Dược sĩ Trần Thanh Cảnh
Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn
Minh Hùng (TGĐ VN Pharma) cùng đồng phạm buôn thuốc ung thư giả đã khép lại
nhưng nỗi bức xúc và thắc mắc trong dư luận dường như còn vẹn nguyên.
LTS: Trong diễn biến mới nhất,
sáng nay báo Tuổi Trẻ đăng bài viết với dấu hỏi đanh thép Lãnh đạo VN
Pharma buôn thuốc giả, sao xử tội buôn lậu?
Bài báo dẫn lời luật sư Nguyễn
Văn Chiến - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP
Hà Nội cho rằng: Hành vi của các bị cáo trong vụ án đủ cấu thành tội buôn bán
hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Trước đó một ngày, báo Người Lao
Động đăng bài viết của luật gia Huỳnh Bách, đặt vấn đề tương tự: Vụ VN
Pharma là buôn thuốc giả chứ buôn lậu gì?! Luật sư này viết: "Nếu
bị kết tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, khung hình phạt cao nhất là tử
hình và điều đặc biệt là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản!"
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh
Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định gay gắt cũng trên báo
Người Lao Động: Cục Quản lý dược không thể vô can trong vụ nhập lậu thuốc
điều trị ung thư giả của Công ty CP VN Pharma; Nguyễn Minh Hùng chịu mức án 12
năm tù là quá nhẹ, xử sai tội và sẽ tạo tiền lệ rất bất lợi cho các vụ bán
thuốc giả sau này...
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan |
Như vậy, vấn đề mấu chốt đang
được xã hội quan tâm là: tại sao nhóm bị cáo này chỉ bị kết tội buôn lậu (với
mức án cao nhất là 12 năm dành cho Nguyễn Minh Hùng), và thực sự hành vi của
các bị cáo là buôn thuốc giả hay chỉ là làm giả hồ sơ giấy tờ buôn thuốc không
rõ nguồn gốc?
Dưới đây, chúng tôi xin đăng tải bài
viết của dược sĩ Trần Thanh Cảnh phân tích thế nào là thuốc giả, bản chất hành
vi của nhóm bị cáo, và nỗi lòng của một người trong nghề.
Tòa án xử vụ nhập thuốc chữa ung thư giả của Công ty dược VN Pharma tại
thành phố Hồ Chí Minh. Vì biết tôi là dược sĩ nên nhiều bạn bè hay hỏi, anh
bình luận thế nào về vụ này?
Một người bạn inbox cho tôi: "Với tư cách là dược sĩ anh phải lên
tiếng đi chứ, hơn nữa anh còn là nhà văn. Anh có biết em đã sốc như thế nào khi
đọc tin này không? Anh có biết ba em đã mất vì căn bệnh quái ác này và bây giờ,
em cũng đang mang trong người những mầm mống của căn bệnh này không?"
Tôi biết nói gì khi các đồng nghiệp của tôi đã xâm phạm vào một trong những
điều tối kỵ của đạo đức nghề nghiệp: Buôn bán thuốc giả.
Thế nào là thuốc giả?
Thuốc giả, theo định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới (WHO): "Thuốc giả
là sản phẩm được gắn nhãn hiệu một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính
hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất,
không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".
Còn trong Luật Dược của nước ta cũng nói rất rõ tại điều 2, khoản 33:
"Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau
đây:
a, Không có dược chất, dược liệu.
b, Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn
đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu.
c, Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối
lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không
đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 điều này trong quá trình bảo
quản, lưu thông phân phối.
d, Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn mạo danh nhà sản xuất, nước sản
xuất hoặc nước xuất xứ".
Nguồn gốc xuất xứ của hoạt chất chữa bệnh là vô cùng quan trọng!
Công ty dược VN pharma của Nguyễn Minh Hùng đã nhập thuốc H.Capita 500mg
không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể gọi là hàng trôi nổi trên thị trường về.
Là một người dược sĩ, ai cũng phải hiểu rằng nguồn gốc xuất xứ của hoạt
chất chữa bệnh là vô cùng quan trọng.
Bởi không ai và không có một loại máy móc đủ tinh xảo nào để có thể kiểm
soát hết, trong quá trình tổng hợp ra một hoạt chất chữa bệnh sau hàng bao
nhiêu công đoạn và các phản ứng hóa học, với sự tham gia của hàng chục hàng
trăm loại hóa chất khác nhau, để đảm bảo rằng hàm lượng tạp chất độc hại là
không đáng kể.
Chỉ có các nhà sản xuất tổng hợp các chất gốc ấy người ta mới có thể làm
chủ được quy trình và biết rõ sản phẩm của mình ở độ tinh khiết nào mà thôi!
Tác giả bài viết: Dược sĩ Trần Thanh Cảnh. Ông đã có hơn 30 năm làm việc
trong ngành dược.
|
"Bọn làm thuốc giả tinh vi hơn xưa rất nhiều"
Nhân đây xin lấy một ví dụ để các bạn tiện so sánh: Hoạt chất Paracetamol
dùng làm thuốc hạ nhiệt giảm đau trị cảm cúm, nếu
mua của các nhà sản xuất Châu Âu có uy tín có thể tới hàng chục đô la Mỹ một ki
lô gam. Nếu mua của các nhà sản xuất Trung Quốc hoặc Ấn Độ, chỉ vài đô la Mỹ
một ki lô gam. Nhưng khi đem về Việt Nam kiểm nghiệm thì hai lô hoạt chất đó
đều đạt yêu cầu về mọi mặt.
Thế nhưng chắc chắn một điều là Paracetamol của Châu Âu sẽ có độ tinh khiết
và sinh khả dụng cao hơn của Trung Quốc hay Ấn Độ!
Khái niệm về THUỐC GIẢ không còn như xưa khi đất nước ta trong thời chưa mở
cửa, mọi thứ khó khăn, bọn gian thương nhiều khi mua bột mì về dập thành viên
thuốc bán mà hoàn toàn không có hoạt chất chữa bệnh.
Như đã giới thiệu từ đầu bài là, khái niệm ấy bây giờ đã được điều chỉnh
rất rộng nhằm bảo vệ người bệnh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bây giờ, thuốc
chỉ cần có một vài tiêu chí không đúng với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố là
đã bị coi là thuốc giả.
Ví dụ: Có một hãng dược phẩm rất lớn trên thế giới sản xuất thuốc ở một
nước thuộc thế giới thứ ba, họ công bố rằng sản phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Thế nhưng khi kiểm tra thì thực tế nó chỉ đạt tiêu chuẩn của chính nước sở tại!
Tất nhiên là đem dùng cho người bệnh vẫn tốt, vẫn ok!
Khi bị phát hiện ra, hãng dược khổng lồ trên đã lập tức phải thu hồi, rút
số thuốc đã sản xuất tại nước đó, nếu không sẽ lập tức bị quy tội làm thuốc giả
theo khuyến cáo của WHO!
Bây giờ cái cách mà bọn làm thuốc giả tinh vi hơn xưa rất nhiều. Một trong
những cách chúng hay dùng là mua thuốc của các hãng không tên tuổi rồi làm lại
bao bì giả tên tuổi các hãng dược nổi tiếng.
Hoặc mua hoạt chất từ các nguồn giá rẻ về bào chế thành sản phẩm mang tên
các hãng dược của các nước phát triển. Nói chung là việc làm thuốc giả bây giờ
ít thô thiển như xưa, và thường tập trung vào các thuốc đặc trị, nên thủ đoạn
thì lại ngày càng tinh vi hơn, khó phát hiện hơn...
"Đừng hoang mang quá"
Nhưng các bạn cũng đừng hoang mang quá. Thực ra hệ thống phòng ngừa ngăn
chặn thuốc giả của nước ta khá tốt, lúc nào đó mình sẽ giới thiệu tổ chức bộ
máy và cơ cấu hoạt động này. Thế cho nên thuốc H. Capita 500mg của VN Pharma
nhập về Việt Nam mới bị chặn đứng từ trên Cục Dược mà không tung ra thị trường
được.
Vậy với đại đa số người dân ít có kiến thức về dược thì sao? Lời khuyên ở
đây là khi mua một thứ thuốc gì, bạn hãy mua ở các địa chỉ tin cậy, uy tín!
Hãy mua thuốc ở các địa chỉ tin cậy, uy tín!
|
Nhân đây cũng xin nói đôi lời về câu chuyện bệnh viện bắt tay với công ty
dược. Bác sĩ bắt tay với dược sĩ nhà thuốc. Thì trong ngành y tế, y và dược nó
là hai anh em sinh đôi. Thời gian cách đây chưa xa, tại nước ta và các nước
xung quanh còn chưa phân ra bác sĩ với dược sĩ như hiện nay.
Chỉ một ông lang là kiêm tất từ "Văn vọng vấn thiết" đến
"Sao tẩm hoàn tán kê đơn bốc thuốc". Thế nên cái chuyện bác sĩ thân
với dược sĩ, bệnh viện thân với công ty dược, nó cũng là lẽ người nhà bình
thường.
Bởi nói về mặt phải, cả hai đều là những thành phần không thể thiếu trong
việc trị bệnh cứu người, nên phải phối hợp hỗ trợ với nhau là tất nhiên. Bản
thân tôi hồi còn làm giám đốc một công ty dược cũng luôn phải quán triệt mọi
người trong công ty nguyên tắc, trước hết chúng ta là thầy thuốc sau đó mới là
người kinh doanh nên luôn phải đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết.
Một khi có thiên tai địch họa, dịch bệnh xảy ra thì có bao nhiêu thuốc
trong kho phải lập tức tung ra cho bệnh viện sử dụng đã, tiền nong tính sau.
Thế nhưng dịp gần đây, những biến tướng của mối quan hệ y- dược ngày
càng làm nhức nhối dư luận xã hội, nó làm méo mó thêm cái nhìn về ngành y tế
nói chung. Công ty dược hối lộ các quan chức y tế bệnh viện để được trúng thầu.
Bác sĩ ăn hoa hồng của hãng, của nhà thuốc để kê đơn theo tên biệt dược, chỉ
định mua theo địa chỉ. Còn nhiều chuyện mà kể ra chỉ thêm đau lòng.
Nhiều đêm tôi nằm ngẫm nghĩ, ngành y tế cũng như mọi ngành khác trong xã
hội đang gây bức bối phẫn nộ cho nhân dân như giáo dục, giao thông, tài nguyên
môi trường... Có khi chỉ là hệ quả của một cái gì đó bị sai từ đâu? Có lẽ cần
một cuộc cải tổ từ gốc may ra mới chuyển biến được tất cả.
"Tội buôn bán thuốc giả là rõ ràng"
Trở lại câu chuyện của VN Pharma, những viên thuốc chống ung thư H.Capita
500mg có chứa 97% hoạt chất Capecitabine chữa ung thư uống vào có thể vẫn có
tác dụng nào đó và không gây hại cho bệnh nhân.
Thế nhưng với hành vi mua hàng trôi nổi, làm giả giấy tờ, con dấu của công
ty Helix Canada để qua mắt các cơ quan chức năng, nhằm hợp thức hóa hàng trôi
nổi để bán cho bệnh nhân kiếm lời cao thì rõ ràng không còn gì để bao biện: Tội
buôn bán thuốc giả là rõ ràng - giả nguồn gốc xuất xứ.
Viết đến đây tôi buồn vô hạn, bởi những người vướng vòng lao lý kia hầu hết
là dược sĩ như tôi. Chỉ vì tham tiền mà nhất thời họ đã quên hết cả lương tâm
đạo đức nghề nghiệp.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tiêu đề bài viết và đề mục
trong bài do tòa soạn đặt.
theo Trí Thức Trẻ
Soha
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire