Tô Văn
Trường : Khi đã thành án, tù nhân trong
nhà tù do ngành tư pháp quản lý chỉ mất quyền công dân, không mất
quyền con người. Họ được cải tạo để sớm hoàn lương, chứ không phải
“tôi luyện” để trở nên hung ác, tàn bạo hơn sau khi ra tù. Các công an
viên không thể đến trại giam để dùng nhục hình, bức cung, buộc họ
nhận thêm tội này hay tội khác với lời hứa suông “sẽ được giảm án”.
TS Tô Văn Trường và bức kí họa do Trần Nhương vẽ |
Nhân ngày Luật Sư Việt Nam 10/10/2017
Tôi là con út trong một gia đình có 4 anh, chị
em. Chị gái trên tôi lớn hơn tôi tới 7 tuổi. Trên chị gái tôi là 2
người anh trai. Như vậy là ba mẹ tôi đã “có nếp, có tẻ”, nên lẽ ra
tôi đã không có mặt trên đời. Rồi ba mẹ tôi lại muốn có 1 bé gái
nữa, cho đủ 2 trai, 2 gái. Không ngờ người con út của ba mẹ tôi lại
là cái thằng tôi.
Vì thế, tuy đã 3-4 tuổi (vào khoảng năm
1948-1949), ba mẹ tôi vẫn cho tôi mặc đồ bé gái, với mái tóc dài,
quăn lượn sóng, bóng mượt và khuôn mặt bầu bĩnh. Cứ đến chợ phiên ở
làng (thuộc vùng tự do, tôi không nhớ rõ tên) mấy anh tù thường phạm
được phép ra chợ chơi và mua ít đồ, lại bế tôi theo.
Họ đố mọi người “bé này trai hay gái?”.
Kẻ bảo tôi là bé gái, thua cuộc, phải mời mọi
người thắng cuộc, bảo tôi là bé trai, 01 bát (tô) phở.
Và dĩ nhiên, mấy anh tù thường phạm này với tư
cách là “nhà cái”, luôn thắng cuộc, nên được ăn phở miễn phí!
Ấy là cái thời bộ tư pháp quản lý trại giam
tù nhân. Lúc đó, ba tôi là giám đốc tư pháp khu 10 (gồm các tỉnh
Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang) nên là cấp
trên phụ trách mấy vị quản lý trại giam. Vì thế mấy anh tù thường
phạm, không gây nguy hiểm cho xã hội, mới đóng được vai “nhà cái”
trong cuộc cá độ “bé gái hay trai”.
Khi đã thành án, tù nhân trong
nhà tù do ngành tư pháp quản lý chỉ mất quyền công dân, không mất
quyền con người. Họ được cải tạo để sớm hoàn lương, chứ không phải
“tôi luyện” để trở nên hung ác, tàn bạo hơn sau khi ra tù. Các công an
viên không thể đến trại giam để dùng nhục hình, bức cung, buộc họ
nhận thêm tội này hay tội khác với lời hứa suông “sẽ được giảm án”.
Mặt khác, do trại giam thuộc
quyền quản lý của ngành tư pháp, nên công an viên muốn bắt người,
buộc phải làm đúng thủ tục pháp lý theo luật tố tụng hình sự. Nếu
tùy tiện bắt giam người, trại giam sẽ không nhận kẻ bị công an viên
bắt. Trong thời gian tạm giam, công an viên đến nhà tù để xét hỏi,
lập hồ sơ truy tố, không thể mớm cung hay dùng nhục hình buộc tội
nghi phạm nhận tội theo ý mình, để lập thành tích “phá án nhanh”.
Hết hạn tù theo bản án đã tuyên của tòa, hay hết thời hạn tạm giam
theo luật định, trại giam đương nhiên trả tự do cho tù nhân, không cần
có quyết định của bất kỳ ai.
Nhưng Bộ tư pháp đã bị giải
thể năm 1960, người ta giao cho Bộ Công an quản lý trại giam. Từ đó đã
xảy ra nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ ép cung, dùng nhục hình đối với
kẻ bị nghi phạm tội, để lập “thành tích phá án nhanh” hoặc buộc
phạm nhân đã thành án phải nhận thêm tội này hay tội khác…, nhiều
người dân bị chết trong đồn công an… Tình trạng này đã được các
phương tiện thông tin đại chúng loan truyền rộng rãi trong thời gian
qua, gây bức xúc, bất bình, phẫn nộ trong xã hội. Thế mà, người ta
vẫn cứ hô hào cải cách tư pháp để xây dựng “nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa”.
Thật ra, có những điều rất đơn
giản, hiển nhiên đã được thực thi rộng rãi trên thế giới, và ở Việt
Nam từ trước năm 1960, không liên quan gì đến ý thức hệ, đến chủ
nghĩa Mác-Lênin, đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn ngừa sự lạm
quyền của những người thi hành công vụ trong việc bắt người, điều tra
xét hỏi, và xử án, thi hành án… Những quy định ngăn chặn lạm quyền
này dựa trên cơ sở quản trị học, chứ chưa phải dựa trên lý thuyết
tạm quyền phân lập.
1. Kế toán viên không thể kiêm
nhiệm thủ quỹ, thủ kho.
Ai cũng biết trong một tổ chức, nhất là tổ
chức có nhiều chủ thể sở hữu, kế toán viên không được kiêm nhiệm
thủ kho, thủ quỹ. Quản trị học đã chỉ ra rằng, kế toán viên là
người làm thủ tục “xuất, nhập” tiền và vật tư, nếu kiêm nhiệm thủ
quỹ, thủ kho, dễ dẫn đến việc tham ô, xuất nhập tiền, vật tư sai quy
định của pháp luật và tổ chức đó.
Điều này ai cũng biết. Tương
tự, trong tư pháp, nếu công an viên là người làm thủ tục và thực thi
việc bắt giam, điều tra, xét hỏi kẻ bị họ nghi là có tội (hành vi
này tương tự như kế toán viên làm thủ tục “xuất, nhập” tiền và vật
tư), lại trực tiếp quản lý trại giam cả trong giai đoạn chưa thành án
và giai đoạn sau thành án (tương tự như thủ kho, thủ quỹ), thì việc
oan sai và dùng nhục hình trong điều tra xét hỏi và cả trong giai
đoạn thi hành án (sau khi bản án do toàn án tuyên có hiệu lực) là
dễ xảy ra như ta đã thấy.
Vì vậy, trại giam phải luôn do
ngành tư pháp quản lý. Người quản lý trại giam thuộc bộ hay sở tư
pháp đương nhiên sẽ phải quản lý cả kẻ bị nghi có tội và phạm nhân
theo theo luật và quy chế của trại giam. Công an viên điều tra, xét hỏi
kẻ bị nghi có tội đến xét hỏi ở trại giam dưới sự giám sát, thực
thi quy chế quản lý của người quản lý trại giam thuộc ngành tư pháp.
Họ không bao giờ để cho công an viên điều tra dùng nhục hình ép cung
kẻ bị nghi có tội. Sau khi thành án, người quản lý trại giam không
bao giờ lại ép tù nhân phải nhận thêm tội này hay tội khác. Tội của
họ chỉ duy nhất có trong bản án có hiệu lực pháp lý do tòa án
tuyên.
Tôi còn nhớ năm 1976, tòa của
Hà Nội xử ông Tạ Đình Đề. Bà Phùng Lê Trân chủ tọa phiên tòa đã
hỏi ông Đề (đại ý): sao trong tù anh đã khai nhận tội, nay lại phản
cung, bác lại tất cả lời khai trước đây đã ghi trong hồ sơ vụ án.
Ông Đề đã điềm tĩnh trả lời
dõng dạc: Thử hỏi, nếu tôi không nhận hết tội theo ý điều tra viên
thì liệu có phiên tòa hôm nay không? Mà theo luật, lời khai trước tòa
có giá trị pháp lý cao hơn lời khai trong trại giam. Việc dùng nhục
hình bức cung đã xảy ra phổ biến từ khi trại giam do bộ công an quản
lý.
Hiện nay, có người đề xuất giao
lại trại giam cho bộ tư pháp quản lý, nhưng không được chấp nhận với
lý do là bộ tư pháp không có đủ bộ máy nhân sự để quản lý trại
giam (?). Thử hỏi, thời kháng chiến chống Pháp, nhà nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa mới được hình thành, tại sao bộ tư pháp đã quản lý
trại giam tốt như vậy, cải tạo tù nhân, chứ không biến họ thành kẻ
căm thù đời, trả thù đời.
Ở các nước phát triển, nhà tù
còn do tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Chính phủ hay tòa án đã
thuê các nhà tù tư nhân giam giữ, cải tạo tù nhân, làm giảm gánh nặng
cho ngân sách và bộ máy nhà nước. Bây giờ, điều đó người ta gọi
bằng mỹ từ “xã hội hóa”, thay vì “tư nhân hóa” các hoạt động của
xã hội dân sự dưới sự quản lý của nhà nước pháp quyền.
2. Tòa án được thiết lập theo
vùng.
Để tránh sự can thiệp của cơ
quan hành pháp (chính quyền các cấp huyện, tỉnh), người ta thành lập
tòa án 3 cấp theo vùng, không theo đơn vị hành chính. Tùy theo qui mô
dân số và yếu tố địa lí, giao thông, các tòa án sơ thẩm liên huyện,
phúc thẩm liên tỉnh được thiết lập. Và bên cạnh mỗi tòa án là viện
công tố chứ không phải là viện kiểm sát vừa đóng vai trò công tố
(buộc tội) vừa đóng vai trò kiểm tra hoạt động tư pháp theo kiểu “vừa
đá bóng, vừa thổi còi”.
3. Thẩm phán do chủ tịch nước
bổ nhiệm, nhưng không theo nhiệm kì quốc hội hay chủ tịch nước. Chế
độ thẩm phán suốt đời đảm bảo tính độc lập xét xử của họ. Họ
chỉ bị bãi nhiệm khi không còn đủ sức khỏe hay phạm tội do một tòa
án riêng xét xử.
4. Việc bồi dưỡng thường xuyên
để nâng cao năng lực của thẩm phán do ngành tư pháp đảm nhiệm, nhất
là bồi dưỡng theo phương pháp tình huống (case study), phân tích đánh
giá các án lệ… Trong thời gian làm giám đốc tư pháp khu 10, ba tôi đã
rất tích cực va thành công trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực của
thẩm phán các tòa án trong khu 10. Rất tiếc là sau cuộc tranh luận
với ông Quang Đạm trên báo Sự thật về vai trò độc lập của tư
pháp, ba tôi đã không còn giữ chức giám đốc tư pháp khu 10 nữa.
5. Để thật sự chống dùng nhục
hình ép cung, việc xét hỏi, lập hồ sơ vụ án của điều tra viên phải
được thực hiện khi có luật sư; biên bản lấy cung phải có chữ kí của
luật sư sẽ mới có giá trị pháp lý. Ước muốn này có “xa xỉ” quá
không?!
Tất cả các qui định trên đây
thật đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và đã thực hiện ở nước ta từ
trước năm 1960. Nhưng không hiểu vì sao, những nhà cải cách tư pháp
hiện nay vẫn chưa “ngộ”. Những điều này còn chưa được chấp nhận trong
cải cách tư pháp, sửa đổi luật tố tụng hình sự, thì quyền được im
lặng của người bị nghi có tội khó có thể được Bộ Công an và Quốc
hội chấp thuận. Bao giờ nguyên tắc “ sót còn hơn sai”, “suy đoán vô tội”
sẽ được tôn trọng , từ khâu khởi tố, bắt tạm giam, điều tra xét hỏi,
xử án, tuyên án, giam giữ phạm nhân???.
Bao giờ có sự tranh luận bình
đẳng giữa công tố viên buộc tội và luật sư bào chữa gỡ tội? Và bao
giờ kết quả tranh luận này là cơ sở quan trọng nhất để tòa án tuyên
án??? Bao giờ cho đến ngày xưa, cái thời tôi bị làm “vật cá độ”
ấy??
Khó lắm thay.Tại cái nước mình
nó thế!
11/2014
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire