|GNsP (27.06.2017)
– Em Nguyễn Văn Hóa, người bị cơ quan an ninh điều tra tỉnh Hà Tĩnh khởi tố,
bắt tạm giam từ đầu năm 2017 đến nay vì bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà
nước” theo Điều 88 BLHS, đã “từ chối luật sư” bảo vệ quyền lợi cho mình. Điều
này được cơ quan an ninh điều tra Hà Tĩnh “trao đổi” với Công ty luật TNHH Hà
Huy Sơn và Luật sư Hà Huy Sơn” tại văn bản đề ngày 21.06.2017 “từ chối cấp Giấy
chứng nhận người bào chữa” (lần thứ hai) cho Luật sư Hà Huy Sơn.
“Từ chối luật sư” có bình thường?
Nếu tìm kiếm “bị can từ chối luật
sư”, sẽ có “khoảng 220.000 kết quả/0,6 giây” với hàng loạt các tựa bài báo lề
đảng như “bất thường trong việc bị can từ chối luật sư”; “giải mã” hiện tượng
bị can từ chối luật sư”; “xúi” bị can từ chối luật sư”; “bị can từ chối luật
sư: thực hư thế nào?”; “bị can từ chối luật sư bào chữa vì điều tra viên dọa
“chỉ có nặng hơn”…
Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp qui
định: “4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử
có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Điều 11 BLTTHS
cũng qui định: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ
người khác bào chữa.Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm
cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy
định của Bộ luật này.” Đây là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
Còn về phía người bị bắt, trước
sự hoang mang cao độ về những diễn biến mới xảy ra, không am hiểu pháp luật, bị
cắt mọi nguồn thông tin, tìm kiếm, mất đi sự hỗ trợ, an ủi từ người thân… Cho
dù người “cố ý phạm tội” cũng mong có luật sư bên cạnh để tư vấn, khích lệ và
tìm hiểu qui định pháp luật về “giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”.
Một trong những bài báo của nhà
nước đã thừa nhận cách đây gần chục năm rằng: “Những người bị tạm giam thừa
biết rằng, khi có luật sư bào chữa họ sẽ có chỗ dựa tâm lý quan trọng và luật
sư cũng chính là sợi dây liên lạc giữa họ và gia đình trong thời gian họ bị
giam giữ để điều tra. Vì thế, việc từ chối luật sư của họ không khác gì “kẻ
chết đuối” vứt bỏ chiếc “cọc” duy nhất mà họ có được. Khó mà lý giải rằng, việc
từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra của các bị can bị tạm giam là chuyện
bình thường, nhất là nó liên quan đến những vụ án có dấu hiệu oan sai”.
Còn Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó
Chủ nhiệm ĐLS Lạng Sơn trả lời câu hỏi: “Theo ông thì việc từ chối luật sư khi
họ bị tạm giam là bình thường hay không bình thường?” đã thẳng thắn: “Không
bình thường. Là bị can, họ cần luật sư nhưng trong điều kiện bị tạm giam, họ đã
nhận được những thông tin không chính xác về vai trò của luật sư hoặc những áp
lực khác nên dẫn đến họ từ chối luật sư, như: việc có luật sư là không cần
thiết, việc có luật sư sẽ tốn kém… Nói tóm lại, họ bị tác động tâm lý từ điều
tra viên chứ tự thân họ không muốn từ chối luật sư”.
Nguyễn Văn Hóa, một trong số ít ỏi các bạn trẻ mạnh mẽ dấn thân với bà con ngư dân Miền Trung sau vụ thảm họa Formosa. |
“Chiêu trò” của điều tra viên!
Một Luật sư sống tại Sài Gòn, đã
từng hoạt động nghề nghiệp trên 25 năm nói với phóng viên GNsP rằng, qua sự
kiện này cho thấy, một phần do điều tra viên yếu luật nên ngại có luật sư tham
gia để “chỉ vẽ cho thân chủ”. Mặt khác, có luật sư tham gia hỏi cung điều tra
viên sẽ không thể ép cung, dùng nhục hình, sẽ cảm thấy mất oai, mất quyền lực…
Còn bị can thì vững dạ khi có luật sư nên không dễ dàng nhận tội theo ý điều
tra viên. Chưa kể, bị can sẽ không dễ mắc bẫy các chiêu trò điều tra viên bày
ra như: viết bản tự khai “nhận tội”do điều tra viên đọc cho viết, hoặc chép lại
“bản nháp” của điều tra viên; Để trống một vài hàng trong biên bản hỏi cung để
điều tra viên “tự điền” vào sau…” Lẽ vậy, thường trong các vụ án không phải do
“bắt quả tang”, luật sư sẽ chỉ có thể tham gia bào chữa – cho dù đã được cấp
giấy chứng nhận bào chữa – sau khi bị can đã “nhận tội”! Một “chiêu trò” khác
thường được điều tra viên áp dụng là “đe dọa” có luật sư tội sẽ nặng hơn hay
“không nhờ luật sư thì sẽ tạo điều kiện giảm nhẹ, cho gặp gia đình…
Một bài báo Pháp luật của đảng kể
lại một trường hợp của bị can đã “từ chối luật sư” khó hiểu như sau: “Kết thúc
giai đoạn điều tra, giai đoạn quan trọng nhất trong việc lập hồ sơ của vụ án,
gia đình ông Ninh tiếp tục mời luật sư và được Tòa án cấp giấy chứng nhận bào
chữa. Khi luật sư vào trại tạm giam gặp ông Ninh, ông Ninh đã khóc vì mừng.
Luật sư Lê Văn Đài cho biết, khi gặp luật sư ông Ninh đã nói “tôi mong các anh
từng ngày”. Khi được hỏi vì sao trong giai đoạn điều tra, ông lại viết đơn từ
chối luật sư, ông Ninh cho biết, ông… không còn lựa chọn nào khác”. Bài báo
cũng xác nhận: “Các luật sư phản ánh hiện tượng “từ chối luật sư” đa phần là do
áp lực của điều tra viên…”.
“Bất lực” trước điều tra viên?
Ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn làm
chủ tịch quốc hội đã từng phát biểu hùng hồn từ năm 2014 rằng: “Hiến pháp
đã quy định việc LS được tham gia vụ án ngay từ đầu, cùng thu thập chứng cứ,
lắng nghe thân chủ để có căn cứ bào chữa. Vì vậy sự có mặt của LS từ đầu trong
quy trình tố tụng phải là điều kiện bắt buộc”. Nhưng đến nay pháp luật đều “bó
tay” trước hiện tượng “bất thường” bị can từ chối luật sư do điều tra viên đưa
ra để “từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa” cho luật sư.
Một bài báo lề đảng hiến kế: “Về
lâu dài nên chính thức ghi nhận quyền im lặng cùng các nội hàm của nó trong
BLTTHS. Còn trước mắt, khi bị làm khó, các LS nên kiến nghị nhờ Liên đoàn luật
sư Việt Nam can thiệp…”.
Thế nhưng, một luật sư giữ chức
Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, kiêm chủ nhiệm ủy ban bảo vệ quyền lợi
luật sư của Liên đoàn cũng “bó tay” khi phát biểu tại Hội thảo về các nội dung
cần sửa đổi, bổ sung trong dự án BLTTHS (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ
chức: “Đây là vấn đề nan giải, chuyện nói trên (bị can từ chối luật sư) là vấn
đề bất thường, nó là rào cản về quyền tối thiếu của người dân được cung cấp
dịch vụ pháp lý…” Và ông này (đã cung cấp 6 bộ hồ sơ bị từ chối cấp giấy bào
chữa tại Hội thảo) cũng chưa dám nói sự thực khi phát biểu: “100% bị can từ
chối LS nhưng sau đó lại mời LS tham gia. Khi tôi hỏi lý do thì họ giải thích…
trong bốn bức tường, điều tra viên đã nói gì với họ. Tôi xin không được phép
nói ra tại đây”. Sau đó phải nhờ một người khác lý giải dùm “điều không dám nói
ra ở đây” là “do có sự tác động của điều tra viên nên bị cáo mới từ chối luật
sư”… Như thế thì còn trông chờ gì vào cái Liên đoàn luật sư Việt Nam? Và cái
“ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư”? Nhiều luật sư từng đặt câu hỏi “luật sư
không tự bảo vệ quyền bào chữa cho mình thì còn bảo vệ quyền lợi cho ai?”.
Em Nguyễn Văn Hóa, sinh năm 1995.
Ở độ tuổi 22, em Hóa đã bươn trải, tất bật với cuộc sống khá sớm do gia cảnh
không khá giả gì. Can đảm và mạnh mẽ hơn khi Hóa bước chân ra ngoài những khát
vọng của tuổi trẻ, sự nghiệp, công danh, bất chấp sự an toàn… để bôn ba, lặn
lội đó đây thu thập các thông tin, hình ảnh, video liên quan đến cuộc sống
nghèo tinh thần vật chất của bà con ngư dân Miền Trung, các cuộc lên đường của
bà con ngư dân tại Hà Tĩnh, Nghệ An đòi quyền mưu sinh, quyền sống, quyền làm
người… khi các quyền cơ bản này bị tước đoạt bởi giới chức cầm quyền cộng sản.
Ngay trên một trang báo lề đảng
loan tin việc “Nguyễn Văn Hóa nhận tội” đã có ngay bình luận bên dưới “hôm nay
là người tù, ngày mai là anh hùng!”. Nguyễn Văn Hóa – là anh hùng – ngay
hôm nay, không chờ đến ngày mai.
Huyền Trang, GNsP
Nguồn: Theo TMCNN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire