07/02/2017

Thầy Nguyễn Cao gửi "sớ 4 điều" tới lãnh đạo ngành giáo dục

NGUYỄN CAO:"Muốn tránh được những trì trệ, áp đặt thì trước hết những lãnh đạo của ngành giáo dục cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy và cả sự than phiền từ các bậc phụ huynh và các em học sinh. "



 (GDVN) - Mùa xuân đã về, mùa xuân bắt đầu cho nhiều điều tốt đẹp. Và, hi vọng một năm ngành giáo dục gặt hái được nhiều thành công.

LTS: Chào mùa xuân mới, thầy giáo Nguyễn Cao gửi những lời nhắn nhủ mong ước đầy tâm huyết đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy mong rằng với sự đổi mới lần này, ngành giáo dục sẽ gặt hái được nhiều thành công, mang đến một diện mạo mới và tiến gần hơn nữa đến nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết! 

Người Việt Nam ta có thói quen là khi bước sang năm mới thường nghĩ đến điều tốt đẹp và mong muốn những niềm vui đến với mình, với mọi người. 
Là một giáo viên, bản thân tôi cũng như bao nhiêu những đồng nghiệp đều hi vọng vào những đổi mới của ngành giáo dục đang triển khai sẽ đem lại diện mạo mới cho ngành để giáo dục nước nhà và tiệm cận dần với nền giáo dục tiên tiên trên thế giới. 
Song, sự đổi mới có thành công được hay không thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà trong đó sự tương tác giữa những chính sách, quy định của ngành phải phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức, hô hào khẩu hiệu.
Một điều không thể phủ nhận là trong một thời gian ngắn sau khi nhậm chức của tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã và đang tạo nên nhiều diện mạo mới cho ngành giáo dục. 
Đó là việc thay đổi Thông tư 30 sang Thông tư 22; Không bắt buộc triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN ở cấp trung học cơ sở; Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt NamQuy chế đào tạo Tiến sĩ

Hi vọng với những đổi mới hiệu quả, ngành giáo dục nước nhà sẽ có diện mạo mới. (Ảnh minh họa: Báo Phú Thọ)

Những thay đổi ấy đã và đang được dư luận quan tâm và đồng tình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì dưới cơ sở đang tồn tại nhiều bất cập mà những bất cập đó cần sớm được giải quyết để vực dậy cả một nền giáo dục nước nhà.
Nhất là ở cấp tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông - những cấp học trang bị cho con người những kiến thức phổ thông để tạo bệ phóng vào các chuyên ngành cao hơn. 
Vì thế, trong thời gian tới Bộ cần chú ý một số hạn chế sau:

Thứ nhất là phải đặc biệt quan tâm đến đội ngũ lãnh đạo, quản lí ở các cấp học từ trung học phổ thông trở xuống. 
Đội ngũ Ban giám hiệu sẽ quyết định sự thành bại của một đơn vị giáo dục và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ trong 1-2 nhiệm kì nhưng lâu nay chúng ta chưa chú trọng trong khâu bổ nhiệm và làm một cách khoa học. 
Với tư duy đã lên thì không xuống nên có nhiều người đảm nhận cương vị Hiệu trưởng hàng mấy chục năm. 
Nếu lãnh đạo có tâm và tầm thì không nói làm gì nhưng có một bộ phận lãnh đạo do lịch sử để lại nên trình độ hạn chế, lộng quyền, tham lam và hách dịch. 
Nhất là khi các đơn vị giáo dục đang thực hiện chế độ thủ trưởng. Từ đó, dẫn đến sự độc đoán và gia trưởng. 
Vậy nên, điều cần thiết là Bộ Giáo dục cần tham mưu đề xuất, phối hợp với các cấp thẩm quyền để ban hành chính sách, kế hoạch thi tuyển Ban giám hiệu một cách công khai như một số địa phương đã và đang làm thí điểm. 
Ngành giáo dục không thiếu người tài và có tâm nhưng cơ chế đang làm họ nản chí và thui chột động lực phấn đấu.

Thứ hai là cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo giáo viên bởi đây là một trong những khâu then chốt nhất.
Khi những con người trực tiếp giảng dạy, uốn nắn học trò có chuyên môn sâu, có đạo đức và nhân cách tốt sẽ là đòn bẩy cho ngành giáo dục. 
Những năm qua, chúng ta từng chứng kiến rất nhiều những thầy cô ưu tú, sẵn sàng đến với những vùng đất khó khăn, khắc nghiệt để ươm mầm cho những chồi biếc. 
Những thầy cô đã và đang trực tiếp bồi dưỡng cho các em học sinh giỏi để gặt hái được nhiều thành công trong các kì thi quốc gia và quốc tế, làm rạng danh cho nền giáo dục nước nhà. 
Song, đâu đó vẫn còn nhiều thầy cô chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình mà làm ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo. Vẫn có nhiều thầy cô không giữ được phẩm chất đạo đức của mình mà gây nên nhiều điều tiếng xấu. 
Vì thế, việc định hướng, tuyên truyền, bồi dưỡng cho giáo viên phải cần được chú trọng, thường xuyên và đi vào chiều sâu.

Thứ ba là việc Bộ giáo dục triển khai công tác Bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên hiện hành không hiệu quả mà lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc. 
Làm sao hiệu quả khi giáo viên cứ ngồi chép những tài liệu để làm… minh chứng. Trong khi đã có tài liệu trong tay thì chép để làm gì?
Hơn nữa, nội dung bồi dưỡng thường xuyên mà Bộ đang triển khai thể hiện sự máy móc, khô cứng và rập khuôn. 
Vì thế, trong thời gian tới, Bộ cần nghiên cứu, triển khai một cách đồng bộ, khoa học.
Nên bồi dưỡng chuyên ngành của mình chứ không nên ôm đồm phải bồi dưỡng những môn mà mình không dạy, không hề liên quan. Vừa mất thời gian và gây ức chế cho giáo viên.
 
Thứ tư là các phong trào thi đua ở cơ sở đang thể hiện nhiều bất cập như phong trào thi giáo viên giỏithi sáng kiến kinh nghiệmthi học sinh giỏi.
   
Nếu phong trào thi giáo viên giỏi ở một số địa phương đang áp dụng một cách máy móc không lựa chọn được những ban giám khảo có chuyên môn tốt để chấm giải, bởi phần nhiều là cơ cấu các phó hiệu trưởng chuyên môn của các trường đi chấm thi.
Nhiều người chưa một lần thi giáo viên giỏi, nhiều người đã không đứng lớp hàng chục năm trời và ít tham gia các buổi bồi dưỡng chuyên môn thì làm sao cập nhật được những cái mới, cái đổi thay của chuyên ngành học nên góp ý và đánh giá giáo viên thi theo kiểu định tính. 
Ngoài sự bất cập trong đội ngũ ban giám khảo thì cách tổ chức, hình thức chấm giải hiện nay cũng chưa thể hiện được tính ưu việt của vấn đề. 
Mỗi giáo viên thi 2 tiết thực hành đạt, 1 tiết khá, một tiết giỏi là công nhận giáo viên giỏi, trong khi phần lớn là giáo viên đã “nháp đi nháp lại” nhiều lần thì các phong trào đó không phát huy được hiệu quả tác dụng. 
Nên chăng, ban tổ chức chỉ cần lấy thời khóa biểu rồi bố trí ban giám khảo về chấm trong một khoảng thời gian nhất định nó sẽ “thật” và chính xác hơn rất nhiều.
 
Phong trào thi sáng kiến kinh nghiệm đã được dư luận phản ánh rất nhiều bởi nó mang tính hình thức, chủ quan, không hiệu quả mà lãng phí tiền bạc công sức của giáo viên và nhà nước. 
Thực ra phong trào này chẳng có tác dụng nhiều. Bởi trong hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm thì được bao nhiêu đề tài áp dụng vào thực tiễn đâu. 
Trong khi, một số người chấm sáng kiến kinh nghiệm lại là những người chưa đủ tầm để thẩm thấu.
Lâu nay ta thấy cứ cơ cấu lãnh đạo chấm, trong khi lãnh đạo nhiều người chưa bao giờ viết sáng kiến kinh nghiệm thì làm sao mà ngồi ghế giám khảo được. 
Vì thế, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm đang thể hiện rất nhiều bất cập và tạo dư luận không tốt trong nội bộ mỗi đơn vị giáo dục.
   
Phong trào thi học sinh giỏi hiện nay chồng chéo rất nhiều mà không hiệu quả. Các cuộc thi olympic cấp trường là phần lớn giáo viên nhúng tay vào. 
Thi cấp huyện, cấp tỉnh thì trường nào có người đi chấm là trường đó có giải, điều đó không phản ánh được hiện thực khách quan mà gây ra những nghi kị, hiểu lầm cho giáo viên và các đơn vị. 
Đối với các cuộc thi của học sinh cần phải cương quyết loại trừ những cuộc thi chồng chéo không hữu ích. Cuộc thi phải hướng tới tích tích cực và thiết thực của ngành.
Không nên môn nào cũng thi, cũng phát động dẫn đến sự quá tải cho học sinh và giáo viên.

Muốn làm tốt các cuộc thi, các phong trào hiện nay ở ngành giáo dục thì điều quan trọng là khi thành lập các Hội đồng giám khảo chấm chọn giáo viên dạy giỏi, chấm sáng kiến kinh nghiệm nhất thiết phải là người có chuyên môn vững vàng, đã từng thi giáo viên dạy giỏi các cấp, đã từng thực hiện đề tài khoa học đạt các giải cao (không nhất thiết cứ phải lãnh đạo quản lý ngồi ghế giám khảo).
Và dĩ nhiên người giám khảo phải là người cùng chuyên môn với người thi để chấm chọn, đánh giá một cách công tâm, minh bạch, nhìn vào chuyên môn để chấm chứ không nhìn vào tên tuổi, vị trí của người thi. 
Đối với giáo viên cần xác định rõ mục tiêu thi đua là để tiến bộ, cần phải nỗ lực phấn đấu bằng chính năng lực của mình, tránh nâng thành tích ảo, tránh làm mọi cách hoặc nhờ vả người khác làm đề tài khoa học thay mình để có thành tích mà chà đạp lên lương tâm và phẩm chất của người thầy. 
Đối với phong trào thi học sinh giỏi nhất thiết không nên điều động giáo viên ra đề thi, ôn thi học sinh giỏi rồi lại đi chấm thi. Làm vậy vừa mất đi tính công bằng của cuộc thi mà lại tạo nên một luồng dư luận không tốt.
Muốn tránh được những trì trệ, áp đặt thì trước hết những lãnh đạo của ngành giáo dục cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy và cả sự than phiền từ các bậc phụ huynh và các em học sinh. 
Đội ngũ lãnh đạo các trường học phải công tâm, sáng suốt, không vụ lợi. Giáo viên trung thực, sáng tạo, khát khao cống hiến, tận tụy với nghề mà mình đang theo đuổi chắc chắn sẽ tạo cho ngành giáo dục thay đổi về chất và lượng trong thời gian tới. 
Mùa xuân đã về, mùa xuân bắt đầu cho nhiều điều tốt đẹp. Và, hi vọng một năm ngành giáo dục gặt hái được nhiều thành công.
Nguyễn Cao
Nguồn:  Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire