17/07/2016

Vì sao Thủ tướng phải nhiều lần yêu cầu xử lý vụ nhà 8B Lê Trực?


Quang Chung

Phá dỡ phần xây dựng sai phép tại tòa nhà 8B Lê Trực
rất ì ạch. Ảnh: Internet
(TBKTSG Online) - Việc Thủ tướng ngày hôm qua, 13-7, yêu cầu nhanh chóng xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội thời gian qua cho thấy kỷ cương, phép nước chưa được thực thi một cách nghiêm túc.
 


Việc tháo dỡ sai phạm tại công trình nhà 8B Lê Trực quá ì ạch, nên hôm qua, 13-7, Văn phòng Chính phủ một lần nữa ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ động triển khai các phương án xử lý… và báo cáo kết quả thực hiện.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện chỉ đạo của chính Thủ tướng tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 2-11-2015 và ý kiến của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2016 về chuyện xử lý sai phạm (vi phạm trật tự xây dựng) tại dự án đầu tư xây dựng số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

Thông báo số 351/TB-VPCP cuối năm ngoái (kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại 8B Lê Trực) nêu rõ: việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại 8B Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực chậm được xử lý, nên ngày 31-3-2016, Văn phòng Chính phủ ra văn bản (2174) truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm xung quanh vi phạm tại công trình này.

Cụ thể, đó là phải tháo dỡ diện tích xây dựng sai phép của tòa nhà 8B Lê Trực (giấy phép cấp công trình có chiều cao 53 m, diện tích sàn 29.874 m2 nhưng chủ đầu tư đã xây cao tới 69 m, diện tích sàn tới 36.000 m2; tức vượt phép 16 m chiều cao và hơn 6.000 m2 diện tích sàn).

Và, ngày 28-6-2016, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ra thêm văn bản (5278) truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẩn trương báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-6-2016 về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 351 và văn bản số 2174; có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các hành vi ngăn cản, gây khó khăn của các bên tham gia, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng.

Bởi vì, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tiến độ cưỡng chế phá dỡ phần công trình vi phạm tại 8B Lê Trực rất chậm là do chủ đầu tư không hợp tác, không ký hợp đồng với chính quyền và nhà thầu phá dỡ, chậm tạm ứng kinh phí thực hiện việc phá dỡ... Sau 116 ngày (từ 6-3 đến 30-6-2016), Công ty Hải Anh Phát (đơn vị được thuê phá dỡ) mới phá dỡ được 328 m2 sàn mái tầng 19, tương đương 2,83  m2/ngày.

Cho nên, ngay tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành chiều ngày 30-6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức xúc đặt câu hỏi cho lãnh đạo thành phố Hà Nội, rằng "vụ nhà 8B Lê Trực các đồng chí có xử lý nghiêm không hay cứ để trơ trơ như thế?".

“Vi phạm như vậy tồn tại trước mắt nhân dân thủ đô và cả nước. Tôi đề nghị các đồng chí có khẳng định cụ thể, lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh lại kỷ cương, trật tự xây dựng đô thị, xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, lịch sự. Không thể để công trình này vi phạm kéo dài như vậy được”, Thủ tướng nói.

Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã thống nhất với UBND quận Ba Đình về phương án tháo dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, rút ngắn thời gian phá dỡ tầng 19 (1.800 m2) từ 105 ngày xuống 45 ngày - tính từ 1-7; sau đó mới lên phương án tháo dỡ các phần sai phạm khác.

Tuy nhiên, đến ngày 13-7, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu UBND thành phố Hà Nội phải báo cáo phương án xử lý và kết quả thực hiện...

Qua việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực thời gian qua mới thấy kỷ cương, phép nước của chúng ta rất chặt nhưng cũng lỏng lẻo quá!

Nói chặt là bởi, thường khi một người dân mua xe ba gác cát, đá để sửa chữa nhà cửa (kể cả trong hẻm và có phép) thì lực lượng quản lý đô thị sẽ có mặt ngay; nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử phạt, và lập tức yêu cầu tháo dỡ phần xây dựng sai phép; nếu chủ nhà không chấp hành cơ quan chức năng sẽ áp dụng "biện pháp" cúp điện, cúp nước.

Còn lỏng lẻo là bởi, không hiểu tại sao, một công trình đồ sộ (19 tầng, 36.000 m2 sàn) như thế giữa thủ đô xây dựng sai phép (nghiêm trọng) lại trót lọt? Nghiêm trọng hơn, khi sai phạm bị phanh phui, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo xử lý, nhưng (hơn nửa năm trời) việc xử lý vẫn ì ạch.

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire