02/07/2016

Formosa và trách nhiệm công vụ của Chính phủ


Lê Công Định

Lê Công Định: "Chẳng lẽ Chính phủ chờ thuyết phục Formosa thừa nhận trước mới dám công bố nguyên nhân sau? Nói cách khác, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và Formosa trong sự kiện nghiêm trọng này chỉ để đối phó dư luận? Vậy yêu cầu chính đáng của người dân cả nước, nạn nhân của thảm hoạ môi trường này, không đáng để Chính phủ ưu tiên quan tâm hơn thủ phạm? "
 


Gần 3 tháng kể từ khi thảm hoạ môi trường xảy ra, nhưng Chính phủ cứ trì hoãn công bố kết quả điều tra nguyên nhân. Cuối cùng gần đây, sau nhiều chỉ trích và áp lực từ công luận, Chính phủ quyết định công bố vào hôm nay 30/6/2016, trễ một ngày sau tuyên bố của Bộ Công an.

Trước ngày công bố, xuất hiện trên mạng xã hội và các báo lề phải online những thông tin về sự thừa nhận lỗi gây ra thảm hoạ môi trường của Công ty Formosa Việt Nam.

Vấn đề cần đặt ra là tại sao có sự trùng hợp về thời điểm như vậy trong hành động của Chính phủ và Formosa? Điều tra nguyên nhân thảm hoạ môi trường là vấn đề kỹ thuật và pháp lý, lẽ ra kết quả phải công bố trước khi Formosa thừa nhận lỗi về mình. Vậy tại sao phải trì hoãn công bố?

Chẳng lẽ Chính phủ chờ thuyết phục Formosa thừa nhận trước mới dám công bố nguyên nhân sau? Nói cách khác, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và Formosa trong sự kiện nghiêm trọng này chỉ để đối phó dư luận? Vậy yêu cầu chính đáng của người dân cả nước, nạn nhân của thảm hoạ môi trường này, không đáng để Chính phủ ưu tiên quan tâm hơn thủ phạm?

Đến đây cần đặt vấn đề trách nhiệm công vụ của Chính phủ. Khi khủng hoảng xảy ra, không cần biết nguyên nhân thảm hoạ đến từ đâu và do ai, với trách nhiệm công vụ mẫn cán, việc điều tra phải tiến hành ngay lập tức và kết quả phải công bố ngay lúc quy trình xác minh kết thúc, bất kể thủ phạm thừa nhận hay không lỗi của mình (cần lưu ý, thủ phạm không có quyền biết kết quả trước khi công bố, trừ phi được cơ quan điều tra tiết lộ riêng). Tất cả trình tự đó phải diễn ra như một cơ chế tự động của bộ máy công vụ trên cơ sở luật pháp.

Xét lẽ trên, Chính phủ hoàn toàn không thực hiện đúng trách nhiệm công vụ của mình theo luật định. Sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng này cần phải được xử lý và chế tài thông qua trình tự chất vấn và, nếu cần, miễn nhiệm trước và bởi Quốc hội. Một Quốc hội bao gồm các đại biểu thực sự của dân chắc chắn cũng sẽ hành động theo cơ chế tự động của bộ máy dân cử như quy định của Hiến pháp.

Hãy chờ xem Quốc hội sẽ hành động ra sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân và quy định của luật pháp, cũng như xứng danh là một cơ quan đại diện của nhân dân cả nước, vốn là nạn nhân của thảm hoạ có thủ phạm này!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire