26/06/2016

Viết về đề tài Công giáo: Đôi điều trao đổi


TS. Phạm Huy Thông*

 

Phạm Huy Thông*
Mấy năm gần đây, tôi hay được mời làm phản biện độc lập, phản biện hay thành viên hội đồng chấm luận văn, luận án từ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đến đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có nhiều tin, bài viết liên quan đến tôn giáo. Đề tài về tôn giáo trong đó có Công giáo được nhiều người quan tâm, thật là điều đáng mừng nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề mà nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 năm nay, tôi muốn cùng trao đổi.





         Ai cũng biết, thời gian gần đây, nhiều học viện, trường đại học được mở ra trong đó có ngành Tôn giáo học nên số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng đông lên. Đề tài để làm luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ trở thành khan hiếm trong khi các đề tài quen thuộc của các khoa học truyền thống như Triết học, Lịch sử Đảng, Văn học, Lịch sử… lại trở thành cũ và khó viết. Ngay cả những chuyên ngành mới như Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng khó tìm đề tài nên người học và cả giáo viên hướng dẫn cũng hướng đề tài về tôn giáo cho “mới và dễ viết hơn”. Nhưng chính vì có nhiều người viết về đề tài tôn giáo nên dễ bị trùng lặp và thiếu đi tính đặc thù khó đưa lại cho người đọc cái mới, cái sáng tạo. Có dịp, tôi được mời chấm mấy luận văn thạc sĩ của một cơ sở đào tạo thì đọc từ cái tên luận văn cho đến bố cục nội dung cứ na ná như nhau, chỉ khác nhau cái tên địa danh. Chẳng hạn: “Quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở huyện X.”, thì ở luận văn khác chỉ thay đổi là quận Y, thị xã Z…

         Hầu hết người viết không theo một tôn giáo cụ thể nào và dù có theo cũng chưa hẳn đã rành rẽ giáo lý, giáo luật của tôn giáo vì như người ta thường nói : “kinh nhà đạo, gạo nhà chùa”. Sách vở mỗi tôn giáo đều vô cùng nhiều. Không ít tín đồ các tôn giáo theo đạo theo truyền thống gia đình, gia nhập đạo từ tuổi nhỏ và giữ đạo cũng theo phong trào nên hiểu về đạo cho thấu đáo, đến đầu, đến đũa cũng gặp khó khăn. Cho nên người ngoài tôn giáo mà đi tìm hiểu một tôn giáo thật không dễ dàng gì.

         Đất nước ta cũng trải qua những thăng trầm của lịch sử nên sự thay đổi quan niệm về một vấn đề phức tạp như tôn giáo cũng là lẽ đương nhiên. Như thế mới là biện chứng. Tuy nhiên, nếu trước đây, không ít người mắc quan điểm tả khuynh coi tôn giáo nào cũng lạc hậu, mê tín thậm chí là phản động thì sau đổi mới lại có một số người luôn nói rằng, tôn giáo nào cũng tốt lành, cũng nhân văn hướng thiện cả. Điều này không đúng. Hiện nay, đa số các tôn giáo là nhân bản, hướng con người đến chân thiện mỹ nhưng cũng có tôn giáo cực đoan quái đản, phản văn hóa, phản nhân văn. Bởi theo thống kê, trên thế giới có khoảng 20.000 tôn giáo trong đó có 2.000 tôn giáo có từ 1 triệu tín đồ trở lên. Các tôn giáo mới mà ta hay gọi là giáo phái mọc ra như nấm ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu. Các tôn giáo như Solar Temple (Đền thờ Mặt trời) phát triển mạnh ở châu Âu những năm 80- 90 của thế kỷ XX. Giáo phái này truyền bá rằng, sắp tận thế, ai chết sau sẽ không còn chỗ trên Thiên đường nên chủ trương sống thác loạn rồi tự tử tập thể. Năm 1978, cảnh sát tìm thấy 914 thi hài tín đồ giáo phái này tự thiêu ở Giana. Năm 1995, nhiều thi thể bị thiêu cũng tìm được ở Pháp, Thụy Sĩ. Hay giáo phái Raen ở Pháp chủ trương, ai nhập đạo phải khỏa thân sống quần hôn tìm khoái lạc, bán tài sản nộp cho giáo chủ. Giáo phái này cũng có 8.000 tín đồ và ông Nguyễn Văn Ty ở Nghệ An đã du nhập về nước lập ra “đạo Ty” năm 1990…

Lỗi hay mắc phải khi viết về tôn giáo, chẳng hạn viết về Công giáo là hiểu không đúng giáo lý, giáo luật nên viết sai không chỉ về khái niệm mà tôn giáo đó dùng mà còn sai cả về quan điểm của tôn giáo đó nữa.

Lỗi đầu tiên là dùng khái niệm không chuẩn xác. Rất nhiều người, kể cả các nhà nghiên cứu lâu năm cũng lẫn lộn khi gọi đạo Công giáo là Thiên Chúa giáo, Gia Tô giáo, Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo Rôma…và coi đạo Công giáo là một nhánh của Thiên Chúa giáo. Trên chứng minh thư nhân dân ở Việt Nam, mục tôn giáo cũng ghi ai theo đạo Công giáo là Thiên Chúa giáo. Ghi như vậy vừa sai về mặt khoa học, sai về quan điểm chủ nghĩa Mác Lênin mà còn sai cả về pháp luật nữa. Vì Việt Nam không có thừa nhận Thiên Chúa giáo. Sao lại bắt người ta theo một tôn giáo chưa được công nhận? Thế giới cũng không tìm được tôn giáo nào là Thiên Chúa giáo, không thể dịch ra tiếng nước ngoài được vì không có từ tương ứng. Còn theo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, thì tôn giáo là công việc riêng tư theo 3 mặt mà một phương diện là không được ghi trên bất kỳ giấy tờ nào của công dân mục tôn giáo.

Tất nhiên, trong lịch sử, mỗi tên gọi có nguồn gốc của nó. Chẳng hạn, khi ở Trung Quốc người ta dịch chữ Jesus (Đức Giêsu), hay Christus (Kitô giáo) là Gia Tô hay Cơ lợi tư đốc và đọc tắt là Cơ Đốc nhưng khi dịch sang cho người Việt mà cũng gọi là đạo Gia Tô hay Cơ Đốc thì ít người hiểu. Hoặc khi các giáo sĩ phương Tây qua Trung Quốc muốn dịch khái niệm Deus (Chúa Trời) thì các tôn giáo khác đã dùng các khái niệm Thiên, Thượng Đế rồi nên họ phải dùng khái niệm Thiên Chủ, rồi Thiên Chúa để khỏi lẫn và cuốn giáo lý “Thiên Chúa thực lục chính biên” do giáo sĩ Ruggieri biên soạn năm 1584 được phổ biến. Đến năm 1603, giáo sĩ Ricci Matheo cũng phát hành cuốn “Thiên Chúa thực nghĩa” và linh mục Baldinotti, người Ý khi đặt chân đầu tiên đến Thăng Long năm 1626 có mang theo cuốn sách này và cho in ở Việt Nam năm 1630 nên có người đã gọi những người theo đạo này là đạo Thiên Chúa. Nhưng rõ ràng khái niệm này không chuẩn xác. Thờ Thiên Chúa có nhiều tôn giáo như Do Thái, Hồi giáo và các tôn giáo thuộc hệ Kitô giáo nữa chứ không chỉ duy nhất có Công giáo. Nhân đây cũng nói thêm rằng, có một số người viết cho rằng Kitô giáo chỉ có 4 nhánh là Công giáo, Tin Lành, Chính Thống, Anh giáo cũng chưa chuẩn. Ngay Công giáo cũng có nhiều nhánh mới phát sinh như nhóm Huynh đoàn Piô X của Tổng Giám mục Marcel Lefevre lập năm 1970 hay nhóm Maried Priests now (Linh mục lập gia đình hiện nay) ở châu Phi có tới 300.000 thành viên.

Khi viết về Công giáo, một số tác giả dù có ý định khen nhưng dễ bị cho là bịa đặt. Chẳng hạn viết về thành tích kế hoạch hóa gia đình ở một vùng giáo, tác giả nói rằng kết quả đó là do linh mục thường lên tòa giảng kêu gọi giáo dân dùng các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, đặt vòng… Bởi vì theo giáo lý Công giáo hiện hành, không linh mục nào dám làm điều đó cả. Giáo hội không có khái niệm “kế hoạch hóa gia đình” mà chỉ có “sinh đẻ có trách nhiệm”. Các biện pháp tránh thai là dùng phương pháp tự nhiên Ogino- Klauss chứ không được dùng bất cứ phương pháp nhân tạo nào.

Cũng có tác giả phê bình Giám mục ở giáo phận X, Y là bảo thủ, không đồng hành cùng dân tộc, không chia sẻ vận mạng với dân tộc theo tinh thần Công đồng Vaticanô 2 vì không cho linh mục trong giáo phận mình được ứng cử làm đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp. Nói như vậy là không hiểu tôn giáo. Gia nhập bất cứ tổ chức hay tôn giáo nào cũng phải tuân giữ quy định của tổ chức, tôn giáo đó. Nếu không giữ giáo lý, giáo luật của Công giáo thì đâu còn là Kitô hữu. Giáo luật 1983, điều 285, khoản 3 ghi rõ: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự”. Điều này được thực hiện nghiêm ngặt ở cả trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Năm 1995, linh mục Aristide được dân bầu làm Tổng thống Haiti, ông cũng lập tức phải xin thôi chức linh mục hay mới đây, tháng 5-2016, ba linh mục Jeemar Vera Cruz, Walter Cerbito, Jack Sapa ở Philippine khi tranh cử chính quyền dân sự cũng đã bị huyền chức.

Có một vấn đề, nhiều tác giả cho đó là cản trở chính trên con đường đồng hành với dân tộc của đạo Công giáo là quan hệ giữa Công giáo và dân tộc. Thật ra, vấn đề với dân tộc thì tôn giáo này không còn vướng mắc. Vấn đề là đạo Công giáo có thể đồng hành với Nhà nước mà chính thể theo chủ thuyết xã hội chủ nghĩa được không? Mặc dù khi tiếp các nhà lãnh đạo của Việt Nam, các vị Giáo hoàng đều thừa nhận chế độ chính trị Việt Nam và đưa ra huấn thị “người Công giáo tốt cũng là công dân tốt” nhưng do lịch sử để lại còn cả một quá khứ với những lời buộc tội nặng nề với chủ thuyết Mác xít này mà sau Công đồng Vaticanô 2, khi Giáo hội canh tân, đổi mới vẫn chưa có lời cải chính hay sửa lại quan điểm cũ như kiểu Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 xin lỗi về vụ án Galilê. Rồi giữa pháp luật của Nhà nước và giáo huấn của Giáo hội cũng còn những điểm chưa tương đồng. Chẳng hạn, theo chính sách kế hoạch hóa gia đình nếu sinh con thứ  3 là bị phạt, bị thôi việc nên buộc họ phải phá thai nhưng Giáo hội không cho phép vì coi đó là phạm tội giết người…

 Một lỗi chính tả hay mắc là khi các danh từ Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái, Tin lành…ai cũng chấp nhận viết hoa nhưng Công giáo lại không viết hoa. Nhiều khi báo chí cũng sửa đúng thành sai, chẳng hạn tôi viết “ cộng đoàn Công giáo” thì họ lại sửa thành “công đoàn Công giáo”. Hồi năm 1990, GS Trần Quốc Vượng có gửi bài: “Tôn giáo là và văn hóa” cho báo Người Công giáo Việt Nam. Khi đi in, nhà in cứ bỏ chữ đi vì tưởng là thừa vì họ không hiểu ý GS: tôn giáo chính là văn hóa…

Tôi có đọc một số báo chí thì thấy trừ mấy tờ báo của đạo ra thì tạp chí Công tác tôn giáo, Nghiên cứu tôn giáo là đỡ sai sót hơn vì Ban biên tập cũng như các cộng tác viên ở đây hiểu tôn giáo hơn.

Muốn viết để người đọc nhất là đồng bào Công giáo chấp nhận thì trước hết hãy viết đúng  sau đó mới nói đến chuyện viết hay được.

Hà Nội, nhân ngày Nhà báo Việt Nam 2016

         *Trưởng ban Tư duy Tôn giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire