Đinh Minh Đạo
Khoảng 20 CSCĐ bị dân bắt giữ. |
Bức ảnh gây ấn tượng mạnh, những thanh niên mặc quân
phục lính đặc nhiệm bị những người dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức bắt và giam giữ
trong nhà văn hóa xã. Trong ảnh , những “kiêu binh” trẻ của chế độ với những bộ
mặt vô cảm ngồi thành từng hàng trật tự, một trong những “kiêu binh” giơ tay
giao nộp hay nhận một cái gì đó từ người “lính khởi nghĩa”. Trước cửa nhà văn
hóa, đám đông những người dân đang tham gia bảo vệ đất đai, chống lại những kẻ
cướp đất và cả bộ máy chính quyền đồng lõa với chúng.
Bức ảnh làm chúng ta nghĩ về một chế độ, một chính
quyền đang cai quản đất nước, đẩy người dân đến chân tường. Nhưng lần này, họ
không chỉ đơn độc như tiếng súng hỏa mai của Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, hay
những viên đạn uất hận của Đặng Ngọc Viết tại Thái Bình hay của Đặng Văn Hiến ở Đắc
Nông. Họ đã đoàn kết thành một tập thể hàng nghìn người, có tổ chức, kỷ luật
chặt chẽ, có người lãnh đạo cùng với nhưng phương án đấu tranh bất bạo động để
chống lại bộ máy của chính quyền được vũ trang quá đầy đủ, sẵn sàng dùng vũ lực
để đàn áp dân chúng.
Vì sao những người nông dân hết lòng theo Đảng, hiến
dâng cả ruộng đất cho Đảng để làm trường bắn, làm sân bay, giờ đây phải đối đầu
với Đảng, phải tổ chức “khởi nghĩa” chống lại Đảng?
Những gì chúng ta được biết từ người dân Đồng Tâm về
tình hình đất đai, về những sai trái, khuất tất, lươn lẹo của bộ máy cầm quyền
của Đảng, giúp ta hiểu được những bức xúc của những người nông dân.
Tháng 4 năm 1980, ông Đỗ Mười lúc đó là phó thủ tướng
đã quyết định thu hồi 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm để xây dựng sân
bay quân sự Miếu Môn. Cũng như nhiều dự án của ở Việt Nam, sân bay tương lai
nằm chờ không có ngày hẹn.
Năm 2010, tức sau 30 năm chờ đợi, chính phủ và bộ quốc
phòng ra quyết định chính thức không xây dựng sân bay Miếu Môn. Theo luật đất
đai, 47,36 ha đất nông nghiêp này phải trả lại cho các chủ nhân của nó. Nhưng
điều lạ lùng đã và đang xảy ra, nó vẫn nằm dưới sự quản lý của quân đội với cái
tên ngắn gọn “đất quốc phòng”. Đơn vị quân đội được giao quản lý khu đất này đã
cho chính những người dân của xã Đồng Tâm thuê để canh tác, giống như hình thức
phát canh thu tô của các địa chủ ngày xưa.
Chưa hết, khu đất 6,8 ha bên cạnh cũng được chính
quyền xã và huyện phù phép thành đất quốc phòng, nhưng lại được phân lô để bán
lại.
Tháng 11 năm 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức cùng chính
quyền xã Đồng Tâm đã đưa 600 công an, cảnh sát cơ động… đến cưỡng chế khu đất
6,8 ha mà họ gọi là đất quốc phòng. Nhân dân xã Đồng Tâm đã nhiều năm đi khiếu
kiện, nhưng không được bất cứ cơ quan nào giải quyết.
Chính quyền địa phương còn hành xử như những tên côn
đồ. Ngày 15-04-2017, công an đã đi xe đến Đồng Tâm, họ yêu cầu ông Lê Đình
Kình, 82 tuổi, người đứng đầu cuộc đấu tranh giữ đất, ra cánh đồng để chỉ cho
họ cọc mốc đất quốc phòng. Ra đến nơi, công an đã vật ông Kình ra. Bắt đưa lên
ô tô, họ còn bắt thêm một số dân làng đưa đi. Theo nhiều nguồn tin, ông Kình đã
bị thương tích, vỡ xương chậu
Những người dân Đồng Tâm bị lừa dối, còn bị những lính
đặc nhiệm hạch sách, họ đã nhanh chóng ra tay bắt giữ hơn 20 lính đặc nhiệm.
Cuộc đấu tranh của những nông dân xã Đồng Tâm vẫn chưa
có hồi kết.
Lẽ ra, quân đội phải trả lại cho những người dân xã
Đồng Tâm 47,36 ha đất của sân bay Miếu Môn, Viettel chỉ là một tổ chức kinh
doanh giầu có của quân đội, giờ đây họ muốn có đất để phát triển cơ sở sản xuất
kinh doanh, họ phải thương lượng trực tiếp với những người nông dân, mua lại
đất của họ với giá thỏa thuận theo thị trường.
Sự kiện đã và đang xảy ra, nó chứng tỏ một chính quyền
không bảo vệ quyền lợi của người dân, Một chính quyền với các quan tham, tha
hóa cấu kết với những kẻ tham lam, làm hại quyền lợi của người dân.
Một chính quyền như thế đáng để xóa bỏ bằng các cuộc
khởi nghĩa nông dân bất bạo động, thay thế bằng một chính quyền của dân, đại
diện và bảo vệ quyền lợi cho dân.
Nguồn: Theo Ba Sàm
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire