12/04/2017

Sức mạnh tổ chức Đảng - “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”


Xuân Dương: "Với sự phát triển các cơ sở đào tạo, lý luận từ trung ương xuống đến huyện, với học vấn ngày càng cao (xét về bằng cấp) của đội ngũ cán bộ, đảng viên, với số lượng đảng viên tăng nhanh như vậy, lẽ ra sức chiến đấu của Đảng phải mạnh mẽ hơn, vậy tại sao lại xảy ra tình trạng “Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa”?"

 


(GDVN) - Chất lượng con người, đặc biệt là người lãnh đạo không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn vong của thể chế mà còn là sự tồn vong của đất nước, của dân tộc. 

Báo Nhân Dân điện tử (Nhandan.com.vn) ngày 3/1/2017 đăng bài của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình với tiêu đề: “Một vài suy nghĩ về xây dựng Đảng”.

Bài viết của bà Nguyễn Thị Bình có đoạn: “Vừa qua, có phải ta chú trọng phát triển về số lượng, không quan tâm đầy đủ về các tiêu chuẩn cần có của đảng viên.

Và ngay trong chính sách cán bộ của ta cũng có sơ hở để cho nhiều người không tốt, cơ hội, tìm cách vào Đảng để vào các cơ quan lãnh đạo hay quản lý của Đảng, Nhà nước. Vì vậy chủ trương về phát triển Đảng cũng cần xem xét và chấn chỉnh”.

Một trong những việc “cần xem xét và chấn chỉnh” có lẽ là chủ trương giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới.

Báo Thanhnien.vn viết về chỉ tiêu kếp nạp tại huyện Nhà Bè - Thành phố Hồ Chí Minh như sau: "số lượng đảng viên kết nạp năm 2016 đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra (28%)". [6]


Năm 1945 dân số Việt Nam vào khoảng hơn 20 triệu người, Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó có khoảng 5.000 đảng viên, chiếm tỷ lệ 0,025%.

Năm 1960, khi Đảng tiến hành Đại hội lần thứ 3, số lượng đảng viên là 50 vạn người [1] và dân số cả nước vào khoảng 30 triệu. Số lượng đảng viên chiếm gần 1,7% dân số.

Cuối năm 2016, khi tiến hành Đại hội Đảng lần thứ 12, số đại biểu dự đại hội là 1.500 người đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên. 


Cùng năm này cả nước có khoảng 92 triệu người, tỷ lệ đảng viên trên dân số khoảng 4,9% tăng gần gấp 3 lần so với năm 1960.

Với sự phát triển các cơ sở đào tạo, lý luận từ trung ương xuống đến huyện, với học vấn ngày càng cao (xét về bằng cấp) của đội ngũ cán bộ, đảng viên, với số lượng đảng viên tăng nhanh như vậy, lẽ ra sức chiến đấu của Đảng phải mạnh mẽ hơn, vậy tại sao lại xảy ra tình trạng “Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa”? [2]

Ngày 16/11/2012, Trung ương công bố Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 11 (Nghị quyết số 12-NQ/TW), một trong những nhận định quan trọng của Nghị quyết là:

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. 

Bài báo: “Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa” được đăng vào ngày 28/5/2016 trên Thanhtra.com.vn nghĩa là gần 5 năm sau khi Nghị quyết 12-NQ/TW được ban hành. [2] 

Bài báo sử dụng cụm từ “nhiều cán bộ” chứ không phải cụm từ “bộ phận không nhỏ” được sử dụng trong Nghị quyết 12-NQ/TW.

Đây chỉ đơn giản về phương diện ngôn từ hay còn phản ánh một thực tế, rằng “bộ phận không nhỏ” nay đã không còn là “không nhỏ”, nay đã là “nhiều”?

Nhận định “nhiều cán bộ thoái hóa” có thể chưa chính xác bởi không ít người không hề “thoái hóa”, họ giữ nguyên bản chất ngay từ khi gia nhập Đảng.  

Những người này tìm cách trở thành đảng viên với mục đích xa hơn là chạy chức, chạy quyền, trở thành lãnh đạo cơ quan công quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước. 

Bản chất “chạy” của họ không thay đổi kể cả khi đã có chức vụ cao và rất nhiều tiền. 

Đại diện cho nhóm người này phải kể đến các ông, bà: Hồ Xuân Mãn, Trịnh Xuân Thanh, Trần Vũ Quỳnh Anh, Trần Văn Truyền và “một bộ phận không nhỏ đồng chí chưa bị lộ” khác.

Trịnh Xuân Thanh, nguyên tỉnh ủy viên tỉnh Hậu Giang, khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét lập tức bỏ sinh hoạt đảng chạy ra nước ngoài. 

Tại Thanh Hóa, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Xây dựng (nhiệm kỳ 2015 - 2020) Trần Vũ Quỳnh Anh khi có dư luận trên truyền thông về con đường thăng tiến và tài sản cá nhân lập tức bỏ sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí.

Báo Laodong.com.vn viết: “Theo kết luận thanh tra, từ tháng 9/2016 đến nay, đồng chí Trần Vũ Quỳnh Anh không sinh hoạt chi bộ và từ tháng 1/2017 đến nay, không đóng đảng phí và cũng không sinh hoạt chi bộ, là vi phạm khoản 1, Điều 8 Điều lệ Đảng”. [3]

Những người này vào Đảng đâu phải vì lý tưởng phục vụ nhân dân, đất nước. Đối với họ, danh hiệu “đảng viên” chỉ là phương tiện, là nấc thang giúp họ trèo cao, chui sâu vào bộ máy công quyền để nhắm đến đích cuối cùng là của cải vật chất. 



Khi vai trò đảng viên không còn tác dụng, họ sẵn sàng vứt bỏ không thương tiếc, họ không hề thoái hóa. Họ biết cách lợi dụng các mối quan hệ hoặc bằng vật chất, đôi khi là những thứ mà dư luận tế nghị gọi là “vốn tự có” để nhận được hậu thuẫn từ những người “đang thoái hóa” hoặc đã “thực sự thoái hóa”.

Trong khi một số người bỏ sinh hoạt đảng như Trịnh Xuân Thanh, Trần Vũ Quỳnh Anh… thì lại có không ít người, dù bị dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ, bị kỷ luật đảng và xử lý về chính quyền nhưng lại kiên quyết không “bỏ sinh hoạt”.

Nhóm này, ngoài những cái tên đã nêu, còn có thể liệt kê khá nhiều như Trần Xuân Giá, Nguyễn Trường Tô, Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự,… Đây đều là những cựu lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. 

Những người này quyết tâm giữ danh hiệu đảng viên dù đã hoặc sẽ bị kỷ luật. Còn bấu víu được danh hiệu đảng viên nghĩa là còn hy vọng được “rút kinh nghiệm” hoặc “nghiêm túc kiểm điểm”. 

Có mấy người sau khi nhận hình thức “rút kinh nghiệm” hoặc “nghiêm túc kiểm điểm” sẽ tiếp tục bị xử lý hình sự?  

Cần phải nhấn mạnh, theo quy định tại khoản 2 điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thức kỷ luật đảng viên (chính thức) bao gồm 4 mức: “khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ”, không có hình thức “rút kinh nghiệm và tự phê bình nghiêm túc” như trường hợp Ủy ban Kiểm tra xem xét một vị Bí thư tỉnh ủy [4], hoặc “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc” như kết luận công bố ngày 26/12/2016. [5]

Nếu xem “rút kinh nghiệm sâu sắc” là một hình thức kỷ luật thì liệu có trái Điều lệ Đảng, còn nếu đó không phải là hình thức kỷ luật thì có cần thiết Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc?

Phải chăng cách thức xử lý kỷ luật chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng đảng viên nhiều nhưng chất lượng chưa cao?

Bên cạnh những đối tượng “có vấn đề” thì tình trạng bỏ sinh hoạt đảng của một bộ phận đảng viên như ở Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phải đề xuất ý tưởng “nghiên cứu sinh hoạt Đảng qua mạng”.  [6]  

Báo điện tử Vietnamnet.vn ngày 5/4/2017 trong bài: “'Chê' lương thấp, hàng loạt cán bộ ở Hậu Giang xin nghỉ việc” viết:

Trong năm 2016 địa phương này có 214 Đảng viên bị xóa tên, nguyên nhân cũng do phụ cấp thấp, kinh tế khó khăn nên bỏ công việc đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt trên 3 tháng…”.

Sức mạnh của một tổ chức được đúc kết qua câu nói: “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, các học giả vẫn còn tranh luận về giải nghĩa của chữ “hồ” trong câu thành ngữ song có thể hiểu câu thành ngữ này như sau: “quý ở sự tinh chứ không quý ở sự nhiều”.

Nước Việt có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, với 92 triệu dân, bình quân 33 người nuôi một người ăn lương.

Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có khoảng hơn 2 triệu, bình quân ở Mỹ 160 người dân nuôi một người ăn lương.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. [7]

Nhận định của Thủ tướng là nói về công chức, nhưng đa số công chức lại là đảng viên, vậy có thể áp dụng tỷ lệ 30% này cho đội ngũ đảng viên? 

Nếu câu trả lời là “có” thì sẽ có bao nhiêu phần trăm trong số 4,5 triệu đảng viên “không có cũng được”?

Chất lượng con người, đặc biệt là người lãnh đạo không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn vong của thể chế mà còn là sự tồn vong của đất nước, của dân tộc.

Không chỉ công tác cán bộ, trong đó có việc phát triển Đảng nên được xem xét lại - như ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình mà việc loại trừ khỏi hàng ngũ những người không đủ phẩm chất cũng cần làm quyết liệt hơn nữa.


Trường hợp một huyện ủy viên ăn trộm trứng trong hội chợ triển lãm tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chỉ bị khiển trách khiến người dân không khỏi bỡ ngỡ.

“Khiển trách” có nghĩa là vẫn đứng trong hàng ngũ của Đảng, nghĩa là tổ chức Đảng huyện Chợ Gạo chấp nhận có người “ăn trộm” trong hàng ngũ của mình?


Giá trị 16 quả trứng là quá nhỏ so với những vụ việc trị giá nhiều tỷ đồng nhưng bản chất của vấn đề hoàn toàn giống nhau, đó là hành động ăn cắp và đã là “kẻ cắp” thì không xứng đáng để nhân dân tin tưởng.

Tinh lọc đội ngũ đảng viên, giữ lại những người có tâm và đủ tầm không làm suy yếu Đảng, nếu cứ như hiện nay, không có gì đảm bảo rằng sức chiến đấu của Đảng sẽ được củng cố.

Những sai sót đã được kết luận thường được biện luận là “đúng quy trình”, liệu những “đúng quy trình” đó có dẫn đến đất nước lâm nguy cũng “đúng quy trình”?

Tài liệu tham khảo:









Xuân Dương

Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire