Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng |
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: "Cái kém của học sinh
Việt không phải là khối lượng kiến thức mà là khả năng thích ứng, kỹ năng cộng
tác, tinh thần phản biện và sáng tạo. Điểm còn yếu của giáo dục trung học Việt
Nam là ở các môn Ngoại ngữ, Lịch sử và Ngữ văn."
Nhân
dịp năm mới 2017, phóng viên Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư
Nguyễn Đăng Hưng về những suy nghĩ tâm huyết của ông dành cho giáo dục Việt
Nam.
Theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng
số 72 quốc gia tham gia đánh giá. Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả này? Có
thể tin rằng, chất lượng giáo dục Việt Nam đã chuyển biến theo hướng
tích cực?
GS Nguyễn Đăng Hưng: PISA là viết tắt từ tiếng Anh của thuật ngữ "Program for
International Student Assessment” một chương trình quốc tế điều tra, tham khảo
về trình độ học sinh do tổ chức OCDE, (Organisation de Coopération et de
Développement Économiques) , tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế do các nước Âu
Mỹ đề xướng từ năm 1960.
Xếp hạng
PISA là thành quả nghiêm túc, xuất phát từ phương pháp trắc nghiệm bài bản của
các nước tiên tiến. Việc Việt Nam đứng hàng thứ 8 trên tổng số 72 quốc gia là
một kết quả đáng cho chúng ta tự hào. Tuy nhiên, để có một nhận xét xác đáng,
ta phải tìm hiểu xem trắc nghiệm của OCDE dựa trên cơ sở nào? Mẫu điều tra (của
mỗi quốc gia, lên đến từ 4.500 đến 10.000 học sinh lứa tuổi 14 - 15 tuổi), có
qui mô khá lớn phải đòi hỏi sự cộng tác tích cực của giáo chức các trường sở
tại.
Cần đặt ra
câu hỏi đầu tiên: Với căn bệnh thành tích còn khá phổ biến, liệu các cộng tác
viên giáo chức Việt Nam có giữ được tính khách quan vô tư cần thiết?
Thứ đến, các
môn trắc nghiệm thay đổi ba năm một lần, bao gồm khả năng đọc, hiểu biết toán
và hiểu biết khoa học. Kết quả năm nay 2016 đến từ các đợt tham khảo năm 2015
đã được dành phần lớn thời gian cho môn Khoa học. Ta đã biết từ lâu qua các
cuộc thi Olympic là học sinh Việt Nam khá nổi trội về Toán và Khoa học. Bởi
vậy, tôi không ngạc nhiên với kết quả đánh giá của PISA. Cái kém của học sinh
Việt không phải là khối lượng kiến thức mà là khả năng thích ứng, kỹ năng cộng
tác, tinh thần phản biện và sáng tạo. Điểm còn yếu của giáo dục trung học Việt
Nam là ở các môn Ngoại ngữ, Lịch sử và Ngữ văn. Tóm lại xếp hạng PISA khá lý
thú nhưng chưa làm tôi lạc quan.
Nếu là người đánh giá, ông sẽ chấm điểm cho giáo dục Việt Nam ở thứ bậc bao
nhiêu?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi nghĩ trên bình diện Toán và Khoa học, học sinh Việt Nam năm trong top
15 là khả năng có thể. Nếu PISA mở rộng cho cho Ngoại ngữ, Lịch sử và Ngữ văn,
tôi ngại Việt cũng sẽ cỡ top 15 nhưng… từ dưới lên!
Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới vừa được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt, thời gian đào tạo bậc đại học (ĐH) sẽ rút ngắn xuống còn 3-5 năm
so với thời gian 4-6 năm như hiện tại. Theo ông, việc thay đổi này có đưa giáo
dục ĐH Việt Nam tiếp cận với giáo dục ĐH thế giới?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Không nên đặt vấn đề rút ngắn mà nên nói rõ là ta nên theo trào lưu chung
của toàn thế giới: đào tạo 3 năm cử nhân, thêm 2 năm Thạc sỹ, thêm 3 năm Tiến
sỹ. Đây là xu thế chuẩn hóa toàn cầu. Trong xu thế hòa nhập, ta không nên lạc
lõng một mình một chợ, gây khó cho sinh viên du học. Ngoài ra, các trường ĐH
nên bớt các môn học vô bổ, thầy không thích dạy và học trò không ưa học vì nó
hoàn toàn xa lạ với thực tế phát triển quốc gia và cuộc sống đời thường.
Để có thể tạo nên khởi sắc trong năm 2017, theo ông, giáo dục Việt Nam nên
tập trung cải tiến những gì?Ông có lạc quan khi nghĩ về nền giáo dục nước nhà?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Năm 2016 ở bậc trung học đã có những thay đổi đúng hướng đáng được khích lệ
như cải tiến cách thức thi tốt nghiệp trung học, giao quyền tuyển sinh cho các
trường, tạo điều kiện sớm dạy tiếng Anh cho học sinh…
Tuy nhiên,
tôi vẫn lo vì tại bậc trung học chưa thay đổi nội dung SGK về Lịch sử và Ngữ
văn trên tinh thần đa chiều, đa dạng, chưa cho phép các thầy cô linh động, thể
hiện cá tính tư duy mình khi đứng lớp. Giáo dục kỹ năng sống, đạo lý cao đẹp
của dân tộc Việt chưa đồng bộ, chưa dạy với hàm lượng cần thiết các môn Giáo
dục công dân, Ngữ văn theo hướng bao dung, đùm bọc, nhằm kịp thời ngăn chặn từ
trứng nước tệ nạn bạo lực học đường, nạn thực dụng! Gần đây, tôi lại thấy manh
nha ý tưởng biến tiếng Trung và tiếng Nga thành ngoại ngữ chính, phân tán sự
tập trung vào tiếng Anh, một chọn lựa thỏa đáng trước đây nhưng thiếu nhất quán
trong các chính sách hỗ trợ từ Bộ GD-ĐT.
Tôi cũng
chưa thấy có dấu hiệu tích cực trong việc bổ nhiệm minh bạch giáo chức, nhất là
việc cải tiến lương tiền cho các thầy cô, biện pháp thực tế và hữu hiệu cho
việc chấm dứt dạy thêm, học thêm theo hướng tiêu cực.
Ngoài ra,
tôi cũng buồn khi một số hiệu trưởng coi thường phẩm giá của thầy cô, buộc các
nữ giáo viên trẻ đi tiếp khách vui vẻ! (báo chí đã đăng tải) Tôi đề nghị nên có
biện pháp trừng trị thích đáng ban giám hiệu các trường bê bối này, loại bỏ họ
ra khỏi giới giáo chức dù ở vùng xa hay ở thành phố.
Ở bậc đại
học đã có những biện pháp khuyến khích hòa nhập quốc tế, trao quyền tự chủ cho
các trường đại học, chuẩn hóa việc bổ nhiệm Phó Giáo sư và Giáo sư dựa trên
công bố khoa học quốc tế và thành tích hướng dẫn luận văn Thạc sỹ và Tiến sỹ,
kiểm tra chất lượng các ngành nghề, tháo gỡ những cứng nhắc trong việc triển
khai ngành nghề mới, cho phép các trưòng đại học thu hút nhân tài bằng cách
nâng cao mức lương. Tôi nghĩ ta nên củng cố và hoàn thiện xu thế này.
Bộ không nên
can thiệp vào hoạt động của các trường đại học mà nên xây dựng và kiện toàn các
khuôn khổ chương trình chuẩn, áp dụng cho cả nước. Bộ nên chuẩn bị và tổ chức
các khâu thanh tra hậu kiểm một cách khoa học, khách quan, vô tư...
Tôi sẽ lạc
quan hơn nếu trong năm mới 2017 có được những khởi động cụ thể đáng ghi nhớ về
những đề đạt này...
Xin cảm ơn ông
Hoàng Lan (thực hiện)
Hoàng Lan (thực hiện)
Nguồn: Theo Phụ nữ Thủ đô
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire