Làm thế nào đưa
thảm họa môi trường biển liên quan tới công ty thép Formosa của Đài Loan, ra
trước tòa án trọng tài quốc tế để mang lại công lý cho người dân 4 tỉnh miền
Trung Việt Nam? Đó là nội dung được các diễn giả quốc tế mổ xẻ tại một hội nghị
tổ chức tại trụ sở Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/5.
Hội nghị quốc tế
đầu tiên để bàn thảo các khía cạnh pháp lý của thảm họa cá chết hàng loạt diễn
ra hơn 1 năm sau khi hàng trăm tấn cá chết, trôi dạt trên biển miền Trung, tác
động nặng nề tới các cộng đồng ngư dân địa phương. Múc đích của hội nghị là tìm
phương thức tốt nhất để đưa một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất
từng xảy ra ở Việt Nam, ra giải quyết trên bình diện quốc tế.
Bác sĩ Nguyễn Thể
Bình, một trong những diễn giả có mặt trong ban tổ chức, nói bà hy vọng hội
nghị sẽ “trang bị kiến thức cho những người Việt ở nước ngoài và cả trong nước
để đi những bước kế tiếp, để giúp những nạn nhân của Formosa cũng như giúp nền
kinh tế và môi trường Việt Nam phục hồi lại sau thảm họa này, và để tránh,
không để xảy ra tác hại đối với môi trường vì những vụ xả chất thải độc hại như
vậy nữa.”
Hình ảnh nhà máy thép Formos ở Hà Tĩnh. Công ty này đã thừa nhận xả thải độc ra biển và đồng ý đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân của thảm họa môi trường biển này. |
"Đây là một trong những bước đầu tiên để chính phủ Việt Nam có thể tham
luận với các chuyên gia ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Họ cũng có thể mời
chuyên gia, luật gia của quốc tế tới để tham khảo những trường hợp, những khía
cạnh nào có thể tố tụng được về công ty Formosa. Những công ty đã xả thải độc
tố sẽ là những người mang trách nhiệm nặng nề nhất và sau đó những phần tử đồng
lõa cũng sẽ bị kết tội liên đới," theo bà Bình.
Giáo sư Malaika
Bacon-Dusseault thuộc khoa luật, Đại học Moncton của Canada, trình bày khả năng
khởi kiện vụ Formosa về khía cạnh liên quan tới tội ác chống nhân loại. Bà nói
“vấn nạn xả chất thải độc hại ra môi trường vẫn tiếp diễn” và nếu chứng minh
được là hoạt động này tác động trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con
người, thì đây có thể được coi như một “tội ác đối với nhân loại.”
Tuy nhiên, giáo sư
Dusseault nói muốn khởi kiện thì cần thu thập bằng chứng rõ ràng và “thuyết
phục chính phủ Việt Nam công nhận quyền tài phán của tòa.”
"Tôi nghĩ là có khả năng để tiếp cận và hợp tác với Đài Loan một cách có ý nghĩa. Vì Formosa là công ty Đài Loan nên chính quyền Đài Loan có thể điều tra để đưa ra nhiều thông tin hơn, cho nên Đài Loan có lẽ là một lựa chọn tốt hơn để đi đến một giải pháp vững chắc cho những nạn nhân đang chịu đựng thảm họa."
Luke Wilson, giáo sư khoa luật trường Đại học George Washington |
Việc thu thập bằng
chứng là một thách thức đối với giới hoạt động vì môi trường ở Việt Nam bị đàn
áp và giam cầm. Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa là trường hợp gần đây nhất bị
khởi tố về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”
sau khi ghi nhận và đăng tải thông tin và hình ảnh về thảm họa môi trường
Formosa.
Ông Stephen Rapp,
quan chức đặc trách các vấn đề tội phạm chiến tranh của bộ Ngoại giao Mỹ, nói
“bằng chứng phải là những tài liệu với các con số cụ thể chứ không đơn giản là
những bức ảnh.”
Theo bà Malaika,
Việt Nam không phải là một thành viên ký kết công ước tội phạm quốc tế (ICC hay
Rome Statute), Hoa Kỳ cũng không ký kết Rome Statute cho nên cộng đồng người
Việt ở Mỹ muốn khởi kiện cũng không thể làm được.
Giáo sư Luke Wilson
thuộc khoa luật trường Đại học George Washington đề xuất một giải pháp gọi là
“cơ chế bêu xấu” (shaming mechanism), một cách để nêu tên và bêu xấu trước cộng
đồng quốc tế “những hành vi đáng xấu hổ” của một chính quyền nào đó, với mục
đích đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Giáo sư Wilson nói xã hội dân sự có thể
giúp trong việc này.
"Xã hội dân sự ở Việt Nam đương nhiên đóng 1 vai trò trong việc giao tiếp
với chính quyền bằng tiếng nói của những công dân và cho họ “biết đây là điều
mà chúng tôi muốn”. Tất nhiên là không dễ để có được tiếng nói nhưng có thể làm
bằng cách gắn kết xã hội dân sự bên ngoài Việt Nam, từ khắp nơi trên thế giới
để mở rộng thêm thông điệp đó. Do đó ở Việt Nam, điều mà họ cần làm là trở
thành một công dân tốt hơn để có thể sử dụng hiệu quả một trong những cơ chế đó
(shaming machanism) nhằm yêu cầu chính phủ phải hành động và mặt khác, cần tham
gia vào những việc lớn hơn trên toàn cầu để thực hiện được mục tiêu."
Tuy nhiên, giáo sư
Wilson khuyến cáo “đây là một trường hợp khó đưa ra tòa. Chúng ta cần có nhà
nước hành động và chúng ta cần có ý chí của tất cả mọi người để mang vụ này ra
công lý.”
Ông gợi ý về một
giải pháp hợp tác quốc tế. "Tôi nghĩ là có khả năng để tiếp cận và hợp
tác với Đài Loan một cách có ý nghĩa. Vì Formosa là công ty Đài Loan nên chính
quyền Đài Loan có thể điều tra để đưa ra nhiều thông tin hơn, cho nên Đài Loan
có lẽ là một lựa chọn tốt hơn để đi đến một giải pháp vững chắc cho những nạn
nhân đang chịu đựng thảm họa."
Formosa đã đồng ý
đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung
nhưng theo một nhà hoạt động nhân quyền trong cuộc trao đổi với VOA, người dân
không hài lòng với mức đền bù này và vẫn tiếp tục đòi chính phủ đóng cửa nhà
máy Formosa- Hà Tĩnh.
Đại diện cho
Vietnam For Progess, bác sĩ Nguyễn Thể Bình nói hội nghị này được tổ chức ở Hoa
Kỳ để những người Mỹ gốc Việt có thể làm gì để thay đổi bằng cách đưa vấn đề
này lên tới tầm ảnh hưởng của quốc tế. Bà hy vọng hội nghị ở Washington, có thể
được xem như một cái nôi chính trị của thế giới, sẽ thúc đẩy những nỗ lực tương
tự để tổ chức các hội nghị ở Canada, Úc hay châu Âu.
Nguồn: Theo VOA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire