TP - “Rặng san hô vốn
nhiều màu giờ ngả nghiêng, xiêu vẹo, ố vàng, nám đen xám xịt” - ngư dân Phạm
Văn Thùy kể lại sau cú lặn thứ hai xuống đáy biển, ngay phía trước xã Nhân
Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Hiện vật sau cú lặn biển là cây san hô đỏ bị chết. |
Trước thông tin ngư dân phản ánh cá chết nằm nhiều dưới đáy biển khiến Sở TN&MT
Quảng Bình phải làm công văn báo cáo lên trên, cả một buổi sáng, PV Tiền Phong
rong ruổi khắp xã Nhân Trạch nhưng không ai nhận lời lặn thám sát đáy biển, nơi
có rặng san hô kéo dài mấy km cách bờ biển Nhân Trạch và Quang Phú chừng 1 hải
lí. Ngư dân nói họ sợ lặn xuống biển thời điểm này.
Cậy nhờ đến ông Phạm Văn Khiển, trưởng thôn Nhân Quang động viên mọi người
nhưng vẫn không ăn thua. Chỉ đến khi ông Khiển nói, các phóng viên đang giúp bà
con mình phản ánh thông tin để Nhà nước biết, về tìm nguyên nhân xử lí, thì hai
ngư dân Phạm Văn Thùy, Phạm Văn Quý, là con cháu của ông Khiển mới nhận lời.
Chuẩn bị ra khơi bắt đầu chuyến lặn biển |
Anh Thùy trong bộ đồ lặn chuyên nghiệp xuống nước |
Rặng san hô là nguồn sống của gần 1/3 ngư dân xã Nhân Trạch và Quang Phú.
Muốn bắt thủy hải sản ở rặng san hô chỉ có cách duy nhất là lặn xuống biển dùng
lao hoặc tay không. Loài cá thì dùng lao để phóng khi phát hiện chúng nấp trong
hang hốc; còn ngao, sò, ốc, vẹm, nhím biển thì chỉ cần dùng tay nhặt bỏ vào giỏ
mang về. Mỗi ngày một thợ lặn có thể thu nhập từ 500 nghìn đến vài triệu đồng
nếu may mắn từ việc đánh bắt hải sản.
“Rặng san hô này ngày xưa đẹp lắm, đỏ có, xanh có, tím có, trắng có... như
một vườn hoa lung linh sắc màu. Hôm nay nể trưởng thôn lắm, bọn em mới đi đấy.
Có đoàn các nhà khoa học từ Nha Trang ra, không thuê được thợ lặn ở đây, phải
đưa thợ lặn từ Nha Trang ra để lấy mẫu của rặng san hô, bọn em chỉ nhận chở họ
ra đó thôi” - anh Thùy nói.
Thuyền ra cách bờ chừng 500m, chúng tôi đề nghị dừng thuyền để lặn thám sát
đáy biển. Anh Quý cho biết, ở đây chưa đến rặng san hô, nước sâu chừng 10m.
Khoảng 2 phút, anh Thùy ngoi lên khỏi mặt nước, trong chiếc giỏ mang theo, đựng
xác cá, xác vẹm, còn túi bóng đựng bùn đất được lấy từ đáy biển. Anh Thùy cho
biết, nước ở tầng đáy có màu vàng đục khác thường, có cả xác thủy hải sản. Theo
anh Thùy, dưới đó có xác cá đang phân hủy và cá mới chết, phần cát trộn với bùn
đất lấy từ đáy biển có mùi hôi khó chịu.
Thuyền tiếp tục tiến ra rặng san hô, cách bờ chừng 1 hải lí. Cú lặn thứ hai
của anh Thùy cũng nhanh như lần trước. “Rặng san hô giờ ngả nghiêng, xiêu vẹo,
ố vàng, nám đen xám xịt” - anh Thùy thông báo.
Hiện vật mà anh Thùy mang lên từ đáy biển, bao gồm xác cá, xác ngao và một ít bùn đất |
Cây san hô bị nám đen phần gốc |
Cú lặn thứ ba của anh Thùy cách bờ chừng 1,5 hải lí, sóng to khiến chiếc
ống dẫn ôxy bị bung đoạn khớp nối nhưng anh Thùy cũng kịp mang lên một cây san
hô đỏ nặng chừng 1,5kg. Cây san hô bị nám đen phần gốc, còn phần thân bị ố
vàng, chỉ còn lại phần ngọn dính một ít màu đỏ sẫm. Anh Thùy nói, bình thường
cây san hô này màu sắc rất đẹp và nhổ rất khó vì nó dính chặt vào rạn đá, nhưng
nay chỉ cần cầm vào nhấc nhẹ là lấy được. Mùi của cây san hô này cũng tanh
nồng.
Trời về chiều, gió nồm càng lớn, chiếc thuyền nghiêng ngả có nguy cơ không
trụ nổi, chúng tôi quyết định vào bờ, sau 3 cú lặn ở 3 điểm khác nhau.
Đón chúng tôi trên bờ, ông Hồ Văn Nam - Bí thư Chi bộ thôn Nhân Quang nói:
Dân chúng tôi sống nhờ vào biển, giờ chỉ mong các cấp, các ngành sớm công bố
nguyên nhân.
Anh Quý cầm cặp nhím biển trên tay. |
Ngày 5/5/2016, ngay khi nhận được thông tin phản ánh tình trạng thủy hải
sản chết dưới đáy biển, Sở TN&MT Quảng Bình đã có Công văn số 768, báo cáo
tình hình và đề nghị Bộ TN&MT cử chuyên gia vào cuộc đánh giá, cũng như tìm
biện pháp xử lí môi trường đáy biển.
Nguồn: Theo Tiền Phong
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire