và đánh bắt hải sản.
Không dừng ở đó, Bắc Kinh dự kiến cho thiết lập một căn cứ hiện đại dành cho
tàu cứu hộ ngay tại quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.
Bài báo kết thúc với nhận định : « Các quốc gia láng
giềng với Trung Quốc vẫn đang cố gắng đòi lại chủ quyền chừng nào Washington
vẫn còn ủng hộ họ trước việc phải đối mặt với một siêu cường trong tương lai ».
Obama thăm Việt Nam
và những chủ đề được quan tâm
Nhân chuyến công du Việt Nam của tổng thống Mỹ, báo
Liberation có bài « Barack Obama đến Việt Nam nhân danh dân chủ và các hợp đồng
vũ khí ». Ngay từ đầu, bài báo đã mỉa mai : « Sau chuyện làm ăn thì cũng có một
chút không gian nhỏ bé dành cho các nhà đối lập ».
Một ngày sau khi thông báo bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí,
hôm qua, 24/05, tại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, ông Obama đã gặp gỡ nhiều thành
viên xã hội dân sự, trong đó có những nhà đối lập có tên tuổi. Tuy nhiên, theo
Libération, cuộc gặp này đã không diễn ra suôn sẻ do thái độ của chính quyền
Việt Nam : Luật sư Hà Huy Sơn bị ngăn cản, không đến được nơi gặp, ông Nguyễn
Quang A và bà Phạm Đoan Trang dường như bị câu lưu.
Trong chuyến công du Việt Nam lần đầu tiên, kể từ 10
năm qua, sau cuộc viếng thăm của tổng thống George Bush, tổng thống Barack
Obama đã nhắc lại rằng tại Việt Nam, vẫn tồn tại những « lý do lo ngại
nghiêm túc » về nhân quyền và tự
do chính trị. Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại
Quang, nguyên thủ Mỹ đã nhấn mạnh là trong hồ sơ này, vẫn tồn tại những « bất đồng » giữa hai nước.
Trong bài nói chuyện với giới trẻ, được tổ chức tại
Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình, ngày hôm qua, ông Obama cũng nhấn mạnh tầm
quan trọng của
« bầu cử tự do »,« tự do hội họp và tôn giáo" và "đó là những nền
tảng của tiến bộ ». Liberation ghi
nhận là cử tọa đã vỗ tay hoan hô khi tổng thống Mỹ tuyên bố rằng các nước lớn
không nên bắt nạt nước bé, hàm ý nói đến tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc
về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cuộc chạy đua bảo đảm an ninh trong khu vực Đông
Nam Á này, Việt Nam muốn bảo vệ quyền lợi của mình, nhập khẩu vũ khí tăng 699%
trong gia đoạn 2011-2015. Chính trong bối cảnh này mà Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm
vận vũ khí đối với Việt Nam, cho dù ông Obama nói rằng quyết định này không
nhắm vào Trung Quốc.
Đối với Liberation, chẳng ai tin vào lời tuyên bố
trên. Đối phó với việc Trung Quốc đang tranh giành vai trò « hiến binh khu vực
», Hoa Kỳ đang tìm đồng minh hoặc ít ra là các quốc gia hữu hảo mới.
Cũng nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ, nhật
báo Le Monde có bài điều tra của Bruno Philip về vụ lính Mỹ thảm sát thường dân
trong cuộc chiến tranh Việt Nam : « Vào lúc bẩy giờ rưỡi sáng tại Mỹ Lai… ».
Ngày 16/03/1968, trong vòng bốn tiếng đồng hồ, lính Mỹ
đã tàn sát 504 thường dân Việt Nam, trong đó có phụ nữ, người già và trẻ em.
Gần nửa thế kỷ sau vụ thảm sát khủng khiếp này, đặc phái viên của Le Monde đã
đến tận khu làng để nghe 4 nhân chứng còn sống sót kể lại vụ việc.
Tại khu bảo tàng, tưởng niệm các nạn nhân ở Mỹ Lai
(tỉnh Quảng Ngãi – miền trung Việt Nam), người ta tái dựng lại cả lối đi vào
làng ngày hôm đó với các vết giầy của lính Mỹ.
Sau này, một số lính Mỹ đã tham gia vụ thảm sát còn kể
lại rằng thiếu úy William Calley, sĩ quan cao cấp nhất trong vụ thảm sát ở Mỹ
Lai, còn ra lệnh ném cả đứa trẻ sơ sinh còn sống vào đống xác người rồi xả súng
bắn chết.
Theo Le Monde, lịch sử Mỹ đã ghi nhận cái tên Mỹ Lai
để nói về vụ thảm sát thường dân và chính vụ này đã góp phần làm thay đổi thái
độ của công luận, chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhật báo Pháp nhận xét :
« Từ 23 đến 25 tháng Năm, Barack Obama thăm chính thức Việt Nam trước khi tới
Hiroshima, Nhật Bản. Đây là vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đến Việt Nam, thế
nhưng chưa một ai nhắc đến cái tên Mỹ Lai ».
Nạn nhân và gia
đình nạn nhân : Sáu tháng sau vụ khủng bố tại Paris
Liên quan đến thời sự nước Pháp, Libération lật lại hồ
sơ của vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris. Hơn 1000 người, bao gồm cả nạn
nhân và gia đình của họ, đã tập trung tại Paris vào hôm qua, 24/05/2016, để
được nghe thông tin do các thẩm phán cung cấp. Hàng nghìn câu hỏi được đặt ra
liên quan đến trước và sau khi vụ khủng bố xảy ra, và tất nhiên, người ta rất
trông chờ vào các thú nhận của nghi can duy nhất còn sống sót Salah Abdeslam.
An ninh hàng không
: Khó tránh được thiếu sót
Nhật báo Les échos có bài viết đề cập đến an ninh hàng
không với tựa : « An ninh hàng không, mắc sai lầm là điều khó tránh khỏi ». Với
các phân tích của mình, tác giả bài báo đưa ra 3 nhận định chính sau :
- So với trước đây, các sân bay ở Châu Âu hiện an toàn
hơn, nhưng không thể nói là không có nguy cơ bị tấn công
- Phần lớn các giải pháp đưa ra đều là kết quả của các
sáng kiến đã từng được đưa ra trước đây liên quan đến khủng bố. Việc đoán trước
được tình hình cũng là một ngành khoa học khá phức tạp
- Trong vòng 10 năm, số lượng
hành khách quốc tế tăng gấp đôi trong khi hệ thống an ninh tại sân bay thì lại
không theo kịp.
Nguồn: Theo RFI
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire