Nguyên Ngọc |
Những
ngày qua, trên các báo và các trang mạng, nhiều người đã lên tiếng tranh cãi về
việc cựu chiến binh Mỹ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác
của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) mà chúng ta đều mong đợi với rất
nhiều hy vọng, mới được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh cãi đến nay
chưa xong. Quả thật Bob Kerrey là một nhân vật không hề đơn giản. Và cũng có
thể, trong một chừng mực nhất định, trường hợp của ông là rất tiêu biểu cho
việc, dù muốn hay không, thì ta vẫn còn phải nghĩ rất nhiều và cố mà thấu hiểu
hơn nữa về cuộc chiến tranh đã qua. Về những con người, từng con người, đã đi
qua cái lò lửa địa ngục ấy, bị nó đốt cháy và trui rèn. Số phận của họ, nỗi đau
và trằn trọc không dễ nguôi của họ. Nhất là những người còn sống sót và đang
đối mặt với cuộc sống hôm nay. Tôi, tôi cũng từng đi qua đó, và nay còn sống
sót. Nên tôi cũng muốn hiểu. Tôi quan tâm đến Bob Kerrey, trường hợp kinh hoàng
của ông ngày ấy, và cuộc đối mặt của ông hôm nay với thách thức ông đang đảm
nhận. Và cũng muốn tự nghĩ cả về chính mình.
Nhiều
người đã nói các chi tiết rồi, tôi chỉ xin nhắc lại vắn tắt: Đầu năm 1969, Bob
Kerrey là đại úy, chỉ huy một trung đội SEALs, kiểu đơn vị biệt kích tinh nhuệ
nhất hải quân Mỹ. Phân đội của ông được báo có lãnh đạo cao cấp của Việt cộng
sẽ họp cùng bí thư chi bộ địa phương ở Thạnh Phong, một ấp nhỏ ven biển thuộc
tỉnh Bến Tre. Ông cho đơn vị của mình tập kích vào Thạnh Phong. Ông nói rằng
ông không tự tay giết người, điều ấy có thể tin, một người chỉ huy không nhất
thiết phải tự mình bắn. Nhưng ông thừa nhận ông chịu trách nhiệm toàn bộ: họ đã
giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ và trẻ em cùng một ông già. Bob nói:
“Cuối cùng vẫn là những người phụ nữ đã chết, những đứa trẻ đã chết… vẫn là cái
chết.” Và là tội ác. “Tội lỗi đối với tôi là cảm giác đầy hủy diệt…”. Suốt 32
năm nay. Suốt đời…
Sau
chiến tranh, Bob Kerrey từng là thượng nghị sĩ, là thống đốc bang, là ứng viên
tổng thống Hoa Kỳ, và trên tất cả các cương vị đó, ông đã có đóng góp quan
trọng và lâu dài cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước, ông
cũng là một trong những nhân vật hàng đầu thiết kế chương trình kiên trì suốt
nhiều năm cho sự ra đời của FUV hôm nay. Có thể nói không quá, ông đã làm tất
cả cho Việt Nam, cho giáo dục Việt Nam… Nhưng chưa bao giờ ông coi là có thể bù
đắp tội lỗi đã gây ra.
Tôi
chưa từng gặp Bob Kerrey, nhưng tôi may mắn có một người bạn thân, Thomas
Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard, Chủ tịch Quỹ Sáng
kiến Đại học Việt Nam (the Trust for University Innovation in Vietnam – TUIV),
đơn vị chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư cho FUV, cũng là người đã trực
tiếp chọn Bob Kerry cho vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV. Thomas Vallely
kể với tôi rằng, khi những người bạn cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của
Bob Kerrey là thượng nghị sĩ McCain và ngoại trưởng John Kerry đến gặp Bob để
giúp ông trước nỗi ám ánh tội lỗi đeo đẳng, thì Bob đưa ra cho các bạn một yêu
cầu buộc họ phải cam đoan: tuyệt đối không được bào chữa cho ông! Tôi
nói với Thomas Vallely: “Vậy thì ông đã chọn rất đúng người lãnh đạo FUV!”.
Tôi
cũng nói với Vallely rằng, nhưng phần tôi, là một người cũng từng có mặt trong
suốt cuộc chiến tranh ấy, tôi thấy tôi cũng có bổn phận nói điều này khi tôi
đọc được câu Bob Kerrey trả lời phóng viên Vietnamnet. Ông nói: “Hành động của
tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã được điều tra kĩ càng. Đó không phải
là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như bộ phim tài liệu sẽ sớm được phát của Ken Burns cho
thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội
thiệt mạng.” Bob Kerrey không để cho ai bào chữa cũng quyết không tự bào
chữa cho mình, ông biết ông là một tội phạm không cầu mong được tha thứ, nhưng
đồng thời bằng trải nghiệm đau đớn nhất của mình, ông cũng chỉ ra mâu thuẫn
chết người trong cái mà ông gọi là “chiến thuật của chúng tôi”, tức của Mỹ
trong chiến tranh Việt Nam: để tiêu diệt Việt Cộng phải đánh bật họ ra khỏi dân
thường, ra khỏi “phụ nữ và trẻ con” (còn được gọi là chiến thuật “tát nước để
bắt cá”). Mà điều ấy là vô phương, bởi vì, đặc biệt ở nông thôn, thời ấy, hai
thực thể đó về căn bản là một. Không thể đánh trúng cái này mà không đánh trúng
cái kia! Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con! Cho
nên, cho phép tôi nói điều này: Bob Kerrey là tội phạm, điều ấy ông đã đau đớn
nhận, nhưng ông cũng là nạn nhân. Nạn nhân bi thảm của cái “chiến thuật” nghe
rất hay ho kia. Bob Kerrey nhận ra mâu thuẫn chết người ở chiến thuật ấy, nhưng
không dùng nó để bào chữa cho mình. Điều đó là vĩ đại. FUV có được một người
đứng đầu như vậy là tuyệt đẹp. Và tôi cho lựa chọn của FUV là thật nhân văn.
Còn
riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng
thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp” trong nhân dân vô tội, để họ có
thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải
nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi?
Hóa
ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…
Nguồn: Theo Văn Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire