Tỉnh Cà Mau đã trả lại doanh
nghiệp 2 xe ôtô có trị giá hơn 6 tỉ đồng
|
Thời gian qua, dư luận tạm lắng chuyện
các tỉnh thành mua sắm xe công tràn lan, vượt quá tiêu chuẩn, định mức của nhà
nước. Nay lại “nóng” lên chuyện các doanh nghiệp tặng xe sang tiền tỉ cho cơ
quan lãnh đạo địa phương để rồi sau đó phải trả lại như ở Cà Mau và Đà Nẵng.
Nhiều địa phương im lặng, nhưng cũng có một số địa phương tự công khai
hoặc bị dư luận bàn tán, lãnh đạo địa phương phải báo cáo giải trình với lý do
được cho là hoàn toàn “minh bạch”. Và cũng có địa phương sau nhiều
lời thanh minh thì cuối cùng cũng đem trả lại xe như Cà Mau và Đà Nẵng.
Có người nói, không có luật nào cấm cá nhân, tập
thể tặng xe ô tô cho cơ quan nhà nước. Thế nhưng trong những trường hợp nhạy
cảm, hơn ai hết, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không thể không biết tới “Quy chế về việc tặng quà,
nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân
sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức” ban hành kèm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg
ngày 10.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5 của Quy chế này quy định: Nghiêm cấm các
cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng trong trường hợp:
cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động
công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc
thuộc phạm vi quản lý.
Vậy khi cơ quan chính quyền địa phương nhận quà
(xe sang đắt tiền) từ các doanh nghiệp thuộc phạm vi mình quản lý là trái với
Quyết định 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 16 của Quy chế trên còn quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc tặng quà, nhận
quà tặng và nộp lại quà tặng theo quy định tại Quy chế này trước ngày 15.11
hàng năm. Thế nhưng trên thực tế, có bao
nhiêu địa phương tự giác thực hiện nghiêm túc quy định này của Thủ tướng Chính
phủ?
Dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu các doanh nghiệp có
tinh thần đóng góp xây dựng địa phương, tại sao họ không dùng số tiền hàng
tỉ ấy để hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như bệnh xá,
trường học, cầu cống, đường sá, nhà vệ sinh công cộng, ủng hộ người nghèo hay
hỗ trợ xe cứu thương, xe chữa cháy cho các xã, huyện nghèo?
Về phía các vị lãnh đạo địa phương, sao các vị
không đề nghị các doanh nghiệp chuyển số tiền ấy để hỗ trợ cho dân nghèo, trong
khi cơ quan của các vị đã mua sắm đầy đủ xe công theo tiêu chuẩn, định mức của
Nhà nước?
Với các siêu xe được các doanh nghiệp tặng, lãnh
đạo một số địa phương đều nói về mục đích sử dụng rất “chính đáng” là dùng vào
việc đi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt, cháy rừng, ngập mặn hoặc đưa
rước những đoàn công tác đến địa phương... Nếu thực vậy thì những chiếc xe này
phần lớn thời gian “đắp chiếu” nằm chờ lệnh vận hành, nghĩa là lãng phí công
năng sử dụng mà vẫn tốn chi phí “khấu hao”, “bảo dưỡng” hằng năm.
Tặng xe cho cơ quan lãnh đạo địa phương, liệu
các doanh nghiệp có hoàn toàn vô tư, trong sáng? Chỉ thực sự vô tư, trong sáng
khi các doanh nghiệp này hoàn toàn không có yêu cầu, đòi hỏi điều gì và dứt
khoát từ chối mọi sự ưu ái của địa phương đối với riêng doanh nghiệp mình.
Nếu địa phương thu hút đầu tư, tạo cơ chế thoáng
cho doanh nghiệp thì mọi doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau. Các doanh nghiệp
đều đóng thuế theo quy định của nhà nước, doanh thu càng lớn, thuế thu nhập
doanh nghiệp đóng càng nhiều. Một số doanh nghiệp vừa thực hiện nghĩa vụ đóng
thuế, vừa phải tự nguyện “cảm ơn” tập thể lãnh đạo địa phương bằng hình thức
biếu xe tiền tỉ, điều này có gì đó thiếu tự nhiên, bất thường.
Các doanh nghiệp đều bình đẳng, cạnh tranh lành
mạnh với nhau trên cơ sở của pháp luật. Vậy mà có những doanh nghiệp quá “hào
phóng” tặng siêu xe tiền tỉ cho cơ quan lãnh đạo địa phương đang quản lý
doanh nghiệp mình về mặt chức năng hoặc về mặt địa bàn hoạt động. Phải chi đó
chỉ là những suất quà từ thiện, những suất học bổng, những khoản ủng hộ các
hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... thì nên khuyến khích, còn đằng
này quà biếu là khối tài sản “khủng”, tạo nên sự sang trọng, đẳng cấp của người
sử dụng nó.
Dân gian có câu: “Có qua có lại mới toại lòng
nhau”, “Bánh đúc trao đi, bánh chì trao lại”, “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”,
“Đồng tiền đi trước là đồng tiên khôn”...
Bill Gates cũng từng nói: “Trên đời này không có bữa ăn
trưa nào miễn phí”. Đúng vậy, chẳng ai cho không ai cái gì cả, lợi ích đan xen, có qua thì phải
có lại.
Doanh nghiệp tặng món quà “trên mức tình cảm” là
xe sang tiền tỉ để đổi lại sự “ưu ái”, cơ chế “ưu tiên” đặc biệt trong
khai thác tài nguyên, môi trường, thuế má, đấu thầu, cung ứng vật tư thiết bị,
tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ...
“Đôi bên cùng có lợi” nhưng Nhà nước chịu thất
thoát (nguồn thu, tài nguyên), nhân dân chịu thiệt thòi (vì công trình có thể
bị rút ruột, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng), doanh nghiệp “đường đường chính
chính” thì bị rơi vào tình thế cạnh tranh bất bình đẳng với một số “doanh
nghiệp VIP”.
Tặng xe công là tặng tài sản cho tập thể nhưng
dành cho lãnh đạo, tạo nên sự “sang trọng, đẳng cấp” cho lãnh đạo, trong suốt
nhiệm kỳ hoặc suốt thời kỳ làm lãnh đạo. Đây là “lộc” của lãnh đạo, muốn có
“lộc” phải “ơn qua nghĩa lại” trên nền tảng của chức vụ, quyền hạn.
“Có làm thì mới có ăn/Không
dưng ai dễ đem phần đến cho”, “không ai cho không ai cái gì”, trong khi đó, trả lời với báo chí, lãnh đạo các
địa phương khẳng định “không có tiêu cực trong việc tặng xe”, còn các doanh nghiệp tặng xe cũng quả quyết
mình tặng xe với động cơ hoàn toàn trong sạch, minh bạch.
Dưới góc độ xã hội học, tâm lý học và văn hóa
ứng xử theo kinh nghiệm dân gian thì rõ ràng việc cho - nhận trên có điều gì đó
không ổn.
LÊ XUÂN CHIẾN
(GV trường THPT Huỳnh Thúc
Kháng, Quảng Nam)
Nguồn: Theo Một Thế Giới
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire