31/07/2016

Foreign Policy chỉ ra chuỗi thất bại ngoại giao của ông Tập Cận Bình


Đăng Nguyễn

Tạp chí này nhận đinh không phải Tổng thống Mỹ Obama, chính Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mới là người giúp cho Washington ngày càng được đón chào hơn ở châu Á.

Theo Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ), kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chính sách đối ngoại mà ông Tập theo đuổi đã phá hỏng những nỗ lực bền bỉ của Bắc Kinh, trong việc thuyết phục các nước láng giềng về một sự trỗi dậy có lợi và hòa bình của Trung Quốc.

Tạp chí này nhận định Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt những thất bại về mặt ngoại giao dưới thời ông Tập.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
 
 


 
Gần đây nhất là phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông. PCA bác bỏ những yêu sách phi lý mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố trong "đường 9 đoạn".

Đây được coi là đòn giáng mạnh vào những mục tiêu trong chính sách đối ngoại mà Trung Quốc theo đuổi đối với phần còn lại của châu Á.

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, việc Hàn Quốc và Mỹ quyết định triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) cũng là điều mà Trung Quốc không mong muốn. Quyết định triển khai THAAD đã đẩy Hàn Quốc lại gần với Mỹ hơn và mở ra cánh cửa ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật bản trong vấn đề hợp tác chiến lược.

Theo Foreign Policy, Hàn Quốc đưa ra quyết định này cũng liên quan đến việc Trung Quốc không thể kiềm chế các chương trình tên lửa đạn đạo, hạt nhân mà Triều Tiên theo đuổi.

Tạp chí chuyên về ngoại giao của Mỹ cho rằng không chỉ thất bại về mặt ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc còn không thể tìm cách chia rẽ liên minh Mỹ-Nhật. Bắc Kinh từng gây sức ép đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, rằng liệu Mỹ có giúp đỡ nếu như Nhật Bản xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Tháng 4/2014, ông Obama đã thể hiện rõ trong chuyến thăm Nhật Bản rằng điều 5 trong Hiệp định An ninh của liên minh có bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều đó đồng nghĩa Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản một khi xảy ra xung đột vũ trang tại quần đảo này.

Việc Trung Quốc liên tục điều tàu chiến và máy bay tuần tra ở khu vực quanh Senkaku/Điều Ngư và Biển Hoa Đông đã tác động mạnh đến chính sách an ninh của Nhật Bản. Năm 2014, Tokyo đã sửa đổi hiến pháp, cho phép nước này tham gia vào các hoạt động phòng thủ tập thể, hỗ trợ đồng minh.

Quy định hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật năm 2015 cũng cho phép Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.

Vượt ra ngoài khu vực châu Á, Foreign Policy còn chỉ ra chuỗi thất bại về mặt ngoại giao của ông Tập còn vươn đến châu Âu. Bất chấp những nỗ lực, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối cấp cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường. Việc Bắc Kinh sản xuất và xuất khẩu ồ ạt thép và nhiều sản phẩm khác đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế EU và Mỹ.

Ngoài ra, việc Trung Quốc gây khó dễ cho các doanh nghiệp Mỹ để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã gây thất vọng cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Đây là nhóm cộng đồng từ lâu đã đặt nền tảng quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Thiếu đi sự ủng hộ này, mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã thường xuyên biến động còn gặp phải nhiều vấn đề hơn, khiến cho tân tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn.

Foreign Policy kết luận, sau giai đoạn 2008-2009 của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, giới phân tích Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng Mỹ đang trên đà suy thoái và đó là cơ hội để Bắc Kinh khẳng định tầm ảnh hưởng.

Trên thực tế, việc Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương với chiến lược xoay trục có thể sẽ khiến ông Tập Cận Bình phải suy nghĩ lại về chính sách ngoại giao đối với khu vực.

 
Đăng Nguyễn

Nguồn: Theo Người Đưa Tin

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire