09/10/2017

THÂN PHẬN THƯỜNG DÂN VÀ HÀNH XỬ CÔNG QUYỀN


Bùi Hải

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều. (Ảnh: Viết Dũng)

Có một chi tiết đặc biệt, chưa từng đăng báo, trong vụ hai cô gái trẻ không mang chứng minh nhân dân, bị đưa vào trung tâm xã hội.


Cuối cùng thì vụ hai cô gái trẻ không mang chứng minh bị cưỡng chế vào trung tâm xã hội, đã có một kết thúc đúng: Sau một hồi lý lẽ, chính quyền đã nhận sai và xin lỗi đương sự.

Nhưng đó chưa phải là một kết thúc thực sự có hậu.



Tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết rất nhỏ chưa từng được đăng báo trong vụ việc gây dư chấn lớn này, đó là thái độ của hai cô gái trẻ, sau khi được chính quyền xin lỗi. Dù vụ việc đã khép lại, nhưng nỗi sợ của họ vẫn nguyên vẹn.



Hai cô gái kể với phóng viên của chúng tôi rằng chính quyền đã có hành xử cầu thị, khi ngỏ ý bồi thường. Nhưng hai cô gái đã không nhận, không phải vì họ đã thở phào vượt qua kiếp nạn, mà vì sợ.

Chỉ là nhân viên bán cafe, tuổi còn trẻ, va chạm ít, không có tài sản và gia thế, lẽ dĩ nhiên hai cô gái sẽ ở cái thế rất yếu khi đối diện với bộ máy quyền lực cơ sở.

7 ngày phải sống cùng với những người lang thang, không nơi nương tựa trong Trung tâm xã hội, là 7 ngày bất lực hoàn toàn của hai cô gái trẻ và ngay cả mẹ cô, cho đến khi được báo chí giải cứu.

Dù danh dự và tinh thần bị tổn thất không nhỏ, nhưng nỗi sợ sau này phải va chạm với nhân viên công lực, khiến họ không dám nghĩ đến điều gì khác ngoài chuyện “xin hai chữ bình an”.

Vụ bác sĩ David Đào bị đánh và lôi ra khỏi máy bay của hãng United Airlines, tuy gây xôn xao, nhưng tổn thất của ông Đào chưa chắc đã bằng hai cô gái trẻ.

Khi hai cô gái được thả cũng là lúc mạng xã hội trang ngập những lời đồn đoán hai cô làm gái.

“Chắc có vấn đề thì mới bị thế”; “trông mặt và cách ăn mặc đã thấy nghi nghi…” – không thiếu những lời bình luận ác ý, vô căn cứ, làm tổn thương nặng nề tới hai con người đang ở độ tuổi phơi phới nhất. Thậm chí có trang web đồi trụy còn nhanh tay tung ảnh của hai cô lên, và dĩ nhiên, đính kèm hàng trăm bình luận khiến người tử tế phải đỏ mặt.

Bác sĩ gốc Việt David Đào đã được bồi thường nhiều triệu đô la, còn hai cô gái không dám chấp thuận đề nghị bồi thường, chứ đừng nói đến việc kiện cáo, thậm chí đề nghị khởi tố vụ án như tư vấn của nhiều luật sư tên tuổi.

Yêu cầu duy nhất mà hai cô đưa ra để bảo vệ danh dự cho mình là lời cầu xin “xin mọi người hãy thôi suy nghĩ xấu, đừng làm tổn thương chúng em nữa”.

Sợ trụ sở và sợ đầy tớ

Tại sao khi vị Cục phó mất 385 triệu trong thời gian thanh tra 30 doanh nghiệp, dư luận lại có những đồn đoán khác nhau về khoản tiền?

Vì họ biết các doanh nghiệp cũng luôn phải ở thế yếu khi đối mặt với thanh tra (rất giống hai cô gái kia đối mặt với chính quyền cơ sở), dù cuộc thanh tra đó chỉ là định kỳ và diễn ra nhanh như điện (20 ngày thanh tra 30 doanh nghiệp).

Đã có rất nhiều cải cách để bộ mặt cơ quan công quyền thân thiện hơn; để người dân ít phải chứng kiến bộ mặt khó đăm đăm của đầy tớ: một cửa một dấu, chính phủ điện tử, nụ cười hải quan, công bố đường dây nóng của lãnh đạo, cafe hàng tuần với chủ tịch tỉnh…

Nhưng những nỗ lực ấy là chưa đủ để nỗi sợ của người dân và doanh nhân đối với cơ quan công quyền được giảm thiểu.

Nỗi sợ ấy đến từ nhiều thứ, thậm chí phát ra từ những thứ vô tri như trụ sở làm việc.

Trụ sở là cánh cửa để chính quyền giao tiếp với dân, nhưng những trụ sở nguy nga, đồ sộ, uy quyền trăm tỉ, ngàn tỉ, lại khiến người dân ngại bước vào.

Ở nhiều nước phát triển, chỉ có hành dinh của các tập đoàn tư nhân là hoàng tráng, còn trụ sở công quyền thì ngược lại, giản dị, thân thiện.

Bước qua nỗi sợ trụ sở, người dân còn phải đối diện với bộ mặt uy quyền của một bộ phận không nhỏ công bộc, thậm chí từ người thấp nhất trong bộ máy: bảo vệ.

Trong trạng huống tâm lý ấy, thì bất kỳ yêu cầu, đề nghị chính đáng nào của ông chủ nhân dân với công bộc, cũng dễ chuyển hoá thành nhờ cậy, xin xỏ.

Chính vì vậy, khi Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giương cao ngọn cờ “kiến tạo và phục vụ”, người dân và doanh nghiệp liền nhìn thấy những vận hội mới cho phát triển.

Chính phủ kiến tạo đã làm được rất nhiều việc, từ xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, đến tạo hành lang cơ chế, truyền cảm hứng cho tổ chức, cá nhân phát huy sức mạnh đóng góp cho kinh tế. Nhưng tinh thần ấy, chưa được một bộ phận công bộc chuyển hóa thành thực tiễn, họ vẫn hành xử như “phụ mẫu chi dân”.

Chỉ khi xóa bỏ được nỗi sợ của người dân, của doanh nghiệp lúc phải đối mặt với công bộc – công quyền, thì công cuộc phục vụ và kiến tạo, mới có thể thành công trọn vẹn.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire