08/10/2017

Tòa không cho khai việc ‘chạy’ ĐBQH là sai luật


Việc không cho luật sư hỏi, không cho bị cáo khai báo về hành vi “chạy” ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga là xử cắt khúc, tước bỏ quyền khai báo, mất cơ hội làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trong quá trình xét hỏi vụ cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt 350 tỉ đồng, HĐXX đã cắt nội dung xét hỏi của luật sư (LS) và không cho bị cáo khai báo về hành vi chi 30 tỉ đồng để chạy ĐBQH. Lý do tòa đưa ra là nội dung không thuộc phạm vi của vụ án.

Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga tại tòa. Ảnh: T.NGUYỆT



Chuyên gia pháp lý nói gì về việc này?


LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm đoàn LS tỉnh Khánh Hòa: Tòa tự giới hạn mình

Tôi cho rằng tòa án đã tự giới hạn quyền tư pháp của mình khi xét xử trong vụ án đặc biệt quan trọng này, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội về hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng (đưa và nhận hối lộ). Vì chính cáo trạng thể hiện nội dung bà Nga đã có lời khai tại cơ quan điều tra là trong 157 tỉ đồng nói trên, bà đã chi 47,5 tỉ đồng để “chạy” dự án và ứng cử ĐBQH.

Kết luận điều tra thì quy kết bà đã chi 1,5 triệu USD (tương đương khoảng 30 tỉ đồng) để “chạy” làm ĐBQH. Trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án này đã thể hiện còn có dấu hiệu về tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng và chưa có quyết định khởi tố vụ án.

Nhưng các cơ quan tố tụng hiện nay (theo báo nêu) cho rằng “thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra đã ra quyết định tách hành vi này để điều tra và xử lý ở giai đoạn 2 của vụ án” là không đúng.

Bởi luật tố tụng không có quy định tách hành vi xử lý sau, luật chỉ quy định tách hoặc nhập vụ án đã khởi tố. Việc không cho luật sư hỏi, không cho bị cáo khai báo về hành vi “chạy” là xử cắt khúc, tước bỏ quyền khai báo, mất cơ hội làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Nói cách khác, HĐXX đã vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, vi phạm nguyên tắc tranh tụng khi xét xử.

Nếu công khai, dân chủ, minh bạch trong xét xử, HĐXX phải để bị cáo khai báo, cung cấp tài liệu chứng cứ có liên quan đến hành vi đang bị truy tố, xét xử hoặc tạo điều kiện để bị cáo tự thú, đầu thú về hành vi phạm tội khác chưa bị phát hiện, khởi tố.

Nếu có căn cứ, HĐXX hoàn toàn có thẩm quyền quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc quyết định khởi tố vụ án về hành vi tham nhũng để xử lý nghiêm minh. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho bị cáo khi họ ăn năn hối cải, tự nguyên khai báo.

Việc xử cắt khúc như vậy cho thấy tòa án chưa thực hiện hết quyền tư pháp mà Hiến pháp và BLTTHS đã trao quyền bảo vệ công lý.



LS NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn LS TP Cần Thơ: Không đúng tinh thần cải cách tư pháp

Theo tôi, việc chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo Nga để không được khai hoặc hạn chế nội dung khai báo có liên quan đến số tiền 1,5 triệu USD “chạy” vào ĐBQH tại phiên tòa xét xử công khai là chưa ổn. Bởi vì số tiền này là một phần tiền nằm trong tổng giá trị 348 tỉ mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Có hai trường hợp có thể xảy ra.

Thứ nhất, cơ quan tiến hành tố tụng đã có quyết định khởi tố vụ án, nội dung có liên quan đến khoản tiền 1,5 triệu USD, thì việc tòa án hạn chế nội dung khai báo tại tòa là phù hợp. Vì nếu khai báo tại phiên tòa xét xử công khai sẽ ảnh hưởng đến bí mật điều tra và sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra, được quy định tại Điều 214 BLTTHS năm 2003 (quy định không được tiết lộ bí mật điều tra).

Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng chưa có quyết định khởi tố vụ án, nội dung có liên quan đến khoản tiền 1,5 triệu USD mà thẩm phán hạn chế hoặc không cho bị cáo khai báo là chưa đúng. Trong khi tôi được biết, hiện nay chưa có quyết định khởi tố.

Tòa án cần làm rõ số tiền bị cáo đã chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì để khắc phục trả cho bị hại là cần thiết, trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật; triệu tập thêm người tham gia tố tụng (nhận 1,5 triệu từ việc phạm tội mà có) để làm rõ.

Ngoài ra cần làm rõ đối với số tiền 1,5 triệu USD, nếu có đủ căn cứ việc đưa và nhận hối lộ thì tòa án có quyền khởi tố vụ án được quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2003.

Việc HĐXX hạn chế nội dung hỏi của LS và nội dung trả lời của bị cáo là vi phạm tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị Quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 đã đưa ra, ảnh hưởng không tốt đến dư luận đối với vấn đề có tính thời sự.


T. TÙNG ghi


Nguồn: Plo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire