Xuân Dương
Theo quan điểm của người viết, cách chống tham nhũng,
lãng phí hiệu quả là cải cách thể chế, là công khai, minh bạch trong đánh giá
công và tội, cùng với đó là lắng nghe ý kiến nhân dân thông qua các phương tiện
truyền thông đại chúng.
Chỉ với sự ủng hộ của toàn dân thì cuộc chiến chống
nội xâm mới có thể thắng lợi.
Một cá nhân dám nghĩ, dám nói, dám làm phạm sai lầm
vẫn tốt hơn rất nhiều so với những kẻ âm thầm giật dây, những kẻ giấu mặt chờ
ngày hạ cánh an toàn.
(GDVN) - Người dân đồng tình với ý kiến của Tổng Bí
thư song cũng có nguyện vọng muốn Đảng chỉ rõ, đến mức nào thì “không còn tư
cách đảng viên”?
Người viết từng khen hành động “đu dây” của ông Đinh
La Thăng trong vụ tai nạn ôtô tại Lào Cai, từng phê phán chuyện BOT
(Build-Operate-Transfer, Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao) thời ông Thăng còn làm
bên Giao thông Vận tải qua bài “Đâu là tế bào gốc của xã hội
nhóm lợi ích” [1], cũng phản đối mạnh mẽ chuyện Thành phố Hồ Chí
Minh xin được in sách giáo khoa riêng, tổ chức thi quốc gia tốt nghiệp Trung
học Phổ thông riêng. [2]
Nói một cách công bằng, với ông Đinh La Thăng, không
phải mọi việc ông làm đều sai lầm, nhờ có BOT mà diện mạo hệ thống đường bộ
Việt Nam thay đổi rõ rệt, ông là con người nói mạnh, làm nhiều và vì thế mắc
một số sai lầm cũng là bình thường.
Chỉ có ai đó suốt ngày chờ xin ý kiến thì mới không sợ
mắc khuyết điểm, dù có mắc khuyết điểm thì đã có chữ ký của cấp trên bảo lãnh,
không việc gì phải sợ.
Có thể một số người cảm thấy ngạc nhiên một lãnh đạo
“nổi” như ông Đinh La Thăng, thăng tiến nhanh như ông vì sao lại bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề
nghị xem xét kỷ luật.
Còn nhớ một vị đại biểu Quốc hội đã từng đề cập đến “văn hóa từ chức” với
một vị lãnh đạo cao cấp, thế nên việc Trung ương xem xét kỷ luật một Ủy viên Bộ
Chính trị chỉ là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí của
Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới và cũng là đáp ứng đòi hỏi của nhân dân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, ông Đinh La Thăng có trách nhiệm với nhiều sự việc xảy ra trong thời gian làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí. ảnh: VOV. |
Thất thoát ngân sách, làm ăn thua lỗ ở Vinashin, Vinalines,
Gang thép Thái Nguyên,
Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ…
không chỉ làm mất một lượng lớn tiền thuế của dân mà cũng tổn thất một lượng
không nhỏ cán bộ, trong đó có những cán bộ cao cấp.
Việc “kết bè, kéo cánh” đưa thành viên của nhóm - dù khuyết
điểm rất nặng - vào các vị trí quan trọng trong cả ba nhánh quyền lực: lập
pháp, hành pháp và tư pháp từ trung ương xuống địa phương đã được đề cập trong
các Nghị quyết 4 khóa 11 và Nghị quyết 4 khóa 12:
“Đang có một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ
có chức quyền không giữ nổi mình trước cám dỗ của bạc tiền, sa vào tham
nhũng, tiêu cực, "kết bè kéo cánh" che chắn, o bế nhau, "thò
vòi bạch tuộc" khuynh đảo kinh tế - xã hội ở đủ các lĩnh vực, đến độ thò
được cả tay vào tham nhũng từ chính sách! Và đây là mối lo lớn của Đảng, của
nhân dân”. [3]
Chẳng ai vui mừng khi trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp
có người yếu về năng lực quản lý, người khác có vấn đề về đạo đức, lối sống,…
Điều nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước là khi các
cá nhân ấy “kết bè, kéo cánh” hình thành nên các “nhóm lợi ích” cấu kết, lũng
đoạn công tác cán bộ theo phương châm “tìm người nhà, không tìm người
tài”.
Ông Đinh La Thăng là người nhạy bén, điều này nhiều
người đã công nhận.
Vấn đề là vì sao một người được xem là có năng lực như
ông Thăng lại không đủ nhạy bén trước những bê bối của ngành Dầu khí và Giao
thông khi ông giữ vị trí lãnh đạo?
Việc ông không đủ “tiềm lực” thoát khỏi sợi dây ràng
buộc của “nhóm lợi ích” có phải là một trong các nguyên nhân khiến con đường
ông đi trở nên không bằng phẳng hay cũng còn vì ông chính là người góp công
không nhỏ trong việc tạo dựng không phải chỉ một “nhóm lợi ích”?
Ngoài “nhóm lợi ích Dầu khí”, liệu có phải ông cũng là
người đặt nền móng cho “nhóm lợi ích BOT” trong ngành Giao thông khi mà quá
nhiều bất cập trong các dự án BOT liên quan đến giao thông đường bộ khiến người
dân, doanh nghiệp lên tiếng phản đối?
Có hay không trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và
lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ này trong các vụ việc liên quan đến thu phí ở cầu
Bến Thủy, cầu Rác, cầu Việt Trì, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang hoặc tuyến Pháp Vân
- Cầu Giẽ,…
Nhiều ý kiến cho rằng “buông lỏng quản lý” là nguyên
nhân chính dẫn tới “mất cán bộ” và cũng là nguyên nhân thua lỗ tại hàng loạt dự
án công nghiệp.
Báo điện tử Dangcongsan.vn số ra ngày 12/10/2016 trích
dẫn:
“Vụ án Trương Văn
Cam với 155 bị can được đưa tra xét xử công khai, có đến 21 người nguyên là cán
bộ, đảng viên, trong đó có 2 Ủy viên Trung ương Đảng và hàng trăm cán bộ, đảng
viên có liên quan phải xử lý kỷ luật, trong đó có 6 người thuộc ngành công an
và 15 người thuộc ngành kiểm sát”. [4]
Quản lý cán bộ và giám sát quyền lực để cán bộ không
ngộ nhận quyền được trao là vấn đề nổi cộm hiện tại nhưng theo người viết đó là
chuyện “trên ngọn”, không phải “dưới gốc”.
Gốc của mọi vấn
đề là việc chọn người để trao quyền lực.
Khi công tác tổ chức còn bị định hướng bởi “tìm người
nhà, không tìm người tài”, khi các “nhóm lợi ích” đủ sức mạnh đưa người của
mình ngồi vào chiếc ghế quyền lực thì rất khó giám sát hay quản lý, đơn giản
chỉ bởi cá nhân đó sẽ làm theo mệnh lệnh của “nhóm” chứ không phải theo nghị
quyết hay pháp luật.
Mặt khác, nhiều năm qua khi phát hiện ra các đối tượng
“có vấn đề” thì hình thức kỷ luật mới chỉ là “gãi từ vai trở xuống”.
Điều này có phải là để bảo vệ cán bộ, để khỏi “mất cán
bộ” hay còn là do bị chi phối bởi chính công tác cán bộ dưới sự điều khiển của
các “nhóm lợi ích”?
Tháng 5/2016, tại Hội nghị triển khai Chương trình
hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận
của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
phát biểu:
"Một số người
vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng
và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ…
Điều nghiêm trọng
là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham
muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả,
tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên”.[5]
Phải chăng chính hiện tượng “kéo bè, kéo cánh” -
như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - là nguyên nhân khiến một số
người dù mắc khuyết điểm “rất nghiêm trọng” vẫn hội đủ số phiếu bầu qua các
kỳ đại hội?
Nếu một (hoặc một số) cá nhân được đề cử giữ các vị
trí quan trọng khi các khuyết điểm bị đánh giá là “nghiêm trọng” hoặc “rất
nghiêm trọng” thì không thể là do “Quản lý cán bộ và giám sát quyền lực” có vấn
đề mà bởi một số nguyên nhân khác.
Vậy “nguyên nhân khác” ở đây là gì, để trả lời câu hỏi
này cần phải làm rõ mấy điểm sau:
Thứ nhất, đó
là việc vì sao và bằng cách nào những người mắc khuyết điểm “nghiêm trọng” hoặc
“rất nghiêm trọng” không bị xử lý kịp thời, vẫn được cơ cấu vào những vị trí
quan trọng hoặc rất quan trọng trong hệ thống chính trị?
Ý kiến của Luật sư Nguyễn Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ
nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội: “Bên cạnh việc kỷ luật nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cao
cấp có vi phạm trước đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên
quan tới công tác đề bạt, bổ nhiệm những người này”
[6] rất đúng song người viết vẫn băn khoăn, hình như có gì đó chưa đủ.
Theo nguyên tắc, việc “đề bạt, bổ nhiệm” chức vụ trong
hệ thống chính trị chỉ được thực hiện nếu ứng viên vượt qua kỳ bỏ phiếu tại đại
hội các cấp.
Với những vị trí quan trọng - Bí thư tỉnh hoặc Bộ trưởng
trở lên - thì phải được bầu vào Trung ương.
Ở đây không thể bỏ qua ý thức trách nhiệm của những
“lá phiếu” trong bầu cử, nói rõ hơn “lá phiếu” bầu cho ai đó thể hiện bản lĩnh
chính trị của người bầu.
Bầu cho người mắc khuyết điểm “rất nghiêm trọng” liệu
có phải là do thiếu thông tin, do ngây thơ tin vào sự giới thiệu hay còn vì lý
do khác?
“Công tác đề bạt, bổ nhiệm” những người mắc khuyết
điểm liên quan đến việc kiểm soát quyền lực.
Khi quyền lực không tập trung, bị “cát cứ” bởi “kết
bè, kéo cánh” thì hệ quả không thể tránh là số phiếu sẽ (tạm thời) nghiêng về
bên chiếm ưu thế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn rất xa khi di huấn: “giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi
của mắt mình”, tồn tại “bè cánh” có phải là làm trái di chúc của
Người?
Thứ hai, những
sai phạm “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” đó thuộc vào phạm trù năng lực,
tư cách, đạo đức hay pháp luật?
Nếu thuộc phạm trù “năng lực, tư cách, đạo đức” thì
việc phê bình kiểm điểm theo Điều lệ Đảng, kèm theo đó là kỷ luật về chính quyền
là phù hợp.
Tuy nhiên, nếu khuyết điểm là những việc làm vi phạm
pháp luật thì không thể dừng ở mức kiểm điểm hoặc kỷ luật nội bộ mà phải xử lý
hình sự. Đây là nguyên tắc tối thượng của một Nhà nước pháp quyền.
Chỉ khi nào làm được điều này chúng ta mới có thể
khẳng định nguyên tắc “trước
pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng”.
Dư luận từng có
nhiều phản ứng khi một cựu lãnh đạo thành phố Hà Nội bị đánh giá là vi phạm
pháp luật song lại được đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cách thức bao che cán bộ như thế không làm tổ chức
Đảng mạnh lên và hậu quả là người dân suy giảm niềm tin vào vai trò lãnh đạo.
Thứ ba, nếu
một đảng viên bị Ủy ban Kiểm tra các cấp đánh giá mắc khuyết điểm “nghiêm
trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” thì có còn phù hợp với tiêu chuẩn quy định trong
Điều lệ Đảng, có còn xứng đáng đại diện cho nhân dân tại các cơ quan dân bầu -
Hội đồng Nhân dân hoặc Quốc hội?
Khi một Huyện ủy viên ăn cắp hơn chục quả trứng (huyện
Chợ Gạo, Tiền Giang) vẫn là đảng viên thì thật khó để người dân xem đó là người
lãnh đạo của mình.
Trở lại ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao
cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống
ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên”.
Người dân đồng tình với ý kiến của Tổng Bí thư song
cũng có nguyện vọng muốn Đảng chỉ rõ, đến mức nào thì “không còn tư cách đảng
viên”?
Cán bộ khối công quyền bị điều chỉnh bởi nhiều đạo
luật như Luật Hình sự, Luật Công chức, Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng,…
mỗi tội danh đều có mức xử lý cụ thể.
Nên chăng Điều lệ Đảng cũng cần có những quy định chi
tiết, xem đó là “Luật của Đảng”?
Nếu Điều lệ là văn bản tối thượng giống như Hiến pháp
thì cần các văn bản “quy phạm” hướng dẫn thi hành Điều lệ thật cụ thể, chẳng
hạn quy định “ăn cắp bất cứ thứ gì, bất kể giá trị như thế nào” thì đều “không
còn tư cách đảng viên”.
Làm được việc đó
nhân dân sẽ không còn phải nêu câu hỏi, những người như các ông Trần Văn Truyền, Hồ Xuân Mãn, Vũ Huy Hoàng,… còn
hay không còn tư cách đảng viên?
Tuy nhiên, muốn xây dựng một Nhà nước pháp quyền “của
dân, do dân và vì dân” thì Hiến pháp phải là văn bản pháp luật tối thượng.
Thứ tư,
nếu chỉ xử lý trực tiếp những cá nhân mắc khuyết điểm, liệu đã có thể khẳng
định cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí không có vùng cấm?
Có thể thấy, ít có cá nhân nào “mắc khuyết điểm một
mình”, họ đều có “phe cánh” và “ô dù” vậy nên nếu không tìm đến “tổ con tò vò” thì
việc xử lý cũng như tỉa cành, vặt lá còn “sâu đục thân” vẫn tiếp tục vòng đời
trong bóng tối để cho ra đời các thế hệ “sâu non”.
Một nhà nghiên cứu nước ngoài khá quen thuộc với độc
giả Việt Nam - ông Jonathan London - đã có ý kiến đáng suy ngẫm:
“Cái
chúng ta cần là sự dũng cảm đưa đất nước đến những cải tổ định chế, trong đó nỗ
lực chống tham nhũng (cần) nhận được sự quan tâm và ủng hộ cần thiết của công
chúng”.
Theo quan điểm của người viết, cách chống tham nhũng,
lãng phí hiệu quả là cải cách thể chế, là công khai, minh bạch trong đánh giá
công và tội, cùng với đó là lắng nghe ý kiến nhân dân thông qua các phương tiện
truyền thông đại chúng.
Chỉ với sự ủng hộ của toàn dân thì cuộc chiến chống
nội xâm mới có thể thắng lợi.
Với cá nhân ông Đinh La Thăng, nếu ông nhận rõ khuyết
điểm, người viết cho rằng nên tạo điều kiện để ông sửa chữa.
Một cá nhân dám nghĩ, dám nói, dám làm phạm sai lầm
vẫn tốt hơn rất nhiều so với những kẻ âm thầm giật dây, những kẻ giấu mặt chờ
ngày hạ cánh an toàn.
Tài liệu tham khảo:
[5] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-ve-cong-tac-dan-van/255067.vgp
Xuân
Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire