31/12/2016

Không công nghệ cao, gạo Campuchia vẫn ngon nhất thế giới


GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, dù không áp dụng công nghệ cao nhưng ngành lúa gạo của Campuchia phát triển mạnh mẽ như hiện nay là nhờ có những chiến lược đúng đắn và sự đồng lòng từ Nhà nước đến nông dân.
 
 


Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD, giảm 26% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với năm 2015. Do đó, sản lượng xuất khẩu gạo cả năm thấp hơn tới 1,6 triệu tấn so với dự báo.

Theo đó, hàng loạt thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều giảm như Trung Quốc giảm 21% về khối lượng và giảm 12% về giá trị; Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48%), Mỹ (giảm 33%)…

Có thể nói, đây là một năm đáng buồn cho gạo Việt khi mà những quốc gia “hàng xóm” như Campuchia, Thái Lan… có những bứt phá cực lớn về gạo thị gạo Việt đang bị bỏ lại đằng sau rất xa. Ở thị trường cao cấp, gạo Việt không thể cạnh tranh được bằng chất lượng, thương hiệu, còn ở thị trường thấp hơn, gạo Việt cũng phải trầy trật về giá.

Đáng nói, điều này đã được các chuyên gia nông nghiệp chỉ ra cách đây nhiều năm nhưng Việt Nam đã không có được sự chuẩn bị cần thiết để đưa sản phẩm xuất khẩu chủ lực của mình vươn lên.

Cách đây không lâu, tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm phát triển lúa gạo. Trong đoàn này, có cả GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, dù không áp dụng công nghệ cao nhưng ngành lúa gạo của Campuchia phát triển mạnh mẽ như hiện nay là nhờ có những chiến lược đúng đắn và sự đồng lòng từ Nhà nước đến nông dân.

Chuyên gia này nêu ví dụ: Campuchia tận dụng được lợi thế là có nhiều giống lúa cổ truyền mà đó là những giống cha mẹ của giống lúa tân tiến của Thái Lan, sau đó họ lâp các nhóm chuyên môn đi thử để tuyển chọn giống chất lượng cao nhất. Bước tiếp theo, họ mang đến các hội chợ, triển lãm và các cuộc thi để giới thiệu các sản phẩm này và họ liên tục đạt giải, đó là gạo thơm Phka Romdoul. Sau đó họ nhân giống này ra trên diện rộng.

Cùng với đó là đào tạo các doanh nghiệp chế biến để thực hiện từng công đoạn như đánh bóng, tách màu… thế nào để chắc chắn những hạt gạo phải trắng hoàn toàn, thơm ngon nhất có thể. Vì thế, gạo của Campuchia đã có chỗ đứng ở những thị trường khó tính nhất thế giới với giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890USD tấn.

Theo ông Võ Tòng Xuân, gạo cao sản của chúng ta không thể nào mà so được với gạo thơm này. Để có được gạo thơm, ngoài chiến lược của Nhà nước thì góp phần không nhỏ là sự đồng lòng của nông dân khi đồng ý trồng những sản phẩm này, mỗi năm chỉ khoảng 1 vụ, sản lượng lại chỉ hơn 3 tấn/ha.  Ngoài ra, Chính phủ Campuchia cũng điều phối các nhà tài trợ để không dẫm chân lên nhau, cùng phối hơp để làm ra giống lúa đó.

“Còn Việt Nam mình thì khác, ở ta, ông nông dân nào cũng muốn giành nhà tài trợ. Cứ kiểu ông này làm một mảnh, ông kia làm một mảnh, giống khác, phân bón khác, thuốc trừ sâu… khác nhau thì không thể nào phát triển được. Đây là vấn đề rất đau đầu, tồn tại nhiều năm nay và chúng ta phải khắc phục, phải cho tích tụ ruộng đất, xóa bỏ hạn điền” – GS. Xuân nói.

Điều này dẫn đến việc mạnh ai nấy làm. Lúa trồng ra bán cho thương lái, thương lái lại đem về phối trộn các sản phẩm với nhau để bán thành ra mỗi bao gạo có biết bao nhiêu giống lúa, không ai thích điều này. Nên Việt Nam chỉ cần tập trung phát triển một số giống lúa chủ lực thôi.

Chuyên gia này cũng cho rằng,  không nông dân Việt Nam nào muốn trồng giống lúa không đạt 5-6 tấn/ha, hoặc dài hơn 100 ngày/vụ. Thậm chí, không riêng gì nông dân, Nhà nước cũng muốn vậy, năng suất phải cao.  Bên Campuchia thì khác, họ chỉ cần trồng 1 vụ/ năm chứ không 3 vụ/năm như ta, họ 5-6 tháng mới được 1 vụ, thu hoạch chỉ khoảng 3 tấn/vụ nhưng gạo rất ngon, bán giá rất cao. Đó là điểm rất khác với Việt Nam.

“Chúng ta lúc nào cũng muốn làm gạo thơm để cạnh tranh với thế giới nhưng chắc chắn là không thể làm được khi ngày nào nông dân của mình còn không muốn trồng giống lúa năng suất 3,5 tấn/ha mà dài 5 tháng” – GS Xuân nhấn mạnh.

Cùng với đó, chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại khi tới đây, có thể có những người nông dân họ hiểu, họ trồng giống lúa cổ truyền của mình với tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Nhưng liệu trồng ra thì các doanh nghiêp có chịu mua với giá cao hơn hay không? Nếu mua giá không cao thì nông dân cũng không thể có lãi mà gắn bó.

GS này cũng cho biết, song song với việc trồng giống lúa ngon, Campuchia cũng áp dụng trồng lúa hưu cơ. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia đã quy hoạch vùng ruộng lúa sạch có chất lượng để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, các công đoạn làm lúa rất khắt khe đạt “tiêu chuẩn organic” của các thị trường này, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, phân vô cơ, thuốc trừ sâu. Phân bón nơi đây hoàn toàn từ phân hữu cơ, thân thiện với môi trường và sức khỏe.

Hiện này có khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000ha. Sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ. Các doanh nghiệp của họ cũng khéo léo trong việc quảng bá sản phẩm và đã định vị được thương hiệu cho gạo của mình.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đã từng đề cập đến rất nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chất lượng gạo Việt Nam như dùng “vô tội vạ” thuốc trừ sâu, diện tích canh tác manh mún, quá nhiều giống lúa, công tác quảng bá chất lượng gạo còn kém…Tuy nhiên, những “căn bệnh” này trong ngành lúa gạo hiện nay vẫn chưa thể khắc phục.

Lê Văn
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire