16/07/2016

Formosa, 500 triệu USD và những chuyện khóc cười


Kỳ Duyên
Kỳ Duyên: "Nếu những ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, thì ngư trường để cho ai, biển để cho ai? Khi mà biển vẫn cậy mình dài rộng thế, vắng cánh buồm một chút đã cô đơn? (thơ Hữu Thỉnh). 
Giữ biển, không chỉ là đem lại cá tôm đầy thuyền, góp phần cho tăng trưởng địa phương và cả nước mà còn là sự khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc ở những năm tháng không kém phần cam go này."




Mong biển sạch trở lại, không chỉ là môi trường để ngư dân sinh sống, mà còn là khát khao của chính biển.


Cần… qua rồi cái thời “trách nhiệm tập thể” để cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm. Và cái dây “rút kinh nghiệm”, chả lẽ cứ vắt mãi từ thời bao cấp sang thời hội nhập, giữa một thế giới văn minh, đề cao trách nhiệm cá nhân? Không thế, nạn tham nhũng làm sao ngăn chặn?

Chỉ một sự cố của một công ty luyện gang thép dẫn đến hàng trăm tấn cá chết, biển bị bức tử, cả đất nước với 90 triệu dân suốt 3 tháng trời đau nghiêng ngả. Mới biết, môi trường sống nói chung, môi trường biển nói riêng của dải đất chữ S có bờ biển dài 3.260 km trong thời hội nhập và tăng trưởng, là vấn đề sinh tử của cả một dân tộc.

Tiền đi đâu về đâu?

Sau những ngày dài dằng dặc chờ đợi, lo âu và phẫn nộ, đến thời điểm này, khi Formosa được xác định là thủ phạm và đã phải công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời xin được đền bù thiệt hại 500 triệu USD, thì câu chuyện bùng lên tiếp theo, ồn ào nhất là số tiền đền bù thiệt hại.

Người viết không bàn đến chuyện số tiền này nhiều hay ít đang ầm ĩ trên các trang mạng xã hội. Cũng không bàn đến ý kiến của các luật sư đòi khởi kiện Formosa hay ý kiến của một quan chức cao cấp, rằng việc có khởi tố (hình sự) Formosa hay không sẽ do cơ quan điều tra xác định, Chính phủ không can thiệp vào vấn đề này. Mà chỉ chú ý đến việc 500 triệu USD đền bù nay mai sẽ đi đâu về đâu

Tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm. Nhất là trong một xã hội đang có quá nhiều bất an vì nạn tham nhũng, quan chức ăn chặn của dân, từ con dê, con vịt, con nhím, con bò… Thế nên rất chú ý đến ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ với các bộ chức năng có liên quan - xây dựng phương án sử dụng tiền đền bù sao cho hiệu quả nhất.

Hẳn những ngư dân, người dân vùng thiệt hại có thể hoan hỉ trước thông tin 500 triệu USD đền bù. Nhưng người viết lại chú ý hơn đến tâm lý và những lời nói chân thật của họ: “ Đền bù mấy cũng ăn hết, mong biển sạch trở lại”  

Đó là một sự thật cần lường trước, để tránh những… bi hài kịch cho họ, những ngư dân chất phác ăn sóng nói gió, một đêm ngủ dậy, bỗng thấy mình thành triệu phú.

Do hạn chế trình độ, do kinh tế một số vùng miền chưa phát triển, rất khó cho họ có thể chuyển đổi ngành nghề. Trong thực tế, ở nhiều nơi đã có không ít người nông dân được đền bù tiền đất do giải tỏa mặt bằng, choáng ngợp trước số tiền nhiều, không ít người đã chỉ lo chuyện xây nhà, sắm sửa, thậm chí đâm đổ đốn trong tiêu pha rượu chè, để rồi ít lâu sau, sung vào đội quân lao động thất nghiệp ở đô thị.

Nhận đồng tiền đền bù, có thể cười, mà cũng có thể khóc, là vậy!

Những ngư dân miền Trung liệu sẽ ra sao, khi họ đã hiểu đền bù mấy cũng ăn hết. Và mong mỏi của họ chính là biển sạch trở lại?

Biển của ai?
>
Mặt khác, nếu những ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, thì ngư trường để cho ai, biển để cho ai? Khi mà biển vẫn cậy mình dài rộng thế, vắng cánh buồm một chút đã cô đơn? (thơ Hữu Thỉnh).

Giữ biển, không chỉ là đem lại cá tôm đầy thuyền, góp phần cho tăng trưởng địa phương và cả nước mà còn là sự khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc ở những năm tháng không kém phần cam go này.

Chính vì thế, mong biển sạch trở lại , không chỉ là môi trường để ngư dân sinh sống, không chỉ là khát khao giản dị mộc mạc của ngư dân vùng biển bị bức hại, mà còn là khát khao của chính biển. Của chủ quyền, độc lập dân tộc. Có một nhà nghiên cứu đã cảnh báo rất có lý rằng, “ Formosa cũng là một cơ sở để mở ra cho Việt Nam tiếp cận một khái niệm chiến tranh mới mà các cường quốc đang nghiên cứu - Chiến Tranh Sinh Thái

Mà sự khốc liệt đã dẫn đến biển chết rất ngấm ngầm và tàn nhẫn.

Trong trả lời báo chí, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hoá học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. (VnExpress, ngày 30.6)

Tấm chăn khổng lồ đầy độc tố đã tàn sát tới 400 hécta rạn san hô. Theo các chuyên gia, rạn san hô như rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển, nơi cư trú của các loài sinh vật đáy và các loài cá, có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn giống hải sản tự nhiên. Nếu những rạn san hô này bị mất đi nguy cơ biển nước ta sẽ biến thành "thủy mạc".

Liệu chính phủ, các bộ chức năng, các nhà khoa học sẽ có… diệu kế gì để biển sạch trở lại? Để biển vẫn như ngày xưa , trong câu thơ trứ danh của cố nhà thơ Huy Cận: Cá nhụ cá chim cùng cá đé, Cá song lấp lánh đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé/ Đêm thở sao lùa nước Hạ Long.

Nhưng biển có thể sạch trở lại không, nếu như những dự án làm ô nhiễm môi trường như Formosa với lý lịch “hành tinh đen” khắp nhân loại lại bỗng nhiên được nước Việt ưu đãi quá ngưỡng cho phép? Và giờ đây, dư âm 500 triệu USD đền bù vẫn đọng lại cay đắng trong tâm thức người Việt bởi cái giá phải trả cho môi trường sinh thái, cho môi trường sống đang cần được an lành và bình an quá đắt.

Những quan chức có trách nhiệm nào từng che chở cho “hành tinh đen’ này đã bức hại biển, bức hại nguồn sống của dân và đầu độc thể lực dân tộc phải được làm rõ và phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Đây là ý kiến của số đông người dân, trong đó có không ít vị chức sắc, đại biểu Quốc hội.

Đã qua rồi cái thời nhu cầu tăng trưởng, phát triển nóng với bất cứ giá nào.

Nhưng cũng cần… qua rồi cái thời “trách nhiệm tập thể” để cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm. Và cái dây “rút kinh nghiệm” chả lẽ cứ vắt mãi từ thời bao cấp sang thời hội nhập, giữa một thế giới văn minh, đề cao trách nhiệm cá nhân?

Không thế, nạn tham nhũng làm sao ngăn chặn?

Nước mắt dân tộc Việt này đã đổ quá nhiều trong chiến tranh.

Xin đừng để tiếp tục đổ trong hòa bình.

Kỳ Duyên
 
Nguồn: Theo FB Kỳ Duyên

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire