30/01/2017

Mênh mông thế sự 55: NHỚ VỀ MỘT CÁI TẾT HÀ NỘI


Tương Lai


Hôm nay 30 Tết, năm cùng tháng tận, trong nỗi ám ảnh khôn nguôi của thế sự nhiễu nhương về thế nước bấp bênh mà da diết nhớ Tết Hà Nội. Có lẽ rõ hơn là nhớ bạn Hà Nội, người đã rời “cõi tạm”, người còn ở lại với những đa đoan trần thế. Bỗng bật dậy những kỷ niệm về những người bạn vong niên đáng kính từng để lại dấu ấn đậm nét. Nhớ câu chuyện ngày giáp Tết tại nhà anh Phạm Thủy Ba trên Bưởi năm ấy với những kỷ niệm khó quên. 

 Tối 27 tháng chạp, anh nhắn tôi: “Liệu có kiếm được một cái dạ dày to to thì mai mang lên. Đã hẹn được Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Trần Đình Hượu lên đây kiếm cái gì đấy làm bữa rượu tất niên, bà ấy đã đặt được cỗ lòng lợn ở chợ Bưởi nhưng có vẻ hơi ít, thêm một cái dạ dày nữa thì tươm cho 6 người”. Tôi mượn được cái “sổ Tôn Đản” cốt được vào cửa để đến nơi bán những thứ “không trong tiêu chuẩn” chỉ mất công xếp hàng nhằm xin mua cái dạ dày lợn “to to một tí”, đúng nghĩa đen hai từ “xin mua”. Đang xếp hàng thì giáo sư Trần Văn Giàu đi qua thấy tôi, ông dừng lại nói chuyện. Ông cười cười, nói nhỏ với tôi: “rồi cũng phải bỏ cái này thôi, dân người ta chửi cho quá lắm rồi”. Nói xong ông chìa cái túi đựng thịt, cá vừa “mua theo tiêu chuẩn” ra, vỗ vào vai tôi, rồi đi.

Hôm sau lên Bưởi. Căn nhà tuyềnh toàng lợp ngói, nền đất nện, trống hoang trống huých. Thú vị nhất là cái bàn ông bạn tôi ngồi viết và dịch sách chỉ có ba chân, chân thứ tư là thân cây ổi, ngọn chìa ra cửa sổ để che bóng nắng, nhưng mưa thì lại dẫn nước vào nhà nên phải có “giải pháp”! Ngồi dịch sách, ông bạn tôi lấy ánh sáng từ cái cửa sổ này vì điện quá chập chờn, thời gian bị cúp nhiều gấp nhiều lần thời gian chiếu sáng, ông bạn tôi phải đi đôi ủng có bít tất vì nhà lắm muỗi. Khi dịch vừa xong cuốn tiểu thuyêt của Charles Dickens thì cây cỏ dại từ dưới nền đất nện đã đủ sức vươn lên xuyên qua khe hở của tấm gỗ ghép làm mặt bàn. Tôi đưa tay tỉ mẩn vuốt ngọn lá cỏ, ngoái nhìn dịch giả. Anh nở nụ cười quen thuộc, hiền lành rất hóm!

Trong tủ sách của tôi nay còn giữ được “Một anh hùng thời đại” của Lermontov, Ramayaina, ba tập, sử thi Ấn Độ, những sách Lý luận Xã hội học từ tiếng Anh và một số cuốn khác Phạm Thủy Ba dịch trên chiếc bàn độc đáo này. Sự cống hiến thầm lặng của người trí thức xứ Nghệ trên lĩnh vực dạy học, dịch sách văn học, xã hội học mà người bạn chí thân “hết ngày dài lại đến đêm thâu” cặm cụi là một nét tuyệt đẹp mà tôi cố giữ gìn và noi theo.

Dạo ấy, những lúc đầu óc, tâm trạng có những bất an, tôi hay một mình đạp xe ngược lên dốc Bưởi đến ngôi nhà tuyền toàng rộng mở và ấm cúng này để ngồi với người bạn chí thân hàng buổi khiến vợ tôi đôi lúc băn khoăn, thậm chí nặng lời, không hiểu ra được vì sao tôi dành thời gian căng thẳng và bận rộn của mình cho việc “vô bổ” này. Và chính ở đây, tôi kết thân với những người bạn vong niên mà hôm nay ngồi quanh bữa rượu tất niên đạm bạc nhưng lại cực kỳ sang trọng này.

Không tin tưởng lắm về tấm phản gỗ chủ nhà hay ngả lưng cho đỡ mỏi khi cả buổi ngồi dịch sách, chưa biết chừng sụp xuống đánh đổ cả chén mắm tôm đĩa lòng lợn thì toi, mất cả tiệc tất niên, chúng tôi trải chiếu ngồi bên bậc thềm. Anh Nguyễn Tài Cẩn lục túi xách lấy ra một gói phó mát Nga làm sáng mắt thực khách. Anh Hoàng Tuệ cũng đưa ra một hộp trứng cá Nga nhưng được mua từ cửa hàng ở Sofia mà anh để dành lâu nay sau chuyến đi hội thảo về ngôn ngữ tại Bungari về. Anh Trần Đình Hượu thì lấy ra một chai rượu nút lá chuối nghe nói là “rượu làng Vân thứ thiệt” đặt lên chiếu cạnh vò rượu chủ nhà cất kỹ, vừa đưa ra. Và bữa rượu tất niên xem ra đã được chắt chiu chuẩn bị kỹ càng từ những người mà đáng nhẽ không phải lo đến chuyện “bếp núc” khi họ cần được dành sức lực, thời gian và trí tuệ cho những gì mà họ đang làm.

Nâng ly rượu, anh Tài Cẩn bất ngờ nói, “chén rượu này trước hết mừng cho Hượu về những gì đã làm được ở Aix-en-Provence và cũng chúc mừng Tương Lai đã dàn xếp để có buổi thuyết trình của Hượu tại Hội trường Khoa giáo của Ban Tư tưởng Văn hóa để rồi sau đó được “cởi mũ” và được phép đi thỉnh giảng theo lời mời của Đại học nước ngoài”.

Anh Hượu chậm rãi nói về câu chuyện dài này nhưng tôi nghĩ là không tiện để kể lại đây. Anh Tài Cẩn khẳng định lại một lần nữa sự đánh giá của giới học giả Pháp và nước ngoài về những trình bày của anh Trần Đình Hượu. Lần tôi đến Aix en Provences, qua giáo sư Trịnh Văn Thảo, tôi hiểu hơn những điều anh Tài Cẩn nói. Anh Thảo cho biết chính Tổng thống Pháp có quyết định mời đích danh giáo sư Trần Đình Hượu làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Pháp trong khi ở trong nước thì anh Hượu trầy trật mãi mới được tìm thấy được chỗ đứng của mình trên bục giảng vì lướng vướng những vấn đề của nhóm có tư tưởng “xét lại” từ Liên Xô về!

Không tiện nhắc lại nhiều, chỉ xin kể lại một chi tiết xúc động về những ngày cuối cùng anh nằm trong bệnh viện. Tôi đến thăm, anh nắm chặt tay và nói nhiều chuyện. Thấy anh đã quá mêt, tôi ngăn lại, nhưng anh gạt đi: “Cứ để tôi nói, rồi cũng chẳng có dịp để nói nữa đâu, tôi nói với anh là để anh tìm cách nói với những người có trách nhiệm về hướng đi của khoa học xã hội cần phải xác định cho rõ, chứ như hiện nay thì hỏng hết rồi”. Đây là một nỗi u hoài, một niềm khắc khoải của người trí thức có trách nhiệm với đất nước trong sự nghiệp thầm lặng đáng khâm phục và cần tôn vinh này. Rất may là cũng có được vài người học trò của ông nối được chí của thầy tuy còn xa mới đạt được đến tầm sâu sắc của ông.

Trở lại với bữa rượu tất niên. Anh Hoàng Tuệ nối lời Nguyễn Tài Cẩn để bàn sâu thêm về những điều mà Trần Đình Hượu trăn trở. Tiếp mạch ý tưởng đó, anh nhắc đến nội dung anh vừa phát biểu với Lê Khả Phiêu trong dịp ông ta đến thăm Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Tôi cũng có mặt cùng nghe anh nói trong buổi ấy, nhưng xin không nhắc lại trong bài này, chỉ gợi ra một chi tiết tôi cho là thú vị và vẫn nhớ đến tận bây giờ.

Hôm ấy có hầu hết các Viện trưởng và lãnh đạo của Viện cũng như các cán bộ chủ chốt của các Viện khoa học trực thuộc Ủy Ban KHXNVN. Anh Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học là người nói mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất về hướng nghiên cứu về Ngôn ngữ nói riêng trong toàn cảnh về nghiên cứu Khoa học Xã hôi Việt Nam nói chung.

Tiếp đó, được tiếp sức bởi Hoàng Tuệ, học tập anh, với tư cách là Viện trưởng Viện Xã hội học, tôi thẳng thừng và mạnh mẽ trình bày về hướng đi của khoa học xã hội nói chung và xã hội học nói riêng, một ngành khoa học vốn được xem là “khoa học tư sản”, không thể thực hiện được chức năng khoa học đích thức của nó nếu vẫn chịu sự áp đặt của những khuôn thức chính trị. Tôi nêu một ví dụ có thật nhưng động chạm đến một vị Ủy viên Bộ Chính trị vừa yêu cầu điều chỉnh tỷ lệ phần trăm trong một khảo sát xã hội học về số thanh niên có mong muốn vào Đảng sao cho khớp với “định hướng chính trị” chứ như con số mà báo cáo chúng tôi nên lên là “đơn thuần” mang tính “chuyên môn thuần túy”!

 Kết thúc cuộc họp, một số trong chúng tôi dừng lại đợi cho mọi người chen ra nhà xe, anh Hà Minh Đức, Viện trưởng Viện Văn học bước đến bắt tay tôi: “Cám ơn anh hôm nay đã thẳng thắn nói giúp chúng tôi những điều chúng tôi cũng từng trăn trở nhưng chưa dám nói ra”. Tôi vui vẻ chỉ vào anh Hoàng Tuệ đứng cạnh, trả lời Hà Minh Đức: “Là tôi cũng theo cách anh Hoàng Tuệ đấy chứ có gì đâu”. Anh Hà Minh Đức tần ngần một chút rồi nói tiếp: “cả đời tôi chưa nói được một câu như anh, mặc dầu tôi vẫn nghĩ về nó”.

Hoảng quá, tôi vội nắm tay Hà Minh Đức: “Sao anh lại nói thế, tôi so thế nào được với anh. Công trình nghiên cứu và sách của anh đã xuất bản xếp cao bằng đầu mà tôi chỉ bén gót chân! Mỗi người có một cách đóng góp thôi. Tự xác định mình chỉ là người lót đường cho một ngành khoa học mới mà tôi chưa kịp trang bi cho mình một vốn hiểu biết cần thiết nên toàn bộ trí tuệ và sức lực của tôi dành cho việc tạo điều kiện để những anh chị em thật sự có trình độ, có khả năng và có khiếu nghiên cứu khoa học tự rèn luyện, học tập để tự nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học để trở thành chuyên gia giỏi, thế thôi. Muốn vậy, họ phải được cởi bỏ những gò bó, áp đặt trong quá trình tư duy và thâm nhập thực tế. Nghĩ thế, cố như thế, nhưng tôi đã làm được gì đâu ngoài việc dàn xếp để gửi được 5 cán bộ của Viện đi làm luận án tiến sĩ xã hội học ở Mỹ, sao bằng được những công trình có bề dày nghiên cứu của anh”.

Hà Minh Đức yên lặng, còn Hoàng Tuệ đứng cạnh thì chỉ tủm tỉm cười. Khi ra nhà xe, tôi níu anh Tuệ lại hỏi: “Anh nghĩ sao về câu Hà Minh Đức nói với tôi”? Anh Tuệ cũng chỉ cười không trả lời, lặng lẽ đẩy chiếc xe máy ra cổng. Sau đó, nhân một buổi ngồi với Hồ Ngọc Đại, bạn thân với tôi từ năm 1951 đến tận nay, tôi hỏi Đại về câu của Hà Minh Đức vì Đại cũng quen và hay gặp Đức: “Cậu nghĩ thế nào, mình vẫn băn khoăn về câu Hà Minh Đức nói với mình. Liệu Đức có nghĩ thật như thế không?”. Hồ Ngọc Đại hồn nhiên nói: “Hắn nói thật đấy. Mình hiểu hắn mà. Có lần hắn cũng nói với mình một câu ý na ná như vậy”. Như vẫn thế, Đại thoải mái ào ào nói một hơi những chuyện mà tôi nghĩ cũng chẳng nên kể ra. Hắn bình một câu gọn thon lõn: “Trí thức mà. Đốp chát như tớ, như cậu chẳng ai ưa đâu”!

Tôi đế theo “Rằng quen mất nết đi rồi. Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao”!

Nhưng liệu có có “tính trời” không nhỉ?

Tôi ngậm ngùi nhớ đến những người bạn vong niên trong bữa rượu tất niên tại ngôi nhà tuyềnh toàng dưới dốc Bưởi trong một ngày tất niên của một cái Tết Hà Nội đáng nhớ năm ấy. Cả bốn anh, những người bạn lớn của tôi, nay đều đã là người thiên cổ.

Hôm đám tang anh Phạm Thủy Ba tôi có đọc một lời điếu mà nghe nói ai đó đã cố lục lại để soi tìm xem liệu có tính khích động trí thức không. Chuyện ấy cách nay đã một phần tư thế kỷ rồi, cũng chẳng nên nhớ lại. Hôm đám tang anh Trần Đình Hượu tôi cũng có ngỏ ý với Ban Tổ chức được nói vài lời với người quá cố nhưng bị từ chối tắp lự.

Xem ra người ta cũng biết cách dè chừng về tính nhạy cảm của câu chuyện trí thức. Chẳng thế, mà một trong 4 người hôm ấy, anh Nguyễn Tài Cẩn, tôi còn may mắn gặp được lần cuối tại Sài Gòn cách nay quãng năm sáu năm gì đó tôi không còn nhớ chính xác. Hôm ấy tôi mời anh ăn cơm Huế tại quán Trịnh, anh tủm tỉm cười: “Nghe nói anh được “chăm sóc” chu đáo lắm hả? Liệu hôm nay gặp tôi, anh có bị khó khăn gì không đấy?”. Tôi cười, “anh lạc hậu với tình hình nhiều quá, cái thuở đi xe đạp đến nhà anh tôi còn phải dừng lại vỗ vào cái biển số xe [dạo ấy xe đạp cũng phải đeo biển số] để chỉ cho hai vị mặc thường phục ngồi cách nhà anh 10 mét tiện ghi số, đã qua từ lâu rồi, gần 4 thập kỷ rồi còn gì”! Tuy cười, nhưng miếng chả tôm kèm với chiếc bánh lá đang nhai trong miệng cứ đắng ngăn ngắt.

Hôm nay 30 Tết, trong tâm trạng không vui, càng xốn xang những kỷ niệm về một cái Tết Hà Nội, da diết nhớ những người bạn Hà Nội mà tôi vừa gợi lên. Thật ra, bốn người bạn vong niên đã quá cố của tôi thì ba là người Nghệ An, một là người Quảng Bình, nhưng họ là những trí thức Hà Nội. Đúng hơn, cùng cảnh ngộ về thân phận trí thức.

Liệu họ có thanh thản ra đi khi đã làm trọn sứ mệnh của người trí thức? Đặt ra câu hỏi ấy vì tôi hiểu rằng, người trí thức là người dấn thân hết mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở. Họ là người từ chối những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc cho dù phải trả giá rất đắt cho chuyện này.

Trong những người dự bữa rượu tất niên giáp Tết năm ấy nay chỉ còn lại mình tôi. Và tôi muốn tự trả lời cho câu hỏi tôi vừa đặt ra về “tính trời” kia rằng: tính trời, nếu có cũng chính là tính người. Những người không chịu khuất phục.



Ngày 27.1.2017.

Ba mươi Tết Đinh Dậu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire