Mười một tuổi, anh thì đỗ vào lớp đệ thất trường Petrus Ký Sài Gòn, nay là trường chuyên LHP.
Anh là người yêu nước nên luôn mơ làm cách mạng. Sống ngay tại Sài Gòn hoa lệ mà không biết nghe ai tuyên truyền anh lại căm thù "Ngô Đình Diệm vì bán nước cho Đế quốc Mỹ". Anh ao ước một ngày nào đó sẽ vào rừng theo cách mạng cầm súng chống lại "Mỹ- Diệm".
Anh chờ đợi mãi vẫn không thấy ai xuất hiện dẫn anh vào rừng để làm cách mạng. Cho đến năm 1961, trong một lần theo trường đi du lịch Tây Ninh, anh phát hiện ra con đường dẫn vào chiến khu Việt Cộng.
Quay về nhà, anh viết một bức tâm thư gởi lại cho ba mẹ xin được đi vào rừng để làm cách mạng, rồi lặng lẽ mang khăn gói ra đi. Năm đó anh mới đang học lớp đệ ngũ tức là lớp 8 bây giờ.
Một thân một mình tự tìm đường vào đến chiến khu, nên "cách mạng" bề ngoài rất hồ hởi đón tiếp anh nhưng trong bụng nâng cao cảnh giác nghi ngờ anh là tề điệp hai mang. Do vậy họ cho anh ở tạm ngoài bìa rừng chơi để ngấm ngầm dò xét.
Sau mười ngày vẫn không dò ra anh là thứ gì, cán bộ cách mạng bèn gọi anh vào giao nhiệm vụ.
- Giao cho đồng chí nhận nhiệm vụ chăn mấy con bò. Cán bộ nghiêm trang ra lệnh.
Anh sung sướng chấp hành. Mỗi sáng anh hăng hái dẫn bò vào rừng cùng với đám trẻ con trong làng, tối dẫn bò về trại của chiến khu.
Anh Kha Lương Ngãi và tác giả chiều 29 tết đinh dậu |
Ngày qua ngày, không thấy ai hỏi han gì tới, anh cảm thấy buồn lòng và rât tâm trạng, muốn quay về lại thành phố tiếp tục đi học để sau nầy thi vào trường Võ bị Đà Lạt, phấn đấu thành sĩ quan rồi cầm quân lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, như một số tướng tá đã làm, nhưng không thành, vào năm 1960.
Anh chưa thực hiện được ý định dinh tê, thì một hôm có một cán bộ cấp cao về công tác. Người đó không hiểu sao lại chú ý đến anh. Một đêm người đó lân la xuống ngủ cùng lán với anh rồi tỉ tê tâm sự:
- Anh biết em đang tâm trạng và buồn lòng lắm.
- Dạ, sao anh lại biết em buồn? Anh hoảng hốt hỏi lại.
- Anh biết em hăm hở đi làm cách mạng là muốn nhận nhiệm vụ chi đó phi thường như cầm súng bắn giặc, nhưng không ngờ lại được phân công đi chăn bò thì làm sao không buồn được. Nhưng anh nói cho em nghe, làm cách mạng là phải làm rất nhiều công việc chứ không phải chỉ có cầm súng bắn giặc. Chăn bò cũng là nhiệm vụ cách mạng cũng vinh quang như mọi nhiệm vụ khác.
Em nên hiểu rằng, tuy em cùng đi chăn bò với đám trẻ con như em, nhưng giữa em và chúng nó khác nhau hoàn toàn, vì bọn trẻ kia đi chăn bò là chăn bò của nhà chúng nó, đó là chăn "bò tầm thường", còn em đi chăn bò lại là bò cách mạng, dĩ nhiên chăn "bò cách mạng" là chăn "bò phi thường". Vinh quang lắm em ạ!
Anh nghe và giác ngộ ngay. Từ đó anh không những vui vẻ, hăng hái chăn bò mà còn phấn đấu nâng cao năng suất lao động, lập thành tích dâng lên cách mạng. Anh không chỉ lùa bò vào rừng cho chúng nó làm gì thì làm như trước mà anh còn tranh thủ cắt thêm cỏ cho bò ăn và xin tăng thêm số lượng bò để chăn.
Nhà thơ Phan Đắc Lữ và nhà báo Kha Lương Ngãi |
Đồng chí cán bộ cấp trên giác ngộ cho anh sau nầy chính là Sáu Lực, thư ký cho Võ Chí Công chủ tịch nước.
Còn anh chính là Kha Lương Ngãi, nguyên phó tổng biên tập báo SGGP và bây giờ là một trong những người hoạt động xã hội nhiệt tình, trong sáng được anh em trong phong trào từ Nam ra Bắc quý mến.
Sau một năm lập thành tích cao trong chăn bò cách mạng, anh được cách mạng giao nhiệm vụ đi dạy học bổ túc cho cán bộ có trình độ học vấn thấp...
Còn nhiều chuyện của anh Ngãi bạn tui, nhưng để dành kể sau.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire