* LÊ VĂN NINH
| ||
|
– Đảng chân chính (?) sẽ không còn. Nhà nước sẽ biến chất,
– Dân tộc bị bóc lột, bị tước đoạt quyền
lực và bị tước đoạt tài sản của cải,
Từ đó, ông Hoàng đặt
vấn đề phải điều chỉnh cơ chế kiểm soát quyền lực và chống “tự
diễn biến trong đảng”.
Sau khi bài báo này
được công bố, ngày 13/6/2015, ông Tô Văn Trường đã gửi bài “Mạn
đàm với ông Phó ban Tuyên giáo Trung ương”. Ông Trường cho rằng, ông Hoàng không
lý giải được nguyên nhân gốc rễ là “Chế độ Đảng trị” gây ra và do đó ông Hoàng
bế tắc cách giải quyết.
Xin lưu ý, trước đó đã
có nhiều người đề xuất giải pháp kiểm soát quyền lực, nhưng đều đã bị bỏ qua:
– Ngày 3/3/2013, ông Phạm Xuân Hằng,
nguyên phó chủ tịch UBTUMTTQVN thông qua báo Vietnamnet, đã kiến nghị: “Cần
có Luật về Đảng”.
– Ngày 3/11/2013, ông Nguyễn Đình Hương,
nguyên phó ban tổ chức trung ương của ĐCSVN đã gửi bài đăng trên Vietnamnet: “Cần
có ‘phanh tốt’ để kiểm soát quyền lực”.
– Cũng ngày 3/11/2013, trên Vietnamnet,
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội kiến nghị:
“Một Đảng cầm quyền như ĐCSVN nên chấp nhận cạnh tranh. Chấp nhận cạnh tranh
chính là chấp nhận sự tự rèn luyện, để đảng ngày càng trưởng thành, trong sạch,
vững mạnh”.
Đến nay, ngày
22/9/2016, ông Vũ Ngọc Hoàng lại vừa gửi đăng 1 bài báo trên Vietnamnet, nêu
lại vấn đề tha hóa quyền lực và vì sao phải kiểm soát quyền lực.
Bây giờ nhóm lợi ích
của ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại, nhưng
theo ông Hoàng: Trong Đại hội 12 của ĐCSVN, ông Trọng ít nhất đã 2 lần nhấn mạnh đến vấn
đề kiểm soát quyền lực, tuy vậy cho đến nay, quyền lực về cơ bản chưa được
kiểm soát (?). Ông Hoàng nói: Bằng các thủ đoạn chính trị, có những
người, những nhóm đã cướp đoạt quyền lực của nhân dân, biến nhân dân thành đối
tượng bị cai trị. Quyền lực bị tha hóa đã dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp, văn
hóa suy đồi, dân tộc mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ, quốc gia không
thể hưng thịnh, không đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ Quốc. (tức là sự tha hóa
quyền lực đã dẫn cả hệ thống chính trị và xã hội đến tình trạng thối rữa như
một cơ thể đang bị ung thư di căn khắp lục phủ ngũ tạng).
Khác với bài báo
cách đây 1 năm, trong bài báo này, ông Hoàng đã cảnh báo mức độ nghiêm trọng do
sự tha hóa quyền lực gây ra. Ông nói nó sẽ dẫn đến sự tự sụp đổ
chế độ. Ông dẫn chứng sự sụp đổ của ĐCSLX vào năm 1991 là
do tha hóa quyền lực dẫn đến tự sụp đổ chứ không do kẻ địch nào phá bằng “diễn
biến hòa bình”, và ông nói từ bài học của ĐCSLX, nếu ai đó cho rằng cứ nắm chắc
lực lượng vũ trang là tránh được sụp đổ thì đó là những suy nghĩ rất ấu trĩ.
Nhưng cũng giống như
bài báo cách đây 1 năm, ông Hoàng không lý giải được nguyên nhân gốc rễ gây ra
tha hóa quyền lực của ĐCSVN là do lỗi hệ thống. Ông rất ngây thơ đặt ra câu
hỏi: “Tại sao khi có quyền lực thì người cầm quyền dần dần trở nên hư hỏng?” và
như bài báo trước, ông vẫn bế tắc về cách giải quyết.
Do đó, xin có một câu
hỏi với ông Vũ Ngọc Hoàng: “Ông và đảng của ông có thật tâm muốn
thoát khỏi tha hóa quyền lực và tự sụp đổ không?”. Nếu đảng của ông
thật tâm muốn thoát khỏi sự tự sụp đổ thì xin góp vài lời sau đây:
1- Phải hiểu đúng về quyền lực và nguyên
nhân tha hóa quyền lực
2- Từ bỏ mục đích chiếm đoạt quyền lực
nhà nước và dùng quyền lực để cướp bóc chiếm đoạt, trong học thuyết của Marx
3- Từ bỏ những nọc độc của chủ nghĩa
Marx ở giai đoạn Lênin
4- Từ bỏ ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản
trong học thuyết của Marx
5- Tại sao ông Trọng không dám mô tả
hình dạng cái xã hội chủ nghĩa do ông định hướng?
6- Chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội dân
chủ và đa nguyên theo mô hình Bắc Âu là lối thoát danh dự của ĐCSVN.
1) Phải hiểu đúng về
quyền lực và nguyên nhân tha hóa quyền lực.
Ông Hoàng mở đầu bài
báo ngày 22/9/2016 bằng câu “Quyền lực như con ngựa bất kham”. Có thật vậy
không? Theo giải thích của Max Weber (1864- 1920), một trong những người có
công lớn nghiên cứu về quyền lực xã hội thì có thể hiểu tóm tắt như sau: “Quyền
lực (Power) là khả năng áp đặt ý chí của một cá nhân đối với
cá nhân khác, tác động đến khả năng động viên các nguồn lực, để đạt đến một mục
đích của cá nhân áp đặt ý chí đó”. Cũng theo Max Weber, quyền lực có nguồn gốc
kinh tế và nhiều yếu tố phi kinh tế, chẳng hạn: truyền thống gia đình, học vấn,
tôn giáo, uy tín cá nhân. Một người chủ gia đình muốn duy trì truyền thống gia
phong tốt đẹp của gia đình, anh ta (hoặc chị ta) cần có quyền lực. Bản
thân quyền lực không phải là con ngựa bất kham. Nó không tốt cũng
không xấu. Nó tác động tốt hay tác động xấu là do người có quyền lực thực
thi quyền lực với mục đích nào.
Trong các loại quyền
lực, có 3 loại quan trọng, gồm: Quyền lực chính trị, quyền lực công (còn gọi là
quyền lực xã hội) và quyền lực nhà nước. Mỗi loại quyền lực có đặc trưng riêng và
chúng tác động đan xen vào nhau. Quyền lực công mang tính chất công cộng, bao
trùm toàn xã hội và toàn lãnh thổ quốc gia. Vì tính chất bao trùm như thế, nhân
dân là chủ thể của loại quyền lực này không thể trực tiếp thực thi quyền
lực mà phải trao quyền lực cho một cơ quan tối cao của xã
hội làm thay, gọi là Nhà nước. Cái cơ quan tối cao đó bây giờ đứng
trên xã hội, độc lập với xã hội. Nó dần dần bị chi phối
bởi tầng lớp thống trị, tức tầng lớp cầm quyền. Chúng dùng bộ máy nhà
nước, vừa thực hiện chức năng công quyền, vừa làm lợi riêng
cho tầng lớp thống trị và bảo vệ đặc quyền đặc lợi
của tầng lớp thống trị. Quyền lực công ban đầu, do nhân dân
ủy quyền dần dần bị biến thành quyền lực chính trị thuần
túy của tầng lớp thống trị.Chúng tạo ra Luật pháp để bắt buộc mọi người
phải thừa nhận sự thống trị của chúng.
Một đặc điểm của tổ
chức quyền lực nhà nước của mọi quốc gia là một bộ máy có
nhiều cấp, tổ chức bao trùm rộng khắp toàn xã hội. Những người được giao nhiệm
vụ thực thi quyền lực này là những người có chức vụ, quyền hạn nhất định, được
giao các phương tiện công để thực hiện quyền lực, trong đó có nhiều phương tiện
đặc quyền, chỉ bộ máy nhà nước mới có. Công chức hành chính
nhà nước có quyền ra quyết định hành chính bắt buộc thi hành ngay, có quyền
cưỡng chế hành chính, có quyền trưng dụng, trưng mua tài sản. Thẩm phán các tòa
án có quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hành chính.
Kiểm sát viên có quyền công tố và kiểm sát chung. Thủ trưởng các cơ quan nhà
nước có quyền quản lý, sử dụng tài chính, công sản nhà nước. Người đứng đầu các
tổ chức kinh tế, dịch vụ nhà nước có quyền quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà
nước giao cho họ. Sự khác biệt giữa cơ quan tổ chức nhà nước với các cơ quan
không phải là cơ quan công quyền là ở chỗ toàn bộ quyền hạn của cơ quan, tổ
chức, chức vụ nhà nước được pháp luật quy định, làm cho nó
trở thành quyền lực hợp pháp và tối cao. Trong quá trình thực
thi quyền lực nhà nước, khoảng cách giữa đúng thẩm quyền và lạm quyền chỉ là
gang tấc và thường có khuynh hướng lạm quyền. Quan chức được
giao quyền lực công thu lợi từ sự lạm quyền gọi tham nhũng. Như vậy tham nhũng
là sản phẩm của xã hội có nhà nước. Nó là một hình thức tha hóa (biến dạng) của
quyền lực nhà nước (ban đầu do nhân dân ủy quyền).
Tuy vậy, trong mỗi chế
độ nhà nước ở các quốc gia khác nhau thì tính chất và mức độ tham
nhũng có khác nhau.
* Chế độ đảng
cộng sản cai trị đang là tấm khiên che đỡ cho sự tha hóa quyền lực và
tham nhũng.
Sự ra đời của Nhà
nước pháp quyền là thành quả văn minh hóa tổ chức và hoạt động của Nhà
nước, chống lại sự tha hóa quyền lực nhà nước và đó là một phương thức quan
trọng để chống tham nhũng.
Nhưng đừng ảo tưởng
rằng cứ xây dựng nhà nước pháp quyền là sẽ đẩy lùi được sự tha hóa quyền lực và
tham nhũng.
Ở Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam còn có một thứ “siêu quyền
lực”, đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật. Một mặt, theo điều 16 chương 2 Hiến
pháp 2013 thì “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Nhưng mặt khác, theo
Điều 4 chương 1 Hiến pháp thì “ĐCSVN lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”. Với đặc
quyền đó của đảng, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ chính trị của
ĐCSVN đã ban hành các chỉ thị số 68, chỉ thị số 86, rồi sang năm 2000 có chỉ
thị số 52, năm 2007 có chỉ thị số 15, nhân danh bảo vệ đảng, buộc các ngành tư
pháp (Công an, Kiểm sát, Tòa án) trước khi khởi tố, điều tra, xử lý đảng viên
của đảng phạm tội, phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng đang quản lý
đảng viên đó. Ông Trọng lại cảnh cáo”ném chuột nhưng không được để vỡ bình”. Do
đó, đã từ lâu, ở Việt Nam, sự tha hóa quyền lực và tham nhũng đã trở
thành một hệ thống tự bảo vệ vững chắc.
Ở các quốc gia cộng
sản, những đảng viên cộng sản trong bộ máy nhà nước, từ cấp phường xã đến cấp
trung ương đã trở thành tầng lớp thống trị, có những đặc quyền khác với
dân thường. Trừ những Vua, Chúa ở các triều đại phong kiến tập quyền
và những nhà cầm quyền độc tài như Gadaffi ở Lybia, những nhà lãnh đạo
ham hố quyền lực nhất, gắn liền với sự chuyên chính hà khắc và sự suy thoái
của quốc gia,thường thấy ở các quốc gia cộng sản, như Brezhnev ở
Liên Xô [3] và Lê Duẩn ở Việt Nam [4]. Vì thế, trong lịch sử thế giới hiện đại,
nhiều cuộc đấu tranh chống tha hóa quyền lực nhà nước và chống tham nhũng đã
diễn ra ở nhiều nước, thường gắn liền với chống chế độ chuyên chế, chống nhà
cầm quyền và đỉnh cao là những cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Như vậy, muốn tìm
cách chống sự tha hóa quyền lực và tham nhũng thì phải nghiên cứu về
cách tổ chức và vận hành nhà nước ở từng quốc gia cụ thể.
2) Từ bỏ mục
đích chiếm đoạt quyền lực nhà nước và dùng quyền lực để
cướp bóc chiếm đoạt, trong học thuyết của Marx:
Trong lịch sử văn hóa
của nhân loại, tư tưởng của Karl Marx [1] đến nay vẫn còn một vị trí xứng đáng,
với giá trị viễn tưởng, hứa hẹn trên bình diện nhân văn. Mộ phần của Marx và
bức tượng bán thân của Marx tại nghĩa trang Highgate, phía bắc London, thủ đô
nước Anh, quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển sớm nhất thế giới, vẫn có nhiều
người trên thế giới đến thăm viếng. Marx đã có những tác phẩm nổi tiếng thế
giới, trong đó phải kể đến bộ Tư bản và Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (do Marx
và Engels đồng tác giả). Đó là những tác phẩm vừa uyên bác, vừa ảo tưởng, mang
theo mầm mống tư tưởng độc hại cho nhiều thế hệ. Marx đã có một
số phê phán đúng về mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư
bản nhưng ông đã hoàn toàn sai khi tiên đoán về chủ nghĩa
cộng sản. Các ý tưởng của ông về tương lai của loài người đã bị biến hóa,
gây ra những hậu quả khủng khiếp cho loài người trong thế kỷ vừa qua.
Trong phần 1 của Tuyên
ngôn của Đảng cộng sản, Marx đã đơn giản hóa các mối quan hệ xã hội và cho rằng
xã hội mà ông đang chứng kiến chỉ có 2 giai cấp lớn, hoàn toàn đối lập nhau là
giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Marx đã hết lời ca ngợi giai cấp tư sản.
Rằng giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử loài
người. Chỉ chưa đầy một thế kỷ, giai cấp này đã tạo ra lực lượng sản xuất nhiều
hơn, đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Rằng
giai cấp tư sản luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, dẫn đến cách mạng hóa
toàn bộ những mối quan hệ xã hội. Rằng giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và
tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Những thành quả hoạt
động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc.
Giai cấp tư sản đã lôi cuốn tất cả các dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn
minh. Một bộ phận lớn dân cư đã thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống thôn dã.
Mặt khác từ sự cảm
thông với nỗi nghèo khổ của tầng lớp thợ thuyền ở thời kỳ chủ nghĩa tư bản sơ
khai trong thế kỷ thứ 19, Marx đã kêu gọi giai cấp vô sản lật đổ giai cấp tư
sản.
Cũng trong phần 1 của
Tuyên ngôn, Marx kêu gọi giai cấp vô sản thành lập sự thống trị của mình bằng
cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản.
Trong phần 2 của Tuyên ngôn, Marx nói toạc
ra rằng mục đích trước mắt của những người cộng sản là tổ chức những người vô
sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và giai cấp
vô sản giành chính quyền. Marx viết: Những người cộng sản có
thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là “xóa bỏ
chế độ tư hữu”. Những người vô sản không có tài sản. Họ
chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả. Họ phải phá hủy hết thảy những
cái gì đang đảm bảo và bảo vệ chế độ tư hữu.
Trong phần 4 của Tuyên
ngôn, để tập họp lực lượng, cổ vũ những người cộng sản và giai cấp vô sản lao
vào cuộc cách mạng vô sản, dùng bạo lực đổ máu để giành chính quyền từ tay giai
cấp tư sản, Marx kích động: “Những người cộng sản coi là điều đáng khinh
bỉ, nếu họ không công khai tuyên bố rằng mục đích nhằm đến vấn đề cơ bản của
phong trào cách mạng chống lại giai cấp tư sản là vấn đề chế độ sở
hữu. Mục đích đó chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ
toàn bộ trật tự xã hội hiện hành bằng một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa.Trong
cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết ngoài xiềng xích và
họ sẽ giành được cả thế giới”.
Năm 1888 Quốc tế ca ra
đời [2], càng tăng thêm tính kích động cho lời cổ vũ của Marx về cuộc cách mạng
cộng sản chủ nghĩa, đã được dịch lời sang tiếng Việt: “Đấu tranh này là trận
cuối cùng… Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Những lời kích
động, cổ vũ của Marx trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và trong Quốc tế
ca đã trở thành động lực, gắn kết các đặc quyền của tầng lớp
thống trị, xuất thân từ các đảng viên cộng sản với đảng. Họ trung thành với
đảng vì họ được hưởng những đặc quyền này, và do đó ham hố quyền lực nhà nước,
khó rời bỏ quyền lực nhà nước, khó tránh được sự tha hóa quyền lực và tham
nhũng. Chống tham nhũng là khó khăn vì triệt để chống tham nhũng trong bộ máy
nhà nước cộng sản sẽ dẫn đến triệt tiêu động lực này. Từ bỏ động lực này do
Marx đã thiết kế hay chấp nhận tự sụp đổ. Đảng cộng sản Liên Xô đã có câu trả
lời vào năm 1991. Nay đến lượt đảng của ông Hoàng phải tự trả lời.
3) Từ bỏ những nọc độc
của chủ nghĩa Marx ở giai đoạn Lenin.
34 năm sau khi Marx
mất, một người Nga là Vladimir Illych Lenin đã kế thừa Marx, lãnh đạo thành
công cuộc cách mạng vô sản vào tháng 10 năm 1917 ở Nga (theo lịch Nga Julius),
lật đổ chính phủ dân chủ tư sản Kerensky, thành lập chính quyền Xô Viết, đưa
Đảng cộng sản Bolshevik lên nắm chính quyền, để xây dựng chủ nghĩa cộng sản
hiện thực ở nước Nga (và sau này ở Liên Xô). Từ đó chủ nghĩa
Marxđã gắn liền với quyền lực chính trị.
Lênin không được thế
giới coi là một nhà triết học như Marx nhưng trong phong trào cộng sản, ông
được coi là một nhà tư tưởng lớn. Ông cho rằng mọi vấn đề triết học cơ bản đã
được Marx và Engels giải quyết rồi. Lý luận của Lênin nhằm vào việc chỉ ra tính
đảng trong triết học Mác, gắn liền với cương lĩnh chính trị và ý tưởng về một
đảng cách mạng trên con đường giành quyền lực và thực thi quyền lực. Học thuyết
Marx thời kỳ Lênin về cơ bản là chính trị. Trong những sáng tạo lý luận của
Lênin có 2 luận điểm quan trọng và là 2 nọc độc giết người:
– Một là “Luận điểm về tính đảng và
tính giai cấp trong mọi hoạt động đời sống xã hội”. Lênin cho rằng mọi
hiện tượng xã hội đều mang theo tính đảng và tính giai cấp. Luận điểm này có 1
công thức để xác định chân lý là: cái gì có lợi cho cuộc đấu tranh của giai cấp
vô sản đều là chính nghĩa, có hại cho cuộc đấu tranh đó đều là phi nghĩa. Luận
điểm này được coi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tư tưởng của Lênin. Luận điểm đó
mang tính vị lợi, đã đem lại nhiều tai họa đối với hiện thực cuộc sống ở các
quốc gia cộng sản. Theo luận điểm này, chân lý được diễn giải vô nguyên tắc,
miễn sao phù hợp với lợi ích trước mắt của phong trào, không có gì làm cơ sở để
đánh giá đúng hay sai, đã bị các nhà cầm quyền lợi dụng quy kết kẻ thù bừa bãi
nhằm triệt hạ đối thủ.
Ở Liên Xô, Stalin đã
lợi dụng luận điểm này để quy tội hàng triệu người bất đồng chính kiến với ông
ta là kẻ thù của nhân dân, thủ tiêu không cần xét xử. Ở Việt Nam, hàng chục
ngàn người đã bị quy tội oan và bị giết trong cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh
đốn tổ chức ở miền bắc vào những năm 1953- 1956, với khẩu hiệu “thà giết nhầm
còn hơn bỏ sót” và hàng trăm người đã bị đàn áp trong phong trào Nhân văn Giai
phẩm và trong vụ án xét lại.
– Một sáng tạo lý luận thứ hai của Lênin
là khái niệm “chuyên chính vô sản”. Ông định nghĩa chuyên chính vô sản là chức
năng của nhà nước vô sản sau khi giành được chính quyền, xây dựng chủ
nghĩa cộng sản hiện thực ở Nga. Đó là trấn áp tất cả những người bị quy tội là
phản cách mạng (kể cả đối với những nông dân chống lại tập thể hóa nông nghiệp).
Điểm đặc trưng của khái niệm chuyên chính vô sản là sự cưỡng bức và trấn áp mà
không phụ thuộc vào bất kỳ quy tắc pháp luật hay giới hạn đạo đức, tôn giáo nào
và đặc biệt đề cao sự”trấn áp kẻ thù tư tưởng”, phải tảy não. Lênin đề cao sự
tàn bạo của anh em Robespierre và những người Jacobins [5], cùng với “Triều đại
khủng bố” của Robespierre trong cách mạng Pháp 1789. Ông cho rằng sự khủng bố
và sự hy sinh to lớn về nhân mạng là sự cần thiết tất yếu của các cuộc cách
mạng vô sản.
Tại trường đại học
Sveclov ngày 11/7/1919, Lênin giảng về chuyên chính vô sản như sau: “Chúng ta
vứt bỏ quan niệm cho rằng nhà nước là chính quyền của toàn dân. Chúng ta cũng
vứt bỏ quan niệm cho rằng nhà nước là sự bình đẳng cho mọi người”. Trong phần 7
bài “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết”, Lênin viết: “Trong tất
cả mọi bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng
sản thì chuyên chính là tất yếu, phải có nhà nước, phải có cưỡng bức, phải có
bàn tay sắt. Giữa nền dân chủ xô viết tức nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và việc
dùng đến độc tài cá nhân tuyệt đối không có sự mâu thuẫn nào về nguyên tắc.
Người thực hiện chuyên chính vô sản cũng thông qua những cá nhân, để ý chí của
hàng ngàn người phải phục tùng ý chí của một người, của nhà độc tài, nhà lãnh
đạo xô viết”.
Stalin đã áp dụng triệt để bài giảng này
và ông ta trở thành một lãnh tụ cộng sản độc tài khét tiếng ở Liên Xô và thế
giới.
Để bảo vệ luận điểm
“tính đảng” và “chuyên chính vô sản”, Lênin chỉ chấp nhận tính nhất
nguyên chứ không chấp nhận tính đa nguyên. Ông nói: Chỉ có một lựa chọn
duy nhất, hoặc là hệ tư tưởng tư sản, hoặc là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa,
không có con đường ở giữa, không có hệ tư tường phi giai cấp. Nhất quyết không
chia sẻ quyền lực với bất kỳ một tồ chức chính trị- xã hội nào khác, các nhà
tuyên giáo của ĐCSVN, trong đó có Nhị Lê cũng ra sức bảo vệ tính nhất nguyên
trong đường lối chính sách của đảng. Đây là một nhận thức lý luận phản khoa
học. Đa nguyên, theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tính
đa dạng trong chính trị cũng như trong khoa học và đây là nột yếu tố quan trọng
cho tiến bộ khoa học. Trong triết học, đa nguyên luận thừa nhận sự tồn tại của
nhiều nguyên thể khác biệt, độc lập với nhau trong thế giới. Thế giới được hợp
thành bởi nhiều bản nguyên. Trong kinh tế- chính trị, học thuyết đa nguyên cho
rằng cần có nhiều lực lượng chính trị, nhiều đảng phái trong một quốc gia,
nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và đua tranh với nhau, không có thành
phần kinh tế chủ đạo.
Chủ nghĩa Marx ở thời Lênin đã được
Lênin hiệu chỉnh và làm biến dạng khá nhiều và gọi là chủ nghĩa Mác-
Lênin. Các đời Tổng bí thư của ĐCSVN đều triệt để thực hành 2 luận điểm
về”tính đảng”và”chuyên chính vô sản”của Lênin, gây nên nhiều oán hận trong lòng
dân. Điều này giải thích vì sao hầu hết mọi người dân đều dửng dưng, thậm chí
có người còn hoan hỉ khi nghe tin Bí thư tỉnh ủy và Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy
Yên Bái của ĐCSVN bị giết vào ngày 18/8/2016.
4) Từ bỏ ảo tưởng về
chủ nghĩa cộng sản trong học thuyết của Marx.
* Lênin đã thừa nhận
thất bại của mô hình kinh tế của chủ nghĩa cộng sản hiện thực.
Tuân theo chỉ dẫn
trong học thuyết của Marx, sau khi giành được chính quyền, Lênin đã tịch thu
toàn bộ tài sản (ngân hàng, xí nghiệp, hầm mỏ, phương tiện vận tải …) của giai
cấp tư sản và của Nga hoàng, thành lập chính quyền Xô Viết và các Ủy ban tự
quản của công nhân để quản lý các xí nghiệp, hầm mỏ và các cơ sở kinh tế khác
đã được quốc hữu hóa. Sau 3 năm nội chiến, năm 1920 Lênin trực tiếp thiết kế và
lãnh đạo thực hiện Mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu của chủ
nghĩa cộng sản, với 3 nội dung cơ bản: “Công nghiệp hóa và điện khí hóa – Tập
thể hóa nông nghiệp – Kế hoạch hóa tập trung trên phạm vi toàn Liên Xô và trên
cơ sở chế độ sở hữu công cộng”. Nhưng chỉ mới bắt đầu thực hiện ít lâu, ông đã
nhận ra sự thất bại không thể tránh khòi của mô hình này. Chế độ công hữu trên
quy mô toàn quốc dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm và triệt tiêu sáng kiến cá
nhân. Kế hoạch hóa tập trung trên quy mô toàn quốc đẻ ra vô vàn ách tắc trong
quá trình vận hành. Hợp tác hóa nông nghiệp làm nông dân bất mãn, sản lượng
lương thực sa sút thảm hại. Cuối cùng, điều mà Lênin mong muốn năng xuất lao
động của chế độ mới phải cao hơn năng xuất lao động của chế độ cũ trở thành ảo
tưởng. Giai cấp vô sản Nga ngày hôm qua, như Marx nhận xét là những người không
có gì để mất, là lực lượng cách mạng nhất, đã giúp Lênin thành công trong cuộc
cách mạng vô sản thì hôm nay trở thành giai cấp nắm chính quyền, thống trị xã
hội. Họ ít được học, không có kiến thức và kinh nghiệm quản lý nền kinh tế.
Tình trạng đưa đẩy trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng nảy sinh và phát triển
ngay trong hàng ngũ những người cộng sản, dần dần trở nên nghiêm trọng đến mức
Lênin phải dùng đến hình phạt xử bắn và viết công khai trên báo kich liệt phê
phán những kẻ đặc quyền đặc lợi trong hàng ngũ của đảng. Ông đã từng viết
(trong tuyển tập Lenin) rằng”sẵn sàng đổi một tá những người cộng sản lấy một
chuyên gia tư sản thạo việc”. Trong tuyển tập Lênin, tập 45, trang 95, ngay từ
khi đó ông đã cảnh báo các đảng viên về sự sụp đổ của Liên Xô: “Từ nay, hoặc là
chúng ta chứng minh được rằng chúng ta có khả năng làm việc, hoặc chính quyền
xô viết không tồn tại nữa”. Sau thất bại này Lênin đã tỉnh ngộ. Ông đưa nền
kinh tế chuyển hướng sang”chính sách kinh tế mới”thường viết tắt là NEP. Việc
chuyển hướng sang NEP, mời gọi đầu tư từ những nước tư bản là dấu hiệu đầu tiên
báo hiệu sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản trong học
thuyết của Marx. Ở nước CHNDTH và CHXHCNVN, sau khi Đảng cộng sản lên cầm quyền,
thực hiện giáo huấn của Marx xây dựng chủ nghĩa cộng sản, tình hình cũng diễn
ra tương tự.
* Phong trào cộng
sản đã đi hết vòng đời của nó.
Phong trào cộng sản
được Marx và Engels khai sinh trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản năm 1848. Từ
năm 1917 đến trước Thế chiến 2 có 16 quốc gia cộng sản ra đời, trong đó phần
lớn thuộc Liên bang Xô Viết. Sau thế chiến 2 có thêm 16 quốc gia cộng sản ở
Đông Âu ra đời. Cùng thời gian này có 16 quốc gia cộng sản ở Châu Á và Châu Phi
ra đời. Tổng cộng là 47 nước. Năm 1957 và năm 1960 là những năm cực thịnh của
phong trào cộng sản. Năm 1957 có Đại hội 68 đảng cộng sản (kể cả những đảng
chưa nắm chính quyền) họp ở Moskva thông qua 9 nguyên lý xây dựng chủ nghĩa xã
hội do Stalin khởi xướng. Năm 1960 lại có 81 đảng cộng sản họp ở Moskva. Nhưng
từ năm 1953 đã có dấu hiệu thoái trào của phong trào cộng sản, bắt đầu từ Đông
Đức, đột biến suy yếu vào cuối năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ và tan rã
vào năm 1991 khi ĐCSLX bị giải thể, với tuổi thọ của phong trào là 143 năm (1848-
1991). Giải thích nguyên nhân phong trào cộng sản sụp đổ nhanh hàng loạt như
vậy, nhà bác học hạt nhân Liên Xô Sakharov đã từng bị Brezhnev bỏ tù, nói ngắn
gọn:
“Cốt lõi của vấn đề mô
hình nhà nước xô viết hiện hữu không tồn tại là do nó không tôn trọng
con người”.
Sau năm 1991, chỉ tồn
tại một số quốc gia cộng sản là CHNDTH, CHXHCNVN, Bắc Triều Tiên, Cuba và
Lào. Nhưng không quốc gia nào trong số này còn thực sự
trung thành với chủ nghĩa Mác- Lenin. Ở Bắc Triều Tiên, hệ tư tưởng chính
thức của nhà nước là “Tư tưởng chủ thể” (Juche), đã ghi trong Hiến pháp sửa đổi
năm 1972, thay thế chủ nghĩa Mác- Lênin. Ở nước CHNDTH, từ thời Mao, ĐCSTQ với
phương châm”vừa đi vừa tìm đường, sai thì sửa”, đã 5 lần thay chủ nghĩa Mác-
Lênin bằng hệ tư tưởng riêng của đảng này. Thời Mao có “Cương lĩnh 3 ngọn cờ
hồng”. Thời Đặng Tiểu Bình có “Thuyết mèo trắng mèo đen”. Thời Giang Trạch Dân
có “Thuyết 3 đại diện”. Thời Hồ Cẩm Đào có “Tư tưởng phát triển khoa học, với
khẩu hiệu Tam Siêu”. Thời Tập Cận Bình có “Thuyết 4 toàn diện”.
Đáng chú ý là Thuyết 3
đại diện của Giang Trach Dân, ra đời từ đại hội của ĐCSTQ lần thứ 16 năm 2002
và đã đưa vào Điều lệ đảng từ năm 2004. Theo Thuyết 3 đại diện thì thế giới
đang ở thời kỳ hậu công nghiệp, nhân loại đang bước vào nền kinh tế trí thức,
giai cấp công nhân không còn là lực lượng sản xuất tiên tiến nữa.Thuyết này bác
bỏ quan điểm cho rằng đảng cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân,
có sứ mệnh lịch sử là đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thành lập nhà nước chuyên
chính vô sản. Thuyết 3 đại diện cho rằng ngày nay ĐCSTQ là đảng cầm quyền, phải
đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ
đạo. Nền kinh tế được chi phối theo kinh tế thị trường. Trí thức và Doanh nhân
(tức là nhà tư sản) đóng vai trò lực lượng sản xuất tiên tiến.
Tại CHXHCNVN, chương
trình cải cách kinh tế đã được thực hiện tròn 30 năm (1986- 2016), kể từ sau
đại hội 6 của ĐCSVN vào năm 1986, được cho là bắt chước chính sách kinh tế mới
(NEP) của Lênin. Trước đây đảng làm theo Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, đánh tư
sản, xóa bỏ thành phần kinh tế tư bản tư nhân thì nay đảng làm ngược lại, công
nhận thành phần kinh tế tư nhân, vinh danh các Doanh nhân làm ăn giỏi (tức là
nhà tư sản dân tộc mà Marx gọi là kẻ thù của giai cấp vô sản), cổ phần hóa
nhiều cơ sở kinh tế quốc doanh. Như vậy là đảng đang sửa chữa sai lầm trong học
thuyết Marx về chủ nghĩa cộng sản nhưng đảng lại lừa bịp cả giai cấp vô sản,
gọi đó là “Đổi mới”.
Tại nước Cộng hòa
Pháp, quê hương của Công xã Paris và Đại hội Tours là nơi Nguyễn Ái Quốc đã bỏ
phiếu gia nhập Đệ tam quốc tế vào năm 1920 thì vào tháng 2 năm 2013, tại Đại
hội lần thứ 36, Đảng cộng sản Pháp đã quyết định bỏ biểu tượng búa liềm tượng
trưng cho nền chuyên chính vô sản trên thẻ đảng. Sau đó, Đảng cộng sản
Pháp cùng với hầu hết các đảng cộng sản Châu Âu theo chủ nghĩa Mac-
Lenin đã chuyển sang trào lưu cộng sản Eurocommunism, có lập trường gần gũi
với lập trường của phong trào dân chủ xã hội.
* Hiện nay không có cơ
sở xã hội để ra đời Tuyên ngôn của đảng cộng sản lần thứ hai.
Ở các quốc gia tư bản
Phương Tây, giai cấp vô sản mà Marx quan sát trong thế kỷ 19 đến nay còn không
tới tỉ lệ 10% trong cơ cấu lao động xã hội. Mức thu nhập và đời sống vật chất,
tinh thần của công nhân đã được nâng cao. Ví dụ ở thành phố Limoges, vùng miền
núi Limosine, phía tây nước Pháp là nơi ra đời ngành sản xuất đồ gốm của Pháp ở
quy mô công nghiệp, có tên là Thành phố đỏ (La ville rouge), vì ở đây đã nổ ra
cuộc bãi công đầu tiên của công nhân ngành gốm vào năm 1906. Ngày nay thành phố
này có 263.000 người, 6 trường đại học với khoảng 20.000 sinh viên, 3 Zone công
nghiệp, 1789 căn hộ của thành phố cho những người thu nhập thấp ở không phải
trả tiền thuê, 15.649 căn hộ thuộc diện xã hội hóa. Mức thu nhập bình quân của
một hộ gia đình 3 người năm 2010 là 16.792 euros (tương đương 422 triệu VNĐ
theo tỷ giá hiện tại). Thử hỏi họ xem họ có muốn đập phá cho tan tành cuộc sống
như vậy không.
Dân số thế giới ngày
01/01/2016 đã là 7,3 tỉ người. Dân số Việt Nam đã trên 90 triệu người. Loài
người đang thiếu nước ngọt để sinh hoạt. Nguồn nhiên liệu hóa thạch sắp cạn
kiệt. Nhiều quốc gia đang tranh giành Biển Đông để khai thác nguồn nhiên
liệu”băng cháy”dưới đáy biển. Ở Việt Nam, do không còn lũ và bị hạn hán, vựa
lúa tại đồng bằng sông MeKong đang có nguy cơ bị thu hẹp dần. Loài người đã
trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp để thoát khỏi đời sống nguyên thủy man
rợ, ăn ở trong hang động, hái lượm, săn bắn thú hoang, tự cung tự cấp và hình
thành được nền kinh tế trí thức cùng với đời sống hiện đại, sung túc, văn minh
như ngày nay. Nếu thực hiện chủ nghĩa cộng sản như Marx giáo huấn trong Tuyên
ngôn của đảng cộng sản thì phải xóa bỏ tư hữu, tức là xóa bỏ động lực làm giàu
cho bản thân và xã hội, san bằng cái nghèo đồng đều cho mọi người, cũng tức là xóa
bỏ nền tảng của nền kinh tế trí thức. Như vậy lấy gì để thực hiện ước mơ”Làm
theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”mà Marx nghĩ ra?
Khi bàn về triết học
duy vật, chính Lênin nói: “Thực tiễn là cơ sở nguồn gốc và tiêu chuẩn
chân lý của nhận thức nơi con người”. Thế thì thực tiễn
đã chứng minh Chủ nghĩa cộng sản trong học thuyết Marx chỉ còn là một bóng
ma của lịch sử không thể phục sinh. Có lẽ chỉ những người bị
bệnh tâm thần, những trí thức lưu manh bất tâm, bất tài, bị tẩy não quá nặng
đến mức không thể giải độc được mới còn ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản đã được
mô tả trong học thuyết Marx.
5)- Tại sao ông Trọng
không dám mô tả hình dạng cái xã hội chủ nghĩa do ông định hướng?
Trong quá khứ đã từng
có gần 100 quốc gia tự nhận là nước xã hội chủ nghĩa, có mục tiêu xây
dựng một xã hội công bằng hơn so với xã hội tư bản, nhưng
giữa họ có rất nhiều điểm khác biệt về quan điểm, cách thức cải tạo chủ nghĩa
tư bản, mô hình nhà nước, vai trò nhà nước đối với nền kinh tế, mô hình quản lý
sản xuất. Tên gọi của các nước này cũng khác nhau. Không có một tiêu chí chung.
Có những nước theo chủ nghĩa Mác- Lenin, do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo và
cầm quyền. Có những nước không theo chủ nghĩa Mác- Lenin, chẳng hạn Cộng hòa Ả
rập Ai Cập, Cộng hòa nhân dân Bangladesh, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa dân chủ
Srilanka…
Trên thế giới
hiện có 2 trường phái Chủ nghĩa xã hội cơ bản là Chủ nghĩa cộng
sản và Chủ nghĩa xã hội dân chủ, đều ra đời từ thế kỷ thứ 19. Khi còn
sống, Marx chỉ nói đến chủ nghĩa cộng sản, ít nói đến chủ nghĩa xã hội. Thuật
ngữ
“Chủ nghĩa xã hội”
do Lênin nêu ra, coi đó là giai đoạn chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa cộng sản.
Theo học thuyết của
Marx, chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc cách mạng vô
sản, thiết lập một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước, không có áp
bức. Việc sản xuất và phân phối của cải tuân theo nguyên tắc “Làm theo năng
lực, hưởng theo nhu cầu”, còn trong giai đoạn chủ nghĩa xã hội thì nguyên tắc
phân phối của cải là “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Marx chưa bao
giờ mô tả chi tiết chủ nghĩa cộng sản sẽ thực hành như thế nào trong vai trò
một hệ thống kinh tế, nhưng trong phần 2 của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Marx
và Engels viết: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản là lật đổ sự thống
trị của giai cấp tư sản và giai cấp vô sản giành chính quyền, xóa bỏ chế độ tư
hữu. Giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, dùng sự thống trị đó từng
bước tước đoạt toàn bộ tư bản từ tay giai cấp tư sản, tập trung các công cụ sản
xuất trong tay nhà nước, tập trung tín dụng vào tay nhà nước, tước đoạt sở hữu
ruộng đất, nộp tô vào quỹ nhà nước”. Từ đó những người cộng sản ngầm hiểu là
nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa sẽ bao gồm sự sở hữu công cộng đối với các tư
liệu sản xuất và trong tư tưởng của Lênin thì sự triệt tiêu chủ nghĩa tư bản tư
nhân là một tiêu chuẩn chủ yếu của chủ nghĩa xã hội. Theo Lênin, chỉ có sở hữu
nhà nước và sở hữu hợp tác xã mới được công nhận là sở hữu xã hội chủ nghĩa.
Nhưng Lênin và những người Bolshevik đã thất bại nên chủ nghĩa cộng sản và chủ
nghĩa xã hội chỉ còn là cái bóng ma của lịch sử.
ĐCSVN là đảng độc
quyền lãnh đạo và cầm quyền. Ông Trọng không thể mô tả hình dạng cái xã hội chủ
nghĩa Việt Nam mà ông định hướng giống như xã hội của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
dân chủ Srilanka vì ở đó không có sự cai trị độc quyền của đảng cộng sản. Ông
trung thành với chủ nghĩa Mác- Lenin nên ông chỉ có thể giải thích chủ nghĩa xã
hội như Lênin giải thích, rằng đó là giai đoạn chuyển tiếp đến chủ nghĩa cộng
sản, rồi trở thành một bóng ma của lịch sử. Vậy thì sự
tồn tại của ĐCSVN là vô cùng phi lý. Xem ra không ổn. Ông phải giải thích lấp
lửng rằng cái xã hội mà ông hướng tới là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ
công bằng, văn minh”. Giải thích như thế cũng chưa xuôi, vì đã loay hoay suốt 30
năm “Đổi mới” mà hiện tại và tương lai của Việt Nam đang rất u tối. Người ta
chê ông và đảng cộng sản của ông kém cỏi, nên từ bỏ quyền lực, vì
không sao dẫn dắt được toàn dân đến gần cái ngưỡng dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh mà các quốc gia Bắc Âu, là các nước theo chủ
nghĩa xã hội dân chủ và thuyết đa nguyên, đã đạt được, Ông và
đảng của ông đang bế tắc về lý luận, thiếu tự tin nên ông chỉ còn có
thể dựa vào quốc sách tảy não người dân và bộ máy chuyên chính trấn áp, rồi
than thở không biết đến hết thế kỷ này có đạt đến cái xã hội chủ nghĩa mà ông
định hướng hay không.
6) Chuyển đổi sang chủ
nghĩa xã hội dân chủ và đa nguyên theo mô hình Bắc Âu là lối thoát danh dự của
ĐCSVN.
Loài người, trong đó
có Việt Nam đang phải chuẩn bị làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
trong thế kỷ thứ 21 này, với đặc trưng của nó là công nghệ về Trí khôn nhân tạo
(Artifical intelligence), Rô- bốt hóa, Tự động hóa các quy trình, Dữ liệu lớn
(big data), Điện thoại di động, Công nghệ in 3D.
Cuộc cách mạng công
nghiệp này sẽ đem lại cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực đối với đời sống chính
trị và xã hội của tất cả các quốc gia, không kể là quốc gia tư bản hay đang là
quốc gia cộng sản. Đây là kết quả của sự sáng tạo của con người đã được giải
phóng, là kỷ nguyên mới của đầu tư. Mặt tích cực của nó là năng xuất và mức
sống của con người sẽ được gia tăng. Nhưng theo RFI ngày 30/8/2016, chi phí đầu
tư cho tự động hóa ngày càng rẻ. Năng xuất sẽ tăng lên sau khi Robot hóa hoặc
tự động hóa quy trình và sự phát triển công nghệ in 3D. Tỉ lệ sai sót sẽ giảm
đi. Giá thành Robot đang có xu hướng ngày càng rẻ hơn nhân công, do
đó máy móc sẽ thay thế người, dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Đồng
thời, đang tạo ra xu hướng các nước đầu tư công nghệ cao ra nước ngoài sẽ đưa
các công xưởng của họ ở nước ngoài về chính quốc và giảm sự quan tâm đến xuất
khẩu công nghệ ra nước ngoài. Sự kêu gọi đầu tư từ nước ngoài sẽ ngày càng trở
nên khó thực hiện. Điều này dẫn đến nhu cầu nhân lực, kể cả nhân lực giá rẻ ở
các nước kém phát triển như Việt Nam sẽ giảm đi. Hậu quả là nạn thất nghiệp sẽ
xảy ra hàng loạt.
Theo số liệu của Bộ
lao động và TBXH Việt Nam, số người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp
là 1,07 triệu người, trong đó có 155.000 người đã được đào tạo kỹ thuật từ bậc
cử nhân trở lên. Nạn thất nghiệp tăng thêm hàng loạt sẽ tạo ra những bất ổn,
loạn lạc trong xã hội, đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia có hệ thống an
sinh xã hội yếu kém.
Từ khi loài người bước
ra khỏi nền kinh tế tự cung tự cấp, có dư thừa của cải để trao đổi buôn bán,
luôn luôn phải giải quyết tốt cặp bài trùng là thúc đẩy sự sáng tạo của
con người, để tăng thêm của cải vật chất và tinh thần cho bản thân và xã
hội, đồng thời điều chỉnh khoảng cách bất bình đẳng thu nhập giữa các
tầng lớp dân cư, bằng một mô hình kinh tế- xã hội phù hợp, không để tự
phát xảy ra phong trào phá hoại máy móc như đã từng xảy ra phong trào Luddites
ở nước Anh thế kỷ 19, cũng không phải là xóa bỏ chế độ tư hữu như Marx kêu gọi
trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản.
Nguồn gốc sự thịnh
vượng của thế giới hiện đại, xét cho cùng không phải từ nguồn đánh cắp từ người
lao động như Marx buộc tội. Tư bản và nền pháp trị đều cần cho sự thịnh
vượng nhưng cái cần hơn cả là sự tự do – con người được giải phóng trở
nên khôn ngoan và sáng tạo, cộng với sự bình đẳng trước pháp luật và bình đằng
về phẩm giá xã hội. Vì vậy, kinh tế thị trường và một”Nhà nước
đổi mới”có khả năng điều hòa giữa lợi ích và các động cơ thúc đẩy đầu tư là
2 điều không thể thiếu, để thích ứng với cuộc cách mang công nghiệp lần thứ tư
này.
Nhà nước đổi mới đó
chắc chắn không phải là thứ nhà nước chuyên chính vô sàn theo
chế độ cai trị tuyệt đối và toàn diện của đảng cộng sản, thường gọi tắt là
“chế độ đảng trị”, là nguồn gốc đẻ ra và bảo kê cho sự tha hóa quyền lực và
tham nhũng. Chế độ đảng trị cùng với chính sách cán bộ”con ông cháu cha”và
chính sách tảy não (Brainwashing) của ĐCSVN đã đưa đến tình trạng”Hiền tài ẩn
dật hoặc rũ áo ra đi, Nguyên khí quốc gia không thể hội tụ”, nên không thể chấn
hưng đất nước. Hậu quả là hiên nay theo công bố của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Việt
Nam đã có 24.000 tiến sĩ, một con số cao nhất Đông Nam Á nhưng chưa có một loại
sản phẩm chế tạo nào của Việt Nam có hàm lượng trí thức cao và có giá trị gia
tăng cao được gắn thương hiệu xuất khẩu và thế giới chấp nhận, vì thế đất nước
vẫn luẩn quẩn trong cái bẫy thu nhập trung bình.
Nhà nước đổi mới đó phải là nhà
nước có đạo đức chính trị, vì như Tourqueville [6] thì “không có
một nhà nước nào mà luật pháp đủ sức tiên liệu tất cả mọi điều và ở đó các
thiết chế thay thế được cho cả lý trí và tập tục. Trong Hiến pháp của các nước,
người ta thấy có một điểm chung là ở đó, nhà lập pháp đã phải cầu viện đến
lương tri con người và đạo đức công dân”. Một nhà nước như thế chỉ có thể tìm
thấy ở những nhà nước theo học thuyết đa nguyên
Trong thế kỷ 20, các
nhà nước phúc lợi ở Bắc Âu, tiêu biểu là Thụy Điển đã làm được tốt vai trò như
thế, Tuy nhiên nó chưa phải là hoàn hảo. Điểm yếu của nó là đòi hỏi chính sách
đánh thuế cao mà không kích thích sự đầu tư bù đắp vào năng lực đổi mới. Họ đã
rút ra được bài học từ thực tiễn và có khả năng sửa chữa chúng. Nó vẩn là một
trong những nhà nước có nền quản trị tốt nhất thế giới, vẫn đang vận động và
tiến hóa.
Theo bài báo của ông
Hoàng ngày 22/9/2016 thì ĐCSVN đang đứng trước nguy cơ tự sụp đổ, gần giống như
tình trạng suy thoái của ĐCSLX thời Brezhnev trước khi tự sụp đổ. Gorbachev
thực tâm muốn hồi sinh hệ thống Liên Xô đang hấp hối. Gorbachev không muốn loại
bỏ ĐCSLX. Ông muốn lái ĐCSLX theo hướng chủ nghĩa xã hội dân chủ. Ông muốn
“đảng sẽ có bộ mặt người”. Nhưng một số lớn bô lão cộng sản bảo thủ đang nắm
đặc quyền đặc lợi, đầy quyền uy đã kịch liệt chống lại. Kết cục là ĐCSLX đã tự
sụp đổ vào năm 1991. Đó là bài học mà đảng của ông Hoàng nên học kỹ. Chuyển đổi
sang chủ nghĩa xã hội dân chủ và đa nguyên là lối thoát trong danh dự của
ĐCSVN, có thể được nhân dân chấp nhận, tránh được họa binh đao đổ máu và những
đổ vỡ không cần thiết.
LVN /BS/(Nguồn: from
Email TVT)
----------------
(*) Ghi chú:
[1]- Karl Heinrich Marx, tức Karl
Marx là người Đức gốc Do Thái, sinh ngày 5/5/1818 tại Phổ, mất ngày 14/3/1883
tại London, thủ đô Vương quốc Anh. Những hoạt động chủ yếu của Marx diễn ra
trong thập niên 1840, khi chủ nghĩa tư bản đang phát triển mạnh.
Trong các tác phẩm nổi tiếng của Marx
phải kể đến Bộ Tư bản (Das Kapital) đã công bố tập 1 vào năm 1867 và Tuyên ngôn
của Đảng cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei) công bố lần đầu
tiên vào ngày 21/8/1848 tại Brussels nước Bỉ. Bộ Tư bản có 3 tập. Tập 1 được
xuất bản khi Marx còn sống. Tập 2 và tập 3 do Engels hoàn thành và cho xuất
bản. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản kêu gọi hành động cho một cuộc cách mạng vô
sản lật đổ trật tự xã hội tư bản, mang lại xã hội cộng sản. Tuyên ngôn có 4
phần: 1 là Tư sản và Vô sản – 2 là Những người vô sản và những người cộng sản –
3 là Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa – 4 là Thái độ của những
người cộng sản đối với các đảng đối lập.
Marx là đối thủ không đội trời chung với
chủ nghĩa tư bản. Ông đã kêu gọi lật đổ chế độ tư bản. Chiểu theo Điều 79 Luật
hình sự 1999 của Việt Nam là quốc gia dân chủ gấp vạn lần so với các quốc gia
tư bản thì tội kêu gọi lật đổ chế độ của Marx phải nhận hình phạt tù giam từ 12
đến 20 năm, hoặc tù chung thân, hoặc bị tử hình. Nhưng nước Anh là cái nôi của chủ
nghĩa tư bản vẫn bao dung ông, thậm chí cho phép dựng tượng của ông ngay tại
thủ đô London, còn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đã được UNESCO công nhận là Di
sản tư liệu thế giới.
[2]- Quốc tế ca do P.
Degeyter, một người thợ khắc gỗ ở thành phố Lille nước Pháp sáng tác vào năm
1888, được Eugène Pottier phổ lời. Quốc tế ca được một người Nga dịch lời sang
tiếng Nga và được dùng làm bài ca chính thức của ĐCSLX. Những người dịch lời
Quốc tế ca sang tiếng Việt được cho là Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú
và lời đã được sửa nhiều lần.
[3]- Leonid Ilyich
Brezhnev sinh ngày 01/2/1906 tại Ukraina. Trong số 8 Lãnh tụ và Tổng bí
thư của ĐCSLX, trừ Stalin thì Brezhnev tham quyền Tổng bí thư lâu nhất: 18
năm liền (1964- 1982). Ông chết ngày 10/11/1982 trong khi còn tại vị, thọ
76 tuổi. Tên tuổi Brezhnev gắn liền với thời kỳ suy thoái của ĐCSLX và kinh tế
trì trệ ở Liên Xô. Ông đã để lại 3 dấu ấn đậm trong lịch sử của ĐCSLX: – 1 là
cuộc can thiệp quân sự vào Afghanistan năm 1979 và sa lầy suốt 10 năm
với thương vong binh sĩ Liên Xô lên tới 15.000 người, – 2 là “Học
thuyết Brezhnev” tự cho phép Liên Xô can thiệp quân sự vào nội tình các
nước XHCN Đông Âu khi dân chúng nổi dậy, 3 là “Hiến pháp Brezhnev” tức
Hiến pháp Liên Xô 1977. Trong Hiến pháp Brezhnev có Điều 6 buộc mọi tổ chức nhà
nước và xã hội ở Liên Xô phải tuân thủ sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSLX, mục
đích bảo vệ các đặc quyền của đảng. Nhưng chính điều 6 Hiến pháp này đã gây ra
phản tác dụng. Một số lớn đảng viên cộng sản, nhất là đảng viên ở cấp cao đã lợi
dụng điều 6 Hiến pháp làm phương tiện tìm kiếm và bảo vệ các đặc quyền đặc lợi,
làm giàu bất chính. Tình trạng tham nhũng, hối lộ được đảng dung túng và phát
triển, trở thành khối u ác tính ngay trên cơ thể của đảng. Càng nhiều tuổi,
Brezhnev càng ưa được sùng bái cá nhân. Ông có cả thảy 114 chiếc huân chương
các loại. Trong những năm cuối đời, tuy đã già yếu, Brezhnev vẫn không chịu rời
bỏ quyền lực. Người ta đã phải cáng ông trên thang máy, đưa ông lên Lăng Lê-
nin, để ông dự cuộc diễu hành trước Quảng trường Đỏ.
Sau thời Brezhnev, Gorbachev lên làm
Tổng bí thư muốn cải tổ và làm hồi sinh hệ thống Liên Xô đang hấp hối do
Brezhnev để lại. Gorbachev thực tâm không muốn loại bỏ ĐCSLX. Ông muốn hướng
ĐCSLX đi theo con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ để đảng mang bộ mặt người,
nhưng ông đã thất bại, vì như Boris Yeltsin, sau khi rời bỏ ĐCSLX đã phải nói
lên một sự thật là”Cộng sản không thể thay đổi mà phải đào thải”.
Theo ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ
trưởng Bộ tư Pháp thì Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam 1992 và của Hiến pháp sửa
đổi 2013 là bản sao Điều 6 Hiến pháp Brezhnev. Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng
nhận định Liên Xô tan rã có 1 nguyên nhân rất cơ bản là lúc ấy ĐCSLX đã bị tệ
nạn quan liêu, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi làm cho suy thoái, biến chất, nhưng
do bản chất, đặc quyền đặc lợi, ĐCSVN vẫn không thể tránh được vết xe đổ của
ĐCSLX.
[4]- Lê Duẩn tức Lê Văn Nhuận,
sinh ngảy 7/4/1907 trong một gia đình nông dân ở Quảng Trị. Trước khi trở thành
đảng viên cộng sản, ông học hết bậc tiểu học và 1 năm ở bậc trung học. Tính đến
nay, trong số 11 Tổng bí thư của ĐCSVN thì ông là người ham hố quyền lực
nhất.Ông đã giữ chức Tổng bí thư 25 năm liền và 303 ngày (1976-
1986). Ông chết ngày 10/7/1986 khi đang tại vị, thọ 79 tuổi. Tên tuổi của Lê Duẩn
gắn liền với cuộc nội chiến Bắc- Nam đẫm máu và thời kỳ kinh tế khủng hoảng sắp
rơi xuống đáy vực trước năm 1986, lạm phát lên đến 700%, đời sống nhân dân cả
nước vô cùng cực khổ. Trong thời gian cầm quyền, TBT Lê Duẩn đã có nhiều lời
giáo huấn nổi tiếng cho đảng viên và nhân dân.
– Năm 1976, ông Lê giảng về chuyên chính
vô sản ở Việt Nam tại Hội nghị trung ương 25 như sau:
“Chế độ ta là chế độ chuyên chính vô
sản. Chuyên chính trước hết phải là đường lối của giai cấp vô sản. Cốt tủy của
chuyên chính vô sản là ở đó. Đường lối đó là sự kết hợp lý luận Mác- Lenin vào
thực tiễn cách mạng của nước mình. Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy
luật, là bắt buộc. Đường lối đó không nhân nhượng với ai, không chia sẻ với ai,
không hợp tác với ai. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là nhất thiết phải xóa
bỏ giai cấp bóc lột, xóa bỏ chế độ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã
hội chủ nghĩa. Nhất thiết phải làm thế, không cho phép ai đi ngược lại. Đó là
chuyên chính. Đường lối đó nhất thiết là phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Không ai được chống lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là đường lối của giai
cấp công nhân. Ai chống lại những cái đó thì bị bắt. Đó là chuyên chính”.
– Cũng vào năm 1976, ông Lê dạy cách
điều hành kinh tế, tài chính- tiền tệ kiểu cộng sản như sau:
“Trong mười năm nữa mỗi gia đình ở Việt
Nam sẽ có một Radio, một Tivi, một tủ lạnh. Tôi yêu cầu Thành ủy Hanoi bán chịu
bàn ghế, giường tủ cho công nhân viên rồi thanh toán bằng cách trừ vào lương
hàng tháng nhưng các đồng chí đó không thi hành. Tôi hỏi thì trả lời không có
tiền. Không có tiền thì in ra. in ra, không sợ lạm phát. Tư bản đế quốc in tiền
mới lạm phát, chứ ta chuyên chính vô sản thì sao lạm phát mà sợ”.
[5]- Jacobins là một nhóm chính trị
triệt để chống chế độ quân chủ trong cách mạng Pháp 1789. Maximilieu de
Robespierre là chủ tịch phái chính trị Jacobins. Ông nhà lãnh đạo cách mạng
chuyên quyền độc tài ở”Triều đại khủng bố”của cách mạng Pháp và cuối cùng đã bị
xử tử.
[6]- Alexis de Tourqueville (1805- 1859)
là nhà triết học và là nhà hùng biện, Phó chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng ngoại
giao Pháp năm 1849, tác giả cuốn”Nền dân trị Mỹ”.
Tư liệu tham khảo:
1- Quyền lực công và sự tha hóa quyền
lực – Tạp chí nghiên cứu luật pháp tháng 3 năm 2008.
3- Chủ nghĩa cộng sản của Marx – Thư
quán triết học.
4- Những phương diện của chủ nghĩa Mác
mới (Walter Laquer: The Many Faces of Neo- Marxism, The National Interest, May
2013)
5- Marx, người ngưỡng mộ và đối thủ của
chủ nghĩa tư bản – Tạp chí phân tích kinh tế tháng 5 năm 2015.
6- Gorbachev, người anh hùng bất đắc dĩ
– Tạp chí nghiên cứu quốc tế 18/8/2014.
7- Nguồn gốc sự thịnh vượng của thế giới
– Tạp chí nghiên cứu quốc tế 31/7/2016
8- Quản trị kém bất lợi cho phát triển –
Tạp chí nghiên cứu kinh tế 3/11/2014
9- Cuộc cách mạng tư duy kinh tế sắp tới
– Tạp chí nghiên cứu quốc tế 18/4/2016.
10- Nhìn nhận biện chứng về chủ nghĩa tư
bản, mô hình Mỹ và mô hình Bắc Âu – Tạp chí nghiên cứu quốc tê 11/01/2016
11- Các nước Bắc Âu, siêu mô hình sắp
tới – Tạp chí nghiên cứu kinh tế 02/01/2016
12- Bí quyết thành công của các nước Bắc
Âu – Tạp chí nghiên cứu kinh tế 26/12/2015
HN 30.9.2016
Nguồn: Theo BVB
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire