Khai thác dầu ở
thềm lục địa Việt Nam. Năm nay, Việt Nam dự trù hút thêm một triệu tấn dầu thô. (VnExpress) |
Tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Tuy
tăng trưởng của quý một năm nay được ước tính là tăng 5,1% so với cùng kỳ
năm ngoái nhưng vẫn là mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua.
Đó là nhận định mà Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội Việt Nam nêu trong Báo cáo Thẩm tra “Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả
phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những
tháng đầu năm 2017” của chính phủ Việt Nam.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam về
ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ ba, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh
tế của Quốc hội Việt Nam, nhận định, với bối cảnh như hiện nay, mức độ tăng
trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay rất khó có thể đạt chỉ tiêu mà Quốc hội
Việt Nam đã đề ra (GDP tăng 6,7%).
Tuy nhiên ông Thanh khuyến cáo, chính
phủ Việt Nam không nên chuyên chú vào mức độ tăng trưởng. Điều cần phải chú ý
là chất lượng tăng trưởng và phải bảo đảm yếu tố phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam lao đao vì phụ thuộc quá nhiều vào hoạt
động khai khoáng, đến nay vẫn chưa tìm được động lực thay thế công nghiệp khai
khoáng. Tài nguyên (gỗ, cát,…) vẫn bị khai thác theo kiểu mà ông Thanh ví von
là “tận khai, tận diệt” gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cả cho sinh hoạt lẫn
sinh kế của dân chúng, làm rối loạn an ninh trật tự và suy giảm khả năng
phòng, chống thiên tai. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam đó là
hệ quả của việc “buông lỏng quản lý” để cho các nhóm lợi ích chi phối
khiến chính sách không còn hiệu lực.
Tuy vốn đầu tư trực tiếp của các doanh
nghiệp ngoại quốc (FDI) vẫn là một nguồn lực quan trọng đối với kinh tế Việt
Nam nhưng theo ông Thanh, hệ thống công quyền Việt Nam mới chỉ dành cho các
doanh nghiệp FDI vô số ưu đãi chứ chưa khai thác được các yếu tố tích cực khác
từ các doanh nghiệp FDI để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là về công
nghệ.
Trong khi đó, qui mô của các doanh
nghiệp Việt Nam tiếp tục teo tóp, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam thiếu trụ cột,
thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và khả năng sáng tạo thấp.
Một yếu tố khác cũng được ông Thanh nêu
ra là sự bất cập của chính sách đất đai hiện hành, sự bất cấp này khiến ngân
sách thiệt hại nặng nề vì không thu được chênh lệch địa tô, mặt khác khiến
việc thu hồi, đền bù trở thành thiếu minh bạch, thiếu hợp lý, tạo thành
xung đột lợi ích kéo dài, gây mất ổn định xã hội.
Năm ngoái, mức độ tăng trưởng của kinh
tế Việt Nam không đạt chỉ tiêu. Hồi tháng 4 vừa qua, khi họp với đại diện các
hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để “tìm giải pháp ép nền kinh tế đạt
chỉ tiêu tăng trưởng”, chính phủ Việt Nam đã tính đến chuyện “ép” để đạt cho
bằng được mức độ tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội Việt Nam đề ra. Cuối cùng giải
pháp duy nhất được nhiều cá nhân tán thành là khai thác thêm dầu thô.
Bộ Công Thương Việt Nam ước tính, nếu
khai thác thêm một triệu tấn dầu thô (hiện là 12,28 triệu tấn) và giá dầu thô
trên thị trường thế giới ở mức 55 Mỹ kim/thùng thì tổng doanh thu cả năm sẽ
khoảng 450.000 tỉ đồng, tăng thêm so với dự tính khoảng 12.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên chẳng ai dám đoan chắc giá dầu
thô trên thị trường thế giới sẽ ổn định ở mức mà chính phủ Việt Nam mong muốn.
Vài năm gần đây, một trong những lý do khiến Việt Nam không cân đối được ngân
sách, bội chi, phải vay mượn để chi tiêu là vì giá dầu thô trên thế giới liên
tục sụt giảm.
Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của
Quốc hội Việt Nam, chính thức khuyến cáo, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn tăng
sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng như một giải pháp
nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng vì lợi bất cập hại.
Nguồn: Theo Người Việt
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire