06/05/2017

Chịu trách nhiệm trước pháp luật là “đặc quyền” của dân?


|
Sau đó chỉ cần nhận lỗi là xong
GNsP – “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, theo ông Bộ trưởng, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đó là cách “giải quyết rốt ráo, công bằng, nghiêm minh với cả người dân và cán bộ” trong vụ việc ở thôn Hoành, Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).

Nếu nhìn câu phát biểu của ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng qua lăng kính của người Kitô hữu, tôi thấy luật pháp của nhà cầm quyền hiện tại không hề có sự CÔNG BẰNG trong cách sửa phạt cán bộ, quan chức. Tại sao chỉ có “nhận lỗi trước dân” ? 


Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, không một tạo vật nào có tình yêu lớn hơn Ngài, dù vậy Ngài vẫn đòi hỏi hối nhân sau khi nhận bí tích Hòa Giải vẫn phải “làm việc đền tội” khi xúc phạm đến Ngài và đến tha nhân. Vậy thì hà cớ gì nếu cán bộ sai thì chỉ cần “nhận lỗi” là đủ ? Lẽ nào người dân là kẻ mình trần mắt thịt lại nhân từ, bác ái hơn cả Thiên Chúa, không được quyền đòi hỏi những kẻ gây hại cho mình phải trả lẽ cho những tội ác họ đã gây ra ?

Thời gian qua, trên các trang mạng truyền thông Công Giáo có chia sẻ bộ phim ngắn “ Xưng Tội” – Bộ Phim đoạt giải Phim Ngắn Hay Nhất trong Liên Hoan Phim Công Giáo Quốc Tế 2016. Nội dung phim nói về một người đàn ông lái xe sau khi đã uống nhiều rượu từ một buổi tiệc về đã gây tai nạn. Thay vì chở nạn nhân đi cấp cứu, ông ta lại chạy trốn khiến nạn nhân phải tử vong sau đó. Sau 20 trốn chạy được pháp luật nhưng không trốn chạy được sự luận phạt của tòa án lương tâm, trước khi chết vì căn bệnh ung thư, ông ta đã tìm đến tòa giải tội để xưng thú tội lỗi, với mong muốn được ơn tha thứ của Chúa và gia đình nạn nhân để ra đi với một lương tâm thanh thản.

Dù vui mừng khi thấy có một con chiên biết quay đầu về bờ, biết cậy trông vào Lòng Thương Xót của Chúa nhưng vị linh mục giải tội vẫn nói: “Để được ơn Cứu Độ và được ơn tha thứ của Chúa, việc không đơn giản là đi xưng tội trước khi chết. Công lý phải được thực thi dựa theo pháp luật hiện hành, căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của tội lỗi ta đã phạm.”

Và hối nhân cũng đã trả lời: “ Thực ra thời gian điều tra quá hạn, vụ án đã khép lại nhưng sau khi xưng tội con sẽ ra đầu thú…”. Người đàn ông hiểu rằng cho dù đã xin lỗi Chúa, xin lỗi người bị hại thì khi đã gây ra tội ác thì ông ta vẫn phải trả lẽ cho tội ác của mình. Thiên Chúa là Đấng rất Nhân Từ nhưng cũng là Đấng rất Công Bằng.

“Ơn tha tội xoá mọi tội lỗi, nhưng không sửa chữa được những xáo trộn mà tội đã gây ra” như Thánh Công Đồng Trentinô đã dạy (x SGLCG, số 1459). Đó là lý do vì sao sau khi được tha mọi tội qua bí tích hòa giải, hối nhân vẫn còn phải làm một số việc lành để đền tội theo chỉ dẫn của cha giải tội.

Do vậy, xin lỗi, nhận lỗi là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để người có lỗi “sửa chữa được những xáo trộn mà tội đã gây ra”. Không đền bù tội lỗi bằng những hành động cụ thể theo phép công bằng thì người có lỗi không có cơ hội thực hiện quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Và cũng chính vì thế từ bao nhiêu năm qua, tội tham nhũng, tội quan liêu hiếp đáp dân lành, tội cướp đất xâm phạm tài sản của người dân … của cán bộ, lãnh đạo không hề suy giảm, không có dấu hiệu cải thiện, ngược lại ngày càng nghiêm trọng hơn. Không phải “ làm việc đền tội” và chỉ cần “nhận lỗi” vì thế sợi dây “ kinh nghiệm” vẫn là sợi dây càng rút lại càng dài.

Với đạo “Cha giải tội có thể từ chối ban phép tha tội nếu biết hối nhân cứ xưng đi xưng lại một tội nhiều lần, nghĩa là không cố gắng chừa tội, lạm dụng lòng khoan dung của Chúa”. Vậy với đời, người dân phải chịu đựng việc cán bộ sai chỉ cần “nhận lỗi” cho đến bao giờ ?

Trong khi đó, “dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Vậy ra pháp luật chỉ dành cho dân thôi sao? Cán bộ, giới cầm quyền được uống kháng sinh miễn nhiễm với việc thực thi công lý theo pháp luật hiện hành sao? Thật ra điều này không có gì mới lạ trong xã hội ngày nay : Dân ăn cắp ở bánh mỳ phải đi tù, quan tham nhũng hàng nghìn tỉ vẫn bình chân như vại, cùng lắm là bị cách chức, cắt khen thưởng sau khi đã về hưu. Dân tát công an ở tù là cái chắc nhưng công an đánh chết dân trong trại tạm giam là chuyện chỉ nên kiểm điểm, phê bình nội bộ… Do vậy, lời phát biểu của ông Bộ trưởng chỉ thêm phần khẳng định, hay cũng có lúc bản chất của sự việc cũng phải được phơi bày dù vô tình hay hữu ý.

Điều 7 trong Tuyên ngôn nhân quyền 1948 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào.” Và đây là điều các quốc gia đang cố gắng thực thi nếu không muốn đất nước mình trở lại thời kỳ đồ đá, man di mọi rợ, xa dần ánh sáng văn minh của nhân loại. Mong lắm thay, Việt Nam ơi !

Điền Phương Thảo






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire