04/05/2017

Để vượt qua nỗi lo phụ thuộc thị trường Trung Quốc


Trung Chánh


Việc Trung Quốc ngưng nhập heo hơi đang khiến nhiều người nuôi heo điêu đứng. Ảnh: THÀNH HOA


 “Thương nhân Trung Quốc đã len lỏi vào làng, xã chúng ta mua khoai lang, mua chuối... Chúng ta có người nào qua Trung Quốc làm được việc đó không? Nếu không thì làm sao chúng ta biết được chính sách bên đó như thế nào để mà ứng phó, cảnh báo?”
(TBKTSG) - Trong thương mại với Trung Quốc, nỗi lo quốc gia này “đóng cửa” nhập khẩu lúa gạo, rau quả, sản phẩm chăn nuôi hay “cắt đứt” nguồn cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày... lúc nào cũng hiện hữu đối với Việt Nam. Vậy, làm sao để vượt qua nỗi lo này?


Nỗi lo... phụ thuộc
Tại hội thảo “Ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 3-2017, chuyên gia kinh tế Bùi Văn, Phó hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Thị trường xuất khẩu của chúng ta (Việt Nam) rất tốt xét về phương diện đa dạng hóa, tức chúng ta phân chia rất đồng đều”, ông Văn khẳng định và cho biết hiếm có một nước nào có một thị trường xuất khẩu phân phối đa dạng, đồng đều như Việt Nam.
Thực tế, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về 10 thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 cho thấy Mỹ giữ vị trí thứ nhất với thị phần chiếm 21,8%; Trung Quốc chiếm 12,4%; Nhật Bản 8,3%; Hàn Quốc 6,5%; Hồng Kông 3,4%; Hà Lan 3,4%; Đức 3,4%; UAE 2,8%; Anh 2,8%; Thái Lan 2,1%.
Thế nhưng, vì sao Việt Nam lại thường xuyên lo sợ những nóng - lạnh từ thị trường Trung Quốc?
Bởi tuy về tổng thể xuất khẩu không lệ thuộc, nhưng đi vào nhóm ngành nông nghiệp thì lại lệ thuộc rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,88 triệu tấn, trong đó, xuất sang Trung Quốc chiếm đến 35,9%. Trong quí 1-2017, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta khi chiếm đến trên 35% giá trị xuất khẩu của toàn ngành (1,28 triệu tấn).
Với ngành rau quả, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong năm 2016 đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,74 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 70%.
“Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về nông- thủy sản của Việt Nam, EU thứ hai và sau đó là Mỹ”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết tại Diễn đàn kinh tế thường niên 2017 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 12-4-2017.
Hiện nước ta có khoảng 70% lao động đang sống ở khu vực nông thôn và thu nhập của họ lệ thuộc rất lớn vào sản phẩm lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi. Chính vì vậy, mọi biến động về thương mại (dù nhỏ) sang thị trường Trung Quốc, lập tức tác động trực tiếp đến đời sống của đại đa số người dân ở đây, mà thực tế điều này đã diễn ra với lúa gạo, cây ăn trái và sản phẩm chăn nuôi.
Trong khi đó, đối với nhập khẩu, có đến 28,7% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có thời kỳ lên hơn 30%. “Điều này nghĩa là một phần ba nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào Trung Quốc và đây là một điều vô cùng cấm kỵ đối với thương mại quốc tế. Nếu chúng ta phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu, thì rất không an toàn”, ông Bùi Văn nhận định.
“Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn”.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ
Theo ông Văn, điều đáng nói trong bức tranh nhập khẩu là chúng ta phụ thuộc lớn nhất vào thị trường Trung Quốc về phụ liệu may mặc, da giày. Trong khi đó, ở trong nước lại có hơn hai triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, những thay đổi ở thị trường này, lập tức có thể đẩy ngành dệt may, da giày trong nước rơi vào khó khăn, tức hơn hai triệu lao động đó có nguy cơ mất việc.

Làm sao để vượt qua?
Nhìn riêng vào ngành nông nghiệp, rõ ràng việc tiêu thụ đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, ông Trần Thanh Hải lại tỏ ra khá lạc quan với thị trường này. “Không lý do gì một thị trường với 1,3 tỉ dân, có nhu cầu rất lớn, mà chúng ta nói không phải là thị trường tiềm năng, đặc biệt là họ lại nằm ngay bên cạnh chúng ta”, ông Hải nói.
Theo ông, đặc điểm của thị trường Trung Quốc là nhu cầu rất đa dạng. “Bản thân nó (Trung Quốc) như một lục địa rồi, tức là phía Nam Trung Quốc khác miền Trung; khu vực Quảng Đông, Triết Giang khác với thành phố Tứ Xuyên... Với nhu cầu như vậy, nó sẽ đem lại khả năng cho chúng ta cung cấp sản phẩm rất đa dạng”, ông Hải phân tích.
Vấn đề còn lại là phải biết cách vượt qua những nỗi lo... phụ thuộc vào thị trường này.
Trao đổi với TBKTSG, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết Việt Nam hiện có một bộ phận dân cư, các chuyên gia đang sinh sống ở nước ngoài, những người am hiểu rất rõ về chính sách của quốc gia nơi họ đang sống, nhưng rất tiếc ta không có được sự “cộng tác” cần thiết. Trong khi đó, ở trong nước lại không hiểu hết được những gì đang diễn ra ở bên ngoài.
“Thương nhân Trung Quốc đã len lỏi vào làng, xã chúng ta mua khoai lang, mua chuối... Chúng ta có người nào qua Trung Quốc làm được việc đó không? Nếu không thì làm sao chúng ta biết được chính sách bên đó như thế nào để mà ứng phó, cảnh báo?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Theo ông Dũng, giới hoạch định chính sách, giới kỹ thuật trong nước luôn đi sau nhiều bước. “Muốn làm thì làm không được, cứ xoay xoay, trở trở vì dùng cái quan niệm thị trường của chúng ta, tư duy của mình để hiểu về người ta nên loay hoay mãi không ra”, ông Dũng nói.
Kế đến nữa, theo ông Dũng, là  phải đi tới chứ không thể đi lui. “Không lẽ không sản xuất nông nghiệp, không bán qua Trung Quốc? Phải đi tới, xuất hiện khó khăn thì đương đầu, đương đầu rồi học hỏi, học hỏi rồi làm tiếp, chứ không thể ngưng được, ngưng là chết”, ông nói.
Mỹ là thị trường Việt Nam đang xuất siêu 32 tỉ đô la Mỹ với những mặt hàng như nông - thủy sản, quần áo, giày dép. Ông cho rằng: “Nếu Mỹ chặn lại, đánh thuế cao hơn, thì tai họa sẽ còn lớn hơn rất nhiều”.
Với nông nghiệp, theo ông Dũng, nếu cải thiện được chất lượng sản phẩm và đưa sâu vào đời sống tiêu dùng của người Trung Quốc, thì lúc đó sẽ làm chủ được, có nghĩa không có sản phẩm của Việt Nam thì không có nguồn khác để bổ sung. “Lúc đó, ta có xuất sang Trung Quốc 70% tôm, 80% cá, 90% gạo, chúng ta cũng không sợ vì không có gạo của Việt Nam, không có cá, không có tôm của Việt Nam, thì người Trung Quốc cảm thấy không yên tâm. Đây là vấn đề thuộc về chiến lược, sách lược”, ông Dũng nói.
“Phụ thuộc không có nghĩa là chúng ta bị người ta mua nhiều rồi chúng ta bị phụ thuộc, mà người ta mua nhiều nhưng người ta mua anh vì không mua người khác được do chất lượng anh cung cấp không thay thế được (chứ không phải không có sản phẩm thay thế)”, ông Dũng giải thích.
Ông Dũng cho rằng muốn sản phẩm đạt chất lượng không thể chỉ hô hào mà phải thiết lập chương trình hành động hẳn hoi, có kế hoạch hỗ trợ nông dân ở chương trình nào, kỹ thuật gì, bộ máy khuyến nông ra sao, chi phí để hỗ trợ từ đâu... “Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn”, ông Dũng tái khẳng định.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire