04/10/2017

Thêm chục ngàn người Rohingya chuẩn bị chạy sang Bangladesh


RFA

Người tị nạn Hồi giáo Rohingya hoàn tất thủ tục đăng ký ở trung tâm đăng ký sau khi qua biên giới Myanmar ở Teknaf, Bangladesh hôm 2/10/2017.
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.pngAFP

Hơn 10.000 người Hồi giáo Rohingya đang dồn về một điểm biên giới giữa Myanmar và Bangladesh vì những lo ngại về thiếu thực phẩm và những cuộc tấn công nhắm vào nơi ở của họ ở Myanmar. Tờ Global New Light of Myanmar (Ánh sáng mới Toàn cầu của Myanmar) loan tin này hôm 3 tháng 10.



Hiện đã có hơn 500.000 người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh chỉ tính trong vòng 5 tuần qua kể từ khi chiến sự nổ ra giữa quân đội chính phủ và quân du kích Rohingya ở bang Rakhine, miền Bắc Myanmar.
Liên Hiệp quốc gọi những cuộc tấn công vào người Rohingya ở Rakhine do quân đội Myanmar tiến hành là một cuộc thanh lọc sắc tộc.
Chính pủ Myanmar từ trước đến nay vẫn từ chối không thừa nhận người Rohingya là một nhóm sắc tộc của Myanmar mà gọi họ là Hồi Giáo hoặc người Bengali, ý nói họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.
Theo tờ Ánh sáng mới Toàn cầu, giới chức Myanmar hiện đang cố gắng thuyết phục những người Rohingaya rằng bang Rakhine giờ đã an toàn nhưng những người này vẫn muốn bỏ đi.
Theo AFP, những người ở lại Rakhine đang phải đối mặt với việc thiếu thực phẩm. Dân làng sợ không dám chăm sóc hoa màu vì sợ bị tấn công. Ở một số nơi, khi người trưởng làng Rohingya quyết định ra đi thì cả xóm cũng đi theo chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.
Hôm thứ hai 2/10, Bangladesh và Myanmar đã đồng ý sẽ thực hiện một kế hoạch hồi hương cho những người Rohingya từ Bangladesh về Myanmar với điều kiện những người này phải có giấy tờ chứng minh họ được phép ở Myanmar, căn cứ theo thỏa thuận giữa hai nước có từ hồi đầu những năm 1990.
Theo thỏa thuận này, khoảng gần 250.000 người Rohingya được hồi hương từ Bangladesh về Myanmar trong giai đoạn từ đầu những năm 1990 đến 2005.
Tuy nhiên theo giới chức Bangladesh việc hồi hương những người Rohingya sẽ vẫn có những vấn đề vì chính phủ Myanmar chỉ nhận lại những người đến Bangladesh sau tháng 10/2016 khi chiến sự nổ ra giữa quân đội và quân nổi dậy Rohingya khiến 87.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh. Như vậy là vẫn còn khoảng 300.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh trước đó sẽ không nằm trong diện được hồi hương.
Các tổ chức nhân quyền và người tị nạn cho rằng với đòi hỏi xác minh giấy tờ cho người Rohingya, chính phủ Myanmar đang muốn để một số lớn người Rohingya ở trong các trại tị nạn đang trong tình trạng tồi tệ ở Bangladesh, bởi vì phần lớn người Rohingya không có các giấy tờ này.
Trong khi đó, hôm 2/10, giới chức Myanmar đã cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài và đại diện Liên Hiệp Quốc đến thăm bang Rakhine.
Ông Ye Htut, người đứng đầu quận Maungdaw ở bang Rakhine cho biết ba nhóm các nhà ngoại giao đã được dẫn đi thăm 3 khu vực khác nhau. Tuy nhiên ông này không cho biết chi tiết về quốc tịch của những nhà ngoại giao này.
Giới chức địa phương cho biết chuyến thăm của các nhà ngoại giao sẽ bao gồm những cuộc gặp với họ hàng của những nạn nhân đã bị giết hại bởi phiến quân trong một vụ bạo lực chống lại người thiểu số Hindu, Mro và Daignets ở thị trấn Maungdaw. Vào buổi sáng hôm thứ hai, các nhà ngoại giao đã được dẫn đến làng Anaut Pyin nơi có cộng đồng người Hồi giáo Rohingya đang sinh sống.
Myanmar thời gian qua đang phải chịu những chỉ trích của quốc tế về việc ngăn cản các nhóm trợ giúp và nhà báo đến khu vực bang Rakhine nơi có chiến sự để kiểm tra tình hình thực tế. Một chuyến thăm dành cho các nhà ngoại giao dự định diễn ra hồi tuần trước đã bị hủy bỏ đột ngột.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire