31/12/2016

Cả trăm xe khách dừng chạy phản đối việc chuyển khỏi bến Mỹ Đình


2 ngày trước lệnh chuyển từ bến Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) sang bến Nước Ngầm (Hoàng Mai, Hà Nội), hàng trăm tài xế và chủ xe khách tuyến Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam đã dừng chạy, tập trung phản đối.  
Chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế tập trung ở bến Mỹ Đình phản đối chủ trương điều chuyển xe sang bến Nước Ngầm. Ảnh: Phương Sơn





Sáng 30/12, cả trăm nhà xe ở bến Mỹ Đình chạy tuyến Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình... bất ngờ dừng hoạt động. Tài xế và chủ xe tập trung tại bến đình công, phản đối lệnh điều chuyển đến bến xe Nước Ngầm (cách Mỹ Đình hơn 10 km) từ ngày 2/1/2017 của Sở Giao thông Hà Nội.

Anh Lê Văn Thu, Giám đốc công ty Long Thu chuyên chạy tuyến Mỹ Đình - Thái Bình cho rằng nếu bị điều chuyển, hành khách không biết đi như thế nào, công ty cũng đứng trên bờ vực phá sản vì không có khách. "Hiện xe chạy đường trên cao, không gây tắc đường. Đón xe từ bến Mỹ Đình, người dân ở khu vực này sẽ di chuyển thuận tiện, tiết kiệm chi phí hơn", anh Thu nói.

Là tài xế chạy tuyến Đông Hưng -  Mỹ Đình, anh Nguyễn Văn Tuấn cho hay đã hoạt động cả chục năm ở bến Mỹ Đình, quen khách khu vực này. "Giờ chuyển sang bến Nước Ngầm vừa chật, chi phí bến bãi vừa đắt, lại cùng thời gian chạy với nhiều nhà xe khác, chắc chúng tôi phá sản mất", anh Tuấn nói.

Tài xế này phân tích, nếu chuyển sang bến Nước Ngầm, hành khách từ Cầu Giấy sẽ mất khá nhiều thời gian, chi phí di chuyển bằng xe ôm, taxi vì "xe buýt không cho mang nhiều đồ đạc, gà vịt, gạo lên xe cả".

Do nhiều nhà xe dừng hoạt động, hành khách đi tuyến Nam Định, Thái Bình phải chờ đợi rất lâu. Ảnh: Phương Sơn
Việc cả trăm xe dừng hoạt động khiến hành khách đi các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình... không bắt được xe, phải ngồi chờ đợi hàng tiếng trong bến. Nhiều người thực sự lo lắng nếu phải chuyển tới bến Nước Ngầm để bắt xe đi các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi) lo lắng cho hay, buôn bán hải sản đông lạnh từ Thanh Hóa gửi ra, ngày nào ông cũng ra bến Mỹ Đình lấy hàng. Giờ xe không được vào nữa, phải dừng ở bến Nước Ngầm cách xa hơn 10 km thì "tôi rất bất tiện, phải tốn chi phí vận chuyển lên gấp đôi".

Theo ghi nhận, các nhà xe đình công trong trật tự, không có hành động quá khích. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh, xe cứu hỏa cùng thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự đã được điều đến. Đến 11h, nhà chức trách vẫn đang họp để đưa ra phương án giải quyết.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết chưa thống kê được số xe không hoạt động trong sáng nay. Trước mắt, bến điều hàng chục xe đưa hành khách sang bến Giáp Bát. "Tổng công ty có nhiệm vụ điều tiết xe và báo cáo cấp trên có phương án giải quyết cụ thể. Còn việc điều chuyển xe là kế hoạch từ trước của thành phố", vị này cho hay.
 
Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải, từ 2/1/2017 các tuyến xe ở bến trung tâm và ngoại thành sẽ được luân chuyển để tránh ùn tắc. Cụ thể các tuyến xe đi Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến Nước Ngầm. Các tuyến xe đi Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.

Sở Giao thông lý giải, việc điều chuyển nhằm tránh các tuyến xe khách đi vào nội đô, tránh hoạt động chồng chéo. Đặc biệt, việc điều chuyển các tuyến xe phù hợp với cung đường, tránh xung đột giao thông và để xe khách của các tỉnh đến từ phía Bắc, Nam, Đông, Tây sẽ đến đón trả khách tại các bến xe nằm ở phía tương ứng của Hà Nội.

Nhóm phóng viên

Nguồn: Theo VNE

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire