Hồ Tấn Nguyên Minh
Một lần chuyện vãn, anh bạn tôi nói vui “Thời này là
thời của tiến sĩ, thạc sĩ; cứ ra ngõ là gặp ngay tiến sĩ, thạc sĩ”. Quả có thế
thật. Ít có thời nào, nước nào mà thạc sĩ, tiến sĩ nhiều như ở nước mình trong
thời này. Lẽ ra nên mừng mới phải. Vì thạc sĩ, tiến sĩ theo nghĩa câu chữ là
những trí thức học rộng, biết nhiều; là hiền tài của đất nước. Một đất nước
nhiều hiền tài như vậy thì còn gì bằng.
Có lẽ ít có nước nào trên thế giới mà bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương lại nhiều thạc sĩ, tiến sĩ như ở Việt Nam. |
Nhưng thực tế không đẹp như câu chữ ghi
trên những mảnh bằng. Nếu nhìn lại bằng một cái nhìn nghiêm khắc, tỉnh táo sẽ
dễ dàng nhận ra rằng hiện nay bên cạnh những thạc sĩ, tiến sĩ chân chính đang
từng ngày từng giờ đem tài năng, tâm huyết của mình điểm tô cho đất nước vẫn
còn bày ra nhan nhản những kẻ mang danh thạc sĩ, tiến sĩ mà từ cốt cách đến tri
thức đều trở nên vô cùng thảm hại.
Có lẽ chưa lúc nào mà giá trị của học vị
thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam lại rẻ rúng như bây giờ. Các trường đua nhau đào
tạo bằng nhiều hình thức: hoặc tập trung hoặc không tập trung, hoặc ban ngày
hoặc ban đêm, hoặc chính quy hoặc từ xa, liên kết... Chất lượng thì chẳng cần
bận tâm nhiều, miễn sao tuyển sinh cho nhiều để thu được nhiều học phí. Việc
thi cử, học hành vì thế mà cũng trở nên dễ dãi. Gần như ai đi thi cũng đậu, ai
đi học thì rồi cũng sẽ tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, loại giỏi. Rất nhiều trường hợp
luận văn tốt nghiệp hoàn toàn không phải được tạo nên từ sự sáng tạo của học
viên mà đơn thuần chỉ là sự “chế biến lại” từ nhiều nguồn khác nhau. Trường nào
đào tạo nghiêm túc, việc thi cử, học hành trở nên khó khăn thì học viên đổ xô
sang trường khác. Thế là thất thu, dần dần ít có trường nào thực sự nghiêm
túc. Thậm chí có rất nhiều trường số người đăng ký dự thi còn ít hơn chỉ tiêu
tuyển sinh. Nghĩa là chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ, không có bất cứ một sự
cạnh tranh nào.
Việc học tiến sĩ, thạc sĩ dễ như thế nên
người ta tranh nhau đi học cho bằng được. Miễn sao có cái danh để hãnh tiến với
đời, có tấm bằng để leo lên được chức này, chức nọ. Thành ra ở nước ta, dường
như khoảng cách giữa bằng cấp và thực học vẫn còn xa lắm. Tôi từng trực tiếp
chứng kiến một thạc sĩ văn chương giải thích nhan đề bài thơ “Tiếng địch sông
Ô” của Huy Thông là tiếng quân giặc trên sông Ô, một thạc sĩ Sử học không biết
Võ Trường Toản là ai? Thậm chí có anh học đại học thì lưu ban đến mấy năm liền,
khi công tác thì bị liệt vào hạng năng lực yếu kém vậy mà không hiểu thế nào
thi cao học vẫn đỗ, vẫn tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi với kết quả bảo vệ luận
văn hơn 9 điểm. Đến như thế thì Nguyễn Khuyến lúc viết “Tiến sĩ giấy”, Tú Xương
lúc viết “Đạo học ngày nay đã chán rồi” chắc cũng không thể nào hình dung ra
nổi.
Ngay cái mục đích học tiến sĩ, thạc sĩ ở
ta xem ra cũng là một điều lạ lẫm. Người đạt được học vị tiến sĩ, thạc sĩ là
những trí thức lớn, nhiệm vụ tối thượng của họ là nghiên cứu khoa học, là say
mê tìm tòi, khám phá, sáng tạo ra những công trình thiết thực để phục vụ cho
nhân sinh. Vậy mà ở nước ta, số trí thức xác định được điều này rất ít. Người
ta phải kiếm cho được tấm bằng bằng mọi giá để củng cố địa vị, để kiếm cho mình
một chức tước nào đó.
Có lẽ ít có nước nào trên thế giới mà bộ
máy công quyền từ trung ương đến địa phương lại nhiều thạc sĩ, tiến sĩ như ở
Việt Nam. Họ đi học là để thăng tiến, là để hợp thức hóa bằng cấp chứ chẳng
quan trọng gì chuyện tri thức. Tỉnh A yêu cầu quan chức cấp tỉnh phải có tiến
sĩ thì người người đua nhau đi học tiến sĩ. Tỉnh B yêu cầu để bổ nhiệm trưởng
phòng phải có bằng đại học chính quy. Rất nhiều anh tại chức thì làm thế nào?
Chỉ còn cách kiếm cho được mảnh bằng thạc sĩ để phủ cái tại chưc ấy đi. Thế là
tiến sĩ, thạc sĩ tràn lan và vô cùng bát nháo.
Nguyên nhân của thực trạng ấy có lẽ phần
nhiều do dấu ấn tư tưởng “học để làm quan” thời phong kiến còn lưu lại và cơ
chế trọng bằng cấp trong xã hội ta. Tôi thật không hiểu chuyện làm quản
lí và chuyện thạc sĩ, tiến sĩ có liên quan gì với nhau mà nhiều ngành lại có
thể đưa ra những quy định kiểu như để bổ nhiệm vào vị trí này thì phải có thạc
sĩ, bổ nhiệm vào chức kia thì phải có tiến sĩ để đến nỗi người ta đổ xô nhau đi
học, biến học vị khoa học thành một chiếc cần câu chức như thế.
Hẳn không ít bạn đọc sẽ bảo rằng tôi cực
đoan. Việc học thạc sĩ, tiến sĩ có thiếu gì mặt tốt, sao lại chỉ nhìn vào những
mặt xấu thôi? Thực ra không phải tôi không nhìn thấy vẻ đẹp trí tuệ và phẩm
cách của những người trí thức chân chính trong xã hội ta. Tôi vẫn luôn dõi theo
để được vui mừng, tự hào mỗi khi nước ta có một trí thức thành danh ở tầm thế
giới, làm mở mày mở mặt nòi giống tiên rồng. Thế nhưng dẫu lạc quan đến đâu
cũng không thể phủ nhận rằng chuyện học vị ngày nay cái tiêu cực nhiều hơn tích
cực. Mà một khi mặt xấu nhiều hơn mặt tốt thì là một điều đáng để chúng ta suy
nghĩ vậy.
Hồ Tấn Nguyên Minh
Nguồn:Theo Một Thế Giới
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire