#GNsP (17.06.2017) – Trong cáo trạng của viện kiểm
soát Hà Nam do Phó viện trưởng Vũ Hoài Nam ký ngày 25/5/2017, tại bút lục số
494 đến 638 có đoạn: “Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Thị Nga không thành
khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình mà có thái độ chống đối, bất cần,
không cứ vào bất cứ biên bản nào trong quá trình điều tra, không chấp hành chụp
ảnh, lập danh chỉ bản…”.
Bà Nga bị nhà cầm quyền Hà Nam bắt tạm giam hôm
21.01.2017 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự. Qua 6 tháng điều tra nhưng an ninh vẫn
không khuất phục được ý chí, tinh thần thép của người phụ nữ can trường đấu
tranh cho dân chủ nhân quyền.
Điều gì đã làm nên một phụ nữ gan góc lạ thường đến
như vậy ? Như bao người phụ nữ khác, bà Nga cũng là người vợ, người mẹ của hai
đứa con thơ. Tôi biết bà Nga từ năm 2010, qua những lần tiếp xúc tôi thấy được
sự mạnh mẽ và lòng yêu nước nồng nàn của bà. Mặc dù theo như bà nói chỉ là một
phụ nữ bé nhỏ, nhưng lý tưởng và hành động trên đường dài mới thấy hết sự bền
bỉ và vững chí của bà sung mãn.
Không nhận tội trong quá trình điều tra của an ninh
cộng sản chẳng phải là một điều dễ dàng gì trước những thủ đoạn vô cùng tinh
vi, thậm chí có lúc đê hèn của họ. Tầm vóc một phụ nữ bé nhỏ trong môi trường
tù đày đau khổ cả về tinh thần và vật chất, cộng với sự o bế không chỉ một hai
an ninh điều tra mà là sự đối mặt với cả hệ thống, nên giữ được bản lãnh và sự
bền vững đến sắt đá là điều khó hình dung nổi cho những người chưa từng bị cầm
tù chính trị.
Một tù nhân chính trị không nhận tội trước an ninh
điều tra, trước viện kiểm soát như là thách đố lớn đối với họ, đồng thời với tư
duy quyền lực của cộng sản thì đó quả là đụng chạm đến sĩ diện của hệ thống cầm
quyền. Vị tất, họ sẽ tìm mọi cách để trả thù, từ việc o bế cuộc sống trong tù khiến
tinh thần bấn loạn, bệnh tật phát sinh, không cho thăm gặp thân nhân đến xét xử
với mức án cao nhất.
Năm 2011, tôi bị bắt trong vụ 14 thanh niên Công
giáo và Tin lành. Trong quá trình điều tra đến khi ra tòa, bản thân tôi không
hề khai báo bất cứ điều gì, ký kết vào bất cứ văn bản nào. Vì thế, họ tìm mọi
cách để trả thù tôi. Họ bao che cho tù ở cùng đánh đập , chuyển tôi đến trại
Hỏa Lò giam nơi thâm sơn cùng cốc với những cùng cực đau đớn về thể xác và tinh
thần không kể siết, mà sau đó, ông Phú – Viện kiểm soát tối cao gặp tôi và hỏi
rằng cách mỉa mai: “ mày lên đây ở sướng không?”.
Họ đê hèn và phi nhân tính đến mức Mẹ tôi qua đời
cũng không cho về chịu tang, không được báo tin, mãi hơn một năm sau, trước khi
phiên tòa Phúc thẩm mới được biết tin Mẹ tôi đã qua đời. Lòng tôi đau đớn, thân
xác rã rời tiều tụy, tôi không ăn uống được gì trong suốt hơn 10 ngày, khi ra
tòa Phúc thẩm tôi như người không hồn, vô định.
Bà Nga không nhận tội vì đâu có tội chi mà phải
nhận, đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng bà Nga lại phải nhận những đòn đánh đầy
mưu mô xảo quyệt của hệ thống nhà tù cộng sản. Thể tất, việc bà Nga sẽ bị nhận
một mức án cao đầy bất công trong khung hình phạt là điều dễ hiểu khi đối mặt
với viện kiểm soát và tòa án nơi công đường.
Chúng tôi có tội gì? Một câu hỏi thường trực mà
khiến an ninh cũng bối rối. Khi nào các vị chứng minh chúng tôi buôn gian bán
lận, bán nước cầu vinh, buôn hàng quốc cấm, giết người cướp của, làm trái luân
thường đạo lý đó mới là sự tội. Chúng tôi là những công dân yêu nước, dấn thân,
ghé vai để gánh vác giang sơn này, chúng tôi chống đỡ các trụ cột mục ruỗng
trong ngôi nhà Việt Nam, cớ sao cộng sản lại quy chụp, bắt bớ và cầm tù?.
Bà Nga đang làm điều đó, và bà Nga đáng được tổ
quốc, dân tộc này vinh danh và ghi ơn.
17.6.2017
Paulus Lê Sơn
Paulus Lê Sơn
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire